Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp nhận định về xung đột Nga-Ukraine tại diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/10. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga sẵn sàng đàm phán về hậu xung đột với Ukraine: Ngày 30/10, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, sự kiện ngoại giao quân sự thường niên lớn nhất của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, nước này sẵn sàng đàm phán về giải pháp hậu xung đột với Ukraine. Moscow cũng sẵn sàng đàm phán về “cùng chung sống” với phương Tây. (Reuters)
* Ukraine tấn công phòng không Nga ở Crimea: Ngày 30/10, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã “tấn công thành công” một phần phòng không Nga ở bán đảo Crimea đêm qua. Đơn vị thông tin chiến lược của VSU nêu rõ: “Lực lượng vũ trang (của Kiev) đã tấn công thành công mục tiêu chiến lược của hệ thống phòng không bờ biển phía Tây bán đảo Crimea do Nga kiểm soát”. (AFP)
* VSU ngừng phản công theo ba hướng: Ngày 30/10, chuyên gia Ukraine, Đại tá về hưu Sergei Kivlyuk cho rằng, Ukraine đã ngừng cuộc phản công theo ba hướng. Theo đó, VSU đã ngừng cuộc phản công hướng tới Biển Azov, sau đó sẽ ngừng ở Kupyansky và Avdiivka.
Nguyên nhân chính là do thiếu hụt “lớn” về nhân lực, xe bọc thép và đạn dược. Kiev cũng thiếu máy bay chiến đấu cần thiết để thực hiện các hoạt động tấn công.
Trước đó một ngày, Tổng tư lệnh VSU, Tướng Valerii Zaluzhny chủ trương dừng hoàn toàn hoạt động phản công của VSU, chuyển sang phòng ngự để chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công mới vào mùa Xuân năm tới.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky đã phản đối quan điểm này, yêu cầu tiếp tục tấn công. (Kiev Independent)
* Trung Quốc ủng hộ giải pháp chính trị cho xung đột Nga-Ukraine: Ngày 30/10, phát biểu Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 ở Bắc Kinh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp tuyên bố: “Chúng tôi duy trì quan điểm khách quan và công bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine và ủng hộ giải pháp chính trị cho xung đột này”. (TASS)
Israel-Hamas
* Israel tấn công hơn 600 mục tiêu tại Gaza, phóng tên lửa trả đũa Syria: Ngày 30/10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã tấn công hơn 600 mục tiêu tại dải Gaza trong 24 giờ qua. Đây được coi là một trong những đợt ném bom ác liệt nhất kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas ngày 7/10 vừa qua.
Cùng ngày, xe tăng Israel đã tiến sát vào thành phố Gaza, cắt đứt tuyến đường huyết mạch Salahedin kết nối Bắc-Nam dải Gaza. Các nhân chứng cho biết, nhiều xe tăng của Israel đã xuất hiện tại quận Zaytun ở phía Tây Nam thành phố Gaza, bắn vào các phương tiện xung quanh.
Những ngày gần đây, Israel đã đẩy mạnh chiến dịch tấn công trên bộ để đáp trả cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, đồng thời cam kết sẽ lật đổ phong trào Hồi giáo đang quản lý dải Gaza.
Trong một tin liên quan, trước đó, ngày 29/10, Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận, IDF đã tấn công tên lửa vào vùng nông thôn Daraa, nơi bắt nguồn vụ tấn công tên lửa Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Hiện chưa có thông tin cụ thể về thiệt hại do đợt tấn công trên. (AFP, Tân hoa xã)
* IDF đang tiến dần “theo đúng kế hoạch": Ngày 30/10, phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn tướng Daniel Hagari cho biết, các đơn vị quân đội của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza đang tiến dần về phía trước theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo đó, trong đêm 29/10, IDF đã tiêu diệt hàng chục tay súng ở Gaza. Tuy nhiên, Chuẩn tướng Daniel Hagari không xác nhận địa điểm cụ thể của các lực lượng trên bộ Israel tại Gaza sau khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh cho thấy nhiều xe tăng Israel có vẻ như đang di chuyển trên con đường chính của dải đất này.
Trước đó, phát biểu về tình hình sơ tán Dải Gaza, ông nêu rõ: “Trong 2 tuần qua, chúng tôi đã kêu gọi người dân ở phía bắc Dải Gaza và Thành phố Gaza tạm thời di dời về phía Nam. Di dời về phía Nam là vì sự an toàn cá nhân của họ”.
Ngoài ra, quan chức này cho biết, số người hiện bị giữ làm con tin ở Gaza kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền Nam Israel đã tăng lên 239.
Theo số liệu chính thức hai bên, tính tới ngày thứ 23, xung đột Israel-Hamas khiến hơn 8.000 người Palestine ở Dải Gaza và ít nhất 1.400 người Israel thiệt mạng. (Reuters)
* Israel tuyên bố sẵn sàng đối phó mối đe dọa từ Iran: Ngày 30/10, Times of Israel (Israel) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nhấn mạnh: "Chúng tôi không mong muốn xảy ra những cuộc xung đột quy mô lớn. Tuy nhiên, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, cho dù đó là Iran hay Hezbollah”.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố Tehran không muốn xung đột Israel-Palestine nhấn chìm toàn bộ Trung Đông. (Times of Israel)
* Hamas cảnh báo về đụng đột ác liệt: Ngày 30/10, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam của họ đã tham gia vào một “cuộc đụng độ ác liệt” với IDF ở phía Bắc Gaza trước đó một ngày, khi những người dân tại đây được cảnh báo phải di dời về phía Nam.
Sau nhiều tuần không kích dữ dội, Israel tuyên bố bước sang một “giai đoạn” mới trong cuộc chiến mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ “kéo dài và khó khăn”. Tối 29/10, quân đội Israel đã công bố đoạn phim cho thấy một số lượng đáng kể xe tăng, bộ binh và pháo binh hoạt động trên lãnh thổ Palestine. (AFP)
* Iran, Saudi Arabia kêu gọi ngăn chặn Israel “tấn công dân thường” ở Dải Gaza”: Ngày 29/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud điện đàm.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, hai bên đã thảo luận về diễn biến mới nhất ở Dải Gaza, kêu gọi cộng đồng quốc tế chuẩn bị sẵn sàng hàng viện trợ nhân đạo để liên tục chuyển đến khu vực này và ngăn chặn tình trạng buộc công dân Palestine phải di dời. Hai Ngoại trưởng cũng nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn liên tục giữa Tehran và Riyadh.
Cùng ngày, ông Abdollahian cũng trao đổi quan điểm về những diễn biến tình hình tại Dải Gaza với Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani trong một cuộc điện đàm khác. Ngoại trưởng hai nước nhấn mạnh rằng, các hoạt động quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza phải dừng lại ngay lập tức, đồng thời kêu gọi viện trợ “liên tục và rộng rãi” tới dải đất này. (TTXVN)
* Mỹ chỉ trích Hamas ngăn cản công dân nước ngoài rời Gaza đến Ai Cập: Ngày 29/10, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN (Mỹ), Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nêu rõ: “Ai Cập đã sẵn sàng cho phép công dân Mỹ và người nước ngoài đi qua cửa khẩu Rafah ở Ai Cập. Người Israel không có vấn đề gì với điều đó. Hamas đã ngăn cản sự rời đi của họ và đưa ra một loạt yêu cầu”.
Tuy nhiên, ông Sullivan không nêu chi tiết chính xác những gì Hamas yêu cầu và cho biết các cuộc thảo luận cũng như đàm phán vẫn đang diễn ra.
Ngoài ra, ông Sullivan khẳng định việc đưa công dân Mỹ trở lại vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden. Washington sẵn sàng hỗ trợ thiết lập “các lệnh tạm dừng nhân đạo” để cho phép công dân nước này rời Dải Gaza. (Sputnik)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc: Mỹ nên kiến tạo bầu không khí tốt đẹp cho liên lạc quân sự: Ngày 30/10, trao đổi với đại diện Mỹ tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng, Lầu Năm góc nên hành động để tạo bầu không khí tốt đẹp cho liên lạc và trao đổi quân đội hai nước.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp tuyên bố Bắc Kinh “chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, tăng cường quan hệ quân sự” với Washington. Quân đội Trung Quốc và Mỹ đã không có liên lạc trực tiếp kể từ khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, người bị Washington trừng phạt, được bổ nhiệm vào tháng 3 vừa qua. (Reuters)
Nga-Trung
* Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga trước mối đe dọa an ninh: Ngày 30/10, gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow trong tích cực ứng phó các mối đe dọa và thách thức an ninh.
Ông cho biết, Trung Quốc và Nga đã duy trì quan hệ song phương cấp cao và quan hệ giữa quân đội hai nước đang phát triển mạnh mẽ. Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow để tích cực ứng phó với mối đe dọa và thách thức an ninh khác nhau, đồng thời cùng nhau bảo vệ sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu.
Đáp lại, ông Shoigu tuyên bố Nga sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác thực chất, tiếp tục tăng cường quan hệ giữa chính phủ, quân đội hai nước. (Reuters)
Đông Nam Á
* Malaysia mua tên lửa chống tăng mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 30/10, theo trang Defense News (Mỹ), công ty quốc phòng Roketsan (Thổ Nhĩ Kỳ) đã giành được hợp đồng cung cấp 108 tên lửa chống tăng Karaok cho Malaysia, đánh dấu thỏa thuận xuất khẩu đầu tiên đối với hệ thống Karaok. Mặc dù các chi tiết liên quan đến giá trị của hợp đồng và các đối thủ cạnh tranh tiềm năng vẫn chưa được tiết lộ, song nguồn tin cho biết trị giá hợp đồng là khoảng 20 triệu USD. (Defense News)
Nam Á
* Ấn Độ khẳng định quan điểm nhất quán về chống khủng bố: Ngày 29/10, phát biểu tại một sự kiện tại ở thủ phủ Bhopal của bang Madhya Pradesh, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nêu rõ: “Ấn Độ sẽ không có uy tín nếu nói rằng khi khủng bố tác động đến chúng ta thì nó rất nghiêm trọng; khi nó xảy ra với người khác thì lại không nghiêm trọng. Chúng ta cần có quan điểm nhất quán”.
Tại đây, ông cũng giải thích về hàng loạt quan điểm đối ngoại của Ấn Độ. Nhà ngoại giao này cho rằng, quản trị tốt là cần thiết ở trong nước và những phán đoán đúng đắn là cần thiết ở nước ngoài.
Lấy ví dụ về trường hợp Ukraine, ông nhấn mạnh: “Tôi biết có rất nhiều người chú ý rằng chúng tôi có quan điểm mạnh mẽ về quyền mua dầu từ Nga. Các bạn thử nghĩ xem, nếu chúng tôi co rúm lại trước áp lực (phản đối mua dầu), nếu chúng tôi không làm vậy (thì người dân sẽ bị ảnh hưởng ra sao).
Đây không chỉ là vấn đề về niềm tự hào hay một tuyên bố độc lập. Một chính phủ tốt sẽ đứng lên vì người dân của mình. Các quốc gia châu Âu nói không mua dầu từ Nga cũng đang mua dầu và đảm bảo người dân của họ không bị ảnh hưởng. Sẽ có áp lực đối với chúng tôi. Bởi vì đó là bản chất của thế giới. Một chính phủ mạnh và một chính phủ tốt là hai mặt của cùng một đồng tiền”. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc tăng mạnh: Ngày 30/10, kết quả một cuộc thăm dò do Realmeter (Hàn Quốc) tiến hành với 2.506 người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ đánh giá tích cực công tác điều hành đất nước của ông Yoon Suk Yeol tăng 3,2%, lên 35,7%; tỷ lệ đánh giá tiêu cực giảm 2,2%, xuống còn 61,9%.
Trước đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc đã giảm trong hai tuần liên tiếp, từ mức 37,7% xuống 34% và thậm chí là 32,5% trong tuần đầu tiên của tháng 10.
Hãng Realmeter không đưa ra lý giải cụ thể cho sự phục hồi tỷ lệ tín nhiệm, tuy nhiên các vấn đề chính diễn ra trong giai đoạn khảo sát bao gồm chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Saudi Arabia và Qatar. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này có xu hướng tăng sau các chuyến công du nước ngoài.
Trong khi đó, cuộc thăm dò khác do hãng Realmeter tiến hành cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của đảng Quyền lực quốc dân cầm quyền tăng 0,6% so với tuần trước, lên mức 35,8%. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ đối lập chính cũng tăng 1,9%, lên 48%.
Cuộc thăm dò về xếp hạng tín nhiệm của các đảng phái chính trị được thực hiện đối với 1.003 người trưởng thành, từ 26-27/10. (Yonhap)
Châu Âu
* Hỏa hoạn gần sân bay ở thủ đô Moscow: Ngày 30/10, kênh Telegram “Mash” cho biết đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại trạm tiếp nhiên liệu gần sân bay Sheremetyevo. Một bồn chứa nhiên liệu đã phát nổ và một số ô tô bốc cháy. Theo người chứng kiến, đã có 2 vụ nổ. Cứu hỏa nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Theo kênh Telegram “Thận trọng, Moscow”, vụ hỏa hoạn xảy ra bên cạnh một trạm xăng ở tiểu khu Klyazma-Starbeevo. Hiện thông tin về thương vong đang được làm rõ. (Sputnik)
* EU giúp Tây Balkan cải cách thông qua gói 6 tỷ Eeuro: Ngày 30/10, phát biểu tại thủ đô Skopje của Bắc Macedonia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố, với gói đầu tư 6 tỷ Euro, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch giúp các nước, vùng lãnh thổ ở Tây Balkan cải cách cần thiết để hội nhập với khối.
Bà cho rằng Bắc Macedonia, Albania, Serbia, vùng Kosovo, Montenegro, Bosnia & Herzegovina đều cần phải nắm bắt cơ hội liên quan mở rộng EU và nỗ lực điều chỉnh các tiêu chuẩn của họ cho phù hợp với các tiêu chuẩn trong khối. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Kuwait không bình thường hóa quan hệ với Israel: Ngày 29/10, phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Kuwait, Ngoại trưởng Sheikh Salem Abdullah Al-Jaber Al-Sabah nhấn mạnh, nước này từ chối bình thường hóa quan hệ với Israel “trừ khi một nhà nước Palestine trong tương lai được thành lập phù hợp với các nghị quyết quốc tế”.
Ngoại trưởng Kuwait nói: “Vấn đề Palestine là vấn đề đầu tiên của chúng tôi, không có bất kỳ sự mơ hồ nào... Kuwait chưa bao giờ đi chệch hướng”.
Đồng thời, ông nhận định Israel đang triển khai lực lượng nhằm trả đũa, không phải để phòng thủ và trách nhiệm của mình là bảo đảm an ninh, lợi ích của Kuwait ở nước ngoài thông qua duy trì quan hệ với các nước thân thiện, anh em và đồng minh.
Ngoài ra, ông Abdullah Al-Jaber Al-Sabah kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Gaza, hỗ trợ khu vực bị bao vây và giải quyết vấn đề Palestine thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập cơ sở đường biên giới năm 1967. (Tân Hoa xã)