Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xuất hiện trong sự chào đón của cử tri tại trụ sở của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền ở thủ đô New Delhi vào ngày 4/6, sau khi có kết quả giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. (Nguồn: Reuters) |
Châu Âu
* Quân đội Ukraine tổ chức tập trận chỉ huy và tham mưu ở vùng thủ đô Kiev từ ngày 5-13/6, theo thông báo của Lực lượng Lục quân Ukraine trong bài đăng trên Telegram.
Theo thông báo, các đơn vị trên bộ, trên sông, phòng không và chống phá hoại sẽ tham gia cuộc tập trận. Sự kiện này nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong chiến dịch phòng thủ, trong đó đối phương sử dụng vũ khí tấn công và các nhóm trinh sát. (THX)
* Nga cảnh báo phương Tây biến Moldova thành "Ukraine thứ hai": Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cáo buộc: "Brussels (nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)) được Mỹ hậu thuẫn đang tích cực chuẩn bị cho Moldova vai trò là 'Ukraine thứ hai'".
Theo ông Galuzin, Nga "không muốn số phận của Ukraine xảy đến với người dân Moldova, vốn có truyền thống thân thiện với Nga".
Bình luận về thỏa thuận được ký kết trước đây giữa EU và Moldova về hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói: “Không còn nghi ngờ gì rằng việc ký kết thỏa thuận này là nhằm mục đích 'kéo' Chisinau hơn nữa vào NATO... làm xói mòn vị thế trung lập của nước này". (TASS)
* Armenia bắt đầu hạn chế liên lạc với Nga, theo lời Thứ trưởng Galuzin. Cụ thể, từ tháng 11/2023, không có cuộc gặp nào giữa người đứng đầu Bộ Ngoại giao hai nước. Yerevan không quan tâm đến đề xuất của Moscow về việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tham vấn liên Bộ Ngoại giao tiếp theo.
Ngoài ra, cũng theo ông Galuzin, cường độ tiếp xúc trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cả hợp tác kỹ thuật quân sự, đã giảm đáng kể. Nhà ngoại giao Nga nhận định, điều này là do áp lực của phương Tây.
Nga tiếp tục khẳng định sẵn sàng hợp tác với Armenia để giải quyết các vấn đề và khó khăn trong quan hệ song phương. (TASS)
* Nga sẽ bắn hạ máy bay tiêm kích F-16 nếu bay trên lãnh thổ Ukraine, Trưởng đoàn đại diện của Nga tại đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở Vienna (Áo) Konstantin Gatilov cảnh báo.
Theo ông Gatilov, F-16 là loại máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân, do đó Nga xem việc loại máy bay này xuất hiện trên không phận Ukraine là đe doạ an ninh hạt nhân. (TASS)
* Hơn 50 tàu chiến đến Lithuania tham gia cuộc tập trận lớn nhất Baltic của NATO mang tên Baltops 2024. Khoảng 4.000 binh sĩ của NATO sẽ đến Lithuania trên hơn 50 tàu chiến này.
Tổng cộng sẽ có khoảng 9.000 quân nhân từ 21 nước cùng 45 máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận để thể hiện khả năng tương tác chiến lược giữa các đối tác trong NATO ở các cấp độ chiến thuật và chiến dịch, cũng như thực hành các chiến dịch chung nhằm ứng phó với khủng hoảng. (TV3)
* Tranh luận trực tiếp giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đã diễn ra khoảng 1 giờ tối ngày 4/6, được phát sóng trên kênh truyền hình ITV, tập trung vào các vấn đề nhập cư, thuế, chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cũng như các vấn đề về an ninh, môi trường.
Thủ tướng Sunak muốn tận dụng cuộc tranh luận để thay đổi cục diện của chiến dịch tranh cử khi đảng Bảo thủ của ông đang bị Công đảng dẫn trước tới hơn 20 điểm theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.
Theo cuộc thăm dò nhanh của YouGov sau cuộc tranh luận, ông Sunak đã giành kết quả tốt hơn với tỷ lệ sít sao 51%-49%, một thành công với đảng Bảo thủ đang ở thế yếu.
Tuy nhiên, ông Starmer được khán giả cho là đáng tin cậy hơn với tỷ lệ 49%-39% và được ưa thích hơn (50%-34%) mặc dù ông Sunak được đánh giá cao hơn với vai trò là Thủ tướng (43%-40%)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Kết quả bầu cử Ấn Độ: Với 292/543 ghế, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Lok Sabha (Hạ viện) nước này.
Đáng chú ý, lần bầu cử này chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong thành tích của cả NDA và BJP so với cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Trong số 292 ghế của NDA, BJP giành được 240 ghế, trong khi năm 2019, NDA đã giành được 353 ghế, với 303 ghế của riêng BJP.
Trong khi đó, Liên minh toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) đối lập, do đảng Quốc đại dẫn đầu, có sự cải thiện đáng kể khi giành được 234 ghế trong Lok Sabha.
Kết quả kiểm phiếu không giống với bất cứ cuộc thăm dò dư luận hay thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu nào, cho thấy một chiến thắng không dễ dàng đối với Thủ tướng Modi và đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của ông.
Tuy nhiên, với 297 ghế, NDA đã vượt qua mốc 272 ghế tối thiểu cần thiết để thành lập chính phủ.
Các nguồn thạo tin ngày 5/6 cho biết, ông Modi có thể tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ lần thứ 3 vào ngày 8/6. Nội các mới cũng sẽ tuyên thệ cùng ngày. (PTI, Hindustan Times)
* Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác” với Ấn Độ: Ngày 5/6, Trung Quốc đã chúc mừng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Lok Sabha (Hạ viện).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ: "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định trong quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích cơ bản của quốc gia và nhân dân hai bên, hướng tới bức tranh toàn cảnh và tầm nhìn cho tương lai". (AFP)
* Máy bay không người lái quân sự Trung Quốc TB-001 bay qua vùng biển gần đảo Amami Oshima ở tỉnh Kagoshima của Nhật Bản trong ngày 4/6, đánh dấu lần đầu tiên một máy bay không người lái quân sự của Trung Quốc tiếp cận khu vực này.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, TB-001 không xâm phạm không phận nước này. Lực lượng phòng vệ trên không đã điều động máy bay chiến đấu để giám sát TB-001. (Yomiuri Shimbun)
* Hàn Quốc họp khẩn liên ngành trong ngày 5/6 để thảo luận về các biện pháp an toàn chống lại một loạt các hành động của Triều Tiên như thả bóng bay rác và gây nhiễu hệ thống định vị GPS.
Cuộc họp do Trung tướng Lee Seung-oh, quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) chủ trì với sự tham dự của gần 40 quan chức từ nhiều bộ, ban ngành hữu quan.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng sẽ tái khởi động tập trận pháo binh gần Đường phân giới quân sự (MDL) và các đảo biên giới phía Tây Bắc vào tháng 6, sau khi Seoul đình chỉ hiệp ước giảm căng thẳng liên Triều năm 2018. (Yonhap)
* Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi đạt nhiều thỏa thuận quan trọng sau khi diễn ra tại Seoul ngày 4/6. Chủ đề của hội nghị lần này là "Tương lai cùng kiến tạo" với 3 mục tiêu cụ thể bao gồm phát triển đồng hành, phát triển bền vững và đoàn kết.
Hội nghị đề ra 6 lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên là thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, đối phó với thách thức toàn cầu, hòa bình và an ninh.
Lãnh đạo Hàn Quốc và 48 nước châu Phi đã nhất trí ra mắt một cơ chế tham vấn, đối thoại về vấn đề chuỗi cung ứng khoáng sản trọng tâm của châu lục này, nơi vốn sở hữu 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới. Hai bên cũng sẽ xúc tiến ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), Khung xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF).
Hàn Quốc sẽ mở rộng quy mô vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho châu Phi lên 10 tỷ USD cho tới năm 2030, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi quy mô 14 tỷ USD. (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Israel cảnh báo hành động mạnh ở phía Bắc, theo lời Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu khi đi thị sát khu vực biên giới phía Bắc giáp Lebanon ngày 5/6.
Ông Netanyahu tuyên bố: "Bất cứ ai nghĩ rằng có thể làm hại chúng tôi và chúng tôi sẽ ngồi yên, họ đang phạm sai lầm lớn. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ khôi phục an ninh cho miền Bắc". (Reuters)
* Nổ tại căn cứ quân sự Israel: Ngày 5/6, quân đội Israel cho biết, 9 binh sĩ đã bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng khi đạn phát nổ tại một căn cứ quân sự ở miền Nam nước này.
Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin vụ nổ xảy ra tại một căn cứ ở sa mạc Negev. Vụ việc đang được điều tra. (Anadolu)
* Iran-Nga-Trung Quốc ra tuyên bố chung về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trong khuôn khổ chương trình nghị sự cuộc họp lần thứ 6 của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi đã liên tục hỗ trợ mạnh mẽ cho JCPOA... Sự ủng hộ của chúng tôi đối với thỏa thuận hạt nhân này không thay đổi kể từ năm 2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận,... việc áp đặt các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và thực thi chính sách gây áp lực tối đa đối với Iran đã trở thành bước ngoặt cho thỏa thuận này".
Nhấn mạnh rằng, các điều khoản của kế hoạch này vẫn có hiệu lực, tuyên bố chỉ ra rằng, đã đến lúc phương Tây thể hiện ý chí chính trị và từng bước khôi phục thỏa thuận này. (MNA)
* Slovenia công nhận Nhà nước Palestine: Quốc hội Slovenia đã bỏ phiếu thông qua quyết định công nhận nhà nước Palestine vào ngày 4/6 với 52 trong tổng số 90 thành viên ủng hộ.
Trong thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Slovenia Robert Golob khẳng định, việc nước này công nhận Palestine là một nhà nước độc lập và có chủ quyền đem lại hy vọng cho người dân Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây. (Reuters)
* Mỹ trao đổi với cộng đồng quốc tế về dự thảo đề xuất ngừng bắn ở Gaza: Ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington và thảo luận về những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột và nhu cầu cấp thiết của việc vận chuyển hàng viện trợ đến người dân ở Gaza.
Tại cuộc gặp, ông Blinken nêu rõ tầm quan trọng của việc Hội đồng Bảo an LHQ lên tiếng kêu gọi thực hiện thỏa thuận này ngay lập tức.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ cũng điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf để trao đổi quan điểm về đề xuất ngừng bắn và thả con tin do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi cuối tháng 5 nhằm giải quyết xung đột ở Dải Gaza. (Anadolu)
* Hamas yêu cầu lệnh ngừng bắn vĩnh viễn: Ngày 4/6, quan chức cấp cao Hamas Osama Hamdan nhấn mạnh, phong trào này không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không đảm bảo lập trường rõ ràng của Israel về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút hoàn toàn lực lượng khỏi Gaza đi kèm với thỏa thuận trao đổi con tin. (Reuters)
* Houthi phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đỏ: Ngày 4/6, Hải quân Mỹ cho biết lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đỏ trong vòng 24 giờ.
Trên mạng xã hội X, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ thông báo vụ việc trên không gây ra thương tích hay hư hại nào đối với các tàu thuyền đi lại trên vùng biển này. (Reuters)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Pháp ngày 5/6 nhân kỷ niệm 80 năm D-Day - ngày quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy, sự kiện mở đường cho cuộc giải phóng nước Pháp và châu Âu trong Thế chiến II.
Chuyến thăm này nhằm nhấn mạnh cam kết của ông Biden với các đồng minh châu Âu và thể hiện sự đối lập về tầm nhìn dân chủ của ông với đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 là ông Donald Trump.
Ông Biden sẽ ở Paris 5 ngày, tham dự các lễ kỷ niệm D-Day tại Normandy và có một bài phát biểu quan trọng, cũng như thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước với Pháp.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, ông Biden cũng sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine tại Normandy. (Reuters)
* Mỹ không cử cố vấn quân sự hay các chuyên gia quân sự tới Ukraine để huấn luyện, theo lời Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.
Ông Sullivan khẳng định, Mỹ sẵn sàng tiếp tục mở rộng hoạt động huấn luyện cho binh sĩ Ukraine ở bên ngoài quốc gia Đông Âu. (Reuters)
* Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào tối 4/6. Theo đó, nước này sẽ tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người.
Với số người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày hiện đã vượt quá 2.500 người, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực ngay lập tức và Washington sẽ mở lại biên giới một khi con số đó giảm xuống còn 1.500 người. (NBC News)
* Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Tòa án hình sự quốc tế (ICC) do quyết định của công tố viên tìm kiếm lệnh bắt giữ các quan chức Israel liên quan cuộc chiến ở Gaza.
Dự luật được thông qua với 247 phiếu thuận và 155 phiếu chống, trong đó có 42 đảng viên Dân chủ ủng hộ biện pháp này.
Biện pháp này sẽ không trở thành luật, song đã phản ánh sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel trong bối cảnh quốc tế chỉ trích chiến dịch của quốc gia Trung Đông này ở Dải Gaza. (Reuters)