Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Bài phát biểu nhân dịp 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Joe Biden
Sáng ngày 29/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ.
Những điểm đáng chú ý bao gồm:
- Tổng thống Mỹ khẳng định "Nước Mỹ đã sẵn sàng cất cánh" sau những thách thức vừa qua, Mỹ “một lần nữa đang tiến lên, biến nguy cơ thành khả năng, biến khủng hoảng thành cơ hội và biến thất bại thành sức mạnh".
- Cung cấp hơn 220 triệu liều vaccine trong 100 ngày, vượt chỉ tiêu 200 triệu liều mà ông Biden đặt ra sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
- Về quan hệ với Nga, ông Biden đã trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và khẳng định không muốn làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
- Đối với Trung Quốc, Mỹ cam kết sẽ đối phó với những thách thức từ Trung Quốc trong khu vực, phản đối những nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và ủng hộ những lựa chọn ngoại giao. Tổng thống Biden cho biết đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nhấn mạnh Mỹ "hoan nghênh cạnh tranh song không tìm kiếm xung đột".
- Ông Biden còn gọi Iran và Triều Tiên là 2 mối đe dọa, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đối phó thông qua ngoại giao và ngăn chặn cứng rắn. (Reuters/AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ: Khi tình sắp cạn và lợi dần vơi |
Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ áp đặt dân chủ
Ngày 29/4, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về việc áp đặt những ý tưởng dân chủ của nước này, đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt thương mại và những động thái quân sự ở sân sau của Bắc Kinh, chỉ vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về những ưu tiên địa chính trị của cường quốc hàng đầu thế giới.
Những tuyên bố này được đưa ra sau bài phát biểu đầu tiên của ông Biden tại Quốc hội, tại đó nhà lãnh đạo Mỹ đề cập tới trọng tâm mới về ngoại giao và cho rằng Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để chiến thắng trong thế kỷ 21.
Khi được hỏi về bài phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trong một số lĩnh vực là điều rất bình thường. Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 29/4, nhà ngoại giao này nêu rõ: "Nhưng kiểu cạnh tranh này nên là một đường đua chứ không phải là một cuộc quyết đấu sinh tử". (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ theo dõi sát sao thỏa thuận thương mại với Trung Quốc |
Nga sắp công bố danh sách ‘quốc gia không thân thiện’
Ngày 28/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ sớm công bố danh sách các nước có hành động thiếu thiện chí với Nga và những quốc gia này sẽ bị cấm thuê công dân Nga làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của họ.
"Chúng tôi đang tổng hợp danh sách này. Việc thông báo cụ thể những nước có hành động không thân thiện với Nga sẽ không còn kéo dài” - ông Lavrov nói.
Theo Điện Kremlin, Chính phủ Nga nên "xác định danh sách các quốc gia nước ngoài không thiện chí, theo đó sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả được thiết lập theo sắc lệnh này”. Sắc lệnh được áp dụng kể từ ngày được công bố chính thức và có hiệu lực cho tới khi các biện pháp đáp trả được hủy bỏ. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng tiếp diễn, Nga trục xuất 'liên hoàn' 7 nhà ngoại giao của nhiều nước |
Mỹ từ chối thiết lập lại quan hệ song phương với Nga
Tại một cuộc phỏng vấn vừa diễn ra trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay, Moscow muốn ổn định lại quan hệ song phương với Mỹ thay vì tình trạng leo thang căng thẳng như hiện nay.
"Nếu điều đó chỉ phụ thuộc vào chúng tôi, chúng tôi sẽ quay trở lại quan hệ bình thường. Chúng tôi đã đề xuất điều này với chính quyền của Tổng thống Biden ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức và lên nắm quyền. Tôi cũng trao đổi điều này với Ngoại trưởng Mỹ”, ông Lavrov nói.
Theo đó, bước đi đầu tiên sẽ là hủy bỏ việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Washington và các nhà ngoại giao Mỹ khỏi Moscow.
"Tôi rất hy vọng rằng, Washington, cũng như chúng tôi, nhận ra trách nhiệm đối với sự ổn định trên thế giới. Hiện không chỉ có những vấn đề giữa Nga và Mỹ làm phức tạp cuộc sống của các công dân chúng ta… mà còn có những bất đồng khiến an ninh quốc tế gặp rủi ro nghiêm trọng, theo nghĩa rộng nhất của cụm từ này", ông Lavrov nhấn mạnh. (RT)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin sẽ thảo luận về vấn đề gì? |
EU cáo buộc Nga và Trung Quốc reo rắc tin giả về vaccine Covid-19
Theo một báo cáo của châu Âu hôm 28/4, truyền thông Nga và Trung Quốc đang hành động một cách có hệ thống nhằm gieo rắc sự ngờ vực về các vaccine Covid-19 của phương Tây trong các chiến dịch thông tin sai lệch mới nhất của họ hòng chia rẽ phương Tây.
Nghiên cứu do đơn vị phụ trách tin giả của Liên minh châu Âu (EU)- một bộ phận của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) công bố.
Báo cáo cho thấy từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, các phương tiện truyền thông nhà nước của hai quốc gia này đã đẩy mạnh các tin giả lên mạng bằng nhiều ngôn ngữ, gây lo ngại về an toàn vaccine, đưa ra các liên kết vô căn cứ giữa vaccine và các ca tử vong ở châu Âu và quảng bá cho vaccine của Nga và Trung Quốc là sản phẩm vượt trội.
Điện Kremlin và Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc của EU. EU đã tiến hành các báo cáo thường xuyên và tìm cách làm việc với Google, Facebook, Twitter và Microsoft để hạn chế việc phát tán tin giả. (Reuters/AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Trung Quốc ‘so găng’ sản xuất vaccine ngừa Covid-19: Kẻ tám lạng, người nửa cân |
Châu Âu thông qua thỏa thuận Brexit
Ngày 28/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp ước thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận cho phép 2 bên tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại không hạn ngạch và không thuế quan.
Các nhà lãnh đạo Anh, Liên minh châu Âu (EU) và doanh nghiệp châu Âu hy vọng bước phê chuẩn cuối cùng văn kiện sẽ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới, dù vẫn còn nhiều chủ đề gây chia rẽ giữa các đối tác cũ.
Phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu đánh dấu bước cuối cùng trong hành trình dài nhằm mang lại sự ổn định cho mối quan hệ mới của Anh với EU, với tư cách là những đối tác thương mại, đồng minh thân thiết và bình đẳng chủ quyền.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gọi đây là sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận. (Guardian)
TIN LIÊN QUAN | |
Liệu quan hệ Mỹ-EU có cải thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden? |
Mỹ có thể dỡ rào cản với Iran
Theo Sputnik, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét khả năng dỡ bỏ gần như hoàn toàn một số biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Iran để đưa nước này trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).
Các quan chức Mỹ không cho biết chính xác lệnh trừng phạt nào có thể được dỡ bỏ, song tiết lộ đây là các lệnh trừng phạt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, khủng bố, phát triển tên lửa và nhân quyền. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Iran nói về 'âm mưu' đằng sau vụ rò rỉ bí mật |
Iran nói đàm phán thỏa thuận hạt nhân tiến triển tốt đẹp
Ngày 29/4, Chánh Văn phòng tổng thống Iran Mahmoud Vaezi cho biết "những bước đi rất tốt" đã được thực hiện tại cuộc họp đang diễn ra nhằm khôi phục cuộc đàm phán hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), tại thủ đô Vienna của Áo.
Ông Vaezi nói: "Bất chấp cuộc thảo luận phức tạp này, những gì đã làm được cho đến ngày hôm nay mang tính đầy hứa hẹn, và các bước rất tốt đã được thực hiện cho đến nay". Theo ông, trong khuôn khổ các nguyên tắc của Iran, các bên đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng. (IRNA)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ tàu Iran khiêu khích tàu Mỹ: Washington thận trọng, cố gắng tránh những tính toán sai lầm |
Philippines khẳng định tiếp tục tuần tra Biển Đông
Tối 28/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ không rút các tàu chiến và tàu cảnh sát biển đang tuần tra ở Biển Đông.
Theo Tổng thống Duterte, mặc dù Philippines mang ơn "người bạn tốt" Trung Quốc nhiều thứ, trong đó có vaccine Covid-19 miễn phí, nhưng tuyên bố của Philippines đối với Biển Đông là "không thể mặc cả".
Ông Duterte khẳng định: "Tôi sẽ nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn rắc rối, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu các ngài bảo chúng tôi rời đi thì câu trả lời là không. Có những điều thực sự không thể thỏa hiệp, như việc chúng tôi rút tàu. Điều đó rất khó. Tôi mong họ sẽ hiểu, tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình".
TIN LIÊN QUAN | |
Foreign Policy cung cấp hành tung của tàu cá Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, chỉ ra chiến thuật 'cải bắp' trên Biển Đông |
Trung Quốc: Quan hệ với Australia xấu đi là lỗi của Canberra
Trong bài phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Doanh nghiệp Australia - Trung Quốc ngày 29/4, Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp cho rằng Australia là nguyên nhân khiến quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi.
Trong bài phát biểu được tờ Thời báo Tài chính Australia trích dẫn, Đại sứ Trung Quốc tại Australia cho rằng nước này chưa bao giờ đưa ra bất kỳ hành động khiêu khích nào mà trên thực tế Australia đang thay đổi nhận thức về Trung Quốc.
Ông Thành Cạnh Nghiệp cáo buộc chính Australia chứ không phải Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động cưỡng bức kinh tế. Australia đang gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc khi áp dụng cách tiếp cận phân biệt đối xử đối với các đầu tư của nước này bao gồm cấm công ty Huawei tham gia phát triển mạng 5G và gần đây nhất là hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến 'Vành đai Con đường' (BRI) của bang Victoria với Trung Quốc. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Hứng chịu mức thuế 'khủng', xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc giảm kỷ lục |
2 căn cứ không quân Myanmar bị tấn công, 6 quân nhân thiệt mạng
Ngày 29/4, truyền thông và một nhân chứng cho biết, những kẻ tấn công chưa rõ danh tính đã tiến hành các vụ tấn công nhằm vào hai căn cứ không quân Myanmar.
Trên trang mạng Facebook, hãng tin Delta cho hay, trong cuộc tấn công đầu tiên, 3 vụ nổ đã xảy ra tại một căn cứ không quân gần thị trấn Magway.
Sau đó, phóng viên hiện trường Than Win Hlaing lại cho biết, 5 quả rocket đã được bắn vào căn cứ không quân chính của Myanmar tại Meiktila, phía Đông Bắc Magway. (Reuters)