Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan truy tố (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga sẽ thảo luận với Belarus về đề xuất ngừng bắn ở Ukraine: Ngày 31/3, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga ghi nhận lời kêu gọi của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về áp dụng một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và sẽ thảo luận với ông Lukashenko vào tuần tới.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện tại Moscow không thể đạt được các mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine theo cách này. Đồng thời, ông nhận định một số yếu tố trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất là không khả thi vì Ukraine, theo ý của phương Tây, không muốn đàm phán với Moscow. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine đến thị trấn Bucha: Ngày 31/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm cùng một số lãnh đạo châu Âu tới thị trấn Bucha, một năm sau khi Nga rút quân khỏi đây. Ông cũng tuyên bố: “Cuộc đấu tranh vì nền tảng của thế giới tự do đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi chắc chắn sẽ thắng. Nga sẽ gục ngã, tại Ukraine và không thể trỗi dậy trở lại”.
Trước đó, ông cho rằng, với những gì đã xảy ra ở Bucha, rất khó để Ukraine hòa đàm với Nga. Kiev cáo buộc Moscow gây ra cái chết của nhiều dân thường tại đây. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ và cho rằng Ukraine đã dàn dựng cảnh tượng này. (AFP)
* Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi Trung Quốc, Ukraine thảo luận: Ngày 31/3, phát biểu tại Bắc Kinh sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết: “Tôi đã bày tỏ mối lo ngại của chúng tôi về chiến dịch quân sự bất hợp pháp của Nga tại Ukraine”. Ông cũng “khuyến khích ông Tập thảo luận với Tổng thống Zelensky” và “bày tỏ sự ủng hộ” đối với thể thức hòa bình của ông Zelensky công bố hồi tháng 11 năm ngoái. (Reuters)
Đông Nam Á
* Philippines, Mỹ diễn tập bắn đạn thật: Hơn 3.000 binh sĩ hai nước đã tham gia cuộc tập trận thường niên kéo dài 3 tuần mang tên Salaknib. Ngày 31/3, hai bên đã thực hiện khoa mục chống tăng và bắn đạn thật, cũng như khai hỏa Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) tại Pháo đài Magsaysay ở Luzon, đảo lớn nhất của Philippines và là một trong 5 địa điểm mà Mỹ có quyền tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Manila. Sĩ quan huấn luyện quân đội Philippines, Trung tá Tara Cayton nói: “Chúng tôi hiện đang chuyển từ các hoạt động đảm bảo an ninh nội bộ sang hoạt động bảo vệ lãnh thổ”.
Đáng chú ý, Pháo đài Magsaysay cũng sẽ là nơi tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay giữa Philippines và Mỹ vào tháng tới. (Reuters)
Nam Thái Bình Dương
* Bắc Kinh quan ngại Canberra thắt chặt rà soát an ninh các công ty Trung Quốc: Phát biểu với Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres ngày 29/3 bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh đảo Hải Nam, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nhấn mạnh: “Không nên lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia. Trung Quốc hy vọng Australia sẽ xử lý thỏa đáng các trường hợp liên quan và nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc hợp tác với Australia”. Ngoài ra, quan chức này cũng bày tỏ lo ngại các biện pháp chống bán phá giá của Canberra đối với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. (Reuters)
Nam Á
* Đại sứ Ấn Độ nói về động lực mới trong quan hệ với Mỹ: Ngày 31/3, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Phòng Thương mại Quốc tế Mỹ-Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu cho rằng quan hệ song phương đang hướng tới một tầm cao mới, với yếu tố địa chính trị và quan hệ đối tác kinh tế, với năng lực của Ấn Độ là nhân tố chính tạo nên động lực thúc đẩy quan trọng.
Ông nhấn mạnh: “Trong vài năm qua, quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước đã thực sự tăng tốc. Khi tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ năm 2020, kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Mỹ đạt xấp xỉ 146 tỷ USD. Năm ngoái, con số này đã vượt 190 tỷ USD, tăng đáng kể 30% chỉ sau 3 năm, bất chấp dịch Covid-19 và không có FTA (hiệp định thương mại tự do)”.
Đại sứ Sandhu cho biết: “Hơn 2.000 công ty Mỹ đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ, trong khi hơn 200 công ty Ấn Độ có mặt ở tất cả 50 bang của Mỹ”. Ông nhấn mạnh Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và luôn được xếp hạng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong số các nước lớn.
Trong một tin liên quan, ông Kurt Campbell, Điều phối viên về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng cho rằng quan hệ của nước này với Ấn Độ là “quan hệ đối tác quan trọng nhất” thế kỷ 21.
Phát biểu tại sự kiện do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington tổ chức, ông cũng “quan ngại sâu sắc” trước việc Bắc Kinh đã tạo ra xáo trộn dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với New Delhi. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc: Nhật Bản đang làm hại chính mình: Phát biểu ngày 31/3, trả lời câu hỏi về biện pháp cấm xuất khẩu của Nhật Bản đối với 23 mặt hàng được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, được cho là nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ đang gây bất ổn giả tạo cho chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu”. (AFP)
* Quân đội Nhật-Trung lập đường dây nóng về quân sự: Ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đường dây nóng về quân sự với phía Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ đường dây liên lạc này nhằm mục đích thúc đẩy lòng tin và tránh các trường hợp bất ngờ giữa hai nước. (Reuters)
* Trung Quốc phát hiện trữ lượng lớn dầu khí ở Bột Hải năm 2022: Ngày 31/3, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo họ đã phát hiện trữ lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên khoảng 300 triệu tấn ở Bột Hải năm 2022. Mức cao kỷ lục này là nhờ việc phát hiện 2 mỏ dầu Bozhong 19-2 và Bozhong 26-6. Đáng chú ý, Bozhong 26-6 là mỏ khổng lồ với trữ lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên ước tính tương đương hơn 100 triệu tấn dầu. (Tân Hoa xã)
* Hàn Quốc nêu điều kiện xả nước thải ở Fukushima với Nhật Bản: Ngày 31/3, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố về xả nước thải ra biển ở Fukushima, Nhật Bản. Theo đó, trong thời gian Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Nhật Bản ngày 16-17/3, quan chức Seoul đã gặp gỡ phía Tokyo và nêu rõ điều kiện liên quan tới xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật Bản ra biển.
Cụ thể, Nhật Bản phải xả nước thải nhiễm xạ theo phương thức khách quan và khoa học, được kiểm chứng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, chuyên gia của Hàn Quốc phải được tham gia quá trình kiểm chứng của cơ quan quốc tế.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết lập trường của ông Yoon là không thỏa hiệp các vấn đền liên quan đến an toàn và sức khỏe của người dân. Đối phó vấn đề xả nước thải nhiễm xạ của Nhật Bản là nhiệm vụ cần ưu tiên. Hàn Quốc sẽ không để hải sản từ khu vực Fukushima được nhập khẩu vào nước này. (KBS)
Trung Á
* “Quan hệ CSTO-Trung Quốc được nâng lên tầm cao mới”: Ngày 31/3, phát biểu sau cuộc họp Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mở rộng, người phát ngôn Ban Thư ký CSTO, ông Yury Shuvalov nêu rõ: “Sau các sự kiện trong tháng Ba, sau chuyến thăm của lãnh đạo các nước CSTO - (Tổng thống Belarus) Alexander Lukashenko tới Bắc Kinh gặp (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình, cũng như việc ông Tập Cận Bình công du Moscow và hội đàm với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin, chúng ta có thể đề cập mối quan hệ hoàn toàn mới mà CSTO đang phát triển với Trung Quốc. Do đó, tôi tin rằng có triển vọng to lớn cho hình thức quan hệ khác giữa CSTO và SCO”.
Theo quan chức này, “một cấu trúc an ninh mới đang dần nổi lên và được định hình”, với thế giới “đang biến đổi sâu sắc…dần chuyển đổi sang một trật tự thế giới mới gắn kết hơn.” (TASS)
Châu Âu
* Nga sẵn sàng đáp trả “các mối đe dọa hiện hữu”: Ngày 31/3, phát biểu trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga được phát sóng trên truyền hình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết nước này phải đối mặt với “các mối đe dọa hiện hữu” về an ninh và sự phát triển của nước này từ “các quốc gia không thân thiện”. Ông cho biết chiến lược chính sách đối ngoại mới sẽ bao gồm cách Nga có thể thực hiện “các biện pháp đối xứng và phi đối xứng để đáp trả các hành động không thân thiện chống lại Nga”. (Reuters)
* Điện Kremlin: Nhà báo nước ngoài có thể tiếp tục làm việc tại Nga: Ngày 31/3, Điện Kremlin tuyên bố các nhà báo nước ngoài được chính thức công nhận có thể tiếp tục làm việc tại Nga. Trước đó một ngày, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ ông Evan Gershkovich, làm việc cho tờ Wall Street Journal (Mỹ), với cáo buộc người này là gián điệp “dưới vỏ bọc” phóng viên.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal đã hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan: Ngày 31/3, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, hai tuần sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ủng hộ nỗ lực nhiều tháng qua của quốc gia Bắc Âu.
Theo ông, Helsinki đã “có bước tiến thực chất” trong đối phó với các nhóm bị Ankara coi là “khủng bố” và thay đổi xuất khẩu quốc phòng. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là nước cuối cùng của NATO phê chuẩn nghị định thư, sau khi Quốc hội của Hungary có hành động tương tự vào tuần trước.
Tuyên bố ngay sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn, chính phủ Phần Lan khẳng định: “Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan, tăng cường ổn định và an ninh tại biển Baltic và Bắc Âu”. (Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp sắp thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Trả lời phỏng vấn trên kênh Mega TV (Hy Lạp) tối 30/3, Bộ trưởng Quốc phòngnước này Nikos Panagiotopoulos cho biết ông sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/4, đồng thời nêu rõ: “Chúng tôi sẽ thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Panagiotopoulos là bộ trưởng thứ hai của Hy Lạp thăm chính thức láng giềng Địa Trung Hải sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Athens là một trong những quốc gia đầu tiên cử nhân viên cứu hộ đến giúp đỡ Ankara tìm kiếm những người sống sót sau thảm họa động đất nêu trên. Ít lâu sau đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã đến thăm các khu vực bị động đất, thể hiện sự đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi hai nước vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều vấn đề quan trọng. (Reuters)
Châu Mỹ
* Nga: Việc ông Donald Trump bị truy tố ‘là vấn đề nội bộ’ của Mỹ: Ngày 31/3, Điện Kremlin tuyên bố cáo trạng đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là chủ đề để Moscow bình luận và đây là vấn đề nội bộ của Washington.
Trước đó, tờ New York Times ngày 30/3 đưa tin ông Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) truy tố sau cuộc điều tra về khoản tiền trả cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels. Đây lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một vị tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống bị truy tố hình sự.
Một đại bồi thẩm đoàn do Chánh Biện lý quận Manhattan của đảng Dân chủ Alvin Bragg triệu tập hồi tháng Một đã bắt đầu lắng nghe lời làm chứng về vai trò của ông Trump trong việc thanh toán 130.000 USD cho bà Daniels, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà ông đã giành chiến thắng.
Một số nguồn tin cho biết ông có thể ra đầu thú vào ngày 4/4 tới. Về phần mình, cựu Tổng thống Mỹ trước đó cho biết ông sẽ tiếp tục vận động giành quyền đề cử của đảng Cộng hòa để tái tranh cử kể cả khi bị buộc tội. Vụ việc nêu trên được cho là có thể định hình lại cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. (Reuters)
Châu Phi
* Cố vấn quân sự thiệt mạng trong vụ Israel tấn công Syria: Ngày 31/3, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo chuyên gia quân sự nước này Milad Haydari đã thiệt mạng trong vụ Israel không kích vào Damascus sáng cùng ngày. Báo chí Iran đưa tin IRGC “đã thông báo về trường hợp hy sinh của Milad Haydari, một trong những cố vấn quân sự và là sĩ quan của IRGC, trong vụ tấn công của chế độ Do Thái ở ngoại ô Damascus rạng sáng 31/3”.
Trước đó, hãng thông tấn SANA (Syria) dẫn nguồn tin quân sự cho biết Israel đã tiến hành không kích gần thủ đô Damascus vào rạng sáng 31/3. Đây là vụ không kích thứ hai của Israel nhằm vào khu vực này trong chưa đầy 24 giờ. (TTXVN)
* Ngoại trưởng Syria sẽ thăm Ai Cập sau 12 năm: Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad sẽ hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry ngày 1/4 tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu Syria tới Ai Cập từ khi nội chiến Syria bùng nổ 12 năm trước.
Căng thẳng giữa Syria và khối Arab đã bắt đầu dịu đi sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển nhiều khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ngày 6/2 khiến hàng chục nghìn người ở hai nước thiệt mạng. Vào ngày 27/2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus để bày tỏ sự ủng hộ của đối với nước chủ nhà trong việc giải quyết hậu quả trận động đất và sẵn sàng tăng cường quan hệ song phương. (Tân Hoa xã)