Nhiều người dân đã tháo chạy khỏi hiện trường vụ xả súng tại trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga cáo buộc Ukraine sử dụng bom chùm tấn công khu vực biên giới: Ngày 3/10, thị trưởng khu vực Bryansk Alexander Bogomaz của Nga cho biết Ukraine đã sử dụng bom chùm tấn công vào ngôi làng Klimovo, gần biên giới hai nước. Vụ tấn công đã gây hư hại một vài căn nhà, song không gây thương vong.
Trước đó, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã nhận bom chùm từ Mỹ. Tuy nhiên, Kiev cam kết chỉ sử dụng chúng để tấn công cứ điểm của đối thủ. (Reuters)
* Nga chưa có kế hoạch huy động thêm quân: Ngày 3/10, phát biểu với các tướng lĩnh hàng đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Không có kế hoạch huy động bổ sung... Lực lượng vũ trang có đủ số lượng quân nhân cần thiết để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Ông cũng ca ngợi lòng yêu nước của người đăng ký nhập ngũ: “Từ đầu năm, hơn 335.000 người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo diện hợp đồng và tình nguyện. Chỉ trong tháng 9, hơn 50.000 công dân đã gia nhập quân đội Nga với tư cách lính hợp đồng chuyên nghiệp”.
Con số trên cho thấy Nga đạt bước tiến đáng kể cả trong thu hút tân binh lẫn chiến binh từ Wagner để thành lập “đội hình tình nguyện” phục vụ quân đội. (Reuters)
* Ukraine hạ 29 UAV Nga: Ngày 3/10, Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 1 tên lửa hành trình và 29/31 máy bay không người lái (UAV) của Nga. Đa số các UAV này nhắm vào tỉnh Mykolaiv và Dnipropetrovsk.
Thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk Serhiy Lysak cho biết các mảnh vỡ rơi xuống thành phố Đông Nam Dnipro gây ra một vụ hỏa hoạn ở một công ty tư nhân.
Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Mykolaiv Vitalii Kim cho hay 16 UAV đã bị phá hủy trên bầu trời tỉnh miền Nam này. (Reuters)
* Báo Nga: EU tuyên bố không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa: Ngày 3/10, Politico (Mỹ) dẫn lời một quan chức châu Âu giấu tên trên cho hay: “Chúng tôi (các nước Liên minh châu Âu) không thể tiếp tục tài trợ vũ khí từ kho dự trữ của mình”. Theo đó, quan chức này nói rằng EU vẫn tồn tại sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng và chính trị với xung đột tại Ukraine, nhưng “chúng tôi đã cung cấp mọi thứ có thể mà không gây nguy hại cho an ninh của chính chúng tôi”.
Trong khi đó, một quan chức trong chính quyền Mỹ cho hay sau 18 tháng đối đầu căng thẳng ở quy mô công nghiệp, kho dự trữ của châu Âu đang cạn kiệt. Politico cũng dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay Lầu Năm Góc vẫn còn vũ khí để gửi tới Ukraine nhưng đã “hết tiền để bổ sung vào kho dự trữ của chính mình”.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 2/10 dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ còn 5,2 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Con số này “gần tương đương với giá trị vũ khí mà chính quyền (Tổng thống) Biden đã tài trợ cho Ukraine trong vòng 6 tháng qua”. (Politico/TASS)
* Hungary nêu quan điểm bất ngờ về sự ủng hộ của thế giới với Ukraine: Ngày 3/10, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng thế giới bên ngoài châu Âu thực sự mong đợi xung đột tại Ukraine chấm dứt vì “họ không hiểu nhiều điều”. Chẳng hạn, theo ông, thế giới bên ngoài châu Âu không hiểu được vì sao khi với một xung đột không phải ở châu Âu, EU “xem nhẹ các quy chuẩn về mặt đạo đức” để kêu gọi các bên hướng đến hòa bình, ủng hộ đàm phán và chấm dứt bạo lực ngay lập tức. Song khi mọi thứ xảy ra ở châu Âu, EU lại “kích động xung đột và cung cấp vũ khí… còn những ai nói về hòa bình sẽ ngay lập tức bị kỳ thị”.
Ngoại trưởng Szijjarto cho rằng các quốc gia khác không hiểu nổi vì sao EU lại “toàn cầu hóa” xung đột tại Ukraine, cũng như việc người dân ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh lại phải trả giá vì lạm phát và giá năng lượng ngày càng tăng, còn nguồn cung lương thực không ổn định. Ông nhấn mạnh quan điểm của Hungary về vấn đề này rất được tôn trọng bên ngoài EU, với dẫn chứng là những gì ông đã nhiều lần được chứng kiến tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. (TTXVN)
Đông Nam Á
* Thủ tướng Thái Lan nói về vụ nổ súng ở thủ đô: Ngày 3/10, ông Srettha Thavisin xác nhận đã xảy ra vụ nổ súng cùng ngày tại một trung tâm mua sắm lớn ở trung tâm thủ đô Bangkok, khiến 3 người bị thương và hàng trăm người phải tháo chạy. Ông nêu rõ: “Kẻ nổ súng đã bị bắt. Trên thực tế, hắn đã đầu hàng. Ba người bị thương. Cảnh sát đang dọn dẹp hiện trường. Tình hình đang dịu bớt”.
Đáng chú ý, vụ nổ súng xảy ra chỉ vài ngày trước lễ tưởng niệm 1 năm ngày xảy ra một trong những vụ việc đẫm máu nhất lịch sử Thái Lan, khi cựu sĩ quan cảnh sát cầm dao và súng tấn công nhà trẻ, sát hại 24 trẻ em và 12 người lớn. (AFP)
* Thái Lan lập ủy ban nghiên cứu sửa đổi hiến pháp: Ngày 3/10, Thủ tướng nước này Srettha Thavisin đã chỉ định thành lập ủy ban gồm 35 thành viên để tiến hành nghiên cứu khả thi về việc tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi hiến pháp.
Họp báo cùng ngày, Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết ủy ban sẽ bao gồm các đại diện chính phủ, phe đối lập cùng học giả, nhà hoạt động chính trị và chuyên gia pháp lý. Ủy ban dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tuần tới. Cơ quan này sẽ có khung thời gian từ 3 đến 4 tháng, hoặc ít nhất là trước năm mới, để đưa ra kết luận về cuộc trưng cầu ý dân về (về sửa đổi hiến pháp). Ông Phumtham cho biết nội các sẽ phê duyệt và đệ trình các khuyến nghị của ủy ban lên Ủy ban bầu cử trước cuộc trưng cầu dân ý.
Phó Thủ tướng Thái Lan cũng nêu rõ hiến pháp mới sẽ không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến chế độ quân chủ: “Chúng tôi sẽ không đề cập đến Chương I và Chương II bao gồm các đặc quyền của Hoàng gia trong các chương khác”.
Hiến pháp hiện tại của Thái Lan được soạn thảo sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, có hiệu lực từ năm 2017 và dành nhiều quyền lực cho các các quan chức không qua bầu chọn và lực lượng vũ trang. Trong chiến dịch vận động trước tổng tuyển cử 2023, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của ông Srettha cũng cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi hiến pháp, cho rằng hiến pháp hiện hành được sử dụng để mở rộng quyền lực của chính phủ khi đó. (Bangkok Post)
Nam Á
* Ấn Độ yêu cầu Canada rút nhiều nhân viên ngoại giao: Ngày 3/10, tờ Financial Times (Anh) dẫn nguồn thạo tin cho biết New Delhi đã yêu cầu Ottawa phải rút về khoảng 40 nhà ngoại giao trước ngày 10/10.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau khi hồi tháng 9, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nghi ngờ các đặc vụ của Chính phủ Ấn Độ có liên quan đến vụ sát hại thủ lĩnh ly khai Hardeep Singh Nijjar. Ấn Độ khẳng định rằng cáo buộc này là vô lý và cả hai nước đã trục xuất quan chức ngoại giao của nhau trong một động thái "ăn miếng trả miếng". (Financial Times)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản cân nhắc mở rộng giám sát hàng hải: Ngày 3/10, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang cân nhắc tăng cường năng lực giám sát hàng hải bằng cách chia sẻ dữ liệu thuộc sở hữu của khu vực công và tư.
Việc cải thiện khả năng “nhận thức về lĩnh vực biển”, cũng có thể được tận dụng trong công tác dự báo thảm họa và phát triển tài nguyên, nhằm mục đích hình dung hiện trạng của biển một cách tổng hợp. Mục tiêu này có thể sẽ được đưa vào chiến lược phát triển hàng hải chuyên sâu của Tokyo, dựa trên Kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương. Đây là cẩm nang của Nhật Bản trong lĩnh vực này 5 năm tới, được Nội các Thủ tướng Kishida Fumio phê duyệt hồi tháng 4 vừa qua.
Ngoài ra, nguồn tin cho biết thêm, chính quyền Tokyo đang lên kế hoạch thông qua chiến lược này vào cuối tài khóa đến tháng 3 năm sau, sau khi tham khảo ý kiến của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh Komeito.
Đồng thời, Lực lượng phòng vệ, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và các tổ chức chính phủ khác dự kiến sẽ tăng cường hợp tác với thực thể tư nhân để ứng phó với tình huống bất ngờ như sự xâm nhập của tàu nước ngoài và thiên tai.
Chiến lược chuyên sâu trên cũng bao gồm quan sát các hòn đảo xa xôi gần biên giới quốc gia, tăng cường sử dụng phương tiện tự hành dưới nước và thúc đẩy sản xuất điện gió ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. (Kyodo)
Trung Á
* Armenia sẽ chấp nhận quyền tài phán của ICC: Ngày 3/10, Quốc hội nước này đã phê chuẩn quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan cho biết 60 nghị sỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn Quy chế Rome của ICC và thông qua tuyên bố về việc công nhận hiệu lực hồi tố của ICC, trong khi chỉ có 22 nghị sỹ bỏ phiếu chống.
Qua đó, Armenia sẽ nằm dưới quyền tài phán của tòa án này tại The Hague ở Hà Lan, động thái chắc chắn sẽ chọc giận đồng minh của Yerevan là Moscow. Bởi lẽ, việc gia nhập ICC đồng nghĩa rằng Armenia sẽ có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đặt chân tới Armenia. Trước đó, tòa án này đã phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga với cáo buộc đã trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine, tuyên bố bị Điện Kremlin bác bỏ và coi là vô nghĩa. (TTXVN)
Châu Âu
* Warsaw, Kiev đạt đột phá về vấn đề ngũ cốc Ukraine: Ngày 3/10, giới chức Ba Lan và Ukraine tuyên bố hai bên đã nhất trí đẩy nhanh hoạt động quá cảnh ngũ cốc của Kiev qua lãnh thổ của Warsaw sang các nước thứ ba, bước đầu tiên trong tiến trình giải quyết “cuộc chiến ngũ cốc” giữa hai láng giềng này. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus xác nhận: “Từ ngày mai, ngũ cốc vận chuyển (đến các thị trường thế giới) qua Lithuania sẽ được kiểm tra ngay tại cảng Lithuania chứ không phải ở biên giới Ba Lan-Ukraine”.
Ngoài ra, thỏa thuận giữa ba quốc gia gồm Ba Lan, Ukraine và Lithuania có nghĩa là xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, dành cho các thị trường ở châu Phi và Trung Đông nói riêng, sẽ được vận chuyển trực tiếp qua Ba Lan thay vì trước tiên phải qua bước kiểm tra ở biên giới Ba Lan-Ukraine.
Sau khi cuộc xung đột đang diễn ra ngăn cản Ukraine sử dụng các tuyến đường Biển Đen truyền thống để xuất khẩu ngũ cốc sang thị trường thế giới, ngũ cốc của nước này đã được vận chuyển bằng đường bộ qua EU. Song do vấn đề hậu cần, ngũ cốc bắt đầu chất đống ở láng giềng Ukraine, khiến giá nông sản tại đây giảm.
Sau đó, Brussels đã cho phép một số quốc gia áp đặt cấm vận tạm thời với ngũ cốc Ukraine. Song khi chấm dứt những hạn chế đó, Ba Lan, Hungary và Slovakia lại gia hạn lệnh cấm, gây tranh cãi ngoại giao giữa Kiev và đồng minh. (AFP)
* Czech và Ba Lan khôi phục kiểm soát tại biên giới với Slovakia: Ngày 3/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Czech Vit Rakusan thông báo nước này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát tạm thời tại biên giới với Slovakia kể từ ngày 4/10 để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp và hoạt động buôn lậu.
Theo quan chức này, việc kiểm tra ngẫu nhiên sẽ được tiến hành dọc biên giới giữa hai quốc gia cho đến hết ngày 13/10, kèm theo khả năng gia hạn. Ông cũng nhấn mạnh bước đi này của Czech có sự phối hợp với phía Ba Lan.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cũng thông báo sẽ khôi phục các biện pháp kiếm soát tạm thời tại biên giới với láng giềng Slovakia từ nửa đêm 3/10. Ông cho hay hoạt động kiểm soát việc nhập cảnh vào Ba Lan sẽ được duy trì trong vòng 10 ngày.
Đáng chú ý, động thái của hai nước này diễn ra chỉ ít lâu sau khi Slovakia công bố kết quả bầu cử. Theo đó, Đảng Dân chủ xã hội (Smer-SD) do cựu Thủ tướng Robert Fico, người có lập trường cứng rắn về vấn đề người nhập cư, đã chiến thắng và sẽ đứng ra thành lập chính phủ. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Lãnh đạo chuyển tiếp của Gabon kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt: Ngày 2/10, phát biểu sau cuộc hội đàm 2 giờ với người đứng đầu Cộng hòa Congo, Tổng thống chuyển tiếp của Gabon, Tướng Brice Oligui Nguema, đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với đất nước: “Tôi đến đây để tham khảo, thảo luận, trao đổi với tổng thống Denis Sassou Nguesso nhằm xoa dịu các lệnh trừng phạt”.
Chính trị gia này nêu rõ: “Tổng thống Denis Sassou Nguesso là một nhà lãnh đạo quan trọng trong tiểu vùng, người có thể truyền đạt cho các cơ quan có thẩm quyền thế giới những gì chúng tôi đã làm và giải thích rõ hơn cho toàn thế giới”. Theo ông, Gabon cần “lấy lại vị trí trong cộng đồng quốc tế”. (Tân Hoa xã)