📞

Tin thế giới 6/5: Nga bác khả năng dùng vũ khí hạt nhân, Kiev thông tin diễn biến ở Azovstal, Trung Quốc nói Nhật Bản 'thổi phồng sự thật'

19:39 | 06/05/2022
Nga nói về khả năng dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, lãnh đạo G7 nhóm họp với Ukraine, Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản... là một số tin thế giới nổi bật ngày 6/5.
Đụng độ giữa lực lượng Nga-Ukraine liên tục nổ ra tại khu vực nhà máy thép Azovstal, Mariupol. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga phủ nhận việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Ngày 6/5, quan chức của Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev khẳng định nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Phát biểu họp báo, ông Zaitsev nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần phủ nhận những lời bóng gió về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine)”.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, nước này kiên quyết tuân thủ các nguyên tắc “không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân và một cuộc chiến như vậy không bao giờ được phép xảy ra”.

Trước đó, ngày 14/4, Giám đốc CIA William Burns cho hay, xét tới thất bại mà Nga phải gánh chịu ở Ukraine, “không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa từ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay vũ khí hạt nhân công suất thấp”.

Cùng ngày, trong buổi lễ đặt hoa tại đài tưởng niệm nhân Ngày Chiến thắng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng phương Tây đang cố gắng mở một “cuộc chiến tuyên truyền” chống lại Nga và người Nga.

Ông nói: “Tất nhiên, chúng ta phải luôn ghi nhớ những bài học của lịch sử, hơn nữa, những trang lịch sử vẻ vang này của chúng ta giờ đang bị phương Tây cố gắng xé bỏ, gạch bỏ tất cả những gì đã làm, họ không chỉ toan đánh đồng những người chiến thắng Chủ nghĩa Quốc xã với bọn tội phạm, mà còn định biến chúng ta thành thủ phạm chính của cuộc chiến đó, và bằng mọi cách có thể để minh oan cho Chủ nghĩa Quốc xã, khuyến khích các biểu hiện của Đức Quốc xã ở châu Âu hiện đại”.

Trong một tin liên quan, ngày 6/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thông tin Nga ăn cắp ngũ cốc từ Ukraine có thể là giả mạo. Ông nói thêm: "Chúng tôi không có thông tin, nó có vẻ là giả". Trước đó, một quan chức Cơ quan Lương thực Liên hợp quốc cho biết gần 25 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine và không thể rời đi do những thách thức về cơ sở hạ tầng và việc các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa. (Reuters/Sputnik)

* Ukraine cáo buộc Nga tiếp tục tấn công nhà máy Azovstal: Ngày 6/5, một người phát ngôn quân đội Ukraine cáo buộc Nga đang đẩy nhanh “chiến dịch tấn công” nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Nam Ukraine.

Trong một đoạn băng, đại diện quân đội Ukraine cho hay: “Hành động bao vây lực lượng phòng vệ (Ukraine) trong khu vực nhà máy Azovstal vẫn tiếp tục. Ở một số khu vực, với sự hỗ trợ của các đợt không kích, các hoạt động tấn công để kiểm soát nhà máy đang được nối lại”.

Trước tình hình trên, Ukraine đã kêu gọi Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới giúp sơ tán các tay súng đang ẩn nấp trong nhà máy Azovstal. Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của Ukraine cho hay đã viết thư yêu cầu tổ chức này đánh giá tình trạng thể chất và tinh thần và hỗ trợ y tế cho các tay súng.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong ngày 6/5, các tên lửa của nước này đã phá hủy một kho đạn dược lớn ở thành phố Kramatorsk - miền Đông Ukraine. Đồng thời, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hai máy bay chiến đấu Su-25 và MiG-29 của Ukraine ở Lugansk. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác minh tính chính xác của thông tin này. (Reuters/AFP)

* EU đưa ra nhượng bộ với Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech về cấm vận dầu: Các nguồn thạo tin ngày 6/5 cho biết, Ủy ban châu Âu đã điều chỉnh đề xuất liên quan cấm vận dầu từ Nga, nhằm gia hạn thời gian trước khi có hiệu lực đối với Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech.

Theo đề xuất mới được điều chỉnh này, Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu của Nga từ các đường ống dẫn cho tới cuối năm 2024; Cộng hòa Czech có thể tiếp tục hoạt động này tới tháng 6/2024. (Reuters)

* Lãnh đạo G7 sẽ họp trực tuyến với Ukraine: Một người phát ngôn của Chính phủ Đức, nước Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), thông báo lãnh đạo G7 sẽ họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/5 tới.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Chính phủ Đức Christiane Hoffmann nói: “Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến lần thứ ba kể từ đầu năm với các đối tác G7”, đồng thời nhấn mạnh ngày 8/5 là “ngày lịch sử đánh dấu kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai tại châu Âu”.

Theo bà Hoffmann, “hội nghị G7 lần này sẽ thảo luận các vấn đề hiện tại, đặc biệt là tình hình ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ tham dự và phát biểu về tình hình hiện nay ở nước này”. (AFP/Reuters)

* Đức sẽ chuyển pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000 cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 6/5 xác nhận nước này sẽ chuyển giao 7 pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000 cho quân đội Ukraine, bao gồm cả việc huấn luyện cho binh sĩ nước này tại thành phố Idar-Oberstein, bang Rheinland-Pfalz.

Theo báo chí, 7 pháo tự hành này sẽ bổ sung cho việc bàn giao 5 chiếc Panzerhaubitzen 2000 vốn đã được Hà Lan công bố trước đó. Các binh sĩ điều khiển sẽ được huấn luyện ở Đức trong 43 ngày. Dự kiến trong tuần tới, Ukraine sẽ cử 20 binh sĩ tới Đức tham gia huấn luyện sử dụng loại vũ khí hạng nặng trên.

Panzerhaubitzen 2000 có một khẩu pháo gắn trên xe bánh xích. Với loại đạn tiêu chuẩn, pháo có thể bắn từ khoảng cách 30 km và với loại đạn nâng cao tầm xa hơn, tầm bắn sẽ lên tới 40 km và có thể bắn tối đa 6 quả đạn một lần. (AFP/Reuters)

Đông Bắc Á

Bắc Kinh: Nhật Bản đang thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc

Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản phóng đại mối đe dọa từ Bắc Kinh để tăng cường sức mạnh quân sự, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cảnh báo xung đột như tại Ukraine có thể tái diễn ở Đông Á.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng nếu Nhật Bản thực sự muốn hòa bình và ổn định ở Đông Á, nước này cần lập tức "dừng kích động đối đầu giữa các nước lớn". (Reuters)

Mỹ tái khẳng định cam kết hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan (Trung Quốc)

Ngày 5/5, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định Mỹ duy trì cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp sự chậm trễ trong hoạt động cung cấp vũ khí do cuộc chiến ở Ukraine.

Theo ông Kirby, trọng tâm của chính quyền Washington sẽ không xa rời khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với dự kiến ngân sách cao hơn dành cho chi tiêu quốc phòng trong khu vực.

Ông nêu rõ: “Chúng tôi không hề lo ngại… việc tập trung nguồn lực vào Ukraine bằng cách nào đó sẽ khiến chúng tôi xa rời khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc cụ thể là nghĩa vụ của chúng tôi đối với Đạo luật Quan hệ Đài Loan".

Đầu tuần này, theo Đài Bắc, Washington thông báo rằng hoạt động chuyển giao hệ thống pháo tự hành hạng trung M109A6 Paladin đã bị trì hoãn, do các dây chuyền sản xuất hiện “tràn ngập” vũ khí cho Ukraine.

Chính quyền Đài Loan cũng cho biết đơn đặt hàng tên lửa Stinger từ Mỹ có thể không được chuyển giao năm nay, do Ukraine mong muốn nhiều vũ khí hơn để đẩy lùi các lực lượng Nga.

Hôm 4/5, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard cho hay Bắc Kinh có ý định đạt được năng lực quân sự "để thống nhất Đài Loan muộn nhất vào năm 2027". (SCMP)