📞

Tin thế giới 6/4: Ukraine 'tâng' NATO và phản ứng của Nga; Mỹ loại bỏ máy bay giám sát Nga; Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản

Hoàng Hà 19:45 | 06/04/2021
Quan hệ Nga-Ukraine, Ukraine-NATO, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, thỏa thuận hạt nhân Iran, bầu cử Israel, tình hình Triều Tiên, Myanmar, vaccine Covid-19... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

Ukraine muốn tìm giải pháp cho miền Đông cùng Pháp, Đức

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết, các nhà lãnh đạo nước này, Pháp và Đức có thể sớm gặp nhau để thảo luận về các bước nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự ở miền Đông quốc gia Đông Âu này.

Theo ông Yermak, Ukraine quyết tâm đạt được giải pháp hòa bình cho tình hình ở miền Đông nước này. (THX)

NATO "lo ngại nghiêm trọng", Ukraine nói về "cách duy nhất chấm dứt chiến tranh"

Ngày 6/4, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm mới đây rằng, liên minh quân sự này “lo ngại nghiêm trọng” về các hoạt động quân sự của Nga xung quanh Ukraine và những vi phạm đối với thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Stoltenberg khẳng định: “NATO ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, con đường trở thành thành viên của NATO là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh tại vùng Donbass ở miền Đông nước này.

Ông Zelensky cũng kêu gọi các nước thành viên NATO tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Biển Đen như một "biện pháp răn đe mạnh mẽ" đối với Nga. (AFP, Reuters)

Nga nêu quan điểm về vấn đề Ukraine gia nhập NATO

Ngày 6/4, Điện Kremlin cho rằng, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ chỉ "làm tồi tệ hơn tình hình" ở miền Đông nước này vốn đang chìm trong xung đột.

Nga đồng thời nhấn mạnh rằng, những người sống ở khu vực này không muốn Kiev trở thành thành viên của NATO.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi nghi ngờ việc Ukraine gia nhập NATO sẽ giúp Ukraine giải quyết vấn đề trong nước. Từ quan điểm của chúng tôi, việc này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn". (AFP)

Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản trước cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm tối 5/4, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị nói với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi rằng, hai nước nên bảo đảm quan hệ song phương không bị dính vào cái gọi là “đối đầu giữa các nước lớn”.

Lời cảnh báo được đưa ra trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật tuần tới.

Thông báo dẫn lời ông Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc hy vọng Nhật Bản, với tư cách là một nước độc lập, sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và có lý trí, thay vì bị “dẫn dắt” bởi một số nước có thiên kiến chống lại Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm này, ông Motegi đã truyền tải những quan ngại sâu sắc của Nhật Bản về việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Luật Hải cảnh gây tranh cãi của Trung Quốc, tình hình Biển Đông, Hong Kong, tình trạng nhân quyền tại Khu tự trị Tân Cương và yêu cầu mạnh mẽ hành động cụ thể từ Trung Quốc. (AP)

Nga tăng cường an ninh tại nhà tù giam ông Navalny

Ngày 6/4, cảnh sát Nga đã tăng cường an ninh tại nhà tù giam giữ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, khi những người ủng hộ ông chuẩn bị tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài nhà tù để yêu cầu chính quyền cho ông được chăm sóc y tế thích hợp.

Một nhóm người ủng hộ ông tuyên bố sẽ biểu tình tại nhà tù ở thị trấn Pokrov, cách thủ đô Moscow 100km về phía Đông, từ ngày 6/4 trừ khi ông Navalny được bác sĩ do mình chọn đến khám và được cung cấp điều mà họ coi là thuốc thích hợp.

Trong khi đó, quản lý nhà tù cho biết tình trạng của ông Navalny là khả quan và ông đã được cung cấp tất cả các chăm sóc y tế cần thiết. (Reuters)

WSJ: Mỹ loại bỏ máy bay giám sát Nga

Ngày 5/4, nhật báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, quân đội Mỹ đã quyết định tháo rời các máy bay, vốn trước đây được Washington sử dụng để thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ Nga theo các điều khoản của Hiệp ước Bầu trời Mở (OST).

Một phát ngôn viên Không quân Mỹ cho biết, 2 chiếc OC-135B không còn cần thiết. Trong những tháng tới, chúng sẽ được đưa đến căn cứ không quân ở Arizona và trở thành "sắt vụn".

WSJ lưu ý, vấn đề này “xuất hiện những nghi ngờ về kế hoạch trở lại OST của Tổng thống Mỹ Joe Biden”.

Quyết định rút khỏi OST đã được chính quyền Mỹ tiền nhiệm, đứng đầu là Tổng thống Donald Trump, đưa ra. (WSJ)

Bầu cử Israel: Tổng thống chỉ định ông Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ

Ngày 6/4, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã lựa chọn Chủ tịch đảng Likud, Thủ tướng Benjamin Netanyahu có nhiệm vụ đứng ra đàm phán thành lập chính phủ "do không có ai đạt đủ 61 đề cử tối thiểu". Tổng thống Rivlin cho rằn, đây là một lựa chọn không dễ dàng.

Kết thúc các cuộc tham vấn riêng rẽ với Tổng thống Rivlin ngày 5/4, không một đại diện nào của 13 đảng có mặt trong Quốc hội Israel khóa 24 nhận được đủ số phiếu giới thiệu cần thiết để có thể thành lập chính phủ mới.

Chủ tịch đảng Likud, Thủ tướng Netanyahu nhận nhiều phiếu nhất cũng chỉ được 52 sự ủng hộ.

Theo luật định, sau khi được Tổng thống Rivlin chỉ định, ông Netanyahu sẽ có 28 ngày để đàm phán thành lập chính phủ; sẽ được gia hạn thêm 2 tuần nếu cần. (Jerusalem Post)

Chính biến Jordan: Hoàng gia đối mặt với sự rạn nứt

Ngày 6/4, theo Truyền hình quốc gia Jordan, tổng chưởng lý nước này ban hành lệnh cấm đăng tải bất kỳ thông tin nào về rạn nứt trong hoàng gia liên quan đến Hoàng tử Hamzah, người em cùng cha khác mẹ với Quốc vương hiện tại.

Trước đó, Hoàng cung Jordan cho biết, Hoàng tử Hamza, cựu Thái tử kế vị ngai vàng nước này, ngày 5/4 đã cam kết trung thành với người anh cùng cha khác mẹ của mình là Quốc vương Abdullah II và đã ký một bức thư cam kết phục tùng ý chỉ của Quốc vương.

Tuy nhiên, trong một đoạn băng ghi âm riêng rẽ được công bố cùng ngày, Hoàng tử Hamza nói ông sẽ không chấp hành các mệnh lệnh của chính phủ và sẽ tiếp tục liên lạc với thế giới bên ngoài.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Jordan cho biết, Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan đã đưa ra thông điệp tái khẳng định sự ủng hộ của Arab Saudi với Jordan. (Kyodo, AFP, Reuters)

Triều Tiên quyết định không tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo

Ngày 6/4, Triều Tiên thông báo nước này sẽ không tham gia Thế vận hội mùa Hè Olympic Tokyo sắp tới nhằm bảo vệ các vận động viên trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cùng ngày, một phát ngôn viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết, cơ quan này chưa nhận được thông báo chính thức từ Triều Tiên liên quan đến quyết định trên. (Yonhap)

Tình hình Myanmar: Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến xung đột

Ngày 6/4, Nga tuyên bố phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào nhóm tướng lĩnh quân đội ở Myanmar, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể gây nội chiến quy mô lớn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hãng thông tấn xã Interfax dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Một quá trình hướng tới các mối đe dọa và sức ép bao gồm lợi dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà chức trách Myanmar hiện nay không có tương lai và vô cùng nguy hiểm. Những chính sách như vậy sẽ đẩy người Myanmar hướng tới một cuộc xung đột diện rộng". (AFP)

Biển Đông: Philippines hạ giọng, tàu Mỹ đổ bộ

Ngày 6/4, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque cho biết, nhà lãnh đạo nước này quyết tâm giải quyết hòa bình vụ tranh cãi với Trung Quốc liên quan vùng Biển Đông tranh chấp bằng các hình thức ngoại giao và đối thoại.

Trong khi đó, mới đây, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) dẫn dữ liệu vệ tinh cho biế,t nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông.

Hiện tại, nhóm tàu sân bay đang ở khu vực ngoài khơi Malaysia. (Reuters)

Hàn Quốc 'thanh minh', sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trong nhóm Bộ Tứ

Ngày 6/4, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên trong diễn đàn Bộ tứ, do Mỹ dẫn đầu cùng với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, bàn về từng vấn đề, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Washington muốn Seoul tham gia diễn đàn được coi là đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc này.

Người này bác bỏ những lo ngại được truyền thông đưa ra gần đây khi cho rằng, sự dè dặt của Seoul về việc tham gia nhóm Bộ tứ đang khiến nước này bị cô lập với các đối tác khác trong khu vực.

Ông lưu ý: “Chúng tôi đang tích cực theo đuổi hợp tác trong các sáng kiến khu vực khác dựa trên Chính sách hướng Nam mới của chúng tôi" nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. (Yonhap)

Thỏa thuận hạt nhân: Iran nêu quan điểm về cuộc đàm phán sắp tới

Ngày 6/4, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cho hay, nước này không lạc quan cũng không bi quan về kết quả của các cuộc đàm phán sắp tới tại Vienna (Áo) song Tehran tự tin rằng, đang đi đúng hướng để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Rabiei nói: “Nnếu phía Mỹ thực sự có thiện chí, sự nghiêm túc và chân thành, thì đây sẽ là một dấu hiệu tốt cho một tương lai tốt đẹp hơn của thỏa thuận (hạt nhân) và việc thực thi đầy đủ thỏa thuận này”. (Reuters)

Covid-19: EMA thừa nhận mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với máu đông

Người đứng đầu chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) Marco Cavaleri cho biết, có sự liên kết giữa vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca và các cục máu đông, tuy nhiên "vẫn chưa xác định được điều gì gây ra phản ứng này".

Ông cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng có được một bức tranh chính xác về những gì đang xảy ra, để xác định hội chứng này có phải do vaccine hay không". (Medical Express)