Thái Lan bày tỏ quan ngại trước diễn biến bạo lực tại nhiều nơi ở Myanmar. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP) |
Trong thông cáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến tại Myanmar, với mối quan ngại sâu sắc, đặc biệt về tình trạng bạo lực diễn ra nhiều nơi".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan kêu gọi chấm dứt bạo lực cũng như "thực thi thỏa thuận 5 điểm của ASEAN" sớm nhất có thể.
Thỏa thuận 5 điểm về tình hình Myanmar được các nhà lãnh đạo khối ASEAN nhất trí tại Hội nghị hồi tháng 4, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN.
Trước đó, ngày 6/6, Ban thư ký ASEAN đã ra thông cáo về kết quả chuyến thăm và làm việc vào ngày 4-5/6 tại Myanmar của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Darussalam Dato Erywan Pehin Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch AMM và Tổng Thư ký ASEAN đã gặp Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước (SAC), Thống tướng Min Aung Hlaing cũng như các quan chức được chính quyền quân sự chỉ định, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Wunna Maung Lwin, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư Thet Thet Khine và Chủ tịch Ủy ban Bầu cử liên minh Thein Soe.
Theo thông cáo, trong các cuộc gặp, Chủ tịch AMM và Tổng Thư ký ASEAN hoan nghênh cam kết mới của Myanmar trong việc duy trì các kênh liên lạc mở và hiệu quả, nhằm thực hiện các khuyến nghị trong Đánh giá Nhu cầu sơ bộ và nối lại các nỗ lực nhân đạo tập thể của ASEAN ở bang Rakhine.
Tổng Thư ký ASEAN cũng đề cập khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Các vấn đề khác đã được thảo luận bao gồm, việc bổ nhiệm và vai trò của Đặc phái viên Chủ tịch ASEAN.
Về vấn đề này, Chủ tịch AMM đã chuyển cho phía Myanmar các đề cử do các quốc gia thành viên ASEAN đề xuất đối với vị trí Đặc phái viên Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài.