Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga và Ấn Độ hoàn tất tập trận ở Biển Baltic
Ngày 30/7, văn phòng báo chí của Hải quân Ấn Độ thông báo, các tàu chiến của Nga và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển Baltic mang tên Ấn Độ-Nga INDRA 2021 vào ngày 28 và 29/7.
"Khinh hạm tàng hình Tabar của Hải quân Ấn Độ và các tàu hộ tống Zelyony Dol và Odintsovo của Hải quân Nga đã tiến hành các hoạt động của hạm đội, bao gồm các cuộc tấn công phòng không, các cuộc tập trận bổ sung, hoạt động trực thăng, các cuộc tập trận lên tàu và các diễn biến trên tàu trong hai ngày", thông báo nêu rõ.
Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ Vivek Madhwal cho biết, cuộc tập trận đánh dấu một giai đoạn mới trong hợp tác hải quân song phương. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Chiến đấu cơ tân tiến nhất của NATO và Nga sẽ 'so găng' trên Biển Baltic |
Nga có thể đáp trả NATO vì lo ngại tập trận
Ngày 30/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, việc NATO thực hiện cuộc tập trận Agile Spirit 2021 cho thấy tổ chức này đang tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới của Nga. Do đó, Nga sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia. (TASS)
Nga chưa ‘chi viện’ cho Belarus
Ngày 30/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitey Peskov cho biết quân đội Nga chỉ có thể được triển khai tới Belarus sau khi có yêu cầu chính thức, trong bối cảnh Minsk chưa đưa ra bất cứ đề nghị nào như vậy.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, Minsk sẵn sàng tiếp đón các binh sĩ Nga để đảm bảo an ninh cho nhà nước liên minh này, song điều này vẫn chưa cần thiết.
Phát biểu với các phóng viên khi được đề nghị bình luận về khả năng triển khai các lực lượng vũ trang Nga đến Belarus, ông Peskov nêu rõ: "Không có yêu cầu nào như vậy từ Belarus. Bạn biết rằng điều này chỉ có thể được thực hiện theo yêu cầu chính thức của chính phủ một nước... Có các thủ tục và quyền hạn theo luật định đặc biệt". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Belarus: ‘Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau’? |
Mỹ đề cập khả năng tiếp tục đàm phán hạt nhân với Iran
Phát biểu họp báo thường kỳ, ngày 29/7, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại gián tiếp với Iran bàn về việc hai bên cùng trở lại thực hiện thỏa thuận hạt nhân, tuy nhiên một đề xuất như vậy sẽ không tồn tại mãi mãi.
Bà Jean-Pierre nói: "Thời điểm của vòng đàm phán thứ 7 chưa được công bố, chúng tôi cũng sẽ không suy đoán khi nào diễn ra... Thời điểm ở Iran hoàn tất chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống, chúng tôi sẵn sàng quay lại Vienna để tiếp tục đàm phán".
Bà nhấn mạnh rằng chính quyền Washington quan tâm đến việc cùng với Tehran trở lại thực hiện các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân. Đồng thời, bà Jean-Pierre cũng nói rõ: "Đề xuất này sẽ không có hiệu lực mãi mãi". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ đánh động Iran: Không có gì là mãi mãi? |
Mỹ lại thất bại trong vụ thử tên lửa siêu vượt âm
Mỹ lại thất bại trong lần phóng thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm AGM-183A thuộc chương trình Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW).
Khác với lần thử nghiệm trước, tên lửa AGM-183A lần này đã được phóng an toàn và tách khỏi một máy bay ném bom chiến lược B-52H. Tuy nhiên, motor của tên lửa đã không kích hoạt.
Đây là lần thử nghiệm thất bại thứ hai đối với loại vũ khí siêu vượt âm mà không quân Mỹ đang nỗ lực triển khai. Ngày 5/4, tên lửa thử nghiệm AGM-183A thậm chí đã không thể hoàn thành trình tự phóng, vẫn nằm nguyên trên cánh máy bay, buộc chiếc B52-H phải quay chở lại căn cứ Edwards AFB.
Theo thông báo của không quân Mỹ, vụ thử mới nhất được tiến hành hôm 28/7 trên bầu trời vùng biển Point Mugu ở ngoài khơi Nam California trên Thái Bình Dương.
Mục đích của đợt thử nghiệm lần này vẫn là để kiểm tra tính năng của động cơ đẩy và khả năng tách rời của phương tiện lướt siêu vượt thanh (glide vehicle) sau khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động. Đầu đạn mô hình được thiết kế để tự vỡ vụn không lâu sau khi tách khỏi động cơ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga thử thành công tên lửa siêu vượt âm nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh, Mỹ coi như mối đe dọa hạt nhân |
Mỹ-Philippines khôi phục hiệp ước quan trọng
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa khôi phục thỏa thuận đóng vai trò nền tảng cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở quốc gia này, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) tạo khuôn khổ pháp lý cho việc luân chuyển hàng ngàn lính Mỹ đến Philippines huấn luyện và tập trận. Văn bản này có vai trò quan trọng trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.
Quyết định của ông Duterte sẽ không tạo ra nhiều thay đổi trên thực địa vì thỏa thuận này chưa từng bị dừng triển khai, nhưng sẽ bảo đảm tính ổn định cho quan hệ song phương.
“Điều này tạo nên sự chắc chắn để chúng ta tiến về phía trước, chúng ta có thể lên kế hoạch dài hạn và thực hiện nhiều kiểu hoạt động huấn luyện”, ông Austin nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines khôi phục hoàn toàn VFA, Mỹ trút một 'gánh nặng' |
Mỹ tìm cách thúc đẩy quan hệ với các nước giáp Afghanistan
Đại sứ Mỹ tại Uzbekistan Daniel Rosenblum thông báo, ngày 30/7 Washington đã tặng 3 triệu liều vaccine Covid-19 cho Uzbekistan, trong bối cảnh Washington tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung Á giáp Afghanistan.
Trên tài khoản Twitter, Đại sứ Rosenblum nhấn mạnh, các nhân viên đại sứ quán đã chào đón một máy bay chở 3 triệu liều vaccine Moderna tại sân bay chính của Uzbekistan ở thủ đô Tashkent vào sáng sớm 30/7.
Đại sứ Rosenblum còn viết: "Một món quà từ người dân Mỹ dành cho người dân Uzbekistan thông qua cơ chế COVAX. Chúng ta sẽ không thể đánh bại virus (SARS-CoV-2) cho đến khi tất cả được tiêm phòng!" (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ sẽ chi 2,1 tỷ USD để bảo vệ Đồi Capitol và 'giải cứu' người tị nạn Afghanistan |
Triều Tiên phản đối ‘các thế lực thù địch’ tăng cường tập trận gây hấn
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/7 đưa tin phát biểu tại một hội thảo lần đầu tiên giữa các chỉ huy, chính trị viên trong quân đội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cáo buộc "thế lực thù địch" tăng cường "các cuộc tập trận quân sự điên rồ và dai dẳng để gây hấn".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc về khả năng cũng như cách thức tổ chức cuộc tập trận quân sự thường niên, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 8 tới, trong bối cảnh lo ngại kế hoạch này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần hòa giải sau khi Triều Tiên khôi phục các đường dây thông tin liên lạc liên Triều trong tuần này.
Phát biểu chủ trì hội thảo nói trên, ông Kim nêu rõ: "Hiện nay các thế lực thù địch đang duy trì việc củng cố năng lực của họ một cách có hệ thống để ra đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên cũng như bổ sung khí tài trong khi gia tăng tất cả các loại tập trận quân sự điên rồ và dai dẳng để gây hấn". (KCNA)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc tính bàn với Triều Tiên tổ chức hội nghị trực tuyến? |
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp
Ngày 30/7, Nhật Bản đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp về Covid-19 ở thủ đô Tokyo và thêm 4 khu vực khác trong bối cảnh nước này phải đối mặt với sự gia tăng các ca mắc mới giữa lúc Thế vận hội diễn ra được một tuần.
Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn manhh: "Chúng tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa và Osaka". Theo ông, các biện pháp đang được áp dụng ở Tokyo và Nam Okinawa sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 31/8. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Olympic Tokyo 2021: Sự kiện của hy vọng chiến thắng đại dịch Covid-19 |
Armenia bắn rơi 2 máy bay của Azerbaijan
Tối 29/7 theo giờ khu vực, trong bối cảnh tình hình biên giới giữa Azerbaijan và Armenia leo thang, các hệ thống phòng không Armenia đã tấn công hai máy bay không người lái của Azerbaijan.
Các phương tiện bay này của Azerbaijan bị cáo buộc vi phạm biên giới không phận của Armenia trước khi bị hỏa lực bắn rơi.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Armenia đã xác nhận về việc một máy bay không người lái của Azerbaijan bị bắn hạ, tuy nhiên, thực tế đây là sự cố liên quan đến máy bay không người lái thứ ba của Azerbaijan bị quân đội Armenia chế áp kể từ đầu tuần.
Theo báo chí Nga, điều này cho thấy ngày nay lực lượng phòng không của Cộng hòa Armenia được trang bị tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi các máy bay không người lái của Azerbaijan vẫn tự do băng qua biên giới không phận của quốc gia láng giềng mà không bị phát hiện và đáp trả. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Armenia-Azerbaijan: EU kêu gọi nhóm Minsk giải quyết bất đồng |
Pháp tiến hành điều tra phần mềm gián điệp theo dõi Pegasus
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter ngày 30/7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết điện thoại của ông đang được điều tra để xác minh xem liệu nó có bị ảnh hưởng bởi phần mền gián điệp Pegasus hay không.
Ông Bruno Le Maire cho hay: "Chúng tôi đang trong quá trình điều tra, và không loại trừ cả thiết bị cá nhân của tôi."
Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra này. (AFP)
| Tin thế giới 29/7: Đại sứ quán Mỹ ở Iraq lại bị tấn công; Nga nói Mỹ vẫn 'dòm ngó' Afghanistan; Pháp cáo buộc Anh 'phân biệt đối xử’ Quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga. tình hình Afghanistan, Bán đảo Triều Tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua. |
| Tin thế giới 28/7: Mỹ cảnh báo con đường dẫn tới chiến tranh; Nga tuyên bố sứ mệnh của Mỹ-NATO thất bại; tàu Anh tiến vào Biển Đông Quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc, tình hình Afghanistan, Ukraine, Tunisia, giao tranh bùng phát ở biên giới Armenia-Azerbaijan và vấn đề Biển Đông là một ... |