Vụ đầu độc Navalny
Kremlin nói về vụ đầu độc Navalny, chính trị gia Đức 'đoán' thủ phạm
Ngày 7/9, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã chỉ trích âm mưu cáo buộc Nga gây ra vụ được cho là đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny: "Âm mưu vì lý do nào đó gắn Nga với những gì đã xảy ra là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, điều này thật lố bịch".
Trong khi đó, một số chính trị gia Đức cũng đưa ra quan điểm cho rằng, nói chính quyền Nga dính líu đến vụ đầu độc này là "vô lý". Theo ông Gregor Gizi, nghị sĩ Đảng Cánh tả của Quốc hội Đức, Moscow "không có ý định sát hại những người chống đối bởi Điện Kremlin hiểu rằng, bước đi như vậy sẽ chỉ làm hỏng mối quan hệ với phương Tây".
Nghị sĩ này cho rằng, đứng sau vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny có thể là những người phản đối việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, dự án có đường ống đi qua Đức.
Ông Gizi phân tích, thủ phạm của vụ đầu độc này hiểu rằng, đổ lỗi cho Nga sẽ làm rạn nứt quan hệ giữa Moscow và phương Tây, đồng thời nói thêm, việc Đức từ chối xây dựng đường ống chính là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn.
Một số chính trị gia Đức khác cũng có cùng quan điểm với ông Gizi. Ông Gunnar Lindemann thuộc đảng AfD trong Thượng viện Berlin cho rằng, vụ việc xảy ra với chính trị gia đối lập Navalny là "sự tuyên truyền chống chính phủ Nga."
Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Đức nói rằng, bà Angela Merkel sẽ không loại trừ những hậu quả đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga không điều tra thỏa đáng vụ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Khi được hỏi liệu bà Merkel có bảo vệ dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu trị giá hàng tỷ Euro này hay không nếu Đức muốn tìm kiếm lệnh trừng phạt liên quan vụ Navalny, người phát ngôn này cho biết: "Thủ tướng cho rằng sẽ là sai lầm nếu ra phán quyết về bất cứ điều gì ngay từ lúc đầu". (AFP, Sputnik)
Tình hình Belarus
Tổng thống Lukashenko chuẩn bị tới Nga, rộ tin lãnh đạo biểu tình ở Belarus bị bắt
Ngày 7/9, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ tới Moscow để tổ chức các cuộc hội đàm "trong những ngày tới".
Nga là một đồng minh thân thiết của ông Lukashenko, người hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này sau khi nổ ra các cuộc biểu tình trên toàn Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước mà phe đối lập cáo buộc là đã bị gian lận.
Trong khi đó, trong một động thái nhằm phản ứng với cuộc bầu cử này, cùng ngày, 3 nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Liên minh này dự kiến sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với 31 quan chức Belarus vào giữa tháng 9, trong đó có Bộ trưởng nội vụ nước này.
Các quan chức trên cho hay: "Chúng tôi ban đầu đã đồng ý với 14 cái tên nhưng nhiều nước cảm thấy như thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi hiện đã nhất trí áp đặt trừng phạt thêm 17 cái tên nữa". Các quan chức này nói thêm: "Có những quan chức phải chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử cũng như tình trạng bạo lực và trấn áp".
Liên quan cuộc biểu tình hồi cuối tuần ở Belarus, hãng truyền thông Tut.By của nước này dẫn lời một nhân chứng cho hay, ngày 7/9, những người chưa rõ danh tính đã bắt giữ nhà lãnh đạo biểu tình Belarus Maria Kolesnikova, cũng là một thành viên của Hội đồng đối lập Belarus, tại trung tâm thủ đô Minsk và chở bà rời đi trên một chiếc xe tải nhỏ.
Hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin, các đồng minh của bà Kolesnikova cho biết đang xác minh thông tin trên trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya miêu tả vụ bắt cóc "giống như âm mưu của chính quyền hòng làm gián đoạn hoạt động của Hội đồng điều phối của phe này và hăm dọa các thành viên của hội đồng này". Tuy nhiên, cảnh sát Belarus tuyên bố họ không bắt giữ bà Kolesnikova. (Reuters)
Căn cứ Hải quân Philippines sắp bị di dời vì dự án với Trung Quốc?
Báo Inquirer đưa tin, dự án do tỉnh Cavite ở bờ nam vịnh Manila xúc tiến dự kiến sẽ chuyển căn cứ hải quân ra khỏi khu vực Sangley Point nhằm xúc tiến việc xây dựng một dự án sân bay trị giá 500 tỷ Peso (10,2 tỷ USD) hợp tác với Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC).
Sáng kiến xây dựng sân bay quốc tế Sangley Point (SPIA) do tỉnh Cavite đề xuất dự kiến sẽ đánh dấu sự hợp tác giữa CCCC và công ty MacroAsia của Philippines. Tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã “bật đèn xanh” cho các công ty Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” của Mỹ được tham gia vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia Đông Nam Á.
Tư lệnh Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo đã lên tiếng phản đối việc lực lượng này phải rời khỏi căn cứ chiến lược để phục vụ dự án sân bay, viện dẫn việc CCCC là một trong những công ty gần đây bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc có liên quan tới hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông đã gây ra sự băn khoăn với các quan chức an ninh đã về hưu và đang tại nhiệm khi CCCC lại tham gia vào dự án SPIA.
Vị trí của Sangley Point, nơi Mỹ cũng từng đặt căn cứ quân sự, cho phép Hải quân Philippines thực hiện các hoạt động giám sát và nơi tập hợp binh lính, khí tài quân sự trước khi tiến hành các nhiệm vụ.
Theo Tư lệnh Hải quân Philippines, lực lượng này muốn hiện diện tại Sangley Point để đảm bảo không có vi phạm về mặt an ninh: “Địa điểm đó nằm ở lối vào vịnh Manila và vịnh Manila là trọng tâm của Chính phủ. Nếu Manila thất thủ, cả nước sẽ thất thủ. Chúng tôi muốn ở lại đây vì chúng tôi muốn canh giữ lối vào vịnh Manila”.
Tư lệnh hải quân Bacordo khẳng định họ mạnh mẽ bác bỏ kế hoạch buộc họ phải rời khỏi Sangley Point, nhưng không phản đối dự án SPIA. Ông cũng từ chối bình luận về những dự án lớn mà Chính phủ Philippines đang hoặc dự tính hợp tác với công ty Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chúng nằm ngoài lĩnh vực của hải quân. (Inquirer)
Ấn Độ-Trung Quốc
Trung Quốc đưa khoảng 10.000 binh sĩ đến điểm nóng ở biên giới với Ấn Độ?
Theo India Times, ước tính có 10.000 binh sĩ của quân đội Trung Quốc (PLA) hiện đang có mặt tại điểm nóng ở khu vực trải dài từ bờ nam của hồ Pangong Tso, đèo Spanggur cho tới đèo núi chiến lược Rechin La - tất cả đều thuộc vùng Chushul, gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC).
Một số nguồn tin Ấn Độ cho biết, đã thấy sự xuất hiện của các phương tiện chiến đấu bộ binh của Trung Quốc gần biên giới ở vùng đèo Spanggur. Theo một nguồn tin, sự hiện diện quy mô lớn của binh sĩ Trung Quốc ở vùng biên giới thể hiện tình hình "nguy hiểm nhất" ở miền đông Ladakh kể từ sau vụ xô xát đẫm máu ở thung lũng Galwan khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, bao gồm một số sĩ quan chỉ huy.
Tại các khu vực chiến lược quanh Rechin La, binh sĩ được bố trí cách nhau từ 800m-1.000m, trong phạm vi có thể sử dụng vũ khí hạng nhẹ. Gần như tất cả các vị trí binh sĩ của hai bên đều nằm trong tầm tấn công của bên còn lại. Nếu tình hình xấu đi, đây sẽ là "viễn cảnh chết chóc" và tàn khốc ở vùng biên giới. (India Times)
Vaccine Covid-19
Nga nói về vaccine thứ hai chống Covid-19, Australia ký thỏa thuận sản xuất 84 triệu liều vaccine
Ngày 7/9, hãng thông tấn RIA trích dẫn tuyên bố của Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của Nga ngày 7/9 cho biết, Nga sẽ hoàn tất giai đoạn thử nghiệm ban đầu loại vaccine tiềm năng thứ hai phòng chống Covid-19 do Viện Vector sản xuất vào ngày 30/9.
Trong khi đó, cùng ngày, truyền thông Australia cho biết, Chính phủ nước này vừa ký thỏa thuận sản xuất 84 triệu liều vaccine Covid-19 với hai nhà sản xuất vaccine của Anh và Australia.
Theo thỏa thuận sản xuất vaccine trị giá 1,7 tỷ AUD mà chính phủ Australia vừa công bố, nếu các vaccine đang được trường Đại học Oxford của Anh và Đại học Queensland của Australia thử nghiệm thành công thì từ đầu năm tới, Australia sẽ tiến hành sản xuất 2 loại vaccine này tại thành phố Melbourne.
Trong đó, Australia sẽ sản xuất tổng cộng 33,8 triệu liệu vaccine của công ty AstraZeneca mà các nhà khoa học trường Đại học Oxford đang nghiên cứu và 51 triệu liều vaccine của trường Đại học Queensland.
Theo kế hoạch, 95% liều vaccine sẽ được sản xuất tại Australia, với thời gian sản xuất mỗi lô là 1 tháng. Sau khi vaccine vượt qua các cuộc thử nghiệm khoa học và được phép cho lưu hành, các lô vaccine sẽ được giao hàng theo từng tháng. Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 cho các quốc gia ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có 165 vaccine Covid-19 thử nghiệm đang được nghiên cứu. Trong đó, 32 vaccine đang được thử nghiệm trên người, bao gồm 8 vaccine đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn ba. (Reuters, ABC)
Trung Quốc lần đầu ra mắt vaccine Covid-19
Ngày 7/9, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho ra mắt các loại vaccine phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong bối cảnh nước này đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Đây là các "ứng cử viên" vaccine tiềm năng do các công ty dược phẩm Sinovac Biotech và Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.
Hiện những sản phẩm vaccine, kết quả nghiên cứu "chạy đua với thời gian" của giới y học Trung Quốc, đang được giới thiệu tại Hội chợ Dịch vụ thương mại quốc tế Trung Quốc (CIFTIS). Dù chưa được tung ra thị trường, nhưng các nhà sản xuất hy vọng những loại vaccine này sẽ được thông qua sau các thử nghiệm quan trọng giai đoạn 3, dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm nay.
Phát biểu với hãng tin AFP, một đại diện của hãng dược Sinovac cho biết, công ty đã hoàn thành việc xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine với công suất lên tới 300 triệu liều/năm.
Các loại vaccine tiềm năng được giới thiệu tại CIFTIS nằm trong số gần 10 loại vaccine tiềm năng trên toàn thế giới sẽ bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, bước cuối cùng trước khi chính thức được các cơ quan chức năng thông qua. (AFP)