Hồ sơ Pandora bao gồm 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ, thu hút sự tham gia điều tra của hơn 600 phóng viên, nhà báo của 150 hãng truyền thông tại 117 quốc gia trên thế giới, đã được công bố hôm 3/10. (Nguồn: ICIJ) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga trục xuất nhà ngoại giao Bắc Macedonia
Ngày 4/10, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, một nhà ngoại giao giấu tên của Bắc Macedonia là người không được hoan nghênh ở nước này.
Động thái nhằm đáp trả hành động của Bắc Macedonia hồi giữa tháng 8, khi đó, Skopje tuyên bố sẽ trục xuất thêm một nhà ngoại giao Nga có cách hành xử bị cho là trái với các nguyên tắc của Công ước Vienna, sau động thái tương tự hồi tháng 5, để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như an ninh của các đồng minh.
Vào thời điểm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả". (Reuters)
Tân Thủ tướng Nhật Bản và nội các tuyên thệ
Tối 4/10 theo giờ địa phương, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và nội các đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ trang trọng ở Hoàng cung.
Trước đó, chiều cùng ngày, hai viện của Quốc hội Nhật Bản chính thức bầu ông Kishida, tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng thứ 100 ở nước này.
Tân Thủ tướng Kishida đã công bố thành phần nội các mới, trong đó giữ lại 2 vị trí trong nội các của người tiền nhiệm Suga Yoshihide là Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, điều chuyển 1 vị trí khác và bổ nhiệm mới các vị trí còn lại.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Kishida có cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng vào lúc 21 giờ cùng ngày (giờ địa phương, 19h giờ Việt Nam).
Tân Thủ tướng Nhật Bản dự kiến có bài phát biểu chính sách đầu tiên tại Quốc hội vào ngày 8/10 và trả lời các câu hỏi từ lãnh đạo của các đảng khác trong thời gian từ ngày 11-13/10.
Ông Kishida có thể sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 14/10, ngày kết thúc kỳ họp bất thường hiện nay của Quốc hội, để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 31/10. Chiến dịch tranh cử dự kiến bắt đầu vào ngày 19/10. (Kyodo)
Hồ sơ Pandora:
Tiết lộ chấn động, nhóm điều tra ra tuyên bố
Ngày 3/10, Hồ sơ Pandora bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài.
Với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora điểm tên hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng, thành viên hoàng tộc và lãnh đạo tôn giáo.
Theo Hồ sơ Pandora, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Đây được đánh giá là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với Hồ sơ Panama (2016) và Hồ sơ Paradise (2017).
hơn 600 nhà báo từ hơn 100 quốc gia có quyền truy cập không bị kiểm soát vào các tập tin gốc.
như cách mà chúng tôi công bố thông tin từ OffshoreLeaks, Hồ sơ Panama, Hồ sơ Paradise...". (TASS)
Nga và giới chức các nước phản ứng về Hồ sơ Pandora
Ngày 4/10, phản ứng về Hồ sơ Pandora, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi chẳng thấy bất cứ sự giàu có tiềm ẩn nào của nhóm nòng cốt của Tổng thống Vladimir Putin".
Theo quan chức phủ Tổng thống Nga, cho tới nay, Moscow "không nhận thấy bất cứ điều gì đặc biệt" từ tài liệu này, đồng thời nhận định, công bố trong Hồ sơ Pandora gồm một loạt "những tuyên bố vô căn cứ".
Ông Peskov nói rằng, "chúng tôi không biết ICIJ lấy thông tin từ đâu và lấy như thế nào. Không rõ ràng thông tin này là gì, nói về cái gì và có nhiều thứ phải hoài nghi".
Trong khi đó, Hoàng gia Jordan cho biết, việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này.
Hồ sơ Pandora cáo buộc Quốc vương Abdullah sử dụng các tài khoản nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD cho những ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ.
Trước đó, Thủ tướng Czech Andrej Babis và Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng lên tiếng bác cáo buộc từ tài liệu trên. (Sputnik, Reuters)
Mỹ-Trung Quốc: Washington có kế hoạch "hội đàm thẳng thắn" với Bắc Kinh
Theo một phần nội dung dự kiến bài phát biểu của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai vào ngày 4/10 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trong những ngày tới, Mỹ có "các cuộc hội đàm thẳng thắn" với Trung Quốc về thương mại.
Bà Tai nêu rõ: "Trung Quốc đã đưa ra những cam kết nhằm mang lại lợi ích cho một số ngành công nghiệp của Mỹ, bao gồm cả nông nghiệp, mà chúng tôi phải thực thi".
Theo kế hoạch, quan chức thương mại Mỹ cũng sẽ thông báo về việc ra mắt "một quy trình loại trừ thuế" để miễn các khoản thuế quan, vốn áp đặt với 370 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc trong vòng một năm, do chính quyền của ông Donald Trump tiến hành.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ "tiếp tục có quan ngại sâu sắc với các hành động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc", song nhấn mạnh, mục tiêu của Washington "là không làm leo thang căng thẳng thương mại".
Theo nội dung được tiết lộ, quan chức thương mại Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh rằng, mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh "là một trong những hệ quả có ảnh hưởng sâu rộng" đến toàn bộ thế giới và hàng tỷ công nhân. (AFP)
AUKUS không đe dọa Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện
Ngày 3/10, Thư ký điều hành của Ủy ban trù bị thuộc Văn phòng Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) Robert Floyd cho biết, việc thành lập liên minh đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) không đe dọa đến CTBT.
Ông Floyd giải thích: “Tôi hiểu rằng vấn đề này nằm ở việc Australia nhận các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đó không phải là các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân, đó là một khác biệt rất lớn".
Quan chức trên khẳng định, theo quan điểm của Hiệp ước và Văn phòng CTBT, AUKUS không thực sự xung đột.
Cùng ngày, chính quyền Anh cho biết, nước này quan tâm việc ký kết các liên minh thương mại và quốc phòng mới, dựa trên hình mẫu AUKUS.
Các quốc gia mà Anh muốn xem xét thỏa thuận tiềm năng là Ấn Độ, Nhật Bản và Canada "để đảm bảo hỗ trợ an ninh bổ sung cho các khu vực không kém phần quan trọng". (Sputnik)
Quan hệ liên Triều: Hàn Quốc-Triều Tiên nối lại đường dây nóng
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Bình Nhưỡng bắt đầu khôi phục đường dây nóng liên Triều từ 9h (7h giờ Hà Nội) sáng 4/10 theo tinh thần của nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đưa ra trong cuộc họp Quốc hội ngày 30/9.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận, các quan chức hai miền Triều Tiên đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 8 năm nay.
Bộ trên tuyên bố: "Với việc khôi phục đường dây liên lạc Hàn-Triều, chính phủ Hàn Quốc đánh giá rằng, nền tảng khôi phục quan hệ liên Triều đã được tạo ra. Chính phủ hy vọng sẽ nhanh chóng nối lại đối thoại". (Yonhap, Reuters)
Tình hình Libya: Lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân
Ngày 3/10, Ngoại trưởng Libya Najla al-Mangoush thông báo, các lực lượng nước ngoài đã bắt đầu rút “một phần nhỏ” quân số khỏi nước này, song không tiết lộ chính xác quân số nước ngoài đã rời đi.
Giới chức Libya bày tỏ mong muốn hoạt động rút quân sẽ diễn ra trên quy mô lớn và khẳng định sẽ triển khai chiến lược để thúc đẩy quá trình này toàn diện hơn.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Libya thông báo bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy lọc dầu gần Al-Charara, một cánh đồng dầu chủ chốt thuộc khu vực Oubari - nơi có sản lượng trung bình khoảng 300.000 thùng/ngày - ở miền Nam quốc gia Bắc Phi này.
Theo người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Libya Mustafa Sanalla, dự án có trị giá từ 500 triệu USD đến 600 triệu USD và sẽ đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới với thu nhập dự kiến hàng năm khoảng 75 triệu USD. (AFP)
Nobel 2021: Hồi hộp chờ các chủ nhân giải thưởng lộ diện, ứng viên nào cho Nobel Hòa bình?
Chiều 4/10, Ủy ban Nobel công bố chủ nhân của giải Nobel Y học 2021, mở màn cho mùa giải 2021 kéo dài đến ngày 11/10.
Sau Nobel Y học, lần lượt chủ nhân của các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình và Giải Nobel Kinh tế sẽ được xướng tên.
Giải Nobel Y học 2021 được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.
Trong khi đó, đài CNN dẫn số liệu thống kê trên các trang dự đoán kết quả giải Nobel 2021 cho thấy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay, sau 18 tháng dẫn dắt thế giới ứng phó đại dịch Covid-19.
Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, giải thưởng này cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, với thành tích giúp đỡ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách các ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2021 là phong trào Black Lives Matter, vốn nổ ra trên toàn thế giới sau cái chết của George Floyd (một người Mỹ gốc Phi) vào năm 2020.
Nhà lập pháp Na Uy Petter Eide cho biết, ông đã đề cử Black Lives Matters để kêu gọi sự nhận thức của toàn cầu về vấn đề công bằng chủng tộc.
Trong bối cảnh Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 sẽ diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11, mọi sự chú ý cũng dồn về "chiến binh vì khí hậu" người Thụy Điển Greta Thunberg.
Có 329 cá nhân được đề cử cho các hạng mục của giải Nobel 2021. Tuy nhiên, như thông lệ từ 50 năm qua, danh sách đầy đủ của các ứng cử viên không được ban tổ chức công bố. (AFP)