Tình hình Syria: Mỹ có hành động bất ngờ với Nga, dứt khoát nói không đưa lại quân đến đất nướcTrung Đông. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc ngừng xuất khẩu nguyên liệu bán dẫn sang Mỹ: Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận nước này sẽ cấm xuất khẩu sang Mỹ các "mặt hàng lưỡng dụng" liên quan đến gali, gecmani, antimon và vật liệu siêu cứng, bắt đầu từ ngày 3/12.
Trung Quốc cũng yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn về người dùng cuối và mục đích sử dụng cuối đối với các mặt hàng lưỡng dụng graphit được vận chuyển tới Mỹ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ ngày 2/12 tiến hành đợt hạn chế lần thứ ba trong vòng 3 năm qua nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty, bao gồm hãng sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group. (Reuters)
Tin liên quan |
Iran gửi thông điệp về đàm phán hạt nhân tới Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump |
*Australia, Singapore thúc đẩy tiếp cận quân sự đối ứng: Ngày 3/12, Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết Singapore và Australia nhất trí theo đuổi các cơ hội tăng cường tiếp cận các cơ sở quốc phòng tương ứng.
Ông Marles nhấn mạnh: "Đây là một bước tiến rất quan trọng trong mối quan hệ vốn đã rộng lớn và độc đáo".
Phát biểu trên được ông Marles đưa ra trong chuyến thăm tới Singapore, trong đó tiết lộ rằng các phi công chiến đấu của Singapore sẽ được đào tạo tại Australia song không nêu chi tiết về những gì hai bên thỏa thuận. (AFP)
*Seoul yêu cầu Triều Tiên thả "vô điều kiện" công dân Hàn Quốc: Ngày 3/12, Bộ thống nhất Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên thả "ngay lập tức và vô điều kiện" Choi Chun Gil, một nhà truyền giáo Hàn Quốc bị giam giữ tại Triều Tiên cùng 5 công dân khác sau 10 năm bị bắt.
Choi Chun Gil là 1 trong 6 người Hàn Quốc đang bị giam giữ nhiều năm tại Triều Tiên, bao gồm 2 nhà truyền giáo khác là Kim Jung Wook và Kim Kook Kie. Choi bị bắt vào tháng 12/2014 và bị kết án lao động khổ sai chung thân với tội danh làm gián điệp cho cơ quan tình báo Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực xác nhận số phận của những người Hàn Quốc bị giam giữ với sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế. (Yonhap)
*Triều Tiên cung cấp 100 hệ thống pháo tầm xa cho Nga: Tạp chí kinh tế Forbes (Mỹ) dẫn lời ông Andrii Kovalenko, người đứng đầu bộ phận chống tin giả thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cho biết Triều Tiên đã cung cấp cho Nga 100 hệ thống pháo chủ lực như pháo phản lực phóng loạt tầm xa tối tân M1991 và pháo tự hành M1989.
M1991 là pháo phản lực phóng loạt có khả năng bắn đạn cỡ 240 mm, nặng 85 kg, với tầm bắn tối đa khoảng 60 km. Trong khi đó, pháo tự hành M1989 được biết đến với tên gọi là "pháo Juche", được dự đoán là có thể bắn đạn cỡ 170 mm, nặng 45 kg, tầm bắn tối đa 40 km. Tháng 11 vừa qua, trên mạng đã lan truyền các bức ảnh được cho là chụp loại pháo này vận chuyển bằng đường sắt tại Nga. (Forbes/Reuters)
Châu Âu
*Ukraine từ chối mọi hình thức bảo đảm an ninh ngoài việc gia nhập NATO: Ngày 3/12, ngay trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng của NATO về vấn đề Ukraine, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra tuyên bố khẳng định nước này từ chối mọi định dạng bảo đảm an ninh nếu đó không phải là việc gia nhập NATO.
Tuyên bố cho hay: "Sự bảo đảm an ninh thực tế duy nhất đối với Ukraine, và cũng là yếu tố kiềm chế Nga và các quốc gia khác, chỉ có thể là gia nhập đầy đủ vào NATO".
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết nước này "thất vọng" với Bản ghi nhớ Budapest và không chấp nhận bất cứ một hình thức thay thế nào cho việc gia nhập NATO.
Trước cuộc họp, đã có những tuyên bố rằng Ukraine có thể gia nhập NATO mà không vận dụng toàn bộ Điều 5 về an ninh, tuy nhiên chi tiết không được công bố. (AFP)
*Thụy Điển nghi cáp Internet kết nối với Phần Lan bị phá hoại: Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin ngày 3/12 cho rằng việc đứt cáp Internet giữa Phần Lan và Thụy Điển có thể do hành vi phá hoại.
Trước đó cùng ngày, truyền thông đưa tin một đường cáp Internet mới giữa Thụy Điển và Phần Lan đã bị đứt vào đêm trước. Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển cho biết hai điểm đứt cáp đã xảy ra trong mạng lưới của công ty viễn thông GlobalConnect. Phần cáp bị hư hại nằm tại Espoo và Vihti thuộc Phần Lan.
Phát biểu trên đài SVT, ông Bohlin nhấn mạnh: "Chúng tôi xem đây là vấn đề nghiêm trọng. Cảnh sát Phần Lan đang điều tra sự việc và nghi ngờ có hành vi phá hoại do các tình tiết của vụ việc. Chính phủ đang liên lạc với các cơ quan có trách nhiệm và theo dõi diễn biến". (Sputniknews)
*Kiev sẽ mời Nga tham dự hội nghị hòa bình về Ukraine: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây tuyên bố ông sẽ mời Nga tham dự "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" lần thứ hai về Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên về giải quyết xung đột ở Ukraine được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Bürgenstock của Thụy Sĩ vào ngày 15-16/6 vừa qua. Đại diện của 91 nước và 8 tổ chức đã tham dự, song Liên bang Nga không được mời.
Ngày 28/11, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Ermak, cho biết phía Kiev sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh mới về "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky trong những tháng tới.
Ngày 2/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow không phản đối việc xem xét các sáng kiến nhằm giải quyết xung đột, với điều kiện các tác giả của những sáng kiến này chân thành mong muốn hòa bình. (AFP)
*Na Uy triển khai 4 máy bay tiêm kích F-35 tới Ba Lan: Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysh cho biết Na Uy sẽ gửi 4 máy bay tiêm kích F-35 tới Ba Lan.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Na Uy thông báo sẽ gửi một số máy bay chiến đấu F-35, hệ thống tên lửa phòng không NASAMS và gần 100 quân nhân tới Ba Lan để hỗ trợ phòng không.
Ông Kosiniak-Kamysh nhấn mạnh: “Bắt đầu từ tháng 12, an ninh biên giới của chúng tôi sẽ được tăng cường. 4 chiếc F-35 của Na Uy, cũng như hệ thống phòng không của họ, sẽ bảo vệ không phận của chúng tôi và sườn phía Đông của NATO”.
Vào giữa tháng 11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw sẽ chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 còn lại sang Ukraine nếu các nước NATO chuyển máy bay của họ sang Ba Lan. (Sputnik)
*Estonia trừng phạt 11 quan chức Georgia: Bộ Ngoại giao Estonia ngày 2/12 thông báo Ngoại trưởng nước này Margus Tsahkna đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Georgia vì bị cáo buộc "đàn áp" các cuộc biểu tình ở Georgia, cũng như cấm họ nhập cảnh Estonia.
Bộ trên ra thông cáo xác nhận: "Hôm nay, ngày 2/12, Bộ trưởng Ngoại giao Margus Tsahkna đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Georgia, kể cả Bộ trưởng Nội vụ Vakhtang Gomelauri và Bidzina Ivanishvili, Chủ tịch danh dự của đảng cầm quyền Georgian Dream, cấm họ nhập cảnh Estonia".
Hôm 1/12, ông Tsahkna cho biết Lithuania, Latvia và Estonia sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người tham gia đàn áp các cuộc biểu tình ở Georgia.
Một làn sóng biểu tình phản đối đã lan rộng khắp thủ đô Georgia vào tuần trước sau khi Thủ tướng nước này Kobakhidze cho biết chính quyền quyết định hoãn các cuộc tranh luận về việc mở tiến trình đàm phán gia nhập EU cho đến năm 2028. (Sputniknews)
Trung Đông – châu Phi
*Nhóm vũ trang Iraq kêu gọi chính phủ triển khai quân tới Syria: Kataeb Hezbollah, một tổ chức vũ trang mạnh ở Iraq và có liên kết với Iran, ngày 3/12 đã kêu gọi Baghdad gửi quân tới Syria để hỗ trợ chính quyền Damascus chống lại cuộc tấn công của phe nổi dậy.
Kataeb Hezbollah trước đây đã chiến đấu ở Syria cùng với các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Hiện tại, nhóm này vẫn chưa quyết định gửi quân đến hỗ trợ Chính phủ Syria.
Trước đó một ngày, Iraq đã điều động xe bọc thép để tăng cường an ninh dọc theo biên giới dài 600 km với Syria. Đài quan sát nhân quyền Syria, một tổ chức giám sát chiến tranh có trụ sở tại Anh, cho biết khoảng 200 chiến binh Iraq thân Iran đã triển khai ở khu vực Aleppo của Syria để hỗ trợ các lực lượng chính phủ nước này. (Al Jazeera)
*Mỹ sẽ không tái triển khai lực lượng quân sự tại Syria: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder cho biết chính quyền nước này nhận thấy không cần thiết phải tái triển khai lực lượng sau các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Syria.
Ông Ryder khẳng định: "Theo tôi biết thì không có thay đổi nào. Như các bạn đã biết, chúng tôi đã công khai nói trước đây rằng có khoảng 900 binh sĩ Mỹ được triển khai tới Syria để hỗ trợ cho nhiệm vụ lâu dài là đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng".
Ngày 27/11, lực lượng nổi dậy Syria, dẫn đầu bởi nhóm Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của quân đội chính phủ ở vùng nông thôn phía Tây thành phố Aleppo (thành phố lớn thứ 2 ở Syria) và giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực. Hiện tại, quân đội Syria đang bố trí lại lực lượng và chuẩn bị phản công để đẩy lùi quân nổi dậy. (Al Jazeera)
*Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar nhóm họp về Syria: Ngoại trưởng bốn nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ gặp nhau vào tuần tới bên lề diễn đàn Doha (ngày 7-8/12) để thảo luận về vấn đề Syria.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết: "Đã quyết định tiếp tục các cuộc tham vấn này (về Syria) và nối lại tiến trình Astana". Theo ông, cuộc gặp với sự tham gia của Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có thể diễn ra tại Doha vào tuần tới.
Từ tuần trước, những kẻ khủng bố thuộc nhóm Hayat Tahrir al-Sham đã vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng và tấn công các tỉnh Aleppo và Idlib. Ngày 30/11, Aleppo và khu vực xung quanh, bao gồm sân bay quốc tế và sân bay quân sự Kuweiris, đã rơi vào sự kiểm soát của bọn khủng bố. (Al Jazeera)
*Iran ra điều kiện với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân: Phó Tổng thống Iran Mohammad Javad Zarif cho biết nước này sẵn sàng đối thoại theo nguyên tắc cùng có lợi với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện những hành động cụ thể đảm bảo rằng Iran cũng được hưởng lợi về mặt kinh tế từ thỏa thuận này.
Trong bài báo trên tạp chí Foreign Affairs, ông Zarif phát biểu: "Thay vì gia tăng sức ép đối với Iran, phương Tây nên tìm kiếm các giải pháp mang lại lợi ích. Thỏa thuận hạt nhân là duy nhất và phương Tây nên tìm cách khôi phục nó".
Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm ba nước châu Âu (E3 - Anh Pháp Đức) diễn ra vào ngày 29/11 tại Geneva sau 2 năm đình hoãn. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Majid Takht-Ravanchi dẫn đầu phái đoàn Iran tại cuộc đàm phán này. Theo Chính phủ Iran, cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong thời gian tới. (Sputnik)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ kích hoạt kênh liên lạc với Nga về vấn đề Syria: Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 2/12 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã kích hoạt kênh liên lạc với Nga về vấn đề Syria.
Theo ông Ryder, chỉ huy chiến dịch "Quyết tâm vững chắc" đã liên lạc với Liên bang Nga "để đảm bảo mở một kênh liên lạc". Ông lưu ý rằng phía Mỹ đã liên lạc với Moscow vì quân đội Mỹ và Nga ở Syria gần nhau về mặt địa lý.
Ngày 2/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ có ủng hộ cuộc tấn công của phiến quân ở Syria hay không.
Cũng trong ngày 2/12, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khẳng định việc những kẻ khủng bố ở Syria trỗi dậy là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Israel nhằm gây bất ổn tình hình ở Trung Đông. (Reuters)
*Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga trước khi ông Biden rời nhiệm sở: Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở.
Thông cáo nhấn mạnh: "Để phá vỡ cỗ máy chiến tranh của Nga, Mỹ đã thực hiện các lệnh trừng phạt quy mô lớn đối với lĩnh vực tài chính của Nga, với nhiều lệnh trừng phạt khác sẽ được áp dụng sau đó". (Sputniknews)
*Mỹ, Ukraine quan ngại việc Nga sử dụng tên lửa mới: Tối 2/12, các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Ukraine đã thảo luận về việc Nga sử dụng các tên lửa đạn đạo mới, các bước chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới của các nhà tài trợ vũ khí và kế hoạch viện trợ quân sự của Washington vào năm tới.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm Mỹ thông báo sẽ viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa, đạn dược, mìn sát thương và vũ khí khác và trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách củng cố Kiev trước khi rời nhiệm sở. (Reuters)
*Canada đưa Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố: Ngày 2/12, Chính phủ Canada thông báo rằng họ đã đưa phong trào Hồi giáo Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Theo Canada, nhóm này được Iran hậu thuẫn, có tên chính thức là Ansarallah, đã hoạt động ở Yemen từ đầu những năm 2000 và đang góp phần gây ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông bằng cách tấn công vào nhiều tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ trong hơn một năm qua.
Canada từng hỗ trợ các cuộc không kích của Anh và Mỹ nhằm vào các cơ sở của Houthi hồi đầu năm nay để đáp trả các cuộc tấn công trên Biển Đỏ.
Theo luật pháp Canada, động thái trên sẽ cho phép áp dụng án phạt hình sự đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cố tình giao dịch với Houthi. Bất kỳ ai bị phát hiện là thành viên của Houthi đều có thể bị cấm nhập cảnh Canada. (AFP)
| NATO dường như né tránh mong muốn gia nhập của Ukraine Trong cuộc họp các Ngoại trưởng NATO diễn ra tại Brussels vào ngày 3/12, NATO được cho là khó có khả năng đáp ứng lời ... |
| Mỹ chạy đua nước rút hỗ trợ Ukraine, cùng thảo luận về việc Nga sử dụng tên lửa mới Các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Ukraine ngày 2/12 đã thảo luận về việc Nga sử dụng các tên lửa đạn đạo mới, ... |
| Ngoại trưởng một nước EU đến thăm Nga, tuyên bố thách thức mọi lệnh trừng phạt, Moscow trải lòng Ngày 2/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto đã có cuộc hội đàm ở Moscow ... |
| Iran chỉ ra 'chìa khóa' giải quyết vấn đề Trung Đông, tuyên bố tự vệ là quyền hợp pháp Tình hình Trung Đông leo thang căng thẳng khi giao tranh diễn ra dữ dội qua biên giới Israel-Lebanon, còn Dải Gaza vẫn chưa có ... |
| Quân đội Syria tạm rút khỏi Aleppo khiến dân thường tháo chạy, phe nổi dậy kiểm soát toàn bộ tỉnh Idlib Ngày 30/11, hai nguồn tin từ phe nổi dậy Syria cho biết lực lượng này đã chiếm được Maraat Al-Numan ở phía Nam thành phố ... |