Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. (Nguồn: Hürriyet Daily News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga – Ukraine
*Nga mở rộng “vòm sắt” chống UAV: Nga đang mở rộng trường định vị radar để kiểm soát các thiết bị bay không người lái (UAV) ở tầm thấp, đặc biệt ở các hướng có nguy cơ.
Phó Giám đốc tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz-Altei - ông Dmitry Savitski cho biết “vòm sắt” bảo vệ này sẽ được mở rộng hơn nhiều so với thời trước chiến dịch quân sự đặc biệt, và được củng cố dày đặc hơn ở những hướng có nguy cơ. Hệ thống sẽ bao gồm cả những phương tiện được chế tạo riêng để hoạt động trong điều kiện mới.
Hiện thủ đô Moscow của Nga đang được bảo vệ bằng thiết bị định vị radar do Almaz-Altei chế tạo. (TASS)
*Pháp triệu Đại sứ Nga về vụ nhân viên cứu trợ thiệt mạng tại Ukraine: Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/2 cho biết Bộ Ngoại giao Pháp trước đó cùng ngày đã triệu Đại sứ Nga tại Paris Alexey Meshkov do cái chết của 2 nhân viên cứu trợ người Pháp hồi tuần trước tại Ukraine.
Căng thẳng giữa Moscow và Paris gia tăng trong những ngày gần đây, với việc Chính phủ Nga chỉ trích Pháp do thông báo về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Pháp đã chuyển “ngày càng nhiều vũ khí hủy diệt và sát thương” tới Ukraine, và phản đối “sự can thiệp sâu chưa từng có của Pháp vào cuộc xung đột tại Ukraine”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Pháp ngày 2/2 cho hay, 2 nhân viên cứu trợ người Pháp đã thiệt mạng và 3 công dân khác của Pháp khác bị thương hôm 1/2 trong một cuộc tấn công vào Beryslav. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Máy bay do thám Mỹ theo dõi Triều Tiên: Các hãng theo dõi hoạt động hàng không cho biết một máy bay trinh sát của Mỹ đã bay qua Hàn Quốc ngày 6/2 trong động thái được cho là theo dõi hoạt động của Triều Tiên.
Máy bay chiến đấu RC-135U của Không quân Mỹ được phát hiện bay qua Hoàng Hải, các tỉnh phía Bắc của Hàn Quốc là Kyunggi và Gangwon và vùng biển phía Đông sau khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa. Theo Không quân Mỹ, RC-135U thu thập và kiểm tra các tín hiệu radar quân sự trên bộ, hải quân và trên không của nước ngoài để xác định vị trí và nhận dạng chúng.
Việc triển khai máy bay diễn ra sau hàng loạt cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng trong năm nay, bao gồm cả "cuộc thử nghiệm sức mạnh đầu đạn siêu lớn của tên lửa hành trình" hôm 2/2. Hồi tháng trước, một máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint của Mỹ đã được phát hiện bay qua Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thiết bị tấn công không người lái trang bị hạt nhân dưới nước. (Yonhap)
*Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin bị cáo buộc xúc phạm Hoàng gia: Hãng tin AFP ngày 6/2 cho biết cảnh sát Thái Lan đã cáo buộc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tội khi quân vì những bình luận mà ông đưa ra gần một thập kỷ trước.
Thái Lan có một số luật chống phỉ báng hoàng gia nghiêm ngặt nhất thế giới để bảo vệ Vua Maha Vajiralongkorn và gia đình thân cận của ông, với mỗi tội danh có thể dẫn đến mức án 15 năm tù.
Tuy nhiên, phía ông Thaksin phủ nhận cáo buộc. Cựu Thủ tướng Thaksin trở về Thái Lan ngày 22/8 năm ngoái sau 15 năm tự lưu vong. Hiện ông đang trong thời gian thụ án tù 1 năm vì một số tội danh trong thời gian cầm quyền song ông được thụ án ngoài trại giam do tuổi cao và có vấn đề sức khỏe. (Bankok Post)
*Indonesia hợp tác với Hàn Quốc điều tra vụ đánh cắp công nghệ máy bay KF-21: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 6/2 thông báo Indonesia cho biết các kỹ sư của họ đang bị điều tra về cáo buộc đánh cắp công nghệ liên quan đến máy bay chiến đấu KF-21 sẽ "hợp tác đầy đủ" trong cuộc điều tra.
Theo Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA), các kỹ sư Indonesia được phái đến Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) bị nghi ngờ lưu trữ dữ liệu về quá trình phát triển KF-21 trên USB.
Hôm 2/2, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ cuộc điều tra đang diễn ra của các cơ quan tình báo và quốc phòng về cáo buộc được phát hiện vào tháng trước tại KAI - nhà sản xuất máy bay.
Dự án KF-21 nhằm mục đích phát triển máy bay chiến đấu siêu thanh để thay thế phi đội máy bay phản lực F-4 và F-5 đã cũ của Hàn Quốc, với kế hoạch bắt đầu triển khai loại máy bay này trong Lực lượng Không quân Indonesia vào năm 2026. (Kyodo)
*Kazakhstan có Thủ tướng mới: Ngày 6/2, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đề cử Chánh văn phòng tổng thống Olzhas Bektenov, làm Thủ tướng của nước này.
Ông Bektenov, 43 tuổi, sẽ trở thành Thủ tướng sau khi Hạ viện chấp thuận đề xuất của Tổng thống Tokayev.
Trước đó một ngày, ông Tokayev đã ký sắc lệnh chấp nhận đơn từ chức của chính phủ. Văn phòng Tổng thống Kazakhstan đưa ra thông báo này nhưng không cho biết lý do Nội các từ chức. (TASS)
*Trung Quốc đưa tàu đến gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản: Ngày 6/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết đã tuần tra vùng biển ở quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo nói trên. (Reuters)
*Australia tăng chi tiêu cho quốc phòng: Theo Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese sẽ đầu tư 3,4 triệu AUD (2,2 triệu USD) cho các doanh nghiệp đổi mới của Australia để hỗ trợ cung cấp năng lực quốc phòng tiên tiến.
Những đối tượng nhận tài trợ bao gồm một công ty ở bang New South Wales đang phát triển công nghệ chống máy bay không người lái tiên tiến, một nhà sản xuất cấu trúc tổng hợp cho đạn dược dẫn đường và phương tiện siêu thanh ở Nam Australia và một doanh nghiệp ở bang Queensland sản xuất các bộ phận phức tạp để sử dụng trong đạn dược dẫn đường chính xác và phương tiện siêu thanh.
Khoản hỗ trợ quan trọng nói trên bổ sung vào hơn 100 triệu AUD (64,9 triệu USD) đã được trao cho hơn 230 doanh nghiệp Australia theo 2 chương trình tài trợ nhằm hỗ trợ cung cấp các khả năng được ưu tiên trong phản hồi của Chính phủ đối với Đánh giá Chiến lược Quốc phòng. (Reuters)
*Trung Quốc lên tiếng về tấn công mạng nhắm vào Philippines: Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ hình thức tấn công mạng nào và sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp đó bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Philippines ngày 5/2 cho biết các tin tặc từ Trung Quốc đã tìm cách tấn công các trang web của Chính phủ Philippines, trong đó có trang cá nhân của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Tuy nhiên các nỗ lực này đã thất bại. Manila không nói các tin tặc có liên quan tới bất kỳ nước nào, nhưng cho biết những đối tượng này bị phát hiện đang sử dụng dịch vụ của nhà mạng Unicom của Trung Quốc. (Straits Times)
*Trung Quốc-Na Uy đẩy mạnh hợp tác: Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 6/2 đưa tin Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường hy vọng Na Uy sẽ tiếp tục mang lại môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide, ông Đinh Tiết Tường cho biết Trung Quốc sẽ không ngừng tăng cường mở cửa cấp độ cao và sẵn sàng chia sẻ các cơ hội thị trường quy mô lớn với Na Uy.
Trước đó, trong hội đàm với Ngoại giao Vương Nghị, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết, “Điều quan trọng là duy trì đối thoại và hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề quốc tế hiện tại và nền kinh tế toàn cầu. Hai bên đã thảo luận về các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, tình hình ở Biển Đỏ, nhu cầu hợp tác về các vấn đề khí hậu và cách tăng cường các thể chế quốc tế”.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide thăm Trung Quốc từ ngày 5 - 6/2. Trong chuyến thăm, ông Eide còn có cuộc gặp với Trưởng Ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu. (Tân Hoa xã).
Châu Âu
*Tổng thống Putin sắp thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/2 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 12/2. Một trong những nội dung trọng tâm sẽ được hai bên thảo luận bao gồm thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt.
Trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiết lộ với hãng Reuters rằng chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn ra vào ngày 12/2.
Tháng 12/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông báo ông đã thống nhất với Tổng thống Putin về vấn đề đưa khí đốt Nga tới vùng Balkan và châu Âu thông qua một “trung tâm” ở Thrace. (Reuters)
*Nga xem xét khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực: Đại sứ lưu động của Nga Nikolai Korchunov ngày 6/2 tuyên bố nước này không loại trừ việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không phù hợp với lợi ích của Moscow.
Ông Korchunov lưu ý rằng cơ quan này hiện đang hoạt động “ở tốc độ thấp nhất có thể”. Na Uy đang cố gắng tiếp tục toàn bộ công việc của Hội đồng, nhưng không tìm được sự ủng hộ của các nước khác. Trong khi đó, Moscow sẽ căn cứ vào hoạt động của tổ chức phù hợp với lợi ích của Nga.
Trước đó, ông Korchunov đã bày tỏ quan ngại của Moscow trước sự rạn nứt trong hợp tác quốc tế ở Bắc Cực. Cũng có thông tin cho rằng Nga sẽ thực hiện một loạt biện pháp, kể cả các biện pháp phòng ngừa, nhằm đáp lại việc tăng cường tiềm năng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)ở Bắc Cực. (Sputnik News)
*Quan chức đối ngoại EU thăm Ukraine: Nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, ông Alexey Goncharenko cho biết Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã đến thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 6/2.
Trước đó, ngày 5/2, ông Borrell đã thăm Ba Lan. Phát biểu tại cuộc họp báo sau chuyến thăm, ông nói rằng ông sẽ tới Ukraine để thảo luận với lãnh đạo nước này về nghĩa vụ của EU trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Ông Borrell đã đến Kiev và các thành phố khác của Ukraine nhiều lần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Một trong những chuyến thăm gần nhất của ông diễn ra vào mùa Thu, khi đó ông thăm Odessa và Kiev. (AFP)
*Bulgaria bắt sĩ quan làm gián điệp cho Nga: Ngày 5/2, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Bulgaria thông báo nước này đã bắt giữ một sĩ quan của đơn vị chống tội phạm có tổ chức trực thuộc bộ này vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga.
Theo thông báo, sĩ quan của Tổng cục Chống tội phạm có tổ chức (GDBOP) bị nghi ngờ cung cấp thông tin mật cho một cựu nhân viên Đại sứ quán Nga ở Sofia. Nhân viên ngoại giao Nga sau đó bị Bulgaria tuyên bố là nhân vật “không được chào đón”.
Kể từ năm 2019, Bulgary đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao và nhân viên ngoại giao Nga bị nghi ngờ hoạt động gián điệp. Chỉ riêng tháng 6/2022, Sofia tuyên bố trục xuất 70 nhân viên ngoại giao Nga. Tháng 9/2023, Bulgaria cũng trục xuất người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga ở Sofia và 2 linh mục người Belarus, cáo buộc họ phục vụ lợi ích địa chính trị của Moscow.
Trong khi đó, 5 người Bulgaria sẽ bị Anh đưa ra xét xử vào năm tới với cáo buộc tham gia “mạng lưới” tiến hành giám sát cho Nga từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2023.(TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Houthi xác nhận tấn công tên lửa vào 2 tàu ở Biển Đỏ: Lực lượng Houthi ở Yemen ngày 6/2 cho biết đã bắn tên lửa hải quân vào 2 tàu Star Nasia và Morning Tide ở Biển Đỏ.
Người phát ngôn quân sự của lực lượng Houthi, ông Yahya Sarea đã xác nhận thông tin trên trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Ông Sarea cho hay đây là các tàu của Mỹ và Anh, nhưng hồ sơ từ các máy theo dõi vận chuyển cho thấy những tàu này được gắn cờ ở Quần đảo Marshall và Barbados. (AFP)
*Nga, Trung Quốc cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông: Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5/2, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia nói: “Rõ ràng là các cuộc không kích của Mỹ có mục đích cụ thể và có chủ đích là châm ngòi cho cuộc xung đột”.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cũng tuyên bố tương tự, rằng "các hành động của Mỹ chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn bạo lực ăn miếng trả miếng ở Trung Đông".
Quân đội Mỹ đã tấn công hàng chục mục tiêu ở Syria và Iraq trong đêm 2/2 đến ngày 3/2 để trả đũa vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 28/1 vào một căn cứ ở Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng.
Các cuộc tấn công nhằm vào các đơn vị tinh nhuệ của Iran và các nhóm chiến binh thân Iran. Điều đã dẫn đến lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra ở Gaza có thể trở thành một cuộc xung đột khu vực. (Reuters)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Venezuela và Iran tăng cường hợp tác dầu khí: Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Chabad Owji, đang có chuyến thăm Venezuela nhằm mục đích tăng cường liên minh năng lượng song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Yván Gil, mới đây cho biết đã tiếp ông Owji tại trụ sở Bộ Ngoại giao Venezuela hôm 3/2 và thảo luận về các hoạt động kinh doanh chung, đặc biệt là sau khi hai nước kỳ kết 25 thỏa thuận tháng 6 năm ngoái.
Ông Yvan Gil không chia sẻ thêm chi tiết về nội dung cuộc họp nhưng ông nhấn mạnh rằng hai nước nhất trí “tăng cường liên minh năng lượng” “thông qua hợp tác và cùng có lợi”, trên cơ sở của tình đoàn kết và hữu nghị.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Venezuela cũng đề cập đến một “liên minh chiến lược song phương” giữa nước này và Iran. (AFP)
*Rơi trực thăng ở Colombia, 4 binh sĩ thiệt mạng: Quân đội Colombia xác nhận 4 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ngày 5/2 tại khu vực biên giới với Panama, trong khi 3 người khác bị thương và đã được chuyển tới các trung tâm y tế gần đó.
Căn cứ quân sự chung nêu trên nằm tại biên giới giữa Colombia và Panama, thuộc tiểu vùng Darién, và là nơi hai nước triển khai các hoạt động chung chống lại các nhóm vũ trang sử dụng khu vực này như một hành lang chiến lược cho các hoạt động kinh tế bất hợp pháp. (TTXVN)