📞

Tin thế giới 5/3: Mỹ ‘dàn trận’ tên lửa đối phó Trung Quốc; Nga cáo buộc Ukraine có ‘âm mưu diệt chủng’; Sắp diễn ra Thượng đỉnh Bộ tứ?

Quang Đào 19:45 | 05/03/2021
TGVN. Mỹ dự định triển khai tên lửa ở biển Đông và biển Hoa Đông, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Nga-Ukraine, Mỹ-Nga, tình hình Myanmar... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Mỹ sẽ triển khai tên lửa ở biển Hoa Đông và Biển Đông?

Chính phủ Mỹ có kế hoạch triển khai tên lửa tại các đảo ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông để đối phó với hoạt động tăng cường của Trung Quốc trong khu vực.

Theo Nikkei, Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe thông thường của nước này đối với Trung Quốc bằng thiết lập một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất.

Mạng lưới này nằm trong kế hoạch chi 27,4 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong 6 năm tới. Đây là đề xuất cốt lõi trong Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội.

Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm các đảo và quần đảo là Đài Loan, Okinawa và Philippines, vốn được Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập" (A2/AD) của Bắc Kinh tìm cách đẩy các lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Hoa Đông và Biển Đông nằm trong chuỗi đảo đầu tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc tìm cách ngăn không cho các lực lượng Mỹ tiếp cận "chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, vốn trải dài từ phía Đông Nam của Nhật Bản đến đảo Guam và đi xuống phía Nam hướng tới Indonesia. (Nikkei)

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch nhóm họp với Bộ tứ

Ông Biden lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia vào tháng 3 này. Ông Biden đã nói chuyện riêng với từng nhà lãnh đạo trong nhóm Bộ tứ. Nhưng một cuộc họp với sự tham gia của bốn bên sẽ tạo thêm động lực cho nhóm này.

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ sẽ là cuộc gặp đầu tiên ở cấp cao nhất của nhóm kể từ khi chính quyền Trump quyết định chuyển Bộ tứ thành một cơ chế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực vào năm 2017. (Reuters)

Các quan chức cấp cao Mỹ chuẩn bị công du châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 3 này, đồng thời thảo luận các chính sách đối ngoại và an ninh.

Đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của thành viên nội các sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ có cam kết sâu sắc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Global Times)

Trung Quốc gọi bất đồng với Mỹ là điều ‘bình thường’

Theo người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc, ông Trương Nghiệp Toại, khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc là điều “bình thường” và hai bên có thể cùng tồn tại như các cường quốc toàn cầu.

Tuy nhiên, Washington và Bắc Kinh phải học cách tôn trọng lẫn nhau và không đi vào con đường đối đầu và cạnh tranh sai trái.

Ông Trương Nghiệp Toại cho biết, cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 là cơ hội để thiết lập lại quan hệ giữa hai nước.

Có nhiều lĩnh vực hai nước cùng quan tâm như biến đổi khí hậu và ứng phó Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo người phát ngôn cơ quan lập pháp Trung Quốc, các chính sách của Washington đối với Bắc Kinh là nhất quán và luôn tuân thủ nguyên tắc không đối đầu, song ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình. (SCMP)

Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2021

Chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng được Trung Quốc đặt ra trong năm 2021 sẽ đạt mức 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 208,47 tỷ USD), trong bản ngân sách quốc gia được nước này công bố hôm 5/3. Theo đó, mức chi tiêu này tăng 6,8% so với năm 2020.

Ngân sách quốc phòng được ghi nhận của Trung Quốc trong năm 2021 chỉ bằng khoảng 1/4 so với chi tiêu quốc phòng của Mỹ, vốn đã lên tới 714 tỷ USD trong năm tài khóa 2020, và dự kiến ​​tiếp tục tăng lên mức 733 tỷ USD trong năm tài khóa 2021. (Reuters)

Tình hình Myanmar: LHQ kêu gọi dừng bạo lực, HĐBA LHQ họp kín

Ngày 5/3, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet kêu gọi quân đội Myanmar ngừng các cuộc đàn áp với những người biểu tình ôn hòa và trả tự do cho những người bị giam giữ bất hợp pháp trong cuộc chính biến hôm 1/2.

"Quân đội Myanmar phải dừng việc giết chóc và bỏ tù người biểu tình”, bà Bachelet kêu gọi, lên án việc lực lượng an ninh Myanmar sử dụng đạn thật để chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp kín theo yêu cầu của nước Chủ tịch luân phiên Anh nhằm thảo luận về tình hình Myanmar.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 4/3, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun, người bị giới lãnh đạo quân đội nước này bãi nhiệm hồi tuần trước, sẽ vẫn là Trưởng phái đoàn đại diện Myanmar tại tổ chức này.

Mỹ trong ngày 4/3 đã trở thành quốc gia mới nhất áp đặt trừng phạt khi siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Myanmar, đồng thời đưa các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cũng như 2 doanh nghiệp lớn của Myanmar do quân đội kiểm soát vào danh sách đen.

Trong một tuyên bố Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, Mỹ vẫn hoàn toàn cam kết với người dân Myanmar và lên án mạnh mẽ các vụ bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa. (Reuters/AP)

Nga đề ra những vấn đề ưu tiên trong quan hệ với Mỹ​

Phát biểu tại câu lạc bộ tranh luận quốc tế COSMOS-CLUB, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng Washington và Moscow cần phải thống nhất nỗ lực trong một số lĩnh vực.

Ông Antonov nói: "Thống nhất nỗ lực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chủ nghĩa khủng bố, tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và biến đổi khí hậu, cũng như nghiên cứu vũ trụ và bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực là những vấn đề đáp ứng được lợi ích của hai nước chúng ta".

Nhà ngoại giao nhấn mạnh rằng Moscow chủ trương phát triển sâu sắc hơn đối thoại về "những nội dung khu vực": Syria, Afghanistan, Iran, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Ngoài ra, theo ông Antonov, cần phải khôi phục cơ sở hạ tầng thông tin theo kênh chính phủ một cách đầy đủ. (Sputnik)

Nga cáo buộc Ukraine ‘âm mưu diệt chủng’ tại Crimea

Ngày 4/3, đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich đã cáo buộc Ukraine thực hiện âm mưu diệt chủng trên bán đảo Crimea bằng việc ngăn nguồn cung nước ngọt cho bán đảo.

Theo ông Lukashevich, người dân Crimea vốn đã tự bỏ phiếu để quyết định tương lai của họ là độc lập khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga nhưng họ đã bị gánh lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu và Canada một cách bất hợp pháp.

Các lệnh trừng phạt này vốn không mang lại lợi ích gì, việc này có thể được nhìn qua các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Cuba mà giới lập pháp nước này đang thúc giục ông Biden đảo ngược chính sách.

Nhưng ngoài Mỹ hay EU, Ukraine đã có các chính sách trừng phạt mạnh mẽ nhất, phong tỏa kinh tế, giao thông và đường thủy đối với khu vực này.

Ông nêu ví dụ về việc Kiev dự định xây một con đập trên km 107 của kênh đào Bắc Crimea mà theo một số quan chức Kiev miêu tả là nhằm "khiến nước chảy vào bán đảo càng ít càng tốt".

Đặc phái viên của Nga cáo buộc: "Việc tước đoạt nguồn nước của người dân có thể được coi là hành động diệt chủng có chủ đích." (TASS)

Mỹ-Iran: Mỹ hy vọng Iran sẽ ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân

Mỹ ngày 5/3 bày tỏ hy vọng Iran sẽ tham gia nỗ lực ngoại giao sau khi các đồng minh châu Âu rút lại kế hoạch công bố một nghị quyết lên án Tehran tại cuộc họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra cùng ngày tại Vienna (Áo).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ Mỹ lấy làm vui mừng khi các nước châu Âu đã không công bố nghị quyết lên án Tehran tại cuộc họp. Mỹ coi đây là nỗ lực ngoại giao mà Mỹ mong chờ sẽ có sự tham gia của Iran, qua đó dẫn tới tiến bộ vững chắc và đáng tin cậy liên quan đến vấn đề hạt nhân của quốc gia Trung Đông này.

Ông Ned Price thể hiện rõ quan điểm của Mỹ chuẩn bị sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại tích cực. (Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ: Rơi trực thăng quân sự, tướng lĩnh cấp cao tử nạn

Chiếc trực thăng quân sự AS532 Cougar cất cánh từ tỉnh Bingöl, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ lúc 13h55 ngày 4/3 trên đường đến huyện Tatvan, tỉnh Bitlis thì mất liên lạc khoảng 14h25 cùng ngày (18h25 giờ Việt Nam), theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

"Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ bao gồm một UAV, một máy bay CN-235 và một máy bay trực thăng đã được điều động ngay lập tức", tuyên bố viết.

Ngay khi tại nạn xảy ra, 9 binh sĩ trên chiếc trực thăng đã thiệt mạng, 2 người khác tử vong trong quá trình cấp cứu, bao gồm Tư lệnh Quân đoàn 8, Trung tướng Osman Erbaş, 2 người bị thương đang tiếp tục được cứu chữa. (Daily Sabah)

WHO tính hủy báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán

Nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19 đang có kế hoạch hủy báo cáo sơ bộ về chuyến đi vừa qua.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về sứ mệnh của WHO. Bên cạnh đó, một nhóm nhà khoa học quốc tế cũng kêu gọi tổ chức cuộc điều tra mới.

Reuters chưa tìm hiểu được lý do phái đoàn của WHO chậm trễ trong việc công bố kết quả điều tra. Nhóm chuyên gia này đã tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi phát hiện những ca mắc Covid-19 ở người đầu tiên vào cuối năm 2019. (Wall Street Journal)