📞

Tin thế giới 30/8: Đảo chính tại Gabon, Malaysia bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Tài trợ của Washington cho Ukraine không kết quả

Thế Quân 20:51 | 30/08/2023
Ấn Độ yêu cầu Mỹ giải phóng 26 triệu USD bị đóng băng, Tổng thống Pháp cam kết hỗ trợ Iraq chống IS, Indonesia, Mỹ diễn tập quân sự Siêu Lá chắn...là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Lực lượng đảo chính Gabon tuyên bố nắm chính quyền, phế truất Tổng thống Ali Bongo (phải). (Nguồn: Al Jazeera)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Âu:

*Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là phản ứng trước hành động gây hấn của NATO: Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại LB Nga (SVR), ông Sergey Naryshkin ngày 30/8 nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) ở Ukraine là phản ứng trước hành động gây hấn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào Nga.

Phát biểu tại một hội nghị bàn tròn kỷ niệm ngày NATOtiến hành xâm lược quân sự đối với Cộng hòa Srpska, ông Naryshkin nói rằng khát vọng của NATO, vốn tin vào khả năng không bị trừng phạt của mình, chỉ tăng lên theo thời gian.

Theo ông Naryshkin, việc triển khai kịp thời SVO đã giúp ngăn chặn việc biến vùng Donbass và bán đảo Crimea thành mắt xích trong chuỗi "tội ác chiến tranh của NATO". Ông nói: “Tôi muốn lưu ý rằng không quốc gia nào trên thế giới, bất cứ nơi nào mà các lực lượng của NATO xâm chiếm, trật tự cơ bản cũng như mức sống trước chiến tranh của người dân địa phương đều không được khôi phục”. (Sputnik News)

*Ukraine lên kế hoạch sản xuất và mua 200.000 UAV mỗi năm: Người đứng đầu Cơ quan Truyền thông đặc biệt của nhà nước Ukraine, ông Yury Shchigol cho biết nước này có kế hoạch sản xuất hoặc mua tới 200.000 máy bay chiến đấu không người lái (UAV) mỗi năm.

Theo ông Shchigol, trong số 40 tỷ hryvnia (1,09 tỷ USD) được chính phủ phân bổ để phát triển và sản xuất UAV vào tháng 7 năm nay, 25 tỷ hryvnia (688 triệu USD) đã được chi tiêu. Số tiền này được sử dụng để ký kết hợp đồng sản xuất 22.000 UAV tấn công. Khoảng 15.000 chiếc trong số đó đã được bàn giao cho Các lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU).

Ông Shchigol nhấn mạnh: “Khi chúng tôi bắt đầu dự án này, chúng tôi đã đặt mục tiêu (sản xuất hoặc mua) khoảng 200.000 UAV. Chúng tôi sẽ có khoảng 180.000-200.000 UAV trong năm nay". Đây là một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Tuy nhiên, ông Shchigol thừa nhận Ukraine mất khoảng 45 UAV trinh sát và chiến đấu mỗi ngày. (TTXVN)

*Moscow khẳng định không điều tra quốc tế vụ máy bay chở ông Prigozhin: Điện Kremlin ngày 30/8 tuyên bố cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay khiến thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin thiệt mạng là cuộc điều tra của Nga, và sẽ không có cuộc điều tra quốc tế nào liên quan đến vụ việc này.

Trả lời phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay các nhà điều tra Nga đã tính đến khả năng vụ tai nạn được cố ý gây ra. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tìm hiểu các vụ tấn công sử dụng máy bay không người lái của Ukraine xuất phát từ đâu để ngăn chặn các vụ việc tương tự. Động thái này diễn ra sau làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái tại 6 khu vực khác nhau của Nga. (Reuters)

* Litva triệu Đại sứ Vatican sau phát biểu của Giáo hoàng về Nga: Litva, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có đa số dân theo Công giáo La Mã, ngày 30/8 đã triệu nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican tại Litva sau khi Giáo hoàng Francis nhắc giới trẻ Nga hãy nhớ rằng họ là những người kế thừa của "đế quốc Nga vĩ đại".

Phản ứng trước lời nhận xét ngẫu hứng của Đức Giáo hoàng hôm 25/8 trong một bài phát biểu trực tuyến với thanh niên Công giáo tại Saint Petersburg, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Litva cho biết bộ này đã mời Đại sứ của Giáo hoàng tới "nói chuyện" sau khi Đức Tổng Giám mục trở về từ kỳ nghỉ.

Theo Vatican, ý định của Giáo hoàng Francis là "bảo tồn và thúc đẩy tất cả những điều tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần của nước Nga vĩ đại".

Lãnh thổ Litva và Ba Lan được Nữ hoàng Catherine II sáp nhập vào đế chế Nga trong thế kỷ 18. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hai nước này tách ra sau hai cuộc khởi nghĩa chống lại đế chế trong thế kỷ 19 đã bị đàn áp dã man. (AFP)

*Nga coi hành động tấn công bằng UAV của Ukraine là khủng bố: Thư ký báo chí của Tổng thống LB Nga, ông Dmitry Peskov ngày 30/8 nói với các phóng viên rằng Tổng thống Vladimir Putin nhanh chóng nhận được mọi thông tin liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO), cũng như cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào sân bay ở tỉnh Pskov và các địa phương khác.

Ông cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm tiêu diệt mối đe dọa khủng bố bắt nguồn từ chính quyền Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin miểu tả loạt cuộc tấn công bằng UAV này là sự tiếp nối “hoạt động khủng bố của chính quyền Kiev”. Ông Peskov nói: “Phần lớn UAV nhằm vào các mục tiêu dân sự. Chúng ta đang và sẽ tiếp tục thực hiện SVO để xóa bỏ mối đe dọa như vậy đối với chúng ta”. (TASS)

* Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đi Nga, Moscow tuyên bố hai Tổng thống sẽ sớm gặp nhau: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp đón Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan khi ông Fidan có chuyến thăm Moskva kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 31/8. Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Fidan diễn ra sau khi ông có cuộc họp với các quan chức Ukraine hồi tuần trước.

Ngày 30/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận “một loạt các vấn đề song phương và quốc tế”, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine.

Cùng ngày, điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ "sớm" gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Nga. Hai nước đang chuẩn bị một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo, trong đó dự kiến thảo luận về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỹ và Liên hợp quốc làm trung gian đã sụp đổ hồi tháng trước sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận này. (AFP)

Châu Á

*Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 30/8 ra thông cáo báo chí nêu rõ, Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong “Bản bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc phiên bản 2023” mà cũng bao gồm các khu vực hàng hải của Malaysia.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia, đồng thời khẳng định, bản đồ này, trong số những thứ khác, thể hiện các yêu sách hàng hải đơn phương của Trung Quốc xâm phạm các khu vực hàng hải của Malaysia ở Sabah và Sarawak, dựa trên Bản đồ mới của Malaysia năm 1979.

Tuyên bố nêu rõ: “Malaysia cũng coi vấn đề Biển Đông là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm”. Theo đó, vấn đề này cần được giải quyết một cách hòa bình, hợp lý thông qua đối thoại, đàm phán dựa trên quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Tuyên bố cũng có đoạn: "Malaysia cũng cam tiến hành các cuộc đàm phán hiệu quả và thực chất về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với mục tiêu hoàn tất COC càng sớm càng tốt”.

Ngày 29/8, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã ban hành “Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc phiên bản 2023”, trong đó cũng bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia gần Sabah và Sarawak và vùng biển của các nước Việt Nam, Brunei, Philippines, Indonesia. (Reuters)

*Ấn Độ yêu cầu Mỹ giải phóng 26 triệu USD bị đóng băng do lệnh trừng phạt Nga: Các nguồn tin Ấn Độ cho biết nước này đã yêu cầu Mỹ giải phóng 26 triệu USD thuộc về ít nhất 2 công ty kim cương Ấn Độ bị đóng băng với cáo buộc làm ăn với công ty kim cương lớn Alrosa của Nga đang bị trừng phạt.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ, đơn vị tài chính giám sát các lệnh trừng phạt, đã đóng băng các khoản tiền này trước đó trong năm nay. Đây là lần đầu tiên OFAC đóng băng tài sản của doanh nghiệp Ấn Độ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào năm ngoái và kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt tiếp theo đối với các thực thể của Nga.

Ấn Độ có công suất chế biến kim cương lớn nhất thế giới và doanh thu từ xuất khẩu kim cương đã đánh bóng của nước này đạt trị giá hơn 22 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc vào ngày 31/3. Ngành công nghiệp kim cương, chủ yếu có trụ sở tại bang miền Tây Gujarat, mua kim cương thô từ các nhà cung cấp ở các quốc gia như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bỉ và Nga. (Indian Times)

*Trung Quốc muốn Anh "loại bỏ trở ngại" trong quan hệ: Ngày 30/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Anh James Cleverly rằng quan hệ Trung-Anh có thể "loại bỏ mọi can thiệp không cần thiết" nếu cả hai nước "duy trì sự tôn trọng lẫn nhau".

Phát biểu trên được ông Vương đưa ra trong cuộc hội đàm công khai ở thủ đô Bắc Kinh. Ông Vương nói: “Tôi tin rằng miễn là cả hai bên duy trì sự tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, nhìn nhận sự phát triển của nhau một cách khách quan và tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, quan hệ Trung-Anh sẽ có thể loại bỏ mọi can thiệp và trở ngại không cần thiết”.

Ngoại trưởng Cleverly là bộ trưởng cấp cao đầu tiên của Anh tới thăm Trung Quốc trong 5 năm qua. Chuyến công du này nhằm mục đích cài đặt lại mối quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng liên quan các vấn đề an ninh, đầu tư và nhân quyền. (Reuters)

*Indonesia, Mỹ diễn tập quân sự Siêu Lá chắn Garuda: Indonesia cùng Mỹ và 5 quốc gia khác sẽ bắt đầu cuộc diễn tập quân sự Siêu Lá chắn Garuda (Super Garuda Shield) 2023 như một hình thức đoàn kết đa phương nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong một thông cáo, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cho biết binh sĩ Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Australia, Singapore, Anh và Pháp sẽ tham gia cuộc diễn tập này tại nhiều địa điểm huấn luyện ở Indonesia từ ngày 31/8 đến ngày 13/9.

Theo thông cáo, cuộc diễn tập này cũng thu hút nhiều quốc gia quan sát viên, gồm Brunei, Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc, và Timor-Leste.

Theo Đại sứ quán Mỹ, khoảng 2.100 binh sĩ Mỹ và 1.900 binh sĩ Indonesia từ nhiều quân binh chủng sẽ tăng cường khả năng tương tác thông qua đào tạo và trao đổi văn hóa. Cuộc diễn tập này tiếp tục củng cố Quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Indonesia, đồng thời thúc đẩy hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cũng theo thông cáo, với các cuộc diễn tập chuyên môn và chiến đấu tại Surabaya và Banyuwangi, Super Garuda Shield 2023 tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Indonesia thông qua hợp tác học hỏi, thúc đẩy lòng tin giữa quân đội 2 nước. (AFP)

Nam Á

*Pakistan gia hạn giam giữ cựu Thủ tướng Imran Khan: Ngày 30/8, thời hạn giam giữ cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã được kéo dài thêm 14 ngày để phục vụ điều tra về cáo buộc làm rò rỉ bí mật nhà nước. Luật sư của ông Khan cho biết tòa án tiến hành xét xử ngay trong khuôn viên nhà tù.

Trước đó ngày 29/8, một tòa án Pakistan đã đình chỉ bản án gần đây tuyên phạt cựu Thủ tướng Khan liên quan tới các tội tham nhũng. Ông Khan đã bị tuyên phạt tù hôm 5/8 liên quan tới tội tham nhũng sau khi bị kết án 3 năm tù vì bán trái phép quà tặng nhà nước trong nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 2018-2022. Do bị kết án, ông Khan đã bị Ủy ban bầu cử Pakistan cấm tham gia tranh cử trong 5 năm. (The Dawn)

Châu Đại Dương

*Australia chốt thời điểm trưng cầu dân ý về người bản địa: Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 30/8 cho biết Australia vào ngày 14/10 tới, sẽ lần đầu tiên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử về việc liệu có công nhận người bản địa trong Hiến pháp của nước này hay không. Động thái này đánh dấu một thời điểm quyết định trong mối quan hệ của quốc gia với cộng đồng thổ dân thiểu số.

Phát biểu khi ấn định ngày bỏ phiếu, Thủ tướng Albanese nói: "Vào ngày đó, mỗi người dân Australia sẽ có cơ hội 'nghìn năm có một' để gắn kết đất nước của chúng ta lại với nhau và thay đổi đất nước theo chiều hướng tốt đẹp hơn... Tôi đề nghị tất cả người dân Australia bỏ phiếu đồng ý".

Nếu được tán thành trong cuộc bỏ phiếu, người Australia bản địa - tổ tiên của họ đã sống ở lục địa này ít nhất 60.000 năm - sẽ lần đầu tiên được công nhận trong Hiến pháp của quốc gia châu Đại Dương này. Theo Hiến pháp quy định, họ cũng sẽ hưởng quyền được tư vấn về các luật có tác động đến cộng đồng của mình - được gọi là "Tiếng nói trước Quốc hội". (Reuters)

Đông Bắc Á

*Mỹ gia tăng phối hợp theo dõi tên lửa Triều Tiên: Ngày 30/8, Lực lượng Không gian Mỹ cho biết quân đội Mỹ và Hàn Quốc muốn tích hợp chặt chẽ hơn các hệ thống để theo dõi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nỗ lực này có thể sớm có thêm sự hợp tác với Nhật Bản.

Trong hội nghị thượng đỉnh tại Trại David, bang Maryland, hôm 18/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rằng ba nước sẽ chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực vào cuối năm nay.

Thiếu tá Matt Taylor - Phó chỉ huy của Lực lượng Không gian Mỹ-Hàn Quốc nói: “Theo tôi biết, có những hiệp định song phương trong tương lai và có thể cả những thỏa thuận ba bên đang được thực hiện, đặc biệt là về phần cảnh báo tên lửa... với việc chia sẻ dữ liệu”.

Đơn vị Lực lượng Không gian Mỹ ở Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ hơn với Hàn Quốc và đảm bảo rằng binh sĩ Mỹ được tiếp cận nhiều hơn các tài sản trên không gian.

Dữ liệu theo dõi tên lửa, bao gồm thông tin từ Hệ thống hồng ngoại trên không gian Mỹ (SBIRS), có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa, đã được chia sẻ tự động với các đồng minh của Washington thông qua hệ thống cảnh báo sớm. (Yonhap)

Châu Mỹ

*Tài trợ của Washington cho Ukraine không đem lại kết quả: Cựu sĩ quan CIA Larry Johnson cho rằng giới lãnh đạo Mỹ đã chi số tiền khổng lồ để giúp đỡ Kiev nhưng không mang lại kết quả.

Theo ông Johnson, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine số tiền nhiều hơn toàn bộ số tiền Nga chi cho ngân sách quốc phòng của nước này. Theo ông Johnson, dù được tài trợ nhưng cuộc phản công của Ukraine chống lại lực lượng Nga đã không thành công. Nhà phân tích này cũng chỉ trích các chuyên gia quân sự đã "nói dối" về sự yếu kém của quân đội Nga, lưu ý rằng những tuyên bố như vậy cũng khuyến khích Ukraine tiếp tục chiến đấu và chịu tổn thất nặng nề.

Người đối thoại với ông Johnson, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao New Jersey, Andrew Napolitano cũng có quan điểm tương tự. Ông Napolitano nói: “Chúng ta tiêu nhiều hơn Nga, Trung Quốc và 10 quốc gia tiếp theo cộng lại về mặt chi tiêu quân sự”.

Trước đó, Hạ nghị sĩ Mỹ Marjorie Taylor-Green đã kêu gọi Washington ngừng hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine. Bà nhấn mạnh rằng thay vào đó, chính quyền nên giúp chấm dứt xung đột và làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

*Đảo chính tại Gabon, Tổng thống bị quản thúc tại gia: Ngày 30/8, các sĩ quan quân đội Gabon cho biết trên truyền hình quốc gia rằng Tổng thống Ali Bongo đang bị quản thúc tại gia, vài giờ sau khi một nhóm sĩ quan cấp cao thông báo họ đã nắm được quyền lực.

Cùng ngày, nhiều nước trong đó có Pháp, Trung Quốc, Nga kêu gọi “tất cả các bên” tại Gabon đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ali Bongo Ondimba. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Gabon, kêu gọi tất cả các bên tại Gabon hành động dựa trên lợi ích cơ bản của đất nước và người dân, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, (và) khôi phục trật tự bình thường càng sớm càng tốt".

Chính phủ Pháp cùng ngày tuyên bố dừng hoạt động công ty khai khoáng Eramet “vì sự an toàn của nhân viên và an ninh của các dự án”. Công ty Eramet đã tuyển dụng 8.000 nhân viên ở Gabon – quốc gia Tây Phi giàu dầu mỏ và khoáng sản.

Cùng ngày, Nga đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Gabon sau cuộc đảo chính. Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ ngoại giao và thương mại với châu Phi. Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi vào tháng trước.

Trong diễn biến khác cùng ngày, các nguồn tin cho biết một người Hàn Quốc làm thư ký cho Đệ nhất phu nhân Gabon đã bị quân đội sở tại bắt giữ. Theo nguồn tin, có ba người Hàn Quốc khác làm nhân viên bảo vệ phủ tổng thống hiện vẫn ở trong phòng nghỉ của họ bên trong cơ quan an ninh này. (Reuters)

*Tổng thống Pháp cam kết hỗ trợ Iraq chống IS: Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron ngày 29/8 đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani, trong đó ông Macron tái khẳng định với ông Al-Sudani rằng Paris sẽ hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cuộc điện đàm giữa hai chính trị gia này diễn ra sau khi 3 binh sĩ Pháp mới đây đã thiệt mạng khi đang tham gia chiến dịch ở Iraq.

Trước đó, hôm 29/8, Tổng thống Macron đã gửi lời chia buồn tới những người thân và đồng nghiệp của các binh sĩ Pháp thiệt mạng ở Iraq, nói rằng họ "đã chiến đấu vì nước Pháp, vì an ninh của chúng tôi". (Reuters)