Các thủy thủ tàu ngầm Nga mặc áo phao, di chuyển lên boong tàu sau sự cố. (Nguồn: Hải quân Đan Mạch) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Tàu ngầm Nga gặp sự cố trên lãnh hải Đan Mạch
Ngày 30/7, tàu ngầm hạt nhân Orel (K-266) của hải quân Nga đang trên đường di chuyển từ St. Petersburg đến bán đảo Kola thì bị trục trặc hệ thống đẩy.
Lúc này con tàu đang ở hải phận của Đan Mạch trên biển Baltic.
Theo quy định, tàu thuyền ra vào biển Baltic phải đi qua vùng lãnh hải Đan Mạch hoặc Thụy Điển. Do đó, các tàu chiến nước ngoài sẽ được hải quân của một trong hai nước này hộ tống.
Phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, tàu tuần tra HDMS Diana của Đan Mạch đã tiến lại để trợ giúp, nhưng không liên lạc được với tàu ngầm, chỉ nhận được tín hiệu radio và trả lời từ khu trục hạm Phó Đô đốc Kulakov.
Tàu của Đan Mạch sau đó cũng làm nhiệm vụ hộ tống tàu ngầm Orel.
"Hoạt động hộ tống này sẽ đi vào lịch sử vì sự thú vị và gay cấn khi tàu ngầm hạt nhân Orel gặp trục trặc với hệ thống đẩy và trôi dạt với tốc độ 2,8 km/h về phía đảo Sejero.
Hải quân Đan Mạch đề nghị hỗ trợ tàu ngầm Nga, nhưng bị từ chối lịch sự và đó là điều không bất ngờ", Hải đội 3 hải quân Đan Mạch, đơn vị phụ trách vùng biển ngoài khơi Aarhus, bình luận trên mạng Facebook.
Sau đó, sự cố đã được khắc phục và tàu ngầm Orel tiếp tục di chuyển mà không cần sự giúp đỡ của tàu kéo.
Hải quân Nga chưa bình luận về thông tin này. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tàu ngầm Nga: Trở lại và lợi hại hơn nhiều lần |
Nga tin tưởng về khả năng đối thoại sau khi Hiệp ước INF bị hủy bỏ
Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/8 cho rằng vẫn tồn tại khả năng nhất định cho một giải pháp đối với tình hình sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng rằng vẫn còn khả năng cho giải pháp chính trị và ngoại giao đối với tình hình phát sinh từ sự chấm dứt của Hiệp ước INF, dựa trên sáng kiến của Nga nhằm đảm bảo khả năng dự đoán và kiềm chế trong lĩnh vực tên lửa”.
Bộ trên nhấn mạnh Nga có ý định duy trì quy định đơn phương không triển khai các tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn trên đất liền ở những khu vực không có vũ khí tương tự của Mỹ.
“Bất chấp thiếu vắng sự hồi đáp mang tính xây dựng từ phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với sáng kiến này, chúng tôi vẫn coi quy định (không triển khai tên lửa) là một ý tưởng đầy hứa hẹn - vốn có thể góp phần tránh khỏi những cuộc khủng hoảng tên lửa mới.
Chúng tôi đề nghị Mỹ và các đồng minh NATO của họ đưa ra cam kết tương tự.” (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyên gia Nga: Mỹ là người 'buông tay' trước trong mối quan hệ này |
Mỹ phê duyệt bán lô vũ khí đầu tiên cho Đài Loan
Ngày 4/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt thỏa thuận bán lô vũ khí đầu tiên cho Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm pháo tự hành M109A6 và các thiết bị liên quan với giá khoảng 750 triệu USD.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết thỏa thuận khả thi “sẽ góp phần hiện đại hóa lực lượng pháo tự hành của Đài Loan, nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai”.
Gói thỏa thuận cũng sẽ hỗ trợ Đài Loan trong việc “cập nhật năng lực quân sự của mình trong khi tăng cường hơn nữa khả năng tương tác với Mỹ và các đồng minh khác”.
Cơ quan ngoại giao của đảo Đài Loan hôm 5/8 cảm ơn chính phủ Mỹ vì cam kết của họ đối với Đạo luật Quan hệ Đài Loan và Sáu đảm bảo.
Phía Đài Loan lưu ý rằng đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan, cho thấy Washington “luôn coi trọng khả năng phòng thủ của Đài Loan và đã tiếp tục chính sách bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan trong những năm gần đây”.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày 5/8 đã bày tỏ kiên quyết phản đối việc Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thương vụ cung cấp vũ khí cho Đài Loan, đồng thời gửi công hàm phản đối cho phía Mỹ. (Reuters/THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Đâu là 'biến số' quan trọng của Thượng đỉnh Mỹ-Trung? |
Mỹ truy tìm chai rượu whiskey 6.000 USD của ông Mike Pompeo
Trong thông báo gửi vào hệ thống hồ sơ liên bang, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể tìm thấy dấu vết của chai rượu whiskey trị giá gần 6.000 USD, là quà của chính phủ Nhật Bản tặng cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo hơn 2 năm trước.
Bộ Ngoại giao phát hiện chai rượu mất tích khi thực hiện kiểm kê thường niên những món quà mà các nhà lãnh đạo và chính phủ nước ngoài tặng cho quan chức cấp cao Mỹ.
“Chúng tôi đang xem xét vấn đề và mở cuộc điều tra", Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/8 thông báo về việc không tìm thấy chai rượu whisky trong kho lưu trữ, song không cung cấp chi tiết.
Một đại diện của cựu Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông “không biết gì về món quà và chưa được bất kỳ ai liên hệ về việc điều tra nó”. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Quà tặng ngoại giao-chai rượu Whisky ‘không cánh mà bay’, Mỹ lập tức điều tra |
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ trao đổi với 'chính phủ dân sự' Myanmar
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 4/8, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã nói chuyện trực tuyến với bà Zin Mar Aung, người đã được bổ nhiệm làm quyền ngoại trưởng trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG).
Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar được thành lập bởi các thành viên của chính phủ dân cử trước đây và các nhân vật đối lập với chính quyền hiện tại Myanmar. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN bổ nhiệm đặc phái viên về Myanmar: Nhật Bản và LHQ hoan nghênh; Myanmar nói gì? |
Israel không kích miền Nam Lebanon
Sáng ngày 5/8, quân đội Israel đã công bố hình ảnh cuộc không kích vào Lebanon diễn ra ít giờ trước đó. Quân đội Israel nói rằng các cuộc không kích nhắm vào những khu vực đã phóng tên lửa về phía Israel và các cơ sở hạ tầng được sử dụng cho hoạt động khủng bố.
Vụ tấn công nhằm đáp trả vụ bắn hai tên lửa từ lãnh thổ Lebanon về phía Israel vào đầu ngày 4/8. Israel cho rằng Lebanon phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra bên trong lãnh thổ nước này và cảnh báo chống lại các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Cùng ngày, Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho rằng các vụ không kích mà Israel tiến hành nhằm vào Lebanon cho thấy sự leo thang trong "ý định gây hấn" của Israel đối với Lebanon.
Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Aoun gọi các cuộc tấn công của Israel là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh và sự ổn định của miền Nam Lebanon và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Lebanon: Doanh nhân giàu có trở thành Thủ tướng chỉ định, Tổng thống trao quyền thành lập chính phủ mới |
Belarus bất ngờ đóng cửa biên giới
Ngày 5/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị giới chức an ninh đóng cửa và đảm bảo an ninh biên giới nước này.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko phát biểu tại cuộc họp về tình hình biên giới nêu rõ: "Kể từ hôm nay, không ai có thể bước vào lãnh thổ của Belarus từ phía bên kia, dù là phía Nam hay phía Tây".
Ông chỉ thị các quan chức an ninh phải tăng cường công tác bảo vệ biên giới đất nước. (Sputnik)
Belarus lên án Ukraine đẩy mạnh đối đầu
Ngày 5/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng các chính sách dựa trên đối đầu của Ukraine làm tạo ra mối đe dọa cho đất nước của ông.
Ông Lukashenko cho biết: "Người dân (Ukraine) gần gũi và thân thiết với chúng ta, nhưng giới lãnh đạo Ukraine lại theo đuổi một chính sách nhằm chống lại người dân, một chính sách đối đầu.
Chúng tôi không đề cập liệu họ (đang học theo) phương Tây, phương Đông hay phương Nam, điều đó không quan trọng. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của họ.
Tuy nhiên, chính sách của họ dựa trên sự đối đầu tăng thêm mối đe dọa đối với chúng ta". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ vận động viên Belarus đào tẩu: Hé lộ hành trình; Áo nhập cuộc; Ba Lan cấp thị thực cho người chồng |
Hàn Quốc hy vọng Triều Tiên cho lắp thiết bị hội nghị trực tuyến
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 5/8 bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ đáp lại lời đề nghị gần đây về việc lắp đặt một hệ thống âm thanh hình ảnh trực tuyến cho các cuộc đàm phán liên Triều.
Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất thảo luận việc này với Triều Tiên vài ngày sau khi hai miền khôi phục các đường dây liên lạc xuyên biên giới vào tuần trước, vốn bị cắt đứt hơn một năm.
Triều Tiên vẫn chưa đưa ra câu trả lời về đề xuất mới. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Điều kiện gì sẽ khiến Triều Tiên buông bỏ 'chấp niệm', cải thiện quan hệ với Hàn Quốc? |
Cảnh sát Nhật Bản đã bắt được nghi phạm sát hại người Việt ở Osaka
Ngày 5/8, cảnh sát tỉnh Osaka đã bắt được nghi phạm hành hung dã man và sát hại công dân Việt Nam T.T.A tại khu vực đi bộ ven sông cầu Ebisu (thuộc quận Chuo, thành phố Osaka) vào tối 2/8.
Theo Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam tại Osaka, vào lúc 16h10, cảnh sát tỉnh Osaka thông báo với TLSQ rằng nghi phạm này bị bắt vào lúc 13h34 ngày 5/8/2021.
Hung thủ 26 tuổi, tên Alberto, quốc tịch Cộng hòa Dominica, không nghề nghiệp, không nơi cư trú cố định. (TTXVN)
| Tin thế giới 4/8: Nga nói phương Tây có thể can thiệp bầu cử; Biển Đông thành ‘tâm điểm’ trong ngày; Iran bị cáo buộc tấn công tàu biển Nga lo ngại phương Tây can thiệp bầu cử, thế giới hướng tới Biển Đông, vụ tấn công tàu ngoài khơi UAE... là những sự ... |
| Tin thế giới 3/8: Nga hạ lệnh 'đuổi người' cảnh cáo láng giềng; nín thở chờ 'đòn' của Mỹ và đồng minh với Iran; 'trò chơi lâu dài' Ấn-Trung Căng thẳng Nga với Estonia và Mỹ, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, Mỹ-Philippines, vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman, tình hình Afghanistan, ... |