📞

Tin thế giới 5/1: Ông Biden khó hiểu 'chấp niệm' của ông Trump; Iran lộ tham vọng lớn; Trung Quốc nổi giận đòi Mỹ giải thích liên quan Covid-19

Hoàng Hà 19:43 | 05/01/2021
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, tình hình Iran, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Ông Biden băn khoăn: "Không hiểu sao ông Trump vẫn muốn làm tổng thống"

Ngày 4/1, một ngày sau khi bản ghi âm cuộc điện thoại của Tổng thống Donald Trump với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger hôm 2/1 nhằm lật ngược kết quả bầu cử tại bang này bị rò rỉ, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.

Ông Biden cho rằng, ông Trump không hề muốn làm Tổng thống vì "dành nhiều thời gian để rên rỉ và than vãn hơn làm điều gì đó", đồng thời bày tỏ băn khoăn "không biết tại sao ông ấy vẫn muốn công việc này".

Nói về những cáo buộc của phe ông Trump về gian lận bầu cử ở bang Georgia, Tổng thống đắc cử Joe Biden nhấn mạnh: "Các phiếu bầu của các bạn đều đã được kiểm đếm, nguyện vọng của người dân đã thắng thế. Chúng tôi đã thắng 3 lần ở đây, từng lần kiểm phiếu lại, các bạn hiểu chứ? Chúng tôi đã thắng cả 3 lần". (CNBC)

Ông Trump muốn Phó Tổng thống Mike Pence giúp 'lật kèo'

Ngày 4/1, phát biểu trước những người ủng hộ ở bang Georgia, Tổng thống Trump nói rằng: "Tôi hy vọng ông Mike Pence sẽ làm những điều vì chúng ta. Tôi hy vọng Phó Tổng thống tuyệt vời của chúng ta sẽ làm điều đó. Ông ấy là một người tuyệt vời".

Tuy nhiên, ông Trump không nói rõ điều mà ông muốn cấp phó của mình làm mặc dù ông dường như bóng gió đề nghị ông Pence giúp đảo ngược kết quả bầu cử tại phiên họp quốc hội ngày mai.

Đây là lần đầu tiên ông Trump công khai đề cập mong muốn Phó Tổng thống Pence tham gia vào nỗ lực "lật kèo" bầu cử ở quốc hội mặc dù ở hậu trường, chủ nhân Nhà Trắng được cho là đã trao đổi với cấp phó về vai trò xác nhận hay không xác nhận kết quả bầu cử. (USA Today)

Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn hối thúc quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Biden

Hơn 170 giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến thể thao, đã ký vào một bức thư kêu gọi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden trong ngày 6/1.

Ký tên vào bức thư nói trên gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Giám đốc điều hành (CEO) Blackstone Jonathan Gray, Chủ tịch Microsoft Brad Smith, CEO Altice USA Dexter Goei, người đồng sáng lập Lyft John Zimmer, CEO của Goldman Sachs và American Express Company,...

Nội dung bức thư nêu rõ, cuộc bầu cử tổng thống đã có kết quả và đã đến lúc nước Mỹ cần tiến về phía trước. (The New York Times)

Iran

Iran và Hàn Quốc nhất trí theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với vụ bắt giữ tàu chở dầu

Ngày 5/1, một ngày sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tạm giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc ở Eo biển Hormuz, quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã gặp Đại sứ Iran tại Seoul để thảo luận.

Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay, hai bên vẫn chia sẻ quan điểm vấn đề này cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và dự kiến, Hàn Quốc sẽ cử một phái đoàn tới Iran để thảo luận vụ việc.

Một số nhà phân tích nhận định, việc Iran bất ngờ bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc dường như nhằm gây sức ép cho Seoul hủy bỏ việc đóng băng các tài sản tài chính của nước này theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong bối cảnh kinh tế đi xuống và cuộc khủng hoảng Covid-19 tại nước Cộng hòa Hồi giáo. (Yonhap)

Iran tuyên bố có thể làm giàu uranium lên mức trên 20%, LHQ kêu gọi tuân thủ JCPOA

Ngày 5/1, phát ngôn viên Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết, Iran đã bắt đầu thu được uranium làm giàu mức 20% sau 12 giờ với công nghệ mới.

Theo ông Kamalvandi, quy trình làm giàu 20% uranium, được khởi động vào hôm 4/1 trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Chiến lược nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Iran, đã được quốc hội thông qua tháng 12/2020 nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân Iran.

"Chúng tôi có khả năng làm giàu uranium trên 20% một cách dễ dàng và chúng tôi đang cân nhắc làm điều này", ông Kamalvandi nói.

Phản ứng với động thái trên, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). (THX)

Quân đội Iran tập trận quy mô lớn với máy bay không người lái

Ngày 5/1, quân đội Iran đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn tại tỉnh Semnan, miền Trung nước này với sự tham gia của hàng trăm máy bay không người lái từ các đơn vị quân đội.

Hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn lời Phó Chỉ huy tác chiến lục quân Seyyed Mahmoud Mousavi cho biết: "Các hoạt động tác chiến bằng máy bay không người lái bao gồm đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không bằng tên lửa không đối không, tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất bằng bom và tên lửa, cũng như sử dụng rộng rãi máy bay không người lái cảm tử".

Ông Mousavi cho biết thêm một cuộc triển lãm được tổ chức bên lề cuộc tập trận này sẽ trưng bày những thành tựu mới mà quân đội Iran đạt được trong lĩnh vực máy bay không người lái. (Tasnim)

Mỹ-Trung Quốc

Các công ty viễn thông Trung Quốc tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

Trong một tuyên bố ngày 4/1, Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã bỏ kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu của 3 công ty viễn thông Trung Quốc là China Mobile Ltd, China Telecom Corp Ltd và China Unicom Hong Kong Ltd sau khi tham vấn thêm với các cơ quan quản lý liên quan của Mỹ.

Ngay sau đó, cổ phiếu của 3 công ty viễn thông nói trên niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng, trong đó China Unicom tăng 9%, trong khi China Mobile và China Telecom mỗi công ty tăng 7%. (Reuters)

Trung Quốc 'đòi' Mỹ giải thích về phát ngôn liên quan vụ rò rỉ SARS-CoV-2

Ngày 4/1, tờ Daily Mail của Anh đưa tin, trong một hội nghị trực tuyến, ông Matthew Pottinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, tuyên bố rằng, có khả năng nguyên nhân của đại dịch Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Theo tờ báo, ông Pottinger cho biết, theo các báo cáo tình báo mới nhất, đã có một vụ rò rỉ virus từ Viện virus học bí mật Vũ Hán, nằm cách chợ Vũ Hán 11 km.

Phản ứng trước thông tin này, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, dù là một quan chức cấp cao, ông Pottinger "trái với mong đợi vẫn lặp lại những lời nói dối và tin đồn kém chất lượng", nhấn mạnh rằng "cái gọi là lý thuyết về nguồn gốc nhân tạo của virus hoặc sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm" đã bị hầu hết các chuyên gia lỗi lạc trong lĩnh vực này, bao gồm cả người Mỹ, bác bỏ.

Bên cạnh đó, bà Hoa Xuân Oánh bày tỏ "hy vọng phía Mỹ sẽ làm rõ đây là quan điểm cá nhân của Pottinger hay là quan điểm chính thức của chính quyền Mỹ".

"Nếu Mỹ đưa ra những tuyên bố như vậy, thì chúng tôi yêu cầu cung cấp bằng chứng", bà Hoa Xuân Oánh nói thêm. (Sputnik)

Vùng Vịnh

Qatar lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh GCC từ khi nổ ra khủng hoảng

Ngày 5/1, kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã đến thành phố Al-Ula của Saudi Arabia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Thani tới Saudi Arabia kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh cách đây 3 năm.

Hôm 4/1, ông Thani đã xác nhận tham dự hội nghị nêu trên sau khi thông báo, Saudi Arabia sẽ mở lại không phận cũng như biên giới trên bộ và trên biển với Qatar.

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh GCC sẽ rà soát các cơ chế nhằm chấm dứt tình trạng rạn nứt vùng Vịnh và mở ra các cơ hội hợp tác mới. (THX)

Đập Đại Phục hưng

Sudan rút khỏi cuộc họp tái khởi động đàm phán đập Đại Phục hưng

Ngày 4/1, Sudan rút khỏi đàm phán 3 bên với Ai Cập và Ethiopia về những bất đồng liên quan đập thủy điện Đại Phục hưng với lý do không nhận được phản hồi đối với đề xuất trao cho các chuyên gia của Liên minh châu Phi (AU) vai trò trung gian lớn hơn.

Bộ Thủy lợi Sudan cho biết, sau cuộc họp trước đó một ngày, nước này đã đề nghị tổ chức một cuộc họp song phương với các chuyên gia của AU và quan sát viên, song không nhận được phản hồi về yêu cầu này.

Dù vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục tham gia đàm phán ba bên, song Khartoum tái khẳng định lập trường về sự cần thiết trao vai trò lớn hơn cho các chuyên gia của AU để thúc đẩy tiến trình đàm phán và dung hòa các quan điểm.

Sau động thái của Sudan, phía Ai Cập, Ethiopia và các quan sát viên của AU cũng quyết định dừng phiên họp trong ngày. Các bên vẫn duy trì quan điểm các cuộc đàm phán cần có sự tham gia của cả 3 quốc gia để có thể đạt được một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về các quy định tích nước và vận hành đập Đại Phục Hưng.

Theo kế hoạch, các bên tham gia tiến trình đàm phán sẽ chuyển vướng mắc này tới Nam Phi, nước hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên AU, để đánh giá lại những bước đi tiếp theo cho cuộc họp Bộ trưởng Thủy lợi và Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Sudan và Ethiopia vào ngày 10/1 tới. (TTXVN)

Bầu cử CH Trung Phi: Tổng thống Touadera tái đắc cử

Ngày 4/1, Cơ quan Bầu cử quốc gia CH Trung Phi (NEA) cho biết, Tổng thống đương nhiệm Faustin Touadera đã giành chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử với "đa số tuyệt đối" 53,9% số phiếu bầu.

Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử là 76,31%. Toà án Hiến pháp nước này sẽ công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử vào ngày 19/1.

Đối thủ lớn nhất của ông Touadera là cựu Thủ tướng Anicet Georges Dologuele chỉ giành được 21,01% số phiếu bầu. Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Dologuele đã cáo buộc có nhiều vi phạm và gian lận trong cuộc bầu cử này.

Chính phủ của Tổng thống Touadera chỉ kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ CH Trung Phi, trong khi các nhóm vũ trang nổi dậy, vốn xuất hiện từ cuộc xung đột năm 2013, chiếm giữ phần còn lại. Theo thống kê chính thức, có 29 khu vực không tiến hành bầu cử trong tổng số 71 khu vực ở CH Trung Phi. (TTXVN)