Trung Quốc phản đối Mỹ siết chặt lệnh cấm xuất khẩu với Huawei. (Nguồn: Quint) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine thiếu vũ khí chống ‘tên lửa Iran’: Phát biểu trên kênh truyền hình Rada (Ukraine) ngày 31/1, Người phát ngôn Không quân nước này Yuriy Ignat nói: “Nga vẫn sẵn sàng nhận máy bay không người lái (UAV), tên lửa Fateh và Zolfaghar từ Iran như trước. Đó là tên lửa đạn đạo. Chúng tôi không có phương tiện để đánh chặn chúng”. Theo ông, Ukraine cần các hệ thống phòng không như Patriot PAC-3 thế hệ mới nhất của Mỹ và SAMP/T từ Pháp để “đánh bại” chúng.
Trước đó, phương Tây đã nhiều lần khẳng định Iran vẫn đang cung cấp UAV cho Nga sử dụng tại Ukraine, song Moscow và Tehran đã bác bỏ cáo buộc này. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian thừa nhận Tehran đã từng cung cấp UAV cho Nga, nhưng là vài tháng trước khi bắt đầu xung đột ở Ukraine. Ông cũng gọi thông tin về việc cung cấp tên lửa cho Nga là “hoàn toàn dối trá”.
Trong khi đó, Điện Kremlin cũng lưu ý rằng họ không có dữ liệu về vũ khí Iran. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry, ông Peskov khẳng định “các phương tiện kỹ thuật được sử dụng là của Nga, có tên gọi Nga”. (Sputnik)
* Ukraine chỉ trích phát biểu của Tổng thống Croatia về Crimea: Ngày 31/1, viết trên Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nêu rõ: “Chúng tôi coi tuyên bố của Tổng thống (Croatia) là không thể chấp nhận được. Tổng thống (Zoran Milanovic) đã hoài nghi về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Trước đó, ông Milanovic tuyên bố Croatia phản đối việc gửi vũ khí đến Ukraine và nhấn mạnh “Crimea sẽ không bao giờ là một phần của Ukraine nữa”. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc: Mỹ “lạm dụng quyền lực nhà nước” để cản trở Huawei: Ngày 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh chỉ trích Washington “lạm dụng quyền lực nhà nước” để cản trở Huawei thông qua “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia”. Theo quan chức này, lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei là “ví dụ điển hình về quyền bá chủ công nghệ của Mỹ”.
Trước đó, hôm 30/1, theo Financial Times, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ngừng cấp phép cho các công ty nước này xuất khẩu một số mặt hàng cho Huawei và tiến tới sẽ cấm hoàn toàn việc bán công nghệ Mỹ cho tập đoàn này.
Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế xuất khẩu liên quan tới 5G và các công nghệ khác trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ vẫn cấp phép cho công ty Mỹ bán một số mặt hàng nhất định cho Huawei như chip 4G di động của tập đoàn Qualcomm vào năm 2020. (Financial Times/Kyodo)
Đông Nam Á
* Indonesia và Malaysia thảo luận về bảo vệ lao động nhập cư: Ngày 30/1 tại Jakarta, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia Ida Fauziyah và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Dato Seri Saifuddin Nasution đã nhóm họp và ký kết Biên bản ghi nhớ về việc bố trí và bảo vệ lao động nhập cư Indonesia tại Malaysia. Biên bản ghi nhớ này là kết quả sau hai lần họp giữa các nhóm công tác chung của hai nước.
Tại cuộc họp, hai bên cũng thảo luận về Chương trình điều chỉnh lực lượng lao động (RTK) nhằm chính thức hóa Người di cư nước ngoài không có giấy phép ở Malaysia đã làm việc lâu dài ở nước này là lao động nước ngoài hợp pháp. Theo đó, người tuyển dụng/sử dụng lao động có thể thuê người nhập cư Indonesia căn cứ theo quy định của Cơ quan di trú Malaysia (JIM) và Bộ Nội vụ Malaysia.
Bộ trưởng Nhân lực Indonesia hy vọng các tiêu chuẩn chính thức sẽ sớm được ban hành, quá đó để trở thành tài liệu tham khảo cho các dịch vụ liên quan đến người nhập cư nước ngoài không có giấy phép đã làm việc lâu dài ở Malaysia. Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia khẳng định, RTK năm nay sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho lao động Indonesia đã ở Malaysia nhưng chưa tìm được nhà tuyển dụng lâu dài. Hai nước cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động hợp tác về việc làm nhằm thúc đẩy mối quan hệ hai bên cùng có lợi. (TTXVN)
Nam Á
* Vụ nổ đền thờ ở Pakistan: Trung Quốc và Liên hợp quốc lên tiếng: Ngày 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về những tổn thất nhân mạng trong vụ tấn công này và bày tỏ cảm thông với gia đình các nạn nhân”. Quan chức này khẳng định Bắc Kinh cực lực phản đối hành động khủng bố dưới mọi hình thức và kiên quyết ủng hộ nỗ lực của Islamabad trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, bảo đảm sự ổn định quốc gia và bảo vệ cuộc sống của người dân.
Về phần mình, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephan Dujarric cho biết, ông Antonio Guterres đã chỉ trích mạnh mẽ vụ việc, đặc biệt khi nó xảy ra tại một địa điểm thờ tự.
Trước đó, ngày 30/1, một vụ đánh bom thảm khốc đã xảy ra tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 83 người thiệt mạng và 157 người bị thương. (AFP/Tân Hoa xã)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản, NATO lo ngại về hợp tác quân sự Nga-Trung: Ngày 31/1, hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cảnh báo về sự gần gũi quân sự “ngày càng tăng” giữa Nga và Trung Quốc, “kể cả thông qua các hoạt động và tập trận chung ở khu vực lân cận Nhật Bản”. Hai bên cam kết tăng cường quan hệ đối tác an ninh, trong bối cảnh Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Trung Quốc mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trả lời họp báo sau hội đàm, ông Stoltenberg nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc là “vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng” với cả Nhật Bản và NATO. Đồng thời, Tổng Thư ký NATO cũng khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông. Chúng tôi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các thông tin liên quan hoạt động quân sự hóa, cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông”. (Kyodo/Sputnik/Reuters)
Châu Âu
* Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan, Thụy Điển: Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Hungary Péter Szijjártó ngày 31/1 ở Budapest, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: “Ngoại trưởng Thụy Điển (Tobias Billstrom) đã thăm chúng tôi. Ông ấy đã gặp gỡ các đảng phái trong Quốc hội. Ông ấy nghe nói rằng tất cả các bên đều tuyên bố rằng nghị định thư chỉ có thể được phê chuẩn khi các nghĩa vụ được thực hiện. Do đó, trong điều kiện hiện nay, không nên đề cập việc phê duyệt văn kiện này”.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao này, Ankara có thể “có cái nhìn tích cực” về tư cách thành viên của Phần Lan trong NATO nếu Helsinki và liên minh quân sự này đưa ra quyết định về một đơn xin gia nhập riêng biệt từ Thụy Điển. (Sputnik)
* Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Hungary: Đăng tải trên Twitter ngày 31/1 khi đang thăm Budapest, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Cuộc gặp đầu tiên của tôi tại Budapest là với ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary - đối tác chiến lược của chúng tôi. Tôi cảm ơn ông ấy vì cuộc gặp hiệu quả và đã chuyển lời chào lời mời của Tổng thống (Recep Tayyip Erdogan)”. Dự kiến, ông Cavusoglu sẽ thảo luận về vấn đề quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, đồng thời phát biểu trước một hội đồng chung của Diễn đàn Ngoại giao Antalya và Viện Ngoại giao và Thương mại Hungary. (Sputnik)
* Nga chỉ trích các nước Baltic, Ba Lan “cực kỳ hiếu chiến”: Ngày 31/1, bình luận về tuyên bố mới đây của Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng NATO cần dừng việc vạch ra “lằn ranh đỏ” và tăng cường cấp vũ khí cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Nói chung, chúng tôi thấy đại diện các nước Baltic và Ba Lan có quan điểm cực kỳ hung hăng. Họ dường như sẵn sàng làm mọi thứ để kích động đối đầu hơn nữa, mà ít quan tâm đến hậu quả. Tất nhiên, thật đáng buồn là các nhà lãnh đạo của các nước lớn châu Âu, những người lèo lái mọi quy trình của lục địa này, lại không đóng vai trò cân bằng”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, các nước phương Tây đang dần bắt đầu hiểu rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine bắt nguồn từ chính sách khiêu khích Moscow của Washington. (Reuters/Sputnik)
* Ngoại trưởng Nga, Pakistan thảo luận về hợp tác năng lượng: Ngày 30/1, phát biểu tại họp báo sau buổi tiếp Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến lĩnh vực năng lượng đầy hứa hẹn, bao gồm việc cung cấp dầu mỏ và xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Pakistan từ Karachi đến Lahore.” Ông nhấn mạnh đàm phán về xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan đã bước vào “giai đoạn nâng cao” và sẽ đạt nhiều tiến bộ hơn nữa “trong tương lai gần”.
Về phần mình, ông Zardari hy vọng hợp tác với Nga sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề về năng lượng của Pakistan. Trong chuyến thăm Nga đầu tiên kể từ khi ông Zadari nhậm chức vào tháng 4/2022, hai bên cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống khủng bố, kế hoạch tăng cường quan hệ nhân đạo, văn hóa và giáo dục, tình hình ở Afghanistan và những gì đang diễn ra ở Ukraine. (Tân Hoa xã)
Trung Đông-Châu Phi
* Israel khẳng định vụ tấn công nhằm vào Iran đã đạt được mục tiêu: Các nguồn thạo tin ngày 31/1 cho biết Israel tin rằng vụ không kích của tình báo Mossad vào cơ sở quốc phòng Iran tại Isfahan đêm hôm 29/1 đã đạt mục tiêu.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Iran thông báo UAV đã tấn công một cơ sở quốc phòng của họ. Một chiếc đã bị bắn hạ trong khi hai chiếc còn lại trúng bẫy phòng thủ và phát nổ. Không có thương vong trong vụ việc này và Tehran cũng không cáo buộc ai đứng sau vụ tấn công. Cũng vào đêm hôm đó ở Tây Bắc Iran, một nhà máy sản xuất dầu bôi trơn động cơ cũng chứng kiến một vụ nổ dẫn đến hỏa hoạn.
Cũng trong ngày 31/1, tờ The Times of Israel (Israel) đưa tin lực lượng an ninh của nước này đang chuẩn bị cho khả năng Iran trả đũa. Israel lo ngại rằng khách du lịch, quan chức và đại sứ quán Israel có thể trở thành mục tiêu bị tấn công. (TASS/Sputnik)