Người Israel đổ về Jerusalem trong Ngày Jerusalem 29/5, dẫn đến các cuộc đụng độ với người Palestine. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Tổng thống Ukraine muốn ở lại đất nước: Ngày 29/5, nói về việc tham dự Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 ở Indonesia, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định “không thể rời Ukraine".
Ông nói: "Tôi không thể trực tiếp đi bất cứ đâu vì tôi muốn ở lại với người dân của mình. Họ cần sự hỗ trợ của tôi và tôi cần sự hỗ trợ của họ. Tôi sẽ tham gia Thượng đỉnh G20 nếu không có chiến tranh. Nếu vẫn còn chiến tranh, tôi có thể tham gia trực tuyến nếu được chấp nhận". (The Star)
* NATO khẳng định cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài: Ngày 29/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, hiện không thể biết chính xác cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và "cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài".
Ông cho hay, "có rất nhiều kiểu hỗ trợ cho các lực lượng Ukraine. Chúng tôi phải rất cẩn thận khi nói về các hệ thống vũ khí cụ thể”.
Trước đó, Tổng thư ký Stoltenberg cho rằng, tình hình Ukraine đang biến thành một "cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài" và không ai có thể đoán trước được khi nào sẽ kết thúc. (Sputnik)
* Tây Ban Nha nhấn mạnh, sự ủng hộ của NATO với Ukraine là không thể phá vỡ, theo lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 30/5.
Quyết tâm hỗ trợ Ukraine là "cách duy nhất để đảm bảo rằng châu Âu và thế giới mà chúng ta đã xây dựng có tương lai chắc chắn".
Ngoại trưởng Sanchez cũng cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đạt được các mục tiêu ở Ukraine. (Reuters)
* Nga tấn công cơ sở đóng tàu ở miền Nam Ukraine: Ngày 30/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, lực lượng pháo binh nước này đã tấn công một kho chứa ở nhà máy đóng tàu Okean của Mykolaiv, miền Nam Ukraine, phá hủy nhiều phương tiện và thiết bị khác.
Cùng ngày, một nguồn tin thực thi pháp luật trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng TASS cho hay, số người tị nạn từ các nước cộng hòa tự xưng ở Ukraine đến Nga hiện lên tới 1,55 triệu người. (Reuters, TASS)
* Bước tiến mới của lực lượng Nga ở Severodonetsk: Ngày 30/5, Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Gaidai cho biết, các lực lượng Nga đang tiến sát trung tâm thành phố Severodonetsk, thành phố quan trọng ở Đông Nam Donbass mà Moscow đang ưu tiên nắm toàn quyền kiểm soát.
Tổng thống Zelensky mô tả tình hình là "khó khăn không thể diễn tả được". (AP)
* Nga nêu "ưu tiên vô điều kiện" ở Ukraine: Ngày 29/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với kênh truyền hình TF1 của Pháp rằng: "Ưu tiên vô điều kiện của Moscow là giải phóng các khu vực Donetsk và Luhansk" và Nga coi họ là “các quốc gia độc lập”.
Bên cạnh đó, ông gợi ý các khu vực khác của Ukraine có thể thiết lập quan hệ chặt chẽ với Nga.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng chỉ trích việc phương Tây nhiều lần bỏ ngoài tai những tuyên bố về nguy cơ đối với an ninh cũng như những cảnh báo của Moscow.(AP)
* Ukraine cho nổ đập chứa nước gần thành phố Gorlovka: Ngày 29/5, người đứng đầu chính quyền thành phố Gorlovka Ivan Prikhodko cho biết, Các lực lượng vũ trang Ukraine (APU) đã cho nổ con đập trên một hồ chứa nước gần thành phố thuộc vùng Donetsk ly khai này và mực nước hồ đang giảm. (Interfax)
* Ba Lan cung cấp pháo tự hành cho Ukraine: Ngày 29/5, Đài phát thanh Ba Lan đưa tin, nước này đã cung cấp 18 pháo tự hành AHS Krab, có tầm bắn tối đa 40 km, cho Ukraine.
Ba Lan đã đào tạo cho 100 binh sĩ Ukraine về cách thức vận hành pháo. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng của cả Ba Lan và Ukraine đều không có phản ứng trước thông tin này. (Reuters)
* Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý, theo lời Thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine, ông Serhiy Nikiforov ngày 29/5.
Cùng ngày, Tổng thống Zelensky đã lần đầu tiên rời khỏi thủ đô Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Ông đến thăm binh sĩ nước này trên chiến tuyến ở khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine. (Reuters, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Loại vũ khí mới 'hét ra lửa' Nga dùng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine |
NATO quyết định xem xét lại lập trường đối với Nga và Trung Quốc
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo khối sẽ quyết định xem xét lại quan điểm của khối đối với Nga và Trung Quốc.
Ông nói: “Khái niệm chiến lược hiện nay xem Nga như một đối tác chiến lược và không đề cập Trung Quốc. Tất nhiên, bây giờ chúng tôi sẽ thảo luận về các hành động gây hấn của Nga, cũng như tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với an ninh của chúng ta".
Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh Madrid sẽ là "một trong những hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất của chúng tôi" và đưa ra khái niệm "phản ánh thực tế mới về an ninh”.
Cuộc họp sẽ thảo luận vấn đề liên quan "các mối đe dọa xuất phát từ phía Nam, chẳng hạn như bất ổn và khủng bố", theo đó, "sự ổn định ở châu Phi phải có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ liên minh. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định để thực hiện bước tiến, kể cả về phạm vi ảnh hưởng trên biển”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Ukraine: Xung đột về đâu? |
Châu Âu
* Thủ tướng Đức thừa nhận thiệt hại từ các lệnh trừng phạt Nga: Ngày 29/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga "đang ảnh hưởng nặng nề đến giới lãnh đạo cùng nền kinh tế Nga, và càng ngày càng khó khăn hơn”.
Thừa nhận các biện pháp này cũng đang gây thiệt hại cho nhiều công ty cũng như nền kinh tế Đức, ông Scholz khẳng định "đang cố gắng ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng hơn", đảm bảo "các lệnh trừng phạt sẽ không gây tác động nặng nề cho Đức cũng như các đối tác ở châu Âu hơn Nga".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức quả quyết, "những tổn thất đó nhỏ hơn rất nhiều so với cái giá mà chúng ta sẽ phải trả nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thành công".
Theo ông Scholz, mục tiêu của Đức là làm cho cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt. (TASS)
* Pháp chỉ trích việc Iran bắt giữ hai tàu chở dầu của Hy Lạp: Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ trích việc Iran bắt giữ 2 tàu chở dầu mang cờ Hy Lạp ở khu vực biển vùng Vịnh là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho thủy thủy đoàn.
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ các tàu chở dầu của Hy Lạp ở Vùng Vịnh, vài ngày sau khi Athens xác nhận sẽ giao cho Washington số dầu của Iran, được thu giữ từ một tàu chở dầu của Nga. (AFP)
* Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU bàn về năng lượng và an ninh lương thực sẽ diễn ra ngày 30-31/5 (giờ Bỉ) nhằm đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực.
Hội nghị sẽ bàn cách tiếp tục gây áp lực lên Nga cũng như thảo luận cách thức tốt nhất để tổ chức việc EU hỗ trợ tái thiết Ukraine. Cuộc thảo luận này diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua cầu truyền hình.
Chương trình “Cổng toàn cầu” của EU (Global Gateway) cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị để khối này giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh, thông qua việc phục hồi cơ sở hạ tầng đường sá và y tế.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về những cách thức cụ thể giúp Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, sử dụng cơ sở hạ tầng của EU.
Cuối cùng, 27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ tranh luận về các khoản đầu tư cần thiết cho quốc phòng để củng cố nền tảng công nghiệp và công nghệ của quốc phòng châu Âu.
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine - 'Hồi chuông cảnh tỉnh' để phương Tây thoát năng lượng Nga, mở rộng ‘kết bạn’ |
Bán đảo Triều Tiên
* G7 rất tiếc việc HĐBA không thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên: Ngày 30/5, ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bày tỏ rất lấy làm tiếc khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.
Tuyên bố được đưa ra sau vụ thử tên 3 lửa mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 25/5, trong đó có một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Trung Quốc và Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt. (Kyodo)
* Hàn Quốc phê chuẩn dự án nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, trị giá 750 tỷ Won (605 triệu USD) trước năm 2027.
Theo đó, nước này triển khai mua sắm số lượng không xác định tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) và nâng cấp các bệ phóng PAC-2 thành các bệ phóng PAC-3 tiên tiến hơn.
Dự án này được kỳ vọng sẽ đảm bảo khả năng phòng không hiệu quả của hệ thống Patriot đối với khu vực thủ đô Seoul và các cơ sở trọng yếu của quốc gia, đồng thời nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, ủy ban trên cũng đã thông qua dự án phát triển máy bay trực thăng quét mìn có khả năng phát hiện mìn trên biển và rà phá chúng. Đối với dự án này, chính phủ dự kiến chi 970 tỷ Won trước năm 2030.
* Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu quân đội giải quyết 'cứng rắn' nếu Triều Tiên "có thêm hành động khiêu khích", đồng thời, "quân đội cần duy trì trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần".
TIN LIÊN QUAN | |
Liệu 'cầu vồng' có đang chờ tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol? |
Trung Quốc
* Trung Quốc và các nước Thái Bình Dương đạt đồng thuận 5 điểm tại cuộc họp ngoại trưởng lần thứ hai diễn ra ở thủ đô của Fiji.
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Fiji Voreqe Bainimarama, người cũng đồng chủ trì cuộc họp nêu trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, cuộc họp đã diễn ra thành công.
Các bên nhất trí củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bảo vệ chủ quyền, độc lập và phẩm giá quốc gia, theo đuổi sự phát triển và thịnh vượng chung, duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.
Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận về an ninh.
Cuộc họp có sự tham dự của ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Fiji, Kiribati, Samoa, Niue, Papua New Guinea, Vanuatu, Micronesia, quần đảo Solomon và Tonga cũng như Tổng thư ký Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF) theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. (THX)
* Trung Quốc-Fiji tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và thủy sản, nâng cao năng lực và phát triển bền vững, tăng cường quan hệ đối tác song phương sau cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước.
Fiji khẳng định sẽ tiếp tục kiên quyết ủng hộ nguyên tắc một Trung Quốc; đánh giá cao Sáng kiến Phát triển toàn cầu do Trung Quốc đề xuất, sẵn sàng ủng hộ sáng kiến này và tin rằng nó sẽ là động lực mạnh mẽ để phục hồi nhanh hơn sau đại dịch... (THX)
* Trung Quốc trao quyết định bổ nhiệm Trưởng Đặc khu Hong Kong cho ông Lý Gia Siêu vào sáng 30/5 ở thủ đô Bắc Kinh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện và chính xác nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, “người Hong Kong quản lý Hong Kong” và mức độ tự chủ cao...
Ông Lý Gia Siêu, 64 tuổi, sau đó đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Lãnh đạo mới của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong chính thức nhậm chức vào ngày 1/7. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Biển Đông: Mỹ làm 'nóng' vấn đề trong tiếp xúc cấp cao, Trung Quốc tập trận rầm rộ |
Trung Đông
* Iran tuyên bố sẽ trả thù cho Đại tá của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC): Ngày 30/5, nói về việc Đại tá Sayyad Khodai - sĩ quan cấp cao của IRGC - bị ám sát, Thiếu tướng Hossein Salami, người đứng đầu IRGC cho biết: "Đại tá Sayyad Khodai 'đã tử vì đạo bởi những kẻ ác độc nhất, những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái'… chúng tôi sẽ trả thù". (AFP)
* Israel khuyến cáo công dân không tới Thổ Nhĩ Kỳ, viện dẫn các mối đe dọa bị trả thù cho vụ ám sát Đại tá Iran Hassan Sayyad Khodai.
Tehran quy trách nhiệm cho Israel về vụ sát hại Đại tá Khodai, người từng bị Nhà nước Do Thái cáo buộc âm mưu tấn công các công dân nước này trên khắp thế giới.
Trong một thông cáo, Hội đồng An ninh quốc gia Israel cảnh báo rằng Tehran có thể đang tìm cách làm hại người Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhận định đó là một "quốc gia nguy cơ cao".
Văn phòng Thủ tướng Israel Naftali Bennett từ chối bình luận về vụ ám sát. Tuy nhiên hôm 29/5, Thủ tướng Bennett tuyên bố Tehran sẽ "phải trả giá" vì đã xúi giục tấn công người Israel. Theo ông, Iran đã không còn an toàn. (Reuters)
* Hamas cảnh báo Israel về "giới hạn đỏ", bao gồm "Jerusalem, đền thờ Al-Aqsa và máu của người Palestine.
Cảnh báo trên được người phát ngôn Hamas Fawzi Barhum đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong Ngày Jerusalem 29/5 với các cuộc đụng độ của người Palestine với người Israel và lực lượng an ninh của Nhà nước Do Thái.
Ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo chính quyền Israel đang "đùa với lửa". (AFP, Times of Israel)
| Triều Tiên tuyên bố ủng hộ hoàn toàn sáng kiến an ninh của Trung Quốc Ngày 30/5, trong phát biểu được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nước này bày tỏ ủng hộ sáng kiến ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (23-29/5): Xung đột Nga-Ukraine, nổ đạn cối ở Donbass, Kiev trưng bày vũ khí bị phá hủy, người Bucha dọn dẹp nhà, Thượng đỉnh Bộ tứ Xung đột Nga-Ukraine, người dân bắt đầu quay trở lại Kiev, dọn dẹp nhà ở Bucha, trưng bày vũ khí bị phá hủy, Thượng đỉnh ... |