📞

Tin thế giới 6/5: Mỹ cảnh báo Ukraine; Đại sứ quán Mỹ khiến Trung Quốc 'nổi sóng'; Bắc Kinh quyết 'ăn thua' với Australia

Hoàng Hà 19:45 | 06/05/2021
Ngoại trưởng Mỹ sang Kiev thảo luận về căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Trung Quốc-Australia, Hội nghị Ngoại trưởng G7, lo ngại mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B, đại dịch Covid-19... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ-Ukraine:

Mỹ cam kết ủng hộ Ukraine, cảnh báo Nga vẫn có khả năng tiếp tục khiêu khích

Ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến thăm Ukraine và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Dmytro Kuleba.

Trong cuộc gặp, ông Blinken tái khẳng định "một cách mạnh mẽ" cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác giữa hai nước và "cam kết của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky, Ngoại trưởng Mỹ nhận định, Nga vẫn có khả năng đưa ra hành động khiêu khích tại biên giới Ukraine nếu nước này lựa chọn làm như vậy, bởi những lực lượng và thiết bị quan trọng vẫn hiện diện tại biên giới Ukraine.

Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, nước này "đang theo dõi động thái này vô cùng kỹ lưỡng". (AFP, Sputnik)

Tổng thống Ukraine mời lãnh đạo Mỹ tới thăm

Ngày 6/5, trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề cập khả năng diễn ra một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Zelensky nêu rõ: "Tôi đã mời Tổng thống Mỹ tới thăm chính thức Ukraine vào năm nay, vốn đánh dấu kỷ niệm 30 năm độc lập của chúng tôi. Tôi chưa rõ cuộc gặp có thể diễn ra theo định dạng nào, điều này sẽ tùy vào cả hai bên".

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ukraine còn nhấn mạnh, đất nước của ông vẫn nằm trong sự đe dọa quân sự của Nga khi nêu rõ: "Chúng tôi nghĩ việc giảm binh sĩ Nga gần biên giới vẫn chậm, do đó, có lẽ vẫn có một mối đe dọa. Không ai muốn những bất ngờ này". (Sputnik, AFP)

Mỹ-Trung Quốc:

Mạng xã hội Trung Quốc "dậy sóng" vì thông điệp của Đại sứ quán Mỹ

Ngày 5/5, bộ phận thị thực của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng: "Mùa Xuân đã tới và hoa đang đua nở. Các bạn có giống như chú cún này, không thể đợi được việc ra ngoài và vui chơi phải không?"

Bài đăng trên được viết bằng tiếng Trung, đăng kèm với một đoạn video một chú cún hào hứng trèo qua rào bảo vệ. Thông điệp này được đăng trong bối cảnh Mỹ đã chấp nhận các đơn xin học của sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ.

Bài đăng đã châm ngòi cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người dùng Weibo cho rằng, cách so sánh của Mỹ là không phù hợp, thậm chí là phân biệt chủng tộc.

Sau khi mạng xã hội dậy sóng, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã gửi lời xin lỗi tới những người cảm thấy bị "xúc phạm bởi bài viết được đăng tải" và gỡ một bài đăng này

Phát ngôn viên này cho hay: "Bài đăng trên mạng xã hội có mục đích nhẹ nhàng và hài hước. Chúng tôi đã xóa bỏ nó ngay lập tức khi chúng tôi nhận thấy nó không nhận được phản hồi đúng với tinh thần mà chúng tôi hướng đến".(AP, Reuters)

Hội nghị Ngoại trưởng G7:

G7 ra Tuyên bố chung, Trung Quốc lên án gay gắt

Ngày 5/5, Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tiếp tục nhóm họp ở London, Anh và đưa ra cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa Covid-19 với mức giá chấp nhận được.

Bên cạnh đó, Hội nghị các Ngoại trưởng G7 cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan điểm về các vấn đề có liên quan Nga, Trung Quốc, Triều Tiên.

Đặc biệt, về vấn đề Trung Quốc, các Ngoại trưởng G7 khẳng định ủng hộ Đài Loan tham gia các diễn đàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế thế giới, đồng thời bày tỏ quan ngại đối với “mọi hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng” ở Eo biển Đài Loan.

Phản ứng với tuyên bố trên, ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án và chỉ trích rằng, đây là một sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.

Phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã kêu gọi G7 với tư cách là một nhóm lớn nên thực hiện các hành động cụ thể để thúc đẩy khôi phục kinh tế toàn cầu thay vì làm gián đoạn tiến trình này. (Reuters)

EU tìm cách đối phó Nga:

EU hợp tác với Mỹ, Canada và Na Uy

Ngày 5/5, các nhà ngoại giao tiết lộ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép Mỹ, Na Uy và Canada cùng tham gia một dự án để khắc phục những chậm trễ trong việc cơ động quân khắp châu Âu, động thái mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh giá là một nhiệm vụ sống còn trong trường hợp xung đột với Nga.

Quyết định trên, sẽ chính thức được các bộ trưởng quốc phòng EU đưa ra vào ngày 6/5, có nghĩa các thành viên NATO là Na Uy, Canada và Mỹ cũng có thể trở thành những quốc gia nước ngoài đầu tiên hợp tác trong khuôn khổ cơ chế hợp tác lâu dài về quốc phòng của EU (PESCO).

Về quyết định này, ngày 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho rằng, hợp tác quân sự trong EU sẽ được thúc đẩy, "sẽ là một bước nhảy vọt trong các điều khoản hợp tác cụ thể". (Reuters)

Trung Quốc-Australia:

Trung Quốc quyết "ăn thua", Australia phản pháo

Ngày 6/5, hãng AFP của Pháp đưa tin, Trung Quốc quyết định "đình chỉ vô thời hạn" đối thoại thương mại, kinh tế cấp cao với Australia trong bối cảnh quan hệ hai nước leo thang căng thẳng.

Australia ngay lập tức đã chỉ trích quyết định của Trung Quốc là "đáng thất vọng", song khẳng định Canberra vẫn sẵn sàng đối thoại bất chấp mối quan hệ song phương đã rơi xuống mức thấp mới.

Pháp-Lebanon:

Ngoại trưởng Pháp bắt đầu thăm Lebanon, cảnh cáo chính giới ở Beirut

Ngày 6/5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã bắt đầu chuyến thăm Lebanon nhằm tăng cường sức ép với giới lãnh đạo nước chủ nhà để phá vỡ thế bế tắc chính trị.

Ngoại trưởng Le Drian đã gặp Tổng thống Liban Michel Aoun và cũng sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Nabih Berri.

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội, ông Le Drian nói: "Kiên quyết chống lại những kẻ ngăn cản việc thành lập chính phủ: Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp quốc gia và đây chỉ là sự khởi đầu". (AFP)

Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ

Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ khởi động đàm phán “phá băng” quan hệ song phương

Ngày 5/5, phái đoàn Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ do các quan chức ngoại giao cấp cao dẫn đầu đã tổ chức đàm phán ở Cairo nhằm bình thường hóa quan hệ song phương và chấm dứt mối bất hòa kéo dài suốt 8 năm qua giữa hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez thông báo: “Giờ đây, tiến trình tham vấn chính trị giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu”.

Theo ông Hafez, cuộc đàm phán do Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập Hamdi Sanad Loza và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Sadat Onal chủ trì. (THX)

Anh-Pháp:

Tranh cãi gay gắt liên quan đảo Jersey, Anh, Pháp đua nhau điều tàu tuần tra

Ngày 6/5, giới chức hàng hải Pháp thông báo, nước này đã cử 2 tàu tuần tra tới gần Đảo Jersey thuộc quần đảo Eo biển (Channel Islands) tự trị nằm giữa Anh và Pháp, nơi có hơn 50 tàu cá của Pháp đang phản đối các quy định đánh bắt do Anh đưa ra tại đây.

Trong khi đó, Anh cũng thông báo cử hai tàu tuần tra của hải quân đến Đảo này, sau khi Paris đe dọa sẽ cắt nguồn cung điện nếu ngư dân Pháp không được tiếp cận đầy đủ các vùng biển đánh cá theo các điều khoản thương mại hậu Brexit.

Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune nhấn mạnh, Pháp sẽ "không bị dọa dẫm" bởi việc Anh triển khai tàu hải quân tới đảo Jersey, nơi là tâm điểm tranh cãi giữa hai nước láng giềng này về quyền đánh bắt cá hậu Brexit. (AFP)

Sự cố tên lửa Trường Chinh 5B

Mỹ cảnh giác, truyền thông Trung Quốc dự báo điểm rơi mảnh vỡ của Trường Chinh 5B

Ngày 5/5, tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định, mảnh vỡ từ tên lửa tên lửa Trường Chinh 5B - được phóng trước đó để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo - có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế.

Báo trên đã dẫn lời của Tổng biên tập Tạp chí Kiến thức Không gian Wang Yanan nhận định: "Hầu hết các mảnh vỡ của tên lửa sẽ bốc cháy trong quá trình tái nhập, khiến cho chỉ có một phần rất nhỏ có thể rơi xuống đất, dẫn tới khả năng có thể rơi xuống các khu vực cách xa các hoạt động của con người hoặc rơi ở đại dương".

Trong khi đó, cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang theo dõi nguy cơ từ các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B.

Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: “Mỹ đang nỗ lực giải quyết những nguy cơ tắc nghẽn gia tăng do những mảnh vỡ trong không gian và các hoạt động ngày càng dày đặc trong không gian. Chúng tôi muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy vai trò lãnh đạo và cách hành xử có trách nhiệm trong không gian”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bị Facebook tiếp tục "cấm cửa", ông Trump đi nhắc lại vụ... "gian lận"

Ngày 5/5, Hội đồng giám sát của Facebook tuyên bố ủng hộ quyết định tiếp tục khóa tài khoản mạng xã hội này của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuy nhiên cũng cho rằng, việc đình chỉ vô thời hạn là hành động bất hợp pháp.

Hội đồng cho rằng, Facebook nên có "phản ứng hợp lý" trong trường hợp của ông Trump, phù hợp với những quy định đã áp dụng với những người dùng khác và Facebook phải hoàn thành việc xem xét trong vòng 6 tháng.

Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra sau quyết định của Facebok, cựu Tổng thống Donald Trump đã nhắc lại những tuyên bố cho rằng, tình trạng gian lận cử tri đã khiến ông thất cử trước đối thủ Joe Biden hồi tháng 11 năm ngoái, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ ông không bỏ cuộc, trong bối cảnh nhiều thông tin cho rằng, ông Trump sẽ tiếp tục ra tranh cử vào năm 2024. (AFP)

Covid-19:

Tổng thống Philippines trả lại vaccine cho Trung Quốc

Rappler đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trực tiếp trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian và đề nghị Bắc Kinh nhận lại 1.000 liều vaccine của công ty Sinopharm mà Bắc Kinh tặng cho quốc gia Đông Nam Á trước đó.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình ngày 5/5, ông Duterte cho biết, ông đưa ra đề nghị trên sau khi bị các chuyên gia y tế chỉ trích vì tiêm 1 liều Sinopharm hôm 3/5, dù chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Tổng thống Philippines cũng gửi lời xin lỗi tới các chuyên gia nước này và nhấn mạnh, ông coi những chỉ trích của họ là góp ý có tính xây dựng.

Ngoài ra, vị Tổng thống 76 tuổi cũng giải thích về quyết định tiêm vaccien của Sinopharm rằng: "Tôi đã yêu cầu được tiêm. Thứ gì được tiêm vào cơ thể tôi đều do các bác sĩ của tôi quyết định và đây là cuộc đời của tôi".

Mỹ quyết định, EU sẵn sàng thảo luận về miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19

Ngày 5/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong khi đó, ngày 6/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, EU cũng sẵn sàng thảo luậnđề xuất nhằm miễn quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. (Reuters)