Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris cho rằng, cuộc điện đàm giữa ông Trump và người phụ trách vấn đề đối ngoại của bang Georgia cho thấy 'biểu hiện của sự tuyệt vọng' từ Tổng thống. (Nguồn: Getty Images) |
Hậu bầu cử Mỹ 2020
Phó Tổng thống đắc cử Harris chỉ trích Tổng thống Trump
Ngày 3/1, sau khi Washington Post công bố bản ghi âm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với người phụ trách vấn đề đối ngoại của bang Georgia Brad Raffensperger, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris cho rằng, đây là “biểu hiện của sự tuyệt vọng” từ Tổng thống.
Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã yêu cầu ông Raffensperger "tìm" hơn 11.000 phiếu bầu cần thiết để ông Trump vượt số phiếu mà ông Joe Biden hiện có và đang dẫn trước hiện nay.
“Đó gần như chắc chắn là biểu hiện của sự tuyệt vọng, một sự lạm dụng quyền lực trắng trợn và liều lĩnh do một tổng thống Mỹ thực hiện”, bà Harris nêu rõ. (The Hill)
Ông Trump và ông Biden chạy đua vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia
Trong ngày 4/1, Tổng thống Trump và Tổng thống đắc cử Biden đã tới bang Georgia để thực hiện nỗ lực vận động cuối cùng nhằm lôi kéo sự ủng hộ cho các ứng cử viên đảng mình trong cuộc đua vào Thượng viện tại Georgia diễn ra ngày 5/1.
Theo kế hoạch, ông Biden sẽ tới Atlanta, thủ phủ của bang Georgia, để vận động tranh cử cho 2 ứng viên của đảng Dân chủ là ông Jon Ossoff và ông Raphael Warnock.
Trong khi đó, Tổng thống Trump sẽ có mặt tại thị trấn Dalton của bang Georgia để vận động cho hai ứng cứ viên của đảng Cộng hòa - gồm hai Thượng nghị sĩ đương nhiệm là David Perdue và Kelly Loeffler. Phó Tổng thống Mike Pence cũng sẽ vận động cho 2 Thượng nghị sĩ trên tại vùng nông thôn phía Nam Atlanta.
Cuộc bầu cử này sẽ quyết định đảng nào giành quyền kiểm soát Thượng viện, vốn đang do đảng Cộng hòa chiếm thế đa số.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua sẽ diễn ra rất sít sao. Ước tính hơn 3 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Thượng viện tại bang này, chiếm 38,8% tổng số cử tri đã đăng ký ở Georgia. (AlJazeera)
Iran
Đàm phán vấn đề tên lửa: Phía ông Biden nói 'phải', Tehran kiên quyết 'không'
Ngày 3/1, ông Jake Sulivan, nhân vật dự kiến sẽ là Cố vấn an ninh quốc gia khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, cho hay, liên quan tới việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), quan điểm của Washington là "tên lửa đạn đạo của Iran phải nằm trên bàn trong cuộc đàm phán tiếp theo đó".
Theo ông Sulivan, phía Mỹ tin rằng có thể có các cuộc trao đổi vượt ra ngoài nhóm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an để hướng tới "đảm bảo các giới hạn đối với tên lửa đạn đạo và công nghệ tên lửa của Iran".
Phản ứng lại phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Khatibzadeh nhấn mạnh, Mỹ đã nhận thức được chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình, do đó, vấn đề tên lửa là "một vấn đề thứ yếu và các lệnh cấm vận vũ khí đã được dỡ bỏ".
Ông Khatibzadeh khẳng định Tehran sẽ không đàm phán về vấn đề tên lửa và khả năng phòng thủ: "Khả năng phòng thủ của Iran chưa bao giờ và sẽ không được đưa ra đàm phán... Khả năng phòng thủ của Iran được theo đuổi một cách độc lập dựa trên các nhu cầu của đất nước. Trong JCPOA và Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc, vấn đề tên lửa đã được đề cập và giải quyết".
Ông Khatibzadeh cũng cảnh báo Mỹ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ "chủ nghĩa phiêu lưu" nào tại khu vực. (MNA)
Iran tuyên bố bắt đầu tái khởi động làm giàu urani ở mức 20%
Ngày 4/1, Người phát ngôn của chính phủ Iran Ali Rabeie nói rằng, nước này đã bắt đầu tiến hành làm giàu uranium ở mức 20% tại cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với các cường quốc năm 2015. (Reuters)
Tàu cắm cờ Hàn Quốc bị bắt trong vùng biển Iran, Tehran nêu lý do
Ngày 4/1, một tàu chở dầu cắm cờ Hàn Quốc đang trong lộ trình tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhưng đã đi vào vùng biển của Iran.
Hình ảnh vệ tinh từ MarineTraffic.com cho thấy, tàu MT Hankuk Chemi ở khu vực ngoài khơi thành phố Bandar Abbas của Iran vào chiều cùng ngày, song không có lời chú thích nào.
Trong khi đó, truyền thông Iran đưa tin, hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ một tàu Hàn Quốc "vì gây ô nhiễm vùng Vịnh Persia bằng hóa chất". (AP, Reuters).
Trung Quốc
Trung Quốc phản đối Mỹ chính trị hóa vấn đề thương mại
Ngày 4/1, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối hành vi chính trị hóa các vấn đề thương mại của Chính phủ Mỹ sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán New York xúc tiến hủy niêm yết 3 công ty viễn thông Trung Quốc mà Washington cáo buộc có mối quan hệ với quân đội.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc. (Reuters)
Truyền thông Hong Kong: Quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh với bộ luật quốc phòng mới sửa đổi
Ngày 1/1, một bộ luật rất quan trọng đối với việc Trung Quốc triển khai quân sự trên toàn cầu và mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã bắt đầu được thực thi dưới hình thức sửa đổi.
Truyền thông Hong Kong cho rằng, Trung Quốc đã mở rộng quyền lực của Quân ủy Trung ương (CMC) - do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu - để huy động các nguồn lực quân sự và dân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, cả trong lẫn ngoài nước.
Lần đầu tiên, “sự phá vỡ” và bảo vệ “lợi ích phát triển” đã được thêm vào luật làm cơ sở cho việc huy động và triển khai lực lượng quân đội.
Bộ luật sửa đổi này còn nhấn mạnh đến việc sử dụng lực lượng vũ trang để trấn áp tình trạng gây hỗn loạn quốc gia. (SCMP)
Afghanistan
Lực lượng Taliban sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình với Chính phủ Afghanistan
Ngày 3/1, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, nhóm này sẵn sàng ủng hộ một hiệp ước hòa bình với chính phủ Afghanistan trong bối cảnh họ đã kiềm chế tấn công các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, phù hợp với thỏa thuận hòa bình.
Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Mujahid nhấn mạnh: "Việc kiềm chế các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ, sau thỏa thuận đạt được tại Doha cho thấy Taliban tuân thủ các cam kết với tư cách là một bên có trách nhiệm. Taliban mong đợi các bên khác sẽ thực hiện nghĩa vụ theo cách tương tự. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có tin nhóm đàm phán của chính phủ Afghanistan đã đang trên đường tới thủ đô Doha của Qatar, nơi vòng đàm phán tiếp theo với Taliban sẽ khai mạc ngày 4/1. (Sputnik)
Dòng chảy phương Bắc 2
Nga tin tưởng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ hoàn thành
Ngày 4/1, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã bày tỏ tin tưởng dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Novak, EU nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dự án của Nga thực chất là chủ nghĩa bảo hộ mở, qua đó Washington hy vọng sẽ tiếp thị khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình, đồng thời khẳng định các quốc gia cũng như doanh nghiệp châu Âu ủng hộ dự án này.
Phó Thủ tướng Nga khẳng định, với sự hỗ trợ từ EU, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được thực hiện.
Ông nhấn mạnh, các công cụ mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống lại tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga là “hoàn toàn không cạnh tranh”. (TASS)
Đập Đại Phục Hưng
Ai Cập, Sudan và Ethiopia tổ chức hội nghị trực tuyến về đập thủy điện Đại Phục Hưng
Ngày 4/1, Ethiopia, Ai Cập và Sudan đã tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng.
Bộ Ngoại giao Ethiopia thông báo, bộ trưởng ba nước đã trao đổi quan điểm về việc tiếp tục đàm phán ba bên, tập trung vào một dự thảo văn kiện do các chuyên gia được Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) chỉ định trình bày.
"Ethiopia bày tỏ quan điểm tích cực đối với dự thảo văn kiện này và sẵn sàng xem đây như một tài liệu công tác duy nhất cho đàm phán ba bên", bộ trên nêu rõ.
Theo bộ trên, Sudan đã khẳng định "tầm quan trọng của dự thảo văn kiện này đối với tiến trình đàm phán và sẵn sàng thúc đẩy thương lượng cùng với vai trò xác định của các chuyên gia AU". Tuy nhiên, Ai Cập "đã thẳng thừng bác bỏ dự thảo văn kiện này".
Trong khi đó, Sudan thông báo, "hội nghị trên đã kết luận rằng, tuần này sẽ dành cho các cuộc đàm phán song phương giữa ba nước, các chuyên gia và giám sát viên".
Thông báo nhấn mạnh, các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ mở đường "cho việc nối lại các cuộc thương lượng 3 bên vào Chủ Nhật (ngày 10/1) với hy vọng kết thúc trước cuối tháng 1". (THX)