📞

Tin thế giới 3/11: Hai đối thủ 'khẩu chiến' trong đêm 'chào' ngày bầu cử Mỹ; Khủng bố kinh hoàng trên thế giới; Hàn Quốc lập đội giám sát Triều Tiên

Hoàng Hà 19:40 | 03/11/2020
TGVN. Ngày Bầu cử Mỹ 2020 chính thức bắt đầu, tấn công khủng bố ở Afghanistan, xả súng kinh hoàng ở Áo, quan hệ Nhật Bản-Australia, tình hình bán đảo Triều Tiên là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Ngày tổng tuyển cử chính thức bắt đầu

Sáng 3/11 giờ địa phương, tức chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, điểm bỏ phiếu tại các bang New York, New Jersey và Virginia đã mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu bầu Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng như hai viện của Quốc hội và thống đốc các bang, chính thức bắt đầu ngày tổng tuyển cử tại Mỹ.

Tuy nhiên, trước đó, vào 0h sáng ngày 3/11 (giờ Mỹ, trưa ngày 3/11 giờ Việt Nam), cử tri ở hai thị trấn nhỏ gồm Dixville Notch và Millsfield thuộc bang New Hampshire của Mỹ đã trở thành những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử.

Kết quả kiểm phiếu tại chỗ cho thấy, đương kim Tổng thống Donald Trump dẫn của đảng Cộng hòa dẫn trước ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ với tỉ số 16-5 tại Millsfield trong khi tại Dixville Notch, ứng cử viên Biden dẫn trước với tỉ số 5-0.

Hai đối thủ 'khẩu chiến' trong đêm trước ngày bầu cử

Đêm ngày 2/11, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ vẫn không quên "khẩu chiến" với nhau trên Twitter, trong bối cảnh chỉ còn ít giờ trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Trên trang Twitter cá nhân, ứng viên Joe Biden đăng hàng loạt tweet công kích thẳng đối thủ Donald Trump, trên mọi khía cạnh chăm sóc y tế, môi trường và đối phó với dịch Covid-19. "Nếu chúng ta cho ông Trump thêm 4 năm nữa ở Nhà Trắng, hành tinh của chúng ta sẽ không bao giờ có thể hồi phục", ông Biden viết.

Đương kim Tổng thống Trump không kém cạnh khi tung loạt bài đăng chỉ trích đối thủ, tập trung vào chính sách kinh tế của ứng viên Biden, cho rằng ông sẽ hủy bỏ nền công nghiệp dầu khí của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Trump tuyên bố: "Ông Biden sẽ tăng lượng người nhập cư từ các quốc gia khủng bố lên 700%. Ông ta sẽ biến Michigan, Minnesota, Wisconsin và cả vùng Trung Tây thành trại tị nạn. Tôi đang bảo vệ gia đình bạn và giữ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở ngoài quốc gia này". (Fox News)

Khủng bố ở Afghanistan

Đánh bom 'chồng' khủng bố, Afghanistan tổ chức quốc tang

Ngày 3/11, một nguồn tin Afghanistan cho biết, đã xảy ra một vụ đánh bom xe liều chết và ngay sau đó là một cuộc tấn công bằng súng vào một doanh trại quân đội của Lực lượng biên phòng Afghanistan ở tỉnh Kunduz miền Bắc nước này ngày 3/11.

Theo THX, kẻ đánh bom liều chết đã lái xe cài bom đến kích nổ trước cửa doanh trại quân đội ở huyện Imam Sahib. Ngay sau vụ nổ, một nhóm tay súng đấu súng với lực lượng an ninh trong doanh trại.

Nguồn tin nêu rõ các tay súng tìm cách vào bên trong doanh trại, nhưng lực lượng an ninh đã đẩy lùi những kẻ tấn công, tiêu diệt 2 tay súng tìm cách vào bên. Chưa có tổ chức nào nhận gây ra vụ tấn công trên.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào trường Đại học Kabul khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Chính phủ Afghanistan đã công bố quốc tang ngày 3/11 tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố này. (THX)

Xả súng tại Áo

Thêm 1 nạn nhân thiệt mạng, bắt giữ 2 đối tượng, Đức tăng cường kiểm tra biên giới

Ngày 3/11, kênh truyền hình ORF đưa tin, có thêm một nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công xảy ra tại trung tâm thủ đô Vienna của Áo trước đó 1 ngày. Như vậy, 4 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công này, gồm 2 nam và 2 nữ.

Tổng biên tập tuần báo Falter Florian Klenk cho biết trên Twitter rằng, một đối tượng 20 tuổi đã bị tiêu diệt là người gốc Albania, bố mẹ sống ở Bắc Macedonia, nhưng đối tượng được sinh ra và lớn lên ở Vienna. Tên này là một trong số 90 phần tử Hồi giáo người Áo muốn đến Syria.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cũng tuyên bố có ít nhất một đối tượng thuộc IS liên quan vụ xả súng. Hiện ít nhất 1.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp thủ đô Vienna để truy lùng các đối tượng còn lại.

Trong khi đó, Hãng thông tấn APA của Áo cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 2 đối tượng tại thị trấn St.Poelten sau các vụ tấn công tại trung tâm thủ đô Vienna trước đó một ngày.

Lãnh đạo các nước châu Âu, Tổng thống Nga, Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ đều đã lên tiếng lên án loạt vụ tấn công, đồng thời bày tỏ "đoàn kết" với Chính phủ và người dân Áo. (Reuters)

Quan hệ Nhật Bản-Australia

Nhật Bản sắp ký hiệp ước hợp tác an ninh với Australia

Theo nhật báo Yomiuri, trong chuyến thăm thăm Nhật Bản vào giữa tháng 11, Thủ tướng Australia Scott Morrison dự kiến sẽ ký kết với người đồng cấp Yoshihide Suga của nước chủ nhà một hiệp ước thúc đẩy hợp tác quân sự và tái khẳng định các nỗ lực nhằm chống các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên biển.

Nhật báo Yomiuri dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết hiệp ước này sẽ quy định việc miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Australia mang theo khi họ tới quốc gia đối tác để diễn tập chung hoặc các mục đích khác, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục cho việc mang vũ khí và vật liệu nổ vào hai nước này.

Trước đó, hai nước đã nhất trí dàn xếp để SDF sử dụng vũ khí của mình nhằm bảo vệ các tàu quân sự của Australia. Các nhà lãnh đạo hai nước sẽ nhất trí về việc nhanh chóng đưa vào thực thi thỏa thuận này tại cuộc gặp thượng đỉnh trên.

Mặt khác, Thủ tướng Suga và người đồng cấp Morrison sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa”. Ngoài ra, hai bên dự định sẽ thảo luận về sự hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và nối lại hoạt động đi lại vì mục đích công việc giữa hai nước.

Tình hình Libya

Các bên tham chiến tiến hành hòa đàm

Tối 2/11, các sĩ quan thuộc các lực lượng quân sự đối lập tại Libya đã tới Ghadames, một ốc đảo hoang mạc cách thủ đô Tripoli khoảng 465 km về phía Tây Nam, để tham gia cuộc hòa đàm lần đầu tiên được tổ chức ở chính nước này sau một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng trước.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), Cuộc họp sẽ kéo dài đến hết ngày 4/11, tập trung vào việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Phái viên LHQ về Libya Stephanie Williams cũng có mặt.

Đây là vòng đàm phán thứ năm do LHQ làm trung gian hòa giải, và diễn ra chỉ chưa đầy hai tuần sau khi hai bên ký lệnh ngừng bắn lâu dài tại Geneva hôm 23/10. (AFP, AP)

Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên đóng tàu ngầm mới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo

Ngày 3/11, Hạ nghị sỹ Ha Tae-keung, một nghị sỹ đối lập trong Ủy ban Tình báo của Quốc hội, trích dẫn báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang cho đóng hai tàu ngầm, trong đó có một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.

Ông cũng tiết lộ thêm, một tàu ngầm là biến thể của lớp Romeo và chiếc còn lại là loại tàu ngầm mới có kích thước trung bình-lớn. (Reuters)

Hàn Quốc thành lập Không đoàn Trinh sát 39 để giám sát Triều Tiên

Ngày 3/11, Lực lượng Không quân Hàn Quốc đã tổ chức lễ thành lập Không đoàn trinh sát 39, một đơn vị chiến lược trọng tâm có chức năng giám sát và trinh sát Triều Tiên, tại căn cứ không quân ở thành phố Chungju, tỉnh Bắc Chungcheong, miền Trung Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên lực lượng Không quân Hàn Quốc thành lập một không đoàn mới kể từ khi cho ra đời Không đoàn chiến đấu 20 vào năm 1996.

Không đoàn trinh sát 39 được bố trí 5 loại máy bay trinh sát như RF-16, RC-800, "Global Hawk", máy bay trinh sát không người lái tầm trung (MUAV) mà Hàn Quốc đang phát triển bằng công nghệ trong nước... để có thể tác chiến giám sát và trinh sát 24/24 giờ trên toàn khu vực bán đảo Triều Tiên.

Đặc biệt, Không đoàn Trinh sát 39 có thể giám sát và phát hiện sớm các dấu hiệu liên quan tới thử nghiệm hạt nhân, thử tên lửa đạn đạo trên bệ phóng di động của Triều Tiên nhờ hệ thống camera quang học, tia hồng ngoại với hàng chục cảm ứng mà không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.

Thông qua hệ thống mạng tiên tiến, Không đoàn Trinh sát 39 sẽ chia sẻ tình hình chiến trường theo thời gian thực, không chỉ tác chiến trên không mà còn có thể hỗ trợ hiệu quả mọi tác chiến quân sự của quân đội, như đơn vị Tình báo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ, lực lượng Lục quân và Hải quân. (Yonhap)

Indonesia-Mỹ

Indonesia tiếp tục thương thảo với Mỹ về việc mua máy bay F-35

Đại sứ Indonesia tại Mỹ Muhammad Lutfi ngày 3/11 cho biết kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đã được hai bên thảo luận trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto tới Mỹ vào tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, việc mua máy bay chiến đấu tiên tiến nhất này cần thời gian thời gian để thương thảo.

Ông Lutfi cho biết nếu phải đợi 9 năm nữa để Mỹ chuyển giao F-35 cho Indonesia thì máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ 5 này của Mỹ có thể sẽ trở nên lạc hậu, do vậy Jakarta sẽ thúc đẩy để nhận được máy bay F-35 sớm hơn.

Ngoài ra, ông cũng cho biết phía Mỹ đặt ra yêu cầu đối với Indonesia rằng trước khi chuyển giao F-35 thì Jakarta cần phải vận hành thành thạo các loại máy bay tương đương thế hệ thứ 4 và 4,5, ví dụ như dòng F-16 blok 72. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu hiện tại của Indonesia chỉ là dòng F-16A/B, thuộc thế đầu tiên. Do vậy, sẽ cần có thêm thời gian để hai bên thống nhất với nhau về các yêu cầu đặt ra trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán F-35.

Hiện tại, Indonesia đang tăng cường mua sắm hệ thống vũ khí chiến lược. Ngoài hợp tác quốc phòng với Mỹ, Indonesia cũng đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Áo. (TTXVN)