Các nước trên thế giới đang theo dõi sát sao tình hình tại Kazakhstan những ngày qua. (Nguồn: Reuters) |
Kazakhstan
Kazakhstan: Tổng thống ra lệnh nổ súng không cần cảnh báo, phe đối lập nói gì?
Ngày 7/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết ông đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh nổ súng mà không cần cảnh báo trong trường hợp tiếp tục xảy ra bạo loạn, đồng thời nhấn mạnh rằng những đối tượng không đầu hàng sẽ bị “tiêu diệt”.
Phát biểu trên truyền hình, ông Tokayev cho biết có tới 20.000 “tên cướp” tấn công thành phố tài chính Almaty và phá hoại tài sản nhà nước.
Ông khẳng định các lực lượng gìn giữ hòa bình được điều động từ Nga và láng giềng đã tới theo yêu cầu của Kazakhstan và đang có mặt tại quốc gia Trung Á này, trên cơ sở tạm thời là để đảm bảo an ninh.
Tổng thống Tokayev cũng cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc, Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ vì sự hỗ trợ trong nỗ lực trấn áp làn sóng biểu tình này.
Trong khi đó, ông Mukhtar Ablyazov, cựu bộ trưởng chính phủ, người tự nhận là lãnh đạo của các cuộc biểu tình đối lập ở Kazakhstan, cho biết quốc gia Trung Á này đang trong trò chơi địa chính trị và nếu phương Tây không nhúng tay vào cuộc xung đột này thì Nga sẽ đưa Nur-Sultan nối gót kiểu Liên Xô được khôi phục.
Ông Ablyazov hiện đang sống ở Paris (Pháp) cho rằng phương Tây cần can thiệp cuộc xung đột này: “Nếu không, sau đó Kazakhstan sẽ biến thành Belarus và "Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ áp đặt chương trình của ông ấy và sẽ cho ra đời: sự tái tạo cấu trúc giống như Liên Xô”.
Cựu quan chức này đã tự nhận mình là lãnh đạo các cuộc biểu tình đối lập và tiết lộ ông được bàn bạc mỗi ngày về các sách lược thực địa tại Almaty.
Ông nói: “Mỗi ngày, những người biểu tình gọi tôi và hỏi: Chúng tôi nên làm gì? Chúng tôi đang đứng ở đây: Chúng tôi nên làm gì?". (Reuters)
Kuwait kêu gọi công dân rời Kazakhstan
Ngày 7/1, hãng thông tấn nhà nước Kuwait (KUNA) đưa tin Đại sứ quán nước này tại Kazakhstan đã đề nghị các công dân Kuwait đang ở quốc gia Trung Á rời khỏi "vì sự an toàn của họ".
Đại sứ quán cũng kêu gọi công dân Kuwait tạm dừng kế hoạch tới Kazakhstan "bởi tình hình khẩn cấp" vẫn tiếp diễn tại đây.
Các cuộc biểu tình đã bắt đầu nổ ra gần đây ở Kazakhstan nhằm phản ứng việc giá nhiên liệu tăng cao đã trở thành phong trào rộng lớn chống lại chính phủ và cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, người trị vì lâu nhất của bất kỳ nhà nước nào thuộc Liên Xô trước đây. (Reuters)
Trung Quốc lên án kích động bạo lực, Nga-Armenia điện đàm về Kazakhstan
Phát biểu ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh cực lực lên án bất kỳ thế lực bên ngoài nào kích động bạo lực và gây bất ổn xã hội ở nước Cộng hoà Kazakhstan.
Ông khẳng định: “Phía Trung Quốc lưu ý đến thực tế là chính phủ Kazakhstan đang triển khai các biện pháp về đấu tranh chống sự bùng phát của chủ nghĩa khủng bố và duy trì ổn định xã hội. Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực sẽ giúp chính quyền của nước Cộng hòa sớm giải quyết tình hình…
Là nước láng giềng anh em và là đối tác chiến lược bất biến của Kazakhstan, Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Kazakhstan và giúp đỡ nước này vượt qua khó khăn”.
Trong khi đó, ngày 7/1, Armenia cho biết Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan đã điện đàm, thảo luận tình hình Kazakhstan với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Văn phòng Báo chí Nội các Armenia nêu: “Ông Pashinyan và ông Putin đã thảo luận về tình hình ở Kazakhstan cũng như tiến triển trong việc thực thi những hành động chung trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).”
Ông Pashinyan, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của CSTO, đã chính thức đưa ra lệnh bắt đầu sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan - quốc gia đang chìm trong các cuộc biểu tình.
Cùng lúc, đại diện thường trực của Armenia tại Liên hợp quốc đã thông báo với tổ chức về nhiệm vụ của CSTO tại quốc gia Trung Á này. (Sputnik)
Afghanistan
Indonesia thúc đẩy giải quyết vấn đề nhân đạo tại Afghanistan
Tại cuộc họp báo ngày 6/1, bà Retno cho biết Indonesia cùng với sự phối hợp của Liên hợp quốc đã điều hai máy bay chở lương thực, thực phẩm cho người dân Afghanistan. Chính phủ Indonesia cũng sẽ ưu tiên cải thiện quyền phụ nữ ở Afghanistan thông qua gói học bổng giáo dục.
Ngoại trưởng Indonesia khẳng định Nghị quyết của OIC về vấn đề Afghanistan là tài liệu quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan.
Nghị quyết cũng đưa ra một số biện pháp cung cấp vaccine, thuốc men, đồng thời nhấn mạnh việc chấm dứt chủ nghĩa khủng bố tại nước này.
Trước đó, tại phiên họp bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Pakistan cuối tháng 12/2021 về vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng Indonesia khuyến khích Taliban thực hiện các cam kết trước đó, nhất là việc tôn trọng quyền của phụ nữ.
Lập trường của Indonesia luôn nhất quán, mong Afghanistan hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Chính quyền mới của Afghanistan đã cam kết trao quyền học tập và làm việc cho phụ nữ kể từ khi lên nắm quyền.
Tuy nhiên, đến nay xuất hiện tin tức cho thấy các nữ sinh của Afghanistan bị cấm đến trường và Taliban chỉ cho phép phụ nữ làm việc trong một số lĩnh vực nhất định như y tế. (Jakarta Post)
Covid-19
Thái Lan và Indonesia điều chỉnh quy định đối với người nhập cảnh
Ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống Covid-19 thuộc chính phủ Thái Lan thông báo nước này sẽ kéo dài việc tạm ngừng chương trình miễn cách ly và áp đặt các lệnh hạn chế mới, trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 đang tăng vọt trở lại.
Người phát ngôn của lực lượng trên Taweesin Visanuyothin nêu rõ các đơn mới đề nghị được miễn cách ly khi nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” của Thái Lan sẽ không còn được chấp thuận, nhưng những đơn đã nộp trước đó vẫn được duyệt cho đến ngày 15/1.
Ông Taweesin cho biết: “Chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nếu tình hình được cải thiện, nhưng chúng tôi cần đánh giá thêm về biến thể Omicron”.
Theo những quy định hạn chế mới, từ ngày 9/1 tới, đồ uống có cồn sẽ bị cấm phục vụ ở các nhà hàng tại 69 tỉnh của Thái Lan.
Trong khi đó, tại 8 tỉnh còn lại, bao gồm cả thủ đô Bangkok, đồ uống có cồn sẽ phải dừng phục vụ sau 21h hằng ngày.
Ông Taweensin nhấn mạnh: “Tụ tập ăn uống đông người là nguyên nhân lây lan virus. Các biện pháp hạn chế này sẽ giúp ngăn chặn điều đó”.
Thái Lan đã ghi nhận 7.526 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 7/1 - con số cao nhất kể từ đầu tháng 11/2021 và cao gấp đôi con số thống kê của ngày 1/1 vừa qua.
Ông Taweesin cảnh báo: “Nếu để tình trạng này tiếp diễn, số ca nhiễm mới có thể lên đến 30.000 ca/ngày”.
Trước lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, từ ngày 22/12/2021, Thái Lan đã tạm dừng chương trình miễn cách ly và hầu hết các chương trình “hộp cát” - vốn yêu cầu khách du lịch phải ở một địa điểm cụ thể trong 7 ngày, nhưng vẫn có thể đi lại tự do trong khu vực lưu trú (ngoại trừ các khu nghỉ dưỡng ở Phuket).
Tuy nhiên, ông Taweensin cho biết, từ ngày 11/1 tới, Thái Lan sẽ nối lại việc cho phép miễn cách ly đối với người nhập cảnh thông qua các chương trình “hộp cát” tại các khu vực Samui Plus, Phang Nga, và Krabi.
Ngoài ra, nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ 8 quốc gia châu Phi được xác định là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cũng trong ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống Covid-19 thuộc chính phủ Indonesia đã công bố những quy định mới của nước về miễn cách ly với người nhập cảnh trong “trường hợp khẩn cấp”.
Theo đó, Indonesia sẽ cho phép miễn cách ly đối với những người nhập cảnh trong tình trạng sức khỏe nguy kịch hoặc có người thân vừa qua đời.
Các đối tượng khác được miễn cách ly bao gồm lãnh đạo cơ quan đại diện nước ngoài, người mang hộ chiếu ngoại giao/công vụ, du khách nhập cảnh theo thỏa thuận hành lang du lịch và đại biểu tham dự các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Tuy vậy, đối tượng này phải gửi yêu cầu miễn cách ly ít nhất 3-7 ngày trước khi nhập cảnh Indonesia. (Jakarta Post/Bangkok Post)
Nhật Bản
Nhật Bản ấn định thời điểm họp Quốc hội năm 2022
Kỳ họp thường niên năm 2022 của Quốc hội Nhật Bản sẽ bắt đầu ngày 17/1, kết thúc ngày 15/6.
Trong ngày đầu tiên của kỳ họp, Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến có bài phát biểu chính sách tại Quốc hội và trả lời câu hỏi chất vấn của đại diện các đảng. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo ngân sách thường niên của tài khóa 2022 (bắt đầu từ tháng 4/2022) do chính phủ đệ trình.
Được nội các Nhật Bản thông qua hôm 24/12/2021, dự thảo ngân sách này có tổng trị giá lên tới 107.600 tỷ Yen (khoảng 940 tỷ USD) cho tài khóa 2022, cao nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ 10 liên tiếp ngân sách thường niên của Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục.
Trong tổng kinh phí dự toán cho tài khóa 2022, khoản chi chính sách lớn nhất là an sinh xã hội, tăng khoảng 440 tỷ Yen lên mức kỷ lục 36.270 tỷ Yen chiếm hơn một phần ba tổng ngân sách, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số tiếp tục đẩy chi phí y tế lên cao.
Bên cạnh đó, các khoản chi cho quốc phòng sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là 5.400 tỷ Yen, tăng năm thứ 8 liên tiếp.
Điều này phản ánh nỗ lực của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ mới và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực an ninh mới như không gian mạng và vũ trụ nhằm đối phó với các thách thức an ninh mới đang nổi lên trong khu vực.
Chi phí cho an ninh quốc gia bao gồm khoản chi 291,10 tỷ Yen cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) như phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, tăng 1,1% so với năm trước và tăng năm thứ 10 liên tiếp.
Chính quyền của Thủ tướng Kishida hy vọng Quốc hội sẽ thông qua dự thảo ngân sách này vào cuối tháng 3.
Ngoài ra, trong gần 5 tháng nhóm họp, Quốc hội Nhật Bản dự kiến thảo luận và thông qua nhiều dự luật quan trọng khác, trong đó đáng chú ý có dự luật về thành lập “cơ quan gia đình và trẻ em” để giám sát các chính sách liên quan tới trẻ em và dự luật khác nhằm tăng cường an ninh kinh tế. (Kyodo)