📞

Tin thế giới 3/5: Tổng thống Nga sắp gặp Chủ tịch Trung Quốc, Hamas ra điều kiện ngừng bắn với Israel, Hàn Quốc bắn hạ vật thể bay trên biển Hoàng Hải

Nhất Phong 20:00 | 03/05/2024
Đức nói có bằng chứng Nga tấn công mạng, Nhật-Mỹ-Australia-Philippines cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ, Pháp ủng hộ Philippines trong tranh chấp Biển Đông, Iran thả thủy thủ đoàn tàu liên quan tới Israel…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống Nga Putin sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc trong tháng 5/2024. (Nguồn: SCMP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Tổng thống Nga sắp gặp Chủ tịch Trung Quốc: Hãng tin Bloomberg ngày 3/5 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thăm Trung Quốc trong tháng này để gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ chuyến thăm dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/5.

Trước đó, tờ SCMP cũng đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thăm Trung Quốc vào tháng 5. Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố tại một diễn đàn kinh doanh ở Moscow tuần trước rằng, “Chuyến thăm vào tháng 5 đã được lên kế hoạch”. (Bloomberg)

*Động đất 5,9 độ richer rung chuyển Philippines: Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) ghi nhận một trận động đất có độ lớn 5,9 đã làm rung chuyển tỉnh Leyte ở Philippines trong ngày 3/5.

Theo GFZ, chấn tiêu của trận động đất nằm ở độ sâu 10 km.

Hiện chưa có thông tin về thiệt hại do trận động đất gây ra. (Reuters)

*Hàn Quốc bắn hạ vật thể bay lạ trên Biển Hoàng Hải: Quân đội Hàn Quốc ngày 3/5 cho biết, đã bắn hạ một khinh khí cầu chưa xác định trên Hoàng Hải hồi tháng 3, khi nó bay qua hải giới phía Tây nước này.

Theo các nguồn tin, Thủy quân lục chiến đóng tại đảo Baengnyeong gần Đường giới hạn phía Bắc (NLL), biên giới trên biển liên Triều trên thực tế, đã phát hiện vật thể bay không xác định có chiều dài tới 2 mét và trôi dạt mà không có thiết bị điện. Quân đội Hàn Quốc đã cố gắng nhưng không thể trục vớt được vật thể này. Giới chức quân sự suy đoán rằng đó có thể là vật thể bay từ Triều Tiên, mặc dù họ không loại trừ khả năng có nguồn gốc từ Trung Quốc. (Yonhap)

*Trung Quốc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng: Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 6 (Chang'e-6) để thực hiện sứ mệnh thu thập các mẫu vật từ phía xa của Mặt Trăng vào ngày 3/5.

Theo Tân Hoa Xã, tên lửa Trường Chinh-5, mang theo tàu vũ trụ Hằng Nga-6, đã được phóng từ Bãi phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam lúc 17h30 chiều 3/5.

Năm ngoái, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu Hằng Nga 6 dự kiến sẽ hạ cánh ở khu vực có bồn địa Nam Cực-Aitken, một hố va chạm khổng lồ ở mặt phía xa của Mặt Trăng với đường kính 2.500 km. Sau khi hạ cánh, tàu có nhiệm vụ khám phá và thu thập các mẫu đất đá từ nhiều khu vực để phục vụ các nghiên cứu về Mặt Trăng. (THX)

*Nhật-Mỹ-Australia-Philippines cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 2/5 tại Honolulu, bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ, Australia và Philippines cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh quan ngại gia tăng về hành động quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực này.

Phát biểu họp báo chung sau cuộc họp tại Hawaii cho biết họ cũng chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác giữa bốn quốc gia, bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông, nhằm củng cố hòa bình và ổn định toàn cầu.(Kyodo)

Châu Âu

*Nga kiểm soát thêm 547 km2 lãnh thổ ở Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 3/5 cho biết kể từ đầu năm 2024, Moscow đã kiểm soát được thêm 547 km2 lãnh thổ ở Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, ông Shoigu cũng thông báo quân đội Nga trong 2 tuần qua đã có thêm 3 thị trấn thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. (The Times of India)

*Đức khẳng định có bằng chứng Nga tấn công mạng: Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức ngày 3/5 tuyên bố Berlin có bằng chứng cho thấy các máy chủ - đặc biệt là máy chủ email của các công ty Đức bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công mạng của Nga - đã bị xâm nhập. Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin đã triệu đặc phái viên hàng đầu của Nga tới Bộ Ngoại giao Đức liên quan tới một loạt vụ tấn công mạng.

Trước đó, Đức cáo buộc nhóm tin tặc APT28, được Nhà nước Nga bảo trợ, đã thực hiện vụ tấn công mạng “không thể chấp nhận được” nhằm vào các thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và cảnh báo sẽ có hành động đáp trả. (Reuter/ AFP)

*Pháp ủng hộ Philippines trong tranh chấp Biển Đông: Giới phân tích nhận định một thỏa thuận được đề xuất, theo đó cho phép quân đội của Pháp và Philippines tổ chức tập trận chung trên lãnh thổ của nhau, nêu bật cam kết của Paris trong việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường thương mại hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ủng hộ quan điểm của Manila trong tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.

Giới chức Pháp và Philippines dự kiến sẽ gặp nhau tại Paris trong tháng 5 này để đàm phán về một thỏa thuận lực lượng thăm viếng. Quân đội Pháp dự kiến cũng sẽ tiếp tục tham gia cuộc tập trận chung thường niên có sự tham gia của các đối tác Mỹ và Philippines sau khi tham gia lần đầu tiên vào tháng trước. (AFP)

*Nga chỉ trích Tổng thống Pháp vì đề cập khả năng đưa quân tới Ukraine: Điện Kremlin ngày 3/5 đã chỉ trích những bình luận mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông nhắc lại quan điểm không nên loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tuyên bố này rất nghiêm trọng và nguy hiểm”. Theo ông, Tổng thống Macron “tiếp tục nói về khả năng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine” và “đây là xu hướng hết sức nguy hiểm”.

Hồi tháng 2, một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đã nhanh chóng phản đối khi Tổng thống Macron lần đầu tiên tuyên bố Paris không loại trừ khả năng đưa quân vào Ukraine. (AFP)

Trung Đông – Châu Phi

*Thủ lĩnh Hamas ra điều kiện ngừng bắn với Israel: Tờ Wall Street Journal đưa tin thủ lĩnh phong trào Hamas ở Dải Gaza, Yahya Sinwar, sẽ không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Israel nếu không bao gồm "một lộ trình đáng tin cậy để chấm dứt chiến tranh".

Theo nguồn tin, mục tiêu chính của Sinwar là thả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Palestine khỏi các nhà tù của Israel để đổi lấy con tin do Hamas bắt giữ. Ông hy vọng thỏa thuận này sẽ chấm dứt chiến tranh và đảm bảo sự sống còn của Hamas.

Hamas cũng yêu cầu quốc tế đảm bảo cho lệnh ngừng bắn, đồng thời cho rằng nhóm quốc gia bảo lãnh hiện tại - Ai Cập, Qatar và Mỹ - là chưa đủ. Các quan chức trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn cũng nhận định rất khó để đàm phán với cả Sinwar và Thủ tướng Israel Benjamin Netantyahu. (WSJ)

*Nga đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với châu Phi: Điện Kremlin ngày 3/5 xác nhận Nga đang phát triển quan hệ với nhiều nước châu Phi, kể cả trong lĩnh vực quân sự.

Khi được hỏi về việc Nga triển khai lực lượng tới căn cứ không quân ở Niger - nơi có quân đội Mỹ đồn trú, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi đang phát triển mối quan hệ với nhiều quốc gia châu Phi trên mọi lĩnh vực, kể cả quân sự. Các nước châu Phi quan tâm đến mục tiêu đó và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi”.

Hôm 2/5, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ các quân nhân Nga đã vào căn cứ không quân sau khi chính quyền Niger quyết định trục xuất các lực lượng Mỹ. (Reuters)

*Thổ Nhĩ Kỳ ngừng trao đổi thương mại với Israel: Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat ngày 3/5 tuyên bố việc nước này tạm dừng trao đổi thương mại với Israel sẽ tiếp tục cho đến khi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza được đảm bảo, cũng như dòng viện trợ nhân đạo đến khu vực không bị cản trở.

Trong bài phát biểu tại thành phố Istanbul khi công bố số liệu thương mại tháng 4, Bộ trưởng Bolat lý giải rằng thái độ không khoan nhượng của Israel và tình hình ngày càng tồi tệ ở Gaza đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngừng giao dịch thương mại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng mọi hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đến và đi từ Israel hôm 2/5, với lý do “thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ” ở các vùng lãnh thổ của Palestine.

Kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đạt 6,8 tỷ USD trong năm 2023. (Al Jazeera)

*Iran thả thủy thủ đoàn con tàu liên quan tới Israel: Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian thông báo, ngày 2/5 nước này đã thả thủy thủ đoàn của tàu treo cờ Bồ Đào Nha bị chặn giữ liên quan tới Israel, tuy nhiên vẫn kiểm soát con tàu.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Iran thông báo tàu Aries bị giữ lại do "vi phạm luật hàng hải" và rõ ràng có liên quan tới Israel. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giao Iran (IRGC) đã bắt giữ thủy thủ đoàn 25 người cùng con tàu container MSC Aries ở eo biển Hormuz vào ngày 13/4, vài ngày sau khi Tehran tuyên bố sẽ trả đũa cuộc tấn công bị nghi của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Damascus. (Reuters)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ lên án "cách hành xử vô trách nhiệm" ở Biển Đông: Phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro tại Honolulu vào ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên án việc thủy thủ Philippines bị thương và gây thiệt hại cho tàu Philippines ở Biển Đông là “hành vi vô trách nhiệm và coi thường luật pháp quốc tế”.

Về phần mình, Bộ trưởng Teodoro nhấn mạnh tới việc đảm bảo rằng thông qua xây dựng năng lực và răn đe, sẽ không có tình huống nào khiến Hiệp ước phòng thủ chung được kích hoạt. Ông nói thêm: "Chúng tôi cần khẳng định quyền của mình nhưng theo cách bảo vệ sự an toàn của mỗi thành viên trong lực lượng vũ trang Philippines".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông, nơi vận chuyển thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD hàng năm, bao gồm các khu vực mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. (Reuters)

*Bầu cử tại Panama, các ứng viên Tổng thống kết thúc tranh cử: Ngày 2/5, các ứng viên tranh cử tổng thống Panama đã kết thúc chiến dịch tranh cử trước khi cuộc tổng tuyển cử nước này dự kiến diễn ra vào ngày 5/5, trong đó hơn 3 triệu cử tri quốc gia Trung Mỹ sẽ đi bầu tổng thống nhiệm kỳ 2024-2029.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Panama lần này có 8 ứng cử viên tranh cử trong cuộc bỏ phiếu 1 vòng. Panama không cho phép tổng thống đương nhiệm tranh cử nhiệm kỳ lần thứ hai liên tiếp.

Người từng dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận là cựu Tổng thống Ricardo Martinelli (72 tuổi). Tuy nhiên, hôm 5/3, TEP tuyên bố đã loại cựu Tổng thống Martinelli khỏi danh sách ứng cử viên tranh cử do ông này liên quan đến vụ án tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil).

Vào ngày 5/5, hơn 3 triệu cử tri Panama sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống mới, đồng thời bầu 20 nghị sĩ tại Nghị viện Trung Mỹ, 71 nghị sĩ quốc hội, 81 thị trưởng và các hội đồng địa phương.(AFP)