Hai lãnh đạo Nga-Mỹ có thể tham gia họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới ở Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Axios) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Dòng chảy phương Bắc 2: Tổng thống Ukraine 'phàn nàn' về hành động của Mỹ
Trả lời phỏng vấn hãng tin Axios mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thông báo với ông rằng, Washington sẽ từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí tốt từ Nga sang Đức.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay, ông chỉ được biết quyết định của Mỹ đối với dự án mà Kiev coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia này qua tin tức. Theo ông Zelensky, dự án này là "một vũ khí thực sự nằm trong tay Nga".
Tổng thống Zelensky, người coi Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 bày tỏ: "Không thể hiểu nổi những viên đạn cho vũ khí này có thể được cung cấp bởi một quốc gia vĩ đại như Mỹ".
Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky cũngbày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp Tổng thống Biden trước khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Mỹ với người đồng cấp Nga diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới đây.
Nga-Ukraine:
Ukraine in hình Bán đảo Crimea lên trang phục thi đấu Euro 2020
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Ukraine (UAF) Andriy Pavelko đã giới thiệu bộ trang phục thi đấu mới mà đội tuyển quốc gia nước này sẽ sử dụng tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 (Euro 2020).
Theo đó, áo đấu mới được in hình các đường biên giới của Ukraine, trong đó có Bán đảo Crimea - vốn đã sáp nhập vào Nga năm 2014, song Kiev không công nhận - cũng như các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, thiết kế này gợi nhớ đến nghệ thuật đánh lừa thị giác và tạo ra "ảo giác về điều không thể". (AFP)
Nhân vật chỉ trích Điện Kremlin chạy sang Ukraine tị nạn
Ngày 6/6, cựu nghị sĩ Dmitry Gudkov, nhân vật chỉ trích Điện Kremlin nổi tiếng cho biết, ông đã rời Nga để đến Ukraine do áp lực từ Moscow trước cuộc bầu cử Hạ viện Nga vào tháng 9.
Liên quan đến một nhân vật đối lập khác, Alexei Navalny, ngày 7/6, TASS đưa tin, ông này vừa được đưa trở lại cơ sở cải huấn, vốn là nơi thụ án ban đầu, sau khi điều trị tại một bệnh viện trong một nhà tù khác vì tuyệt thực hồi tháng 4.
Nga-Mỹ:
Nga: Hơn 90 lệnh trừng phạt của Mỹ, vô ích!
Ngày 7/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Mỹ đã áp đặt hơn 90 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nói: “Mỹ không thay đổi chính sách trừng phạt. Điều này rõ ràng là một vòng luẩn quẩn mà về mặt lý thuyết nên bị bãi bỏ”.
Người phát ngôn Điện Kremlin giải thích rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra không vì mục tiêu cụ thể nào và không nhằm đạt được điều gì, đồng thời khẳng định trừng phạt không có tác dụng với Nga.
Theo ông, một cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau là công cụ duy nhất có tác dụng với Moscow.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, nước này sẵn sàng tiếp tục liên lạc với Nga và ưu tiên duy trì mối quan hệ ổn định hơn nếu Moscow thay đổi đường lối về Washington, lựa chọn một hướng đi khác trong hành động. (Sputnik)
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cân nhắc họp báo chung giữa hai lãnh đạo
Ông Peskov cho biết, Moscow và Washington đang thương lượng khả năng tiến hành cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sau cuộc gặp thượng đỉnh tới đây.
Quan chức Điện Kremlin cũng khẳng định, Tổng thống Putin sẽ vẫn có cuộc tiếp xúc với báo chí Nga dù kết quả cuộc đàm phán có như thế nào chăng nữa.
Quan chức này không loại trừ khả năng ông Putin và ông Biden có thể đề cập tới việc những công dân Nga bị kết án tại Mỹ và những công dân Mỹ bị kết án tại Nga trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 tới. (Sputnik)
Nga cắt một sợi dây ràng buộc với Mỹ: Chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/6 đã ký phê chuẩn một luật chính thức hóa việc Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, một thỏa thuận cho phép các chuyến bay do thám không trang bị vũ khí qua không phận các nước thành viên.
Nga cho hay một quyết định của Mỹ không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở là "một sai lầm chính trị" trong bối cảnh Moscow và Washington chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống hai nước vào cuối tháng này. (Reuters)
Nga-Czech: Prague không thể sớm bình thường hóa quan hệ với Nga
Ngày 6/6, Ngoại trưởng Czech Jakub Kulhanek khẳng định, quan hệ giữa Prague và Moscow đang ở giai đoạn khó khăn và không thể sớm được bình thường hóa.
Ngoại trưởng Kulhanek nhấn mạnh: “Thật ảo tưởng khi hy vọng chúng tôi sẽ sớm có thể bình thường hóa mối quan hệ này”, đồng thời cho rằng, cần phải nhìn vào triển vọng quan hệ giữa Prague và Moscow. (TASS)
Nga-NATO: Nga nêu điều kiện đàm phán giảm căng thẳng với NATO
Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow không né tránh đối thoại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẵn sàng thảo luận về giảm leo thang căng thẳng, song chỉ khi có sự tham gia của các chuyên gia quân sự.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa mời Moscow tham dự cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh quân sự này tại Brussels (Bỉ).
Trước đó, ông Jens Stoltenberg đã bày tỏ lo ngại về hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga-Belarus, đồng thời tuyên bố NATO sẵn sàng bảo vệ từng thành viên liên minh trước mối đe dọa mà Moscow và Minsk gây ra. (RFERL, Sputnik)
Belarus: Thủ lĩnh phe đối lập Belarus thăm Prague
Ngày 6/6, hãng thông tấn Czech ČTK đưa tin, thủ lĩnh của phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya đã đến thăm Prague theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech Miloš Vystrčil.
Trong chương trình làm việc từ ngày 7-10/6, bà Tsikhanouskaya sẽ tiếp kiến Chủ tịch Thượng viện Miloš Vystrčil, Tổng thống Miloš Zeman, Thủ tướng Andrej Babiš và Ngoại trưởng Jakub Kulhanek cũng như gặp các quan chức và lãnh đạo một số đảng trong quốc hội nước chủ nhà.
Bà Tsikhanouskaya cũng có bài phát biểu tại một phiên họp của Thượng viện Czech (ngày 9/6), cũng như gặp đại diện cộng đồng người Belarus tại nước này.
Vấn đề Đài Loan: Trung Quốc phản đối các thượng nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan
Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, bộ này đã trao công hàm phản đối tới Mỹ sau khi 3 thượng nghị sĩ nước này đi thăm Đài Loan hồi cuối tuần qua.
Trước đó ngày 6/6, Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth và Dan Sullivan thuộc Ủy ban Quân lực cùng Thượng nghị sĩ Christopher Coons thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã tới thăm Đài Loan.
Đây là một phần trong chuyến thăm của các thượng nghị sĩ Mỹ tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Reuters)
Israel: Thủ tướng Netanyahu đe dọa lật đổ chính phủ liên minh mới
Ngày 6/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đe dọa sẽ tìm cách lật đổ chính phủ liên minh mới ngay khi được thành lập, trong bối cảnh liên minh này đang tìm cách thay thế ông.
Tờ Times of Israel dẫn lời ông Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ việc thành lập chính phủ nguy hiểm gồm các thành phần gian lận và đầu hàng kẻ thù. Nếu chính phủ bị Chúa ngăn cấm đó được thành lập, chúng tôi sẽ lật đổ nó một cách hết sức nhanh chóng”.
Tình hình Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi tiếp tục hầu tòa vào tuần tới
Ngày 7/6, ông Min Min Soe, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, phiên xét xử bà Suu Kyi dự kiến diễn ra từ ngày 14/6 tới.
Sau cuộc gặp bà Suu Kyi tại thủ đô Naypyidaw, vị luật sư trên cho biết, sẽ bắt đầu lấy lời khai từ nguyên đơn và các nhân chứng từ phiên tranh tụng tiếp theo.
Hôm 24/5, bà Suu Kyi đã xuất hiện tại tòa án Myanmar lần đầu tiên kể từ khi quân đội nước này bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) hồi đầu tháng 2 vừa qua.
Liên quan tình hình Myanmar, trước đó, ngày 6/6, Ban thư ký ASEAN đã ra thông cáo về kết quả chuyến thăm và làm việc vào ngày 4-5/6 tại Naypyidaw của các lãnh đạo Hiệp hội.(AFP)
Bán đảo Triều Tiên:
Hàn Quốc sẽ chuẩn bị "bước tiến lớn" với Triều Tiên
Ngày 6/6, đề cập một số thỏa thuận lớn đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng hôm 21/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay: “Chúng tôi nhất trí rằng, đối thoại và ngoại giao là cách duy nhất để đạt được phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hòa bình lâu dài".
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho hay: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ chuẩn bị thực hiện một bước tiến lớn nữa cho việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hòa bình lâu dài". (Yonhap)
Ông Trump nói Tổng thống Mỹ Biden không hòa hợp với nhà lãnh đạo Triều Tiên
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, không giống như ông, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden không hòa hợp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu tại hội nghị đảng Cộng hòa ở North Carolina, ông Trump nói: "Khởi đầu hơi khó khăn, nhưng chúng tôi đã rất hợp nhau. Tôi thích ông Kim Jong-un, ông ấy thích tôi; chúng tôi rất hợp nhau".
Theo ông Trump, Triều Tiên được nhắc đến vừa đủ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, trái ngược với bây giờ, đó là do ông Kim Jong-un "dường như không thích ông Biden cho lắm".
Cựu Tổng thống Trump còn nói thêm rằng, ông đã cố gắng ngăn chặn cuộc chiến, mà dường như không thể tránh khỏi, với Triều Tiên. (Sputnik)
Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc họp về thực hiện DOC lần thứ 19
Ngày 7/6, tại thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 19 quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC).
Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các quan chức cao cấp kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10/2019. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này.