Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga thẳng thừng bác bỏ liên minh quân sự với Trung Quốc
Ngày 6/4, nói về khả năng Nga và Trung Quốc thiết lập liên minh quân sự, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ những tin đồn này. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng nhận định, Moscow quan tâm đến hợp tác bao trùm trong khi coi liên minh quân sự là "phản tác dụng".
Phát biểu tại cuộc họp báo ở New Delhi sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung, chúng tôi đã nói rằng, mối quan hệ của chúng tôi đang ở mức cao nhất trong lịch sử nhưng không theo đuổi mục tiêu thiết lập một liên minh quân sự”. (ANI)
TIN LIÊN QUAN | |
Cuộc đấu mới ‘Ai thắng ai’: Liên thủ đấu liên minh |
Nga lo ngại tình hình Đông Ukraine, chê phương Tây
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow lo ngại trước diễn biến tình hình ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Moscow rất thất vọng trước các hành động và phản ứng của phương Tây đối với việc mở rộng các cấu trúc quân sự, chuyển quân đến giới tuyến ở Donbass. Các nước phương Tây tiếp tục có quan niệm rằng, cần phải hỗ trợ chính quyền Ukraine hiện nay bằng tất cả sức mạnh của họ, kể cả những hành động và tuyên bố hoàn toàn không thể chấp nhận được của Kiev.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskovcho rằng, việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ chỉ "làm tồi tệ hơn tình hình" ở miền Đông nước này vốn đang chìm trong xung đột. Nga đồng thời nhấn mạnh, những người sống ở khu vực này không muốn Kiev trở thành thành viên của NATO. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Nga-Ukraine tại Đông Ukraine: Dễ nóng, khó nguội |
Đàm phán hạt nhân Iran có tiến triển tích cực
Ngày 6/4, các quốc gia thành viên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân Iran đã nhóm họp tại thành phố Vienna (Áo). Nhận định về buổi họp đầu tiên, cả Mỹ và Iran đều đã có những phản hồi tốt đẹp.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định, dù không họp trực tiếp với Iran, nhưng cuộc đàm phán này là một bước đi mang tính xây dựng, đáng hoan nghênh và hữu ích.
Ông Price cho rằng, những cuộc thảo luận gián tiếp này mới là bước đi đầu tiên, cả Iran và Mỹ đều cần phải nối lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ không chấp nhận các yêu cầu của Iran về việc Tehran sẽ chỉ hành động sau khi Washington có bước đi đầu tiên.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 7/4 tuyên bố, Tehran nhận thấy các tín hiệu từ Mỹ cho thấy nước này sẵn sàng tham gia đàm phán hạt nhân, ngoài ra Iran sẵn sàng tuân thủ trở lại các nghĩa vụ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Iran cũng nhấn mạnh, Tehran muốn thảo luận tất cả các vấn đề còn vướng mắc. Theo ông Rouhani, các cuộc đàm phán JCPOA theo thể thức qua trung gian sẽ tiếp tục diễn ra, nếu Mỹ hành động một cách trung thực. (Sputnik/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nắm quân bài 'chốt' trong đàm phán hạt nhân, Trung Quốc sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Iran thêm căng thẳng? |
Trung Quốc tổ chức tập trận tàu sân bay gần Đài Loan
Ngày 5/4, trong chương trình diễn tập, một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã tiến hành diễn tập ở phía Đông đảo Đài Loan, trong khi đó ít nhất 10 chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở phía Tây đảo. Động thái này đồng nghĩa với việc phía Đông và phía Tây đảo Đài Loan đều bị lực lượng quân sự Trung Quốc bao vây trong cuộc tập trận.
Phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Gao Xiucheng thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan và đây là một phần trong chương trình huấn luyện thường niên.
Tới ngày 6/4, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc nhằm mô phỏng chiến thuật cô lập quân đội Đài Loan khỏi sự hỗ trợ từ lực lượng quân sự nước ngoài. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhóm tàu sân bay Trung Quốc 'đổ bộ' Thái Bình Dương, Bắc Kinh tuyên bố thường xuyên tập trận gần Đài Loan |
Đài Loan sẽ ‘cứng rắn’ với sức ép của Trung Quốc
Phản ứng với động thái trên của Trung Quốc, Đài Loan ngày 7/3 thông báo sẽ tiến hành tập trận 8 ngày để mô phỏng một cuộc tấn công của Bắc Kinh vào hòn đảo này.
Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 23-30/4 và sẽ hình thành giai đoạn đầu của cuộc tập trận thường niên lớn nhất của Đài Loan, cuộc tập trận Han Kuang. Giai đoạn hai sẽ gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật, dự kiến diễn ra vào tháng 7. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Nhật Bản chuẩn bị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, sẽ ra tuyên bố 'hiếm hoi' về vấn đề Eo biển Đài Loan? |
Israel là thủ phạm tấn công tàu Iran?
Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Iran xác nhận, tàu Saviz của nước này đã trở thành mục tiêu bị tấn công ở Biển Đỏ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: "Một vụ nổ đã xảy ra vào sáng 6/4 gần bờ biển Djibouti và gây thiệt hại nhỏ, không gây thương vong. Đây là tàu dân sự neo đậu tại đó nhằm bảo đảm an ninh trong khu vực trước nạn cướp biển". Ông Khatibzadeh cho biết Iran đang tiến hành điều tra vụ tấn công này.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin, con tàu đã bị hư hại sau một vụ nổ bởi một quả mìn trên thân tàu. Cụ thể, cuộc tấn công được thực hiện bằng mìn limpet, một loại thủy lôi được thiết kế để gắn lên thân tàu bằng nam châm. Loại mìn này thường được sử dụng tấn công các tàu tại vùng Vịnh thời gian qua.
Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, thủ phạm tấn công tàu Saviz chính là Israel. Quan chức này nói rằng, Israel đã gọi vụ tấn công là "đòn trả đũa cho các cuộc tấn công trước đó của Iran vào các tàu của Israel". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Cáo buộc Iran dính dáng vụ nổ mới nhất ở vùng Vịnh, Israel tuyên bố đang tấn công Tehran trên khắp khu vực |
Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm gia nhập EU
Trong cuộc gặp tại Ankara với lãnh đạo Ủy ban và Hội đồng châu Âu ngày 6/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định, nước này tiếp tục cam kết gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Người phát ngôn của Tổng thống, ông Ibrahim Kalin cho hay "trong các cuộc gặp, các bên đã thảo luận về mọi mặt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh mục tiêu của nước này là trở thành thành viên đầy đủ của EU và Liên minh cần có những bước đi cụ thể nhằm ủng hộ một chương trình nghị sự tích cực.
Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của EU bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến một chương trình nghị sự cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về kinh tế và vấn đề di cư. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Công ước Istanbul: EU quan ngại, kêu gọi Ankara tôn trọng luật pháp quốc tế |
Mỹ-Nga: Không rõ ngày Đại sứ Nga trở lại Washington
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhiều khả năng sẽ không trở lại Washington trong tương lai gần, song nhìn chung, giải pháp cho vấn đề này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Mỹ thể hiện một số mong muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow.
Khi được hỏi liệu thời gian ông Antonov quay lại đã được ấn định hay chưa, Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ: "Đây không phải vấn đề trong những ngày tới đây. Thời điểm sẽ được ấn định dựa trên những động thái của Washington trên lộ trình song phương. Chúng tôi hy vọng họ vẫn sẽ có thể cho thấy mong muốn bình thường hóa quan hệ và sẽ có một số bước đi đáng chú ý trong vấn đề này". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tin được không, Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Nga? |
Triều Tiên nhiều khả năng lại thử tên lửa
Ngày 7/4, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, Triều Tiên đã di chuyển một sà lan dùng để thử nghiệm tên lửa tại một xưởng đóng tàu ở bờ biển phía Đông nước này, lưu ý rằng, đây có thể là một phần trong công tác chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB) hoặc để bảo dưỡng.
Viện dẫn hình ảnh vệ tinh thu thập được hôm 6/4, Beyond Paralle, một dự án của CSIS đã tiết lộ về hoạt động này, đồng thời cảnh báo mối "đe dọa hàm ý" về một vụ thử SLMB đặt ra "những thách thức đáng kể" cho cả Hàn Quốc và Mỹ.
Nhóm nghiên cứu nêu rõ: "Các lý do khả dĩ cho động thái này bao gồm: chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sắp diễn ra. Việc di chuyển bệ thử để bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt thiết bị. Việc di chuyển của sà lan thử nghiệm và mối đe dọa hàm ý về việc thử nghiệm SLBM mới (có khả năng là Pukkuksong-4 hoặc -5), sẽ đặt ra những thách thức đáng kể đối với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in". (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên chỉ trích sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản |
Anh ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar
Ngày 7/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay, Vương quốc Anh sẽ ủng hộ các nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Indonesia với người đồng cấp Anh Dominic Raab đang ở thăm nước này.
Trong khi đó, trong bài viết đăng trên tờ Bangkok Post ngày 6/4, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn cho biết, hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar có thể diễn ra vào cuối tháng này, sau kỳ nghỉ Tết Songkran của Thái Lan và lễ hội Ramadan của người Hồi giáo.
Lần này, Brunei - nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN muốn đảm bảo rằng, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm cả Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tham gia cuộc họp. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Liên hợp quốc: Ít nhất 568 người thiệt mạng ở Myanmar kể từ sau chính biến |
Bầu cử Greenland: Đảng đối lập giành chiến thắng
Hãng truyền thông nhà nước KNR của Greenland ngày 7/4 đưa tin, đảng đối lập chính của đảo quốc này, vốn phản đối một dự án khai thác đất hiếm, đã trở thành đảng lớn nhất tại Quốc hội sau khi giành được hơn 1/3 tổng số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử sớm.
Theo số liệu chính thức, với việc kiểm phiếu gần như được hoàn tất, đảng Inuit Ataqatigiit (IA) cánh tả nhận được 37% số phiếu bầu, dẫn trước đảng Siumut cầm quyền xã hội dân chủ với 29% số phiếu.
Chính bất đồng về một dự án khai mỏ ở mũi phía Nam đã làm chính quyền Greenland chia rẽ đến mức phải tiến hành bỏ phiếu chọn lại đại diện của dân. Dự án do công ty Australia là Greenland Minerals làm chủ, thuyết trình rằng, mỏ Kvanefjeld có “tiềm năng quan trọng bậc nhất với phương Tây về nguồn đất hiếm”.
Đảng cầm quyền Siumut ủng hộ vì nó “tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu hàng trăm triệu USD hàng năm trong nhiều thập kỷ”. Nhưng dự án bị đảng đối lập Inuit Ataqatigiit phản đối do lo ngại ô nhiễm phóng xạ và nước thải độc ra môi trường trong lành của vùng đảo. (Reuters)