📞

Tin thế giới 8/10: Nước đi gây 'sốc’ của Ba Lan; Mỹ lớn tiếng đòi trừng phạt Nga; Quân đội Ấn Độ-Trung Quốc lại xô xát ở biên giới

Quang Đào 19:45 | 08/10/2021
Nguy cơ xảy ra Polexit sau phán quyết của Ba Lan; căng thẳng Nga-NATO; cạnh tranh Mỹ-Trung... là những sự kiện thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Sau Brexit, EU đang đứng trước nguy cơ của Polexit.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Phán quyết gây "sốc" của tòa án tối cao Ba Lan

Ngày 7/10, tòa án tối cao Ba Lan đã ra phán quyết khẳng định một số phần của các Hiệp ước Liên minh châu Âu (EU) không phù hợp với hiến pháp của nước này, sau một thời gian hai bên có những mâu thuẫn về hệ thống tư pháp.

Với phán quyết này, giới chuyên gia lo ngại sẽ nổ ra một tranh cãi gay gắt giữa Brussels và Warsaw.

Ủy ban châu Âu cho rằng phán quyết này làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về tính ưu việt của luật EU, khiến nó rơi vào một quá trình va chạm với những nhà cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan sau nhiều năm tranh luận về pháp lý và chính trị.

Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, một số nghị sĩ EU cảnh báo, khả năng Ba Lan sẽ khởi động lộ trình Polexit (Ba Lan rời EU).

Trong khi đó, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết phán quyết của Ba Lan đánh dấu một cuộc tấn công nhằm vào khối gồm 27 quốc gia thành viên. Đồng thời, ông Beaune cũng khẳng định, EU nên xem xét đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế.

Ngày 8/10, trên Facebook, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã hoan nghênh phán quyết trên của tòa án Ba Lan.

Tuy nhiên, tuyên bố việc gia nhập EU là "một trong những sự kiện nổi bật trong những thập kỷ qua" của cả Ba Lan và EU, nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định: "Ba Lan đang và sẽ ở trong gia đình các nước EU". (AFP/Reuters)

Nga khẳng định không dùng năng lượng làm vũ khí

Ngày 8/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không sử dụng dầu và khí đốt như một vũ khí.

Tuyên bố của ông Peskov nhằm đáp trả các bình luận mà Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra một ngày trước đó, cho rằng Moscow “đã từng sử dụng năng lượng như một công cụ để cưỡng ép, một vũ khí chính trị”.

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, ông Peskov cho biết Nga phản đối các bình luận của quan chức Mỹ. Ông cho rằng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, chính Mỹ đã đe dọa làm mất cân bằng thị trường năng lượng của châu Âu. (Reuters)

NATO phát thiện chí đối thoại với Nga

Ngày 7/10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với Nga, gồm cả việc triệu tập các cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO.

Theo quan điểm của Tổng thư ký NATO thì điều quan trọng là đại diện các bên cần cùng ngồi vào bàn đối thoại, nhất là vào những thời điểm khó khăn và căng thẳng dâng cao. Cũng chính vì lẽ đó mà NATO tiếp tục mong đợi được tiến hành một vòng đối thoại có ý nghĩa với Moscow.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì thiện chí này của NATO được dự báo sẽ không thể giúp cứu vãn mối quan hệ đang ở trạng thái xấu với Moscow. (TASS)

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga vì giá khí đốt tăng cao

Nghị sĩ Michael McCaul, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói rằng có vẻ như Nga đã kích động đẩy giá khí đốt lên cao bằng cách hạn chế nguồn cung cho thị trường châu Âu, đồng thời kêu gọi chính quyền Washington mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông McCaul cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel phớt lờ những nỗ lực của Nga, được cho là gây sức ép đối với châu Âu bằng cách "thao túng" thị trường khí đốt trong khu vực và kích động "cuộc khủng hoảng năng lượng căng thẳng trên lục địa".

“Nếu ông Biden không bãi bỏ ngay lập tức các ngoại lệ trong lệnh trừng phạt khắt khe đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và dừng đường ống này lại, thì tức là ông ấy đã trao cho Tổng thống Nga thêm một vũ khí tai hại khác để gây ảnh hưởng, có thể sử dụng để chống lại Ukraine và các đối tác châu Âu khác của chúng ta”, ông McCaul cho biết. (Sputnik)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố nóng liên quantình hình Syria

Ngày 7/10, Nhà Trắng đăng tải thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ, Washington sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tình hình Syria thêm một năm, trước thời điểm hết hạn vào ngày 14/10.

Tuyên bố của ông Biden nêu rõ: "Tình hình ở Syria và xung quanh nước này, đặc biệt là những hành động của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc tấn công quân sự ở Đông Bắc Syria, đang làm suy yếu chiến dịch tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng".

Theo đó, những hành động trên "gây nguy hiểm cho dân thường và đe dọa phá hoại hòa bình-an ninh-ổn định trong khu vực cũng như tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ, vì lý do trên, Mỹ tiếp tục duy trì sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tình hình trong và xung quanh Syria thêm một năm và sẽ hết hạn vào ngày 14/10/2022.

Đồng thời, sắc lệnh này sẽ gia hạn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thêm một năm. (White House)

Mỹ lập đơn vị tình báo chuyên về Trung Quốc

Ngày 7/10, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông báo đang thành lập một đơn vị cấp cao nhằm củng cố sự tập trung của cơ quan này vào Trung Quốc giữa lúc căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Cơ quan này có tên Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc (CMC), là một trong số nhiều động thái cải tổ bắt nguồn từ một đánh giá mà CIA đưa ra vào mùa Xuân năm ngoái.

Giám đốc CIA William Burns tuyên bố, CMC ra đời để “giải quyết các thách thức toàn cầu đến từ Trung Quốc”, có ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực mà cơ quan tình báo Mỹ này quan tâm, thậm chí, CMC "vượt qua các phạm vi nhiệm vụ của CIA". (Reuters)

EU bảo vệ quyết định của Australia hủy mua tàu ngầm Pháp

Ngày 8/10, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho hay quyết định của Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm với Pháp là "hợp lý", mặc dù hành động này đã châm ngòi cho những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.

Phát biểu tại một sự kiện ở Madrid, ông Borrell nói: "Australia đã quyết định tăng cường mối quan hệ quân sự và công nghiệp quân sự với những bên có khả năng cung cấp cho họ sự bảo vệ tốt nhất". (Reuters)

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm vật thể không xác định ở Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương hôm 7/10 cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đã đâm phải “vật thể” khi đang di chuyển ở khu vực được cho là Biển Đông.

Vụ va chạm không gây ra thương tích nào nguy hiểm đến tính mạng của thủy thủ đoàn”, Thuyền trưởng Bill Clinton nói với hãng tin USNI. Tuy nhiên, có 11 thủy thủ bị thương.

Thông báo cũng cho biết tàu ngầm vẫn trong tình trạng ổn định và an toàn. Bộ phận hạt nhân trên tàu ngầm không bị ảnh hưởng và hoạt động bình thường. Hải quân Mỹ cho biết sẽ điều tra sự cố.

Ngày 8/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng Mỹ và các nước khác liên quan cần cung cấp thông tin cụ thể liên quan, gồm vị trí chính xác xảy ra sự cố, mục đích di chuyển của tàu ngầm và thông tin về vật thể mà tàu ngầm Mỹ va phải. (Sputnik)

Binh sĩ Ấn Độ, Trung Quốc ẩu đả ở khu vực biên giới

Ngày 8/10, báo Indian Express đưa tin, một vụ đụng độ nhỏ đã xảy ra giữa các binh sĩ nước này và Trung Quốc ở khu vực phía Đông của biên giới hai nước, ngay trước thềm vòng đàm phán song phương tiếp theo ở cấp tư lệnh quân đoàn, dự kiến diễn ra trong những ngày tới.

Các nguồn tin cho hay, vụ việc xảy ra vào tuần trước, các đội tuần tra của hai bên đã đối mặt trực tiếp gần Yangtse thuộc khu vực Tawang, bang Arunachal Pradesh, miền Đông Ấn Độ.

Một lực lượng có quy mô “đáng kể” của Trung Quốc đã đối đầu với một đơn vị tuần tra của Ấn Độ. Các binh sĩ hai bên đã có một số động tác xô đẩy nhau nhưng vụ việc đã được các chỉ huy địa phương kiểm soát.

Các nguồn tin cho biết, “cả hai bên thực hiện các hoạt động tuần tra đến đường ranh giới theo nhận thức của họ” và “bất cứ khi nào các binh sĩ đối mặt, tình hình sẽ được xử lý theo các thỏa thuận và cơ chế đã được thiết lập mà cả hai bên đã nhất trí”.

Quốc hội Ukraine bỏ phiếu bầu chủ tịch mới đảng cầm quyền

Ngày 8/10, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bổ nhiệm ông Ruslan Stefanchuk, nghị sỹ thuộc Đảng Người phụng sự nhân dân cầm quyền, làm tân Chủ tịch đảng thay thế ông Dmytro Razumkov.

Trước đó một ngày, đảng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zeleskiy đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Razumkov, cáo buộc ông đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích của đảng. (Reuters)

Giải Nobel Hòa bình 2021 tôn vinh báo chí

Giải Nobel Hòa bình năm 2021 đã được trao cho 2 nhà báo điều tra là Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines) và Dmitry Muratov (người Nga) vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Ông Dmitry Muratov là Tổng biên tập của tờ báo Novaya Gazeta, được Ủy ban Bảo vệ các nhà báo đánh giá là “tờ báo phê bình có ảnh hưởng tại Nga” ngày nay. Còn bà Maria Ressa là người đồng sáng lập trang tin Rappler của Phillippines, có đóng góp lớn trong công cuộc chống nạn tin giả trên mạng xã hội.

Covid-19: Australia phát hiện chủng mới của biến thể Delta

Các quan chức y tế bang New South Wales của Australia ngày 8/10 thông báo vừa phát hiện 1 chủng mới của biến thể Delta trên 8 ca nhiễm mới ở bang này. Đây là những chủng mới, chưa từng xuất hiện.

Tuy nhiên, ngoài việc xác nhận chủng mới lần đầu xuất hiện tại bang New South Wales đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào và các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra để tìm ra nguồn gốc của chủng mới này. (News.com.au)