📞

Tin thế giới 7/10: Chiến trường Nagorno-Karabakh khốc liệt; Bắc Kinh nói về Kyrgyzstan; Indonesia không đánh đổi lập trường Biển Đông

Hoàng Hà 19:45 | 07/10/2020
TGVN. Xung đột Armenia-Azerbaijan, tình hình Kyrgyzstan, quan hệ Nga-Mỹ, EU-Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Trung Đông và vấn đề Biển Đông là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Xung đột Armenia-Azerbaijan

Azerbaijan thông báo chiến sự ác liệt, di tản quy mô lớn ở Nagorno-Karabakh

Ngày 6/10, Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan cáo buộc Armenia bắn tên lửa vào khu vực tiếp giáp với đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC), vận chuyển dầu thô từ Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ qua thủ đô của Gruzia.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố, cơ sở hạ tầng dầu khí của Azerbaijan không phải là mục tiêu của Yerevan.

Bà Stepanyan cho biết thêm, "tất cả các khu vực bắt nguồn của các cuộc tấn công vào Nagorno-Karabakh sẽ bị phá hủy, bất kể là ở vị trí nào".

Ngày 7/10, phóng viên của hãng tin Sputnik (Nga) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay, chiến sự đang tiếp diễn ác liệt trên toàn tuyến phân tách (LOC) ở Karabakh, huy động cả pháo hạng nặng và khẳng định nhiều binh sĩ đối phương đã thiệt mạng.

Cũng trong ngày 7/10, thanh sát viên các quyền của khu vực Karabakh Artak Beglaryan cho biết, khoảng 50% dân số và 90% phụ nữ cùng trẻ em - tức khoảng 70.000 đến 75.000 người - của khu vực ly khai Nagorno-Karabakh đã buộc phải di tản kể từ khi giao tranh dữ dội nổ ra hơn một tuần trước. (TASS, Sputnik, AFP)

Tổng thống Putin kêu gọi ngừng giao tranh, Iran cảnh báo chiến tranh khu vực

Ngày 7/10, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi ngừng giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời miêu tả cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong hơn 25 năm qua giữa các lực lượng người Armenia và Azerbaijan là một thảm họa.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, ông đang giữ liên lạc chặt chẽ với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về cuộc xung đột này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục đối thoại với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nguy cơ xung đột Azerbaijan-Armenia biến thành chiến tranh khu vực, cho rằng "hòa bình là nền tảng sứ mệnh của chúng ta và hy vọng sẽ khôi phục sự ổn định cho khu vực một cách hòa bình".

Tổng thống Rouhani nói thêm, Iran sẽ không chấp nhận "các nước gửi những kẻ khủng bố đến biên giới chúng ta dưới các nguyên cớ khác nhau". (Reuters)

Biểu tình ở Kyrgyzstan

Nga, Trung Quốc lo ngại về bất ổn chính trị ở Kyrgyzstan

Ngày 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow quan ngại về tình trạng bất ổn chính trị tại Kyrgyzstan và hy vọng tình trạng ổn định sớm được lập lại.

Đồng quan điểm, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đặc biệt quan ngại về tình hình hiện nay tại Kyrgyzstan, bày tỏ mong muốn tình hình tại quốc gia này trở lại ổn định trong thời gian sớm nhất có thể.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan có thể giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và Trung Quốc ủng hộ các chính sách của Kyrgyzstan nhằm bảo vệ độc lập, an ninh và chủ quyền. (Reuters)

Nga-Mỹ

Mỹ coi Nga, Trung Quốc là các mối đe dọa an ninh chủ yếu

Trong một báo cáo được công bố ngày 6/10, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết, nước này xem Nga, Trung Quốc là những mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh quốc gia.

DHS nêu rõ: “Trung Quốc, Nga và Iran có thể tìm cách vận dụng khả năng tấn công mạng để làm suy yếu hoặc gây gián đoạn hạ tầng cơ sở thiết yếu được sử dụng để hỗ trợ cho cuộc bầu cử năm 2020 và cũng có thể sử dụng các biện pháp gây ảnh hưởng nhằm mục đích tác động đến những ưu tiên và nhận thức của cử tri Mỹ”.

DHS cũng cảnh báo, Nga có thể gây gián đoạn hoặc làm tổn hại mạng lưới hạ tầng cơ sở chủ yếu của Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng.

“Các nhân tố có liên quan tới nhà nước Nga sẽ tiếp tục tấn công ngành công nghiệp, cũng như chính quyền các cấp của Mỹ bằng hoạt động gián điệp mạng để tiếp cận những thông tin về kinh tế, chính sách và an ninh quốc gia nhằm thúc đẩy những lợi ích chiến lược của Điện Kremlin”, DHS cho biết. (Sputnik)

Điện Kremlin không mấy lạc quan về đàm phán hạt nhân với Mỹ

Ngày 7/10, Điện Kremlin cho biết, Moscow không mấy lạc quan về cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ liên quan tới việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới hay START-3) và mong muốn các cuộc đàm phán trở nên thành công hơn.

START-3 dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021. Tương lai của Hiệp ước này vẫn khá mờ mịt vì tới nay chỉ có Nga bày tỏ sẵn sàng gia hạn thêm 5 năm. (Reuters)

EU

Căng thẳng gia tăng, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU ngày càng xa vời

Ngày 7/10, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã chỉ trích kế hoạch của khu vực Bắc Cyprus ly khai mở lại khu vực biển của thị trấn Varosha (vốn đã bị bỏ hoang kể từ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, khiến Cyprus chia thành hai nửa) là sự "vi phạm nghiêm trọng" một thỏa thuận ngừng bắn của Liên hợp quốc trên đảo này.

Phát biểu với Nghị viện châu Âu, ông Borrell nhấn mạnh, động thái trên sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, vốn đang leo thang do hoạt động thăm dò khí đốt của Ankara ở vùng biển của Cyprus. Theo ông, EU sẽ ra một tuyên bố vào tối cùng ngày "đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ dừng hành động này". (AFP)

EU tăng cường quan hệ với Ukraine

Ngày 7/10, EU cam kết thúc đẩy cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do với Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga tôn trọng thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt 6 năm xung đột ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu với phóng viên sau Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Brussels, Chủ tịch EC Charles Michel nhấn mạnh, EU đang và sẽ tiếp tục là đối tác lớn nhất và đáng tin cậy nhất của quốc gia Đông Âu này, đồng thời cho hay muốn "thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác với Ukraine".

Trong tuyên bố chung của Hội nghị, EU và Ukraine đã kêu gọi Nga dừng làm leo thang xung đột thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho các nhóm vũ trang mà Moscow hậu thuẫn ở miền Đông Ukriane và tôn trọng thỏa thuận duy trì hòa bình. (AP)

Trung Đông

Đức ca ngợi 'bước đi lịch sử' của Israel-UAE

Ngày 6/10, phát biểu tại buổi họp báo chung với hai người đồng cấp Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là Gabi Ashkenazi và Abdullah Bin Zayed al-Nahyan, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, việc thiết lập quan hệ giữa Israel và UAE là "một bước đi lịch sử".

Theo ông Maas, việc hai bên sẵn sàng gặp mặt tại Berlin và cùng tới thăm đài tưởng niệm diệt chủng Do Thái "cho thấy sự nghiêm túc trong nỗ lực xây dựng quan hệ song phương tốt đẹp cũng như việc cùng tồn tại hòa bình ở Trung Đông là khả thi".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel cũng thúc giục người Palestine trở lại bàn đàm phán. (AP, THX)

Biển Đông

Indonesia tuyên bố không đánh đổi lập trường về Biển Đông với vaccine Trung Quốc

Ngày 6/10, trả lời phỏng vấn Channel News Asia (CNA), khi được hỏi liệu sự hợp tác về việc phát triển vaccine Covid-19 với Trung Quốc có ảnh hưởng tới lập trường của Indonesia về vấn đề Biển Đông hay không, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định: “Tôi có thể trả lời chắc chắn. Không. Đó là hai vấn đề khác nhau”.

Giải thích lý do, bà Marsudi nói rằng, việc hợp tác phát triển vaccine với Trung Quốc là hợp tác hai bên cùng có lợi: “Do vậy, tôi có thể xác nhận, sẽ là sai lầm nếu cho rằng Indonesia chỉ đi với Trung Quốc. Chúng tôi đang cố gắng hợp tác với tất cả các nước. Trong chính trị, rõ ràng chúng tôi luôn tự do và tích cực, chúng tôi không đi với bên này chống bên kia".

Indonesia đang tham gia thử nghiệm trên người giai đoạn cuối vaccine Covid-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất, đồng thời hợp tác với một công ty khác của Trung Quốc, Sinopharm, để đảm bảo rằng 260 triệu người dân sẽ được tiêm vaccine.

Ngoài hợp tác với Trung Quốc, Indonesia cũng đã hợp tác với UAE và Hàn Quốc, đồng thời đang đàm phán hợp tác phát triển vaccine với Anh cũng như tự phát triển vaccine Covid-19 của mình.

Trước đó, Ngoại trưởng Marsudi từng nhiều lần tuyên bố, Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng quốc gia Đông Nam Á cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh tại vùng biển này không có cơ sở pháp lý. (CNA)