Nga tổ chức hoành tráng Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Tổng thống Putin nói về khả năng Nga tấn công hạt nhân: Trong cuộc họp báo ngày 5/6 với người đứng đầu các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc do hãng thông tấn TASS tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ ra rằng nhiều người ở nước ngoài tin Moscow sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin nói: “Chúng tôi có học thuyết hạt nhân. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng mọi phương tiện mà chúng tôi có”.
Tổng thống Putin lưu ý rằng hiện có một câu chuyện rằng "Moscow đang ấp ủ kế hoạch tấn công NATO". Theo Tổng thống Nga, tất cả những tuyên bố này có thể là vô nghĩa, rằng chính phủ các nước phương Tây đang làm điều này để bảo vệ chính mình, để bảo vệ 'sự vĩ đại' của họ. (TASS)
Tin liên quan |
Campuchia phủ nhận thông tin sắp khởi công kênh đào Phù Nam |
*NATO không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine: Trả lời họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ở thủ đô Helsinki ngày 6/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "NATO không có kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine, chúng tôi đang tập trung thiết lập một khuôn khổ hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine cũng như cam kết tài chính dài hạn để đảm bảo sát cánh cùng Ukraine chừng nào còn cần thiết".
Ngoài ra, Tổng thư ký NATO khẳng định không có mối đe dọa quân sự nào sắp xảy ra đối với bất kỳ đồng minh NATO nào.
Tổng thống Stubb tuyên bố Phần Lan cũng không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine và đang thảo luận với các đồng minh về nhiều lựa chọn khác nhau để có thể giúp Ukraine về tài chính, quân sự hay đạn dược.
Ông Stubb cũng cho biết Phần Lan không có kế hoạch "đưa các lữ đoàn lính NATO hoặc lính Mỹ" tới Ukraine, song Helsinki hoan nghênh hoạt động huấn luyện chuyên sâu. (Sputniknews)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Campuchia ấn định ngày khởi công kênh đào Funan Techo: Trang ams.com.kh ngày 6/6 đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố dự án kênh đào Funan Techo sẽ khởi công vào ngày 5/8 tới.
Thông tin trên được Thủ tướng Campuchia công bố tại lễ khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Cảng đa năng Kampot với kinh phí đầu tư khoảng 140 triệu USD tại làng Kilo 12, thuộc hai phường Koh Touch và Boeung Touk, thành phố Bokor, tỉnh Kampot, Tây Nam Campuchia.
Ông Hun Manet tiếp tục khẳng định “Dự án này Campuchia không vay tiền ai để xây dựng. Đây là dự án do tư nhân theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT). Có nghĩa khu vực tư nhân vận hành đến một thời điểm nào đó theo thỏa thuận sẽ được chuyển giao lại cho nhà nước.
Đề cập việc phe đối lập cực đoan luôn lấy câu chuyện kênh đào Funan Techo làm chủ đề để tấn công Chính phủ Hoàng gia, Thủ tướng Hun Manet lưu ý người dân Campuchia tiếp tục ủng hộ dự án kênh đào Funan Techo vì lợi ích của thế hệ tương lai. (ams.com.kh)
*Indonesia tịch thu loạt sản phẩm nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc: Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan ngày 6/6 cho biết cơ quan chức năng nước này đã phát hiện và thu giữ các sản phẩm điện tử nhập khẩu trái phép trị giá 6,7 tỷ Rp (412 nghìn USD) tại tỉnh Banten.
Các mặt hàng điện tử bị thu giữ không đảm bảo các tiêu chí an ninh, an toàn, sức khỏe, môi trường (K3L) và không được trang bị sổ tay, thẻ bảo hành đã đăng ký. Hàng hóa bị tịch thu không có giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia (SNI) cũng như số đăng ký.
Ông Zulkifli nhấn mạnh, các thiết bị điện tử vi phạm Quy định số 21 năm 2023 của Bộ trưởng Thương mại và do đó sẽ bị tiêu hủy. Các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính như thu hồi giấy phép kinh doanh. (Straits Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyên gia phân tích 'nước cờ' của Trung Quốc và Philippines trước căng thẳng gia tăng tại Biển Đông |
*Trung Quốc phản đối mọi hình thức can thiệp công việc nội bộ: Trong họp báo ngày 6/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định nước này kiên quyết phản đối mọi hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Cũng tại họp báo, bà Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh luôn sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có Mỹ, trong lĩnh vực không gian.
Tuy nhiên, theo bà Mao Ninh, Mỹ cần loại bỏ những trở ngại để hợp tác sâu rộng hơn nữa. Hiện Trung Quốc bị luật pháp Mỹ cấm bất kỳ sự hợp tác nào với NASA, trực tiếp hoặc gián tiếp. (THX)
*Malaysia kêu gọi giải quyết căng thẳng ở Biển Đông: Ngày 6/6 tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi can dự ngoại giao tích cực để giải quyết căng thẳng trong vùng lãnh hải tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Thủ tướng Anwar tái khẳng định quan điểm rằng vấn đề phải được giải quyết giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, mà không nên có sự can thiệp của bên ngoài, vì sẽ làm phức tạp vấn đề.
Gần đây, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã cảnh báo Trung Quốc không vượt qua ranh giới đỏ ở Biển Đông trong bối cảnh tranh chấp kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines hiện đã trở nên gay gắt tại vùng biển này. (AFP)
*ASEAN không ủng hộ Mỹ triển khai tên lửa ở Đông Nam Á: Đại sứ Indonesia tại Nga Jose Tavares nhận định các quốc gia thành viên ASEAN khó có thể đánh giá tích cực kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong khu vực.
Đề cập tới phản ứng của ASEAN đối với kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa ở khu vực, Đại sứ Tavares nói: "Tôi không nghĩ có ai trong khu vực của chúng tôi sẽ đánh giá cao nếu các quốc gia khác triển khai vũ khí trong khu vực của chúng tôi". Ông nhấn mạnh rằng Indonesia luôn ủng hộ hòa bình, ổn định trong khu vực và hy vọng các cường quốc cũng tuân thủ những nguyên tắc này. (Spuntiknews)
*Nhật Bản phản ứng trước bình luận của Tổng thống Nga: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/6, cho biết Chính phủ nước này coi tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng đối thoại Nga-Nhật sẽ có thể diễn ra sau khi Tokyo thay đổi lập trường về Ukraine là "không công bằng và không thể chấp nhận được”.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Putin nói rằng “Hiện không có điều kiện nào để tiếp tục đối thoại giữa Nga và Nhật Bản về hiệp ước hòa bình. Chúng tôi không từ chối nối lại, nhưng chỉ khi các điều kiện cần thiết được tạo ra, và trước hết là từ phía Nhật Bản”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga, khác Nhật Bản, không làm làm phức tạp cuộc đối thoại song phương và lưu ý đến “sự tham gia của Nhật Bản vào cuộc khủng hoảng Ukraine”. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga sẽ trang bị vũ khí cho kẻ thù của Mỹ, giống như nước này đã làm với Ukraine: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev ngày 6/6 cho biết Nga có thể cung cấp vũ khí cho bất kỳ kẻ thù nào của Mỹ giống như cách Washington làm với Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga lưu ý: “Nếu Mỹ là kẻ thù của họ thì họ là bạn của chúng tôi. Và hãy để việc sử dụng vũ khí của Nga ở những 'khu vực' chưa xác định được gây ra sự tàn phá nhất có thể cho đối thủ của họ và của chúng ta".
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết Moscow đang cân nhắc các cách để đáp trả việc cung cấp vũ khí cho Kiev nhằm tấn công Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, việc cho phép lực lượng vũ trang Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí phương Tây sẽ dẫn đến leo thang xung đột và là mối đe dọa trực tiếp đối với Hungary. (TASS)
*Nga-Belarus tăng cường hợp tác an ninh: Ngày 6/6, Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga Sergei Shoigu đã gặp làm việc với người đồng cấp Belarus Alexander Volfovich để thảo luận về tiến độ xây dựng Khái niệm An ninh của Nhà nước liên minh và thỏa thuận về bảo đảm an ninh.
Ngoài ra, tiến độ trong việc xây dựng Khái niệm An ninh của Nhà nước liên minh, cũng như dự thảo thỏa thuận Nga-Belarus về đảm bảo an ninh, đã được thảo luận.
Cũng theo Hội đồng An ninh LB Nga, các bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề hiện tại của hợp tác song phương và chương trình nghị sự quốc tế. (Sputnik)
*Nghị sĩ Nga đề xuất tấn công hạt nhân châu Âu: Nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrei Gurulev đã đề xuất xem xét khả năng tấn công hạt nhân vào Hà Lan. Tuyên bố này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội và giới chính trị. Ông Gurulev lưu ý rằng khoảng 50-60% nguồn cung hydrocarbon của châu Âu nằm ở bờ biển Hà Lan, điều này khiến quốc gia này trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga, ông Dmitry Medvedev, cũng lưu ý phương Tây có thể lầm tưởng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông nhắc lại rằng vài năm trước các nước phương Tây cho rằng Moscow sẽ không bắt đầu một cuộc xung đột công khai với Kiev để không làm hỏng mối quan hệ với phương Tây, nhưng những tính toán này đã không chính xác.
Các nước phương Tây cần nhận ra rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gây áp lực trừng phạt lên Nga có thể dẫn đến xung đột leo thang đến mức họ không thể kiểm soát. Phớt lờ những cảnh báo của Moscow về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là một sai lầm chết người. (Reuters)
Trung Đông – Châu Phi
*Iran cảnh báo Israel về kế hoạch tấn công Hezbollah: Ngày 5/6, phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc đã cảnh báo về chiến dịch mới của Israel nhằm vào Hezbollah.
Đại diện của Iran tại Liên hợp quốc bày tỏ sự tin tưởng rằng Hezbollah có thể độc lập chống lại Israel mà không cần sự trợ giúp của Iran. Đồng thời, phía Iran cũng cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm về leo thang ở khu vực.
Trước đó một ngày, trong chuyến thị sát thị trấn Kiryat Shmona gần biên giới với Lebanon, Thủ tướng Netanyahu khẳng định chính quyền Israel đã chuẩn bị cho “hành động rất mạnh mẽ” chống lại Hezbollah ở biên giới phía Bắc của nước này. (Al Jazeera)
*Giao tranh ở Sudan khiến 100 người thiệt mạng: Ủy ban Kháng chiến Madani, một nhóm hoạt động dân chủ ở Sudan, ngày 6/6 cho biết các đợt tấn công bằng pháo hạng nặng của Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) vào một ngôi làng thuộc thành phố Wad al-Noura ở bang Al-Jazira của nước này trước đó một ngày đã khiến khoảng 100 người thiệt mạng.
Trong hơn một năm qua, chiến tranh đã giết chết hàng chục nghìn người, trong đó có tới 15.000 người chỉ riêng ở thị trấn Darfur, thuộc phía Tây của Sudan. Tuy nhiên, con số chính xác vẫn chưa rõ ràng.
Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello cho rằng số nạn nhân thiệt mạng có thể lên tới 150.000 người. Giao tranh giữa RSF và quân đội chính quy Sudan diễn ra từ tháng 4/203 và lực lượng này đã nhiều lần bao vây và tấn các ngôi làng trên khắp Sudan, đặc biệt là ở bang nông nghiệp Al-Jazira. (Reuters)
*Mỹ cùng nhiều nước kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn lâu dài: Mỹ, Anh, Canada, Đức và một số quốc gia khác ngày 6/6 đã ra tuyên bố chung kêu gọi Israel và Hamas chấp nhận đề xuất do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trước đó về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza.
Theo thông tin Nhà Trắng, bên cạnh các nước nêu trên, tuyên bố chung còn có sự tham gia của các nước Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha và Thái Lan. Tuyên bố chung nêu rõ: “Tại thời điểm quyết định này, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel cũng như Hamas thực hiện bất kỳ thỏa hiệp cuối cùng nào cần thiết để đạt được thỏa thuận này”.
Ngày 31/5, Tổng thống Biden đã trình bày bản kế hoạch do Israel dự thảo hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Theo đó, đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Dải Gaza. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Bang Georgia đình chỉ vụ án cựu Tổng thống D. Trump can thiệp bầu cử: Ngày 5/6, Tòa phúc thẩm bang Georgia (Mỹ) đã tạm thời chặn vụ án can thiệp bầu cử năm 2020 liên quan tới cựu Tổng thống Donald Trump.
Động thái trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy phiên xét xử vụ án hình sự với cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang Georgia sẽ không thể diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Dự kiến, đến tháng 3/2025, tòa mới ra phán quyết về vấn đề này. Một số nguồn thạo tin cho rằng hiện vẫn chưa chắc thời điểm tòa ra phán quyết.
Theo giới quan sát, phán quyết trên là thắng lợi lớn cho cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. (AFP)
*Chính phủ Colombia bắt đầu đàm phán với nhóm vũ trang Segunda Marquetalia: Ngày 5/6, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Segunda Marquetalia - nhóm bất đồng chính kiến tách ra từ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình sau khi ký cam kết đối thoại ở Caracas (Venezuela).
Hồi năm 2016, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt nửa thế kỷ xung đột giữa hai bên khiến 220.000 người thiệt mạng và 7 triệu người khác mất nhà cửa, song năm 2019, ông Iván Márquez - cựu chỉ huy số 2 của FARC tuyên bố "cầm vũ khí trở lại" với việc thành lập nhóm Segunda Marquetalia tập hợp khoảng 1.600 tay súng bất đồng chính kiến bên trong FARC.
Chính phủ Colombia thời gian gần đây đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại hòa bình với các nhóm vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ này nhằm chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột kéo dài suốt 6 thập kỷ qua. (Reuters)
| Để Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Nga, Washington nói 'lẽ thường', chuẩn bị sắp xếp cuộc gặp Biden-Zelensky Ngày 5/6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã lên tiếng bảo vệ quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí ... |
| Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí 225 triệu USD cho Ukraine Một số nguồn tin ngày 5/6 tiết lộ Nhà Trắng sẽ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 225 triệu USD dành ... |
| Thủ tướng Slovakia xuất hiện, khẳng định nguyên nhân bị ám sát là do quan điểm khác biệt về Ukraine Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 5/6 cho rằng ông bị ám sát vì có quan điểm về Ukraine đi ngược với xu hướng chính ... |
| Tổng thống Putin: Tuyên bố quyền đáp trả nếu phương Tây để bị cuốn vào xung đột, bênh vực ông Trump, thái độ đáng chú ý với Hàn Quốc Ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với những người đứng đầu các cơ quan truyền thông nước này và quốc tế ... |
| Xung đột Ukraine: LHQ sẽ không ký bất cứ văn kiện nào về hội nghị hòa bình, Moscow yêu cầu HĐBA họp vì phương Tây 'cởi trói' cho Kiev Ngày 5/6, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, cơ quan này sẽ không ký bất cứ văn kiện nào được ... |