📞

Tin thế giới 30/9: Pháp-Thổ 'đấu khẩu' vì Armenia-Azerbaijan; Tranh luận Trump-Biden công kích và mất kiểm soát; Nga nói về hành động của bà Merkel

Hoàng Hà 19:45 | 30/09/2020
TGVN. Xung đột Armenia-Azerbaijan, tranh luận Trump-Biden, vụ đầu độc Navalny, Trung Đông, quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Xung đột Armenia-Azerbaijan

Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ đấu khẩu vì xung đột Armenia-Azerbaijan

Ngày 30/9, trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara sẽ làm "những gì cần thiết" nếu Azerbaijan đề nghị sự hỗ trợ quân sự từ Ankara trong cuộc xung đột với Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng Cavusoglu, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, phát biểu "hiếu chiến" của Thổ Nhĩ Kỳ đang kích động Azerbaijan "tái chiếm khu vực Nagorno-Karabakh", xem đó là điều không thể chấp nhận được, bất chấp việc ông nói giai đoạn này không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Tổng thống Macron, ông coi "tuyên bố chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan là khinh suất và nguy hiểm", đồng thời cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tối cùng ngày và với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào ngày 1/10.

Đáp trả lại lời của Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng, "tình đoàn kết của Pháp với Armenia chẳng khác gì việc ủng hộ sự chiếm đóng của Armenia ở Azerbaijan". (Reuters)

Vụ đầu độc Navalny

Nga xem việc Thủ tướng Đức thăm Navalny là nỗ lực chính trị hóa tình hình

Ngày 29/9, buổi trả lời phỏng vấn đài phát thanh Komsomolskaya Pravda, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow xem việc Thủ tướng Đức Merkel tới thăm thủ lĩnh đối lập Nga Alexey Navalny là nỗ lực chính trị hóa tình hình.

Trong khi đó, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, phía Nga tin rằng, Ban Thư ký Kỹ thuật của tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) - trước đó đã thể hiện sự thiên vị - sẽ khẳng định có chất độc thần kinh Novichok trong các mẫu phẩm lấy từ ông Navalny.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại, Moscow đã gửi 3 đề nghị từ Văn phòng Tổng Công tố Nga về hỗ trợ pháp lý cho vụ việc Navalny. Tuy nhiên "cho đến nay, Berlin chưa trả lời yêu cầu nào, tất cả những điều mà chúng ta biết được là họ (phía Đức) đang cân nhắc về điều đó". (TASS)

Tranh luận Trump-Biden

Cuộc tranh luận hỗn loạn và mất kiểm soát với 73 lần ngắt lời của Tổng thống Trump

8 giờ sáng 30/9 (giờ Việt Nam), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên mở màn các cuộc tranh luận trước khi tiến đến ngày bầu cử chính thức 3/11 tới.

90 phút trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên diễn ra với liên tiếp những màn công kích nhau nảy lửa của 2 ứng viên, xoay quanh 6 chủ đề nóng thời gian qua bao gồm bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở các thành phố của Mỹ, cùng tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Cả hai ứng cử viên đều nỗ lực chiếm lĩnh sân khấu bằng cách liên tục đưa ra những ý kiến phản pháo khi đối thủ đang phát biểu, điều khiến nhiều chuyên gia cũng như các nhà báo, phóng viên khi theo dõi vòng tranh luận này nhận xét là "hỗn loạn".

Theo thống kê của CBS News, ông Trump chiếm áp đảo về số lần ngắt lời đối thủ hoặc người dẫn. Cụ thể, ông Trump ngắt lời ông Biden ít nhất 73 lần, cao hơn nhiều so với 37 lần ngắt lời ứng viên Hillary Clinton trong cuộc tranh luận năm 2016.

Mặc dù vậy, ông Biden cũng thể hiện được bản lĩnh của một ứng cử viên xứng tầm ông Trump khi vẫn giữ được thái độ bình bĩnh, đồng thời cũng đưa ra những ngôn từ cứng rắn nhằm “hạ nhiệt” sự hưng phấn của đối thủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà báo Chris Wallace của hãng tin Fox News, người điều phối trong vòng tranh luận đầu tiên này, đã hoàn toàn mất kiểm soát trong cuộc tranh luận đầu tiên này.

Mỹ - Trung

Mỹ, Đài Loan hợp tác trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng

Giới chức Mỹ ngày 30/9 cho biết, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, trong động thái ngầm chống lại các kế hoạch đầu tư khu vực quy mô lớn của Trung Quốc đại lục.

Đại sứ quán trên thực tế của Mỹ ở Đài Bắc cho hay, kế hoạch mới sẽ hỗ trợ "cơ sở hạ tầng chất lượng ở các thị trường mới nổi", trong khi Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết hòn đảo này đã phối hợp chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ với Chính sách hướng Nam của Đài Bắc. Chính sách này của Đài Loan nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam và Nam Á, cắt giảm sự phụ thuộc của đảo này vào Trung Quốc đại lục. Ông nhấn mạnh: "Mối quan hệ đối tác hợp tác Đài Loan-Mỹ đã lên một tầm khác". Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chi tiết quy mô quỹ tài trợ hay số lượng dự án đầu tư. (Reuters)

Nhật Bản - Triều Tiên

Triều Tiên chỉ trích cựu Thủ tướng Nhật Bản vì tới viếng đền Yasukuni

Ngày 30/9, Triều Tiên đã gay gắt chỉ trích chuyến thăm của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trước đó trong tháng này tới đền Yasukuni có liên quan đến thời chiến, cho rằng động thái này của ông Abe là "biểu hiện của sự liều lĩnh xúi giục Nhật Bản tái xâm lược".

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho rằng ông Abe "kiên trì kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong xã hội Nhật Bản".

Trước đó, ba ngày sau khi từ chức, ông Abe thông báo trên tài khoản Twitter rằng ông đã đến thăm đền Yasukuni. (Kyodo)

Trung Đông

Bộ Tứ Trung Đông nhóm họp, Israel tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Palestine

Ngay 29/9, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết, trên cơ sở sáng kiến của phía Moscow, một “hội nghị trực tuyến đã được tổ chức giữa các đại diện đặc biệt của Nhóm Bộ Tứ Trung Đông bao gồm Nga (V.K. Safronkov), Mỹ (A. Berkowitz), Liên hợp quốc (N. Mladenov) và Liên minh châu Âu (S. Terstal).

Các đại diện tham gia đã xem xét tình hình ở Trung Đông. Phía Nga tái khẳng định tiếp tục ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp toàn diện và bình thường hóa quan hệ tại Trung Đông căn cứ vào tình hình quan hệ giữa các quốc gia Arab và Israel”.

Trong hội nghị trực tuyến, các bên cũng khẳng định không thể ổn định toàn diện tình hình khu vực nếu không giải quyết được cuộc xung đột lâu nay giữa Palestine và Israel phù hợp với giải pháp hai nhà nước.

Liên quan tình hình Israel-Palestine, cùng ngày, phát biểu tại phiên họp thường niên lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Israel benjamin Netanyahu cho hay, sau khi người Palestine nhận ra rằng "họ đã mất quyền phủ quyết" và công nhận Israel là nhà nước Do Thái, "tôi sẽ sẵn sàng đàm phán trên cơ sở kế hoạch của Tổng thống Trump, nhằm chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột với người Palestine". (Sputnik, Jerusalem Post)