Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống UAE, Hoàng Thái tử Mohammed bin Zayed al-Nahyan trong cuộc thảo luận tại St. Petersburg, ngày 11/10. (Nguồn: Middle East Online) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Mỹ “khiêu khích” khi thông qua đạo luật tăng cường hỗ trợ quân sự Ukraine: Phát biểu ngày 7/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Dự luật đó có tính chất cực kỳ đối đầu liên quan đến đất nước chúng tôi”.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2023 cho phép chi bổ sung cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, tăng 500 triệu USD so với đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu năm nay. Đồng thời, dự luật này cũng đình chỉ một số hạn chế đối với các hợp đồng cung cấp đạn dược để hỗ trợ Ukraine. Dự kiến, văn kiện này sẽ được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua trong tháng này và được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Biden ký thành luật. (Reuters)
* Quan chức Kiev thừa nhận Ukraine tấn công các sân bay Nga: Trả lời phỏng vấn The Washington Post (Mỹ), một quan chức cấp cao giấu tên của Kiev thừa nhận việc Ukraine đã tấn công sân bay ở Kursk, Ryazan và Saratov của Nga. Quan chức này nhấn mạnh: “Đây là những máy bay không người lái (UAV) của Ukraine - rất thành công và hiệu quả”. Trước đó, trên tờ New York Times (Mỹ), một quan chức giấu tên khác cho biết UAV này xuất kích từ lãnh thổ Ukraine.
Liên quan đến các vụ tấn công này, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phòng không Nga đã chặn được những UAV nói trên. Tuy nhiên, các mảnh vỡ của chúng đã làm 3 quân nhân Nga thiệt mạng và 4 người khác bị thương ở Ryazan và Saratov hôm 5/12, vụ tấn công ở Kursk hôm 6/12 không gây ra thương vong. (Sputnik)
* Chuyên gia Trung Quốc: Mỹ không cấp Patriot cho Ukraine vì tốn kém: Viết trên Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Tuyết Phong nói nhận định Mỹ không muốn cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không Patriot do chi phí cao: “Những hệ thống này rất đắt tiền. Tên lửa Patriot-3 có giá hơn 4 triệu USD và tên lửa dẫn đường của hệ thống phòng không tiên tiến AIM-120 phiên bản đầu tiên có giá khoảng 1 triệu USD.
Phương Tây không muốn cung cấp vũ khí đắt đỏ như vậy cho Ukraine. Những khoản tiền lớn sẽ làm suy yếu tài chính của Mỹ. Ngoài ra, về mặt hỗ trợ kỹ thuật, hệ thống này quá phức tạp đối với binh lính Ukraine”.
Theo chuyên gia Trương Tuyết Phong, mục tiêu chính của Mỹ không nhằm tăng cường sức mạnh cho Ukraine, mà là kéo dài cuộc xung đột và khiến Nga suy yếu. (Sputnik)
Đông NamÁ
* Nga bình luận về khả năng hiện diện của NATO ở Biển Đông: Phát biểu tại diễn đàn Primakov Readings ngày 7/12, ông Lavrov nói: “Không phải nếu mà là khi nào – và điều đó sẽ sớm xảy ra – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thâm nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tôi cho rằng, họ sẽ một lần nữa tuyên bố rằng chính sách phòng thủ vẫn có hiệu lực và NATO là một liên minh phòng thủ và giới tuyến phòng thủ của họ sẽ nằm ở Biển Đông”. (TASS)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc cần “áp đảo hoàn toàn” Triều Tiên về sức mạnh quân sự quy ước: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, ngày 7/12, gặp gỡ 18 trung tướng sau buổi lễ thăng cấp bậc, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này cần "áp đảo hoàn toàn" Triều Tiên về mặt sức mạnh quân sự quy ước, mặc dù quân đội Triều Tiên có thể được trang bị vũ khí hạt nhân.
Phó phát ngôn của Tổng thống Lee Jae Myoung nhấn mạnh: “Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định, an ninh quốc gia của chúng ta đang ở trong tình hình nghiêm trọng hơn bao giờ hết và nếu không có an ninh toàn diện và niềm tin tuyệt đối thì không thể có sinh kế hay nền kinh tế”. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải loại bỏ các nguy cơ an ninh để nước này tiến xa hơn, cho rằng “Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng về mặt sức mạnh quân sự quy ước, chúng ta cần áp đảo hoàn toàn”.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng hối thúc các sĩ quan quân đội mới thăng chức “tin tưởng vào sức mạnh hạt nhân áp đảo của quốc gia đồng minh của chúng ta và tin tưởng chúng ta có thể ứng phó với mọi tình huống”. Đại diện Văn phòng Tổng thống nêu rõ: “Tổng thống nhấn mạnh, an ninh của chúng ta đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng do các mối đe dọa hạt nhân chưa từng có và các hành động khiêu khích tên lửa của phía Triều Tiên, đồng thời ra lệnh đáp trả kiên quyết trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện hành vi khiêu khích thông qua hoạt động huấn luyện thực tế”.
Trong khi đó, ngày 6/12, Bình Nhưỡng tuyên bố đã chỉ thị cho quân đội bắn thêm đạn pháo ra biển để phản ứng với tập trận quân sự gần biên giới của Hàn Quốc. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga tuyên bố không thể bị loại khỏi G20: Ngày 7/12, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev giải thích: “Về mặt pháp lý, G20 không phải là tổ chức quốc tế có tư cách thành viên chính thức. Đây chỉ là hội nghị thượng đỉnh không chính thức. Do đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không có bất kỳ quy tắc thủ tục hoặc quy định nghiêm ngặt nào. Quyết định được thực hiện bởi đồng thuận”. Do đó, theo ông Kosachev, Nga không thể bị loại khỏi G20.
Ông cũng lưu ý thêm rằng, các nước thuộc “tập thể” phương Tây do Mỹ lãnh đạo chỉ có thể gây sức ép với nước chủ tịch G20 để không mời Nga tham dự hội nghị. Theo ông Kosachev, Mỹ đã gây sức ép như vậy với Indonesia trong năm nay, “nhưng đã thất bại nhờ lập trường độc lập và kiên quyết của Jakarta”.
Trước đó, theo một số tài liệu giải thích về đạo luật NDAA của Mỹ, Washington có kế hoạch loại Nga khỏi một số tổ chức quốc tế, trong đó có G20. (Sputnik)
* Nga phủ nhận dính líu tới khủng bố ở Đức: Ngày 7/12, Đại sứ quán Nga tại Berlin đã phủ nhận dính líu tới các nhóm khủng bố cực hữu ở Đức sau khi cảnh sát bắt giữ nhiều người bị tình nghi âm mưu lật đổ chính phủ. Tuyên bố của Đại sứ quán Nga nhấn mạnh, các văn phòng ngoại giao và lãnh sự tại Đức không liên lạc với đại diện của các nhóm khủng bố hay các thực thể bất hợp pháp khác.
Trước đó cùng ngày, Văn phòng Công tố liên bang Đức thông báo chức trách nước này đã bắt giữ 25 đối tượng tình nghi là thành viên và người ủng hộ một tổ chức khủng bố cực hữu, trong đó có một công dân Nga. Các đối tượng bị tình nghi tham gia một nhóm có âm mưu lật đổ chính quyền hiện nay để lập ra một thể chế mới và không loại trừ phương thức bạo lực để đạt được mục tiêu. (AFP/Sputnik)
* Chính phủ mới của Italy sẽ tăng cường “Quyền lực vàng”: Mới đây, chính phủ của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã thông qua một nghị định nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực sản xuất và chiến lược. Văn bản này đã thảo luận về biện pháp kinh tế liên quan đến sử dụng “quyền lực vàng” – tức là khả năng nhà nước can thiệp vào các giao dịch tư nhân để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Theo đó, các cơ quan chính phủ như Bộ Kinh doanh, Cơ quan cho vay nhà nước (CDP) và Cơ quan quốc gia về đầu tư hướng nội và phát triển kinh tế (Invitalia) có thể can thiệp và tái cấp vốn, nếu cần, cho các công ty bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng các quyền hạn chống thâu tóm khi đối mặt với ảnh hưởng quá mức của nước ngoài. Trong khi đó, các công ty bị ảnh hưởng do “quyền lực vàng” vì lý do an ninh quốc gia có thể nộp đơn xin áp dụng các biện pháp bồi thường.
Bộ trưởng Kinh doanh và sản xuất Italy Adolfo Urso đã ủng hộ mạnh mẽ biện pháp này và cam kết kết hợp chính sách công nghiệp với an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Năm 2021, Italy từng sử dụng quyền lực vàng để ngăn chặn 3 thương vụ mua lại đều liên quan đến các công ty thuộc sở hữu Trung Quốc. Năm 2022, chính phủ Thủ tướng Mario Draghi cũng ngăn chặn công ty Rosatom của Nga mua lại một công ty hydro thông qua một công ty con. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Mỹ chi nhiều tỷ USD để răn đe Nga, Trung: Giải thích về NDAA tài khóa 2023, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ nhấn mạnh: “Trong bối cảnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang đối mặt với những thách thức từ Bắc Kinh và Moscow, đe dọa đến an ninh, tự do và thịnh vượng của toàn thế giới, NDAA năm nay cho phép thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào mạng lưới các liên minh và đối tác toàn cầu của Mỹ, bao gồm hơn 6 tỷ USD cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và gần 4 tỷ USD cho Sáng kiến răn đe châu Âu”.
Ngoài cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, NDAA còn tập trung vào các ưu tiên quốc gia của Mỹ, bao gồm một số công nghệ đột phá như vũ khí siêu vượt âm; trí tuệ nhân tạo, 5G và điện toán lượng tử; hiện đại hóa tàu, máy bay và xe chiến đấu. NDAA cũng sẽ hướng tới cải thiện cuộc sống của quân nhân Mỹ và gia đình. (Sputnik)
Trung Đông-châu Phi
* Tổng thống Nga, UAE thảo luận về OPEC+, giá trần dầu mỏ: Điện Kremlin 7/12 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hoàng Thái tử Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã điện đàm cùng ngày. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tính hiệu quả của sự hợp tác song phương trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đồng thời, Abu Dhabi và Moscow khẳng định nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt mức trần với dầu Nga mâu thuẫn với “các nguyên tắc thương mại toàn cầu”. (Reuters)
* Truyền thông Israel đề cập khả năng Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ: Kênh i24NEWS (Israel) tối 6/12 nhận định, Saudi Arabia đang muốn tham gia hiệp định Abraham với Israel, sự kiện được xem là có ý nghĩa đột phá trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái với thế giới Arab.
Bản tin trên dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Abdel al-Jubeir trong một cuộc tiếp xúc với các đại diện các nhóm Do Thái tại Mỹ cho rằng việc Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel là điều tất yếu, nhưng cần thời gian.
Ngoài ra, trong cuộc gặp gần đây với phía Mỹ, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng đề cập khả năng này với 3 điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, các điều kiện này không bao gồm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine hoặc yêu cầu riêng đối với Israel. Thay vào đó, nó chủ yếu liên quan tới mối quan hệ song phương giữa Riyadh và Washington, vốn gặp sóng gió trong thời gian gần đây. (TTXVN)