Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga phản ứng mạnh mẽ về việc các nhà ngoại giao bị trục xuất
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 6/4 cho biết, Nga muốn duy trì quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây bất chấp hàng loạt vụ trục xuất các nhà ngoại giao của nước này.
Ông Grushko cho rằng, việc các nước châu Âu làm gián đoạn công việc của các nhà ngoại giao Nga - đang làm tổn hại đến lợi ích của chính các nước đó.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, phương Tây lợi dụng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thực hiện cuộc tấn công thông tin và chính trị nhằm vào Moscow.
Ngoài ra, bà Zakharova cáo buộc Mỹ lợi dụng diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) để thúc đẩy mục đích chính trị và thậm chí là cả mục đích bầu cử.
Trong những ngày vừa qua, các quốc gia phương Tây đã trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga.
Hôm nay (6/4), Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố, Athens sẽ yêu cầu 12 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này để phản đối cuộc chiến ở Ukraine. (Sputnik/Reuters)
Mỹ khẳng định Nga không thể bị loại khỏi HĐBA LHQ
Ngày 5/4, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng, Nga không thể bị loại khỏi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
Bà Thomas-Greenfield nêu rõ: "HĐBA được thành lập như một sản phẩm của việc thành lập LHQ sau Thế chiến II. Họ (Nga) là thành viên của HĐBA. Đó là thực tế. Chúng ta không thể thay đổi thực tế đó".
Việc Nga tham gia HĐBA LHQ với tư cách là thành viên thường trực được quy định trong Điều 23 của Hiến chương LHQ. Do đó, để loại Nga khỏi HĐBA, cần phải sửa đổi Hiến chương LHQ.
Theo Hiến chương, các sửa đổi cần có chữ ký của toàn bộ thành viên thường trực của HĐBA và Moscow có quyền phủ quyết một đề xuất như vậy. (Sputnik)
Vụ việc tại Bucha, Ukraine:
* Trung Quốc kêu gọi điều tra vụ việc tại Bucha kỹ lưỡng, dựa trên sự thật: Ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, tất cả cáo buộc liên quan đến tình hình ở thị trấn Bucha của Ukraine nên dựa trên sự kiện có thật, vì ông cho rằng, bất kỳ tình huống nhân đạo nào cũng không nên bị "chính trị hóa".
Đồng thời, ông Triệu Lập Kiên kêu gọi các nước cần phải kiềm chế cho đến khi một cuộc điều tra được tiến hành. Nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra "điều gì thực sự đã xảy ra và lý do đằng sau nó".
Trung Quốc "rất chú ý đến thiệt hại mà dân thường phải gánh chịu" và "sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để tránh bất kỳ tổn hại nào cho dân thường". (THX)
* Ngoại trưởng Nga lên tiếng về cáo buộc mộ tập thể tại Ukraine: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5/4 cho biết, cáo buộc do phương Tây đưa ra về những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở thị trấn Bucha là "hành động khiêu khích" nhằm cản trở các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
"Một câu hỏi được đặt ra là: Sự khiêu khích trắng trợn, không trung thực này nhằm mục đích gì? Chúng tôi tin rằng đây là cái cớ để phá hoại các cuộc đàm phán đang diễn ra", ông Lavrov nhấn mạnh. (TASS)
* Quốc tế lên án và lên tiếng kêu gọi điều tra: Ngày 5/4, Đại sứ Ấn Độ tại LHQ T.S. Tirumurti khẳng định: “Những báo cáo gần đây về việc giết hại dân thường tại Bucha là vô cùng đáng ngại. Chúng tôi kịch liệt lên án những vụ sát hại này và ủng hộ lời kêu gọi về một cuộc điều tra độc lập”.
Ngày 6/4, phát biểu trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Giáo hoàng Francis nói: "Những tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang lại sự thở phào và hy vọng, lại chứng thực những hành động tàn bạo mới, chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bucha.
Ngày càng có nhiều sự tàn ác khủng khiếp hơn đang xảy ra, ngay cả đối với dân thường, phụ nữ và trẻ em không nơi nương tựa.
Cầu cho cuộc chiến này chấm dứt! Cầu cho vũ khí im lặng. Hãy ngừng gieo rắc chết chóc và hủy diệt”.
Hòa đàm Nga-Ukraine không diễn ra như mong muốn
Ngày 6/4, Điện Kremlin cho biết cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev không tiến triển nhanh hoặc mạnh mẽ như mong muốn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, công tác chuẩn bị cho vòng đàm phán mới đang được tiến hành nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước để đạt được bất kỳ tiến triển nào. (Reuters)
EU áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Nga
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 6/4 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga theo gói mới nhất được công bố hôm 5/4, có khả năng nhằm vào hoạt động nhập khẩu dầu của Nga.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) về gói biện pháp trừng phạt mới nhất bao gồm lệnh cấm mua than của Nga, bà Leyen nói: "Các biện pháp trừng phạt này sẽ không phải là biện pháp trừng phạt cuối cùng của chúng tôi. Bây giờ chúng ta phải nhắm vào dầu mỏ và doanh thu mà Nga có được từ nhiên liệu hóa thạch". (Reuters)
Hungary triệu tập đại sứ Ukraine
Bộ Ngoại giao Hungary ngày 6/4 triệu tập Đại sứ Ukraine tại Hungary Lyubov Nepop để phản đối những bình luận được cho là 'công kích' từ phía Kiev về lập trường của Budapest trong xung đột tại Ukraine.
Trong bài viết đăng tải trên Facebook, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Các nhà lãnh đạo Ukraine nên ngừng xúc phạm Hungary và công nhận ý chí của người dân Hungary.
Đây không phải là cuộc xung đột của chúng tôi, vì vậy chúng tôi mong muốn và sẽ tránh không can dự".
Ông nhắc lại lập trường này đã giúp ông Orban giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. (TASS)
Ông Zelensky chỉ trích EU 'thiếu quyết đoán'
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Ireland ngày 6/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích sự do dự của châu Âu trong việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Tổng thống Zelensky cho rằng, một số nhà lãnh đạo châu Âu chỉ lo sợ và quan tâm đến thiệt hại về kinh tế.
Những lời hùng biện về các lệnh trừng phạt đã xuất hiện, "nhưng tôi không thể dung thứ cho bất cứ sự thiếu quyết đoán nào, sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua và mọi thứ Nga đã làm”.
Tổng thống Ukraine cũng yêu cầu Ireland thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn nữa và thuyết phục đối tác EU đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga. (Irish Times)
Đức đập tan nhóm khủng bố tân phát xít
Sáng 6/4, hàng trăm cảnh sát đã được triển khai tại 11 bang ở Đức trong vụ điều tra các thành viên của tổ chức có tên gọi "Sư đoàn vũ khí hạt nhân" (AWD), trong đó có 50 phần tử cực đoan thuộc diện điều tra.
Cơ quan Tổng công tố liên bang Đức cho biết, lực lượng gồm khoảng 800 người thuộc Cục Hình sự liên bang (BKA), sáng sớm 6/4, đã tiến hành đột kích và lục soát tại 61 địa điểm là các căn hộ và văn phòng của 50 phần tử cực đoan tại 11 bang, trong vụ điều tra nêu trên, bắt giữ 4 nghi phạm.
Cuộc điều tra được tiến hành theo 5 vụ việc khác nhau, nhằm vào các đối tượng ủng hộ một mạng lưới tân phát xít có nhiều nhánh hoạt động.
Một phần trong số các đối tượng bị điều tra bị cáo buộc âm mưu thành lập hoặc hỗ trợ tổ chức khủng bố, một nhóm khác là thành viên của tổ chức tội phạm, trong khi một nhóm bị cáo buộc điều hành tổ chức tân phát xít bị cấm hoạt động.
Ngoài ra, một nhóm bị nghi là thành viên của AWD và một nhánh có cùng hệ tư tưởng.
Mạng lưới tân phát xít khủng bố cánh hữu có nguồn gốc ở Mỹ, được hành lập năm 2015 với thành phần là các phần tử phân biệt chủng tộc trẻ tuổi am hiểu Internet.
Năm 2018, các đối tượng cực đoan cánh hữu đã lập một nhánh AWD ở Đức. (Spiegel)
Sóng gió mới ở chính trường Israel
Sáng 6/4, nữ nghị sĩ Idit Silman thuộc đảng Yamina - người đứng đầu liên minh 8 đảng trong Knesset (Quốc hội) Israel - bất ngờ tuyên bố từ chức, kéo theo nguy cơ chính phủ liên minh của Thủ tướng Naftali Bennett đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Được biết, việc bà Silman xin từ chức là do bản thân cảm thấy bị áp lực và không muốn tiếp tục làm tổn hại đến tính chính danh của Nhà nước Do Thái.
Động thái của bà Silman khiến chính phủ liên minh trở về thế cân bằng với phe đối lập về số ghế trong quốc hội 120 ghế của Knesset.
Nếu thêm một người thông báo rời chính phủ liên minh, phe đối lập có thể chiếm thế đa số trong Quốc hội, dẫn tới nguy cơ chính phủ liên minh sụp đổ và buộc phải diễn ra một cuộc tổng tuyển cử khác. (Times of Israel)