Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố không còn theo đuổi hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc. (Nguồn: KCNA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Nga-Trung diễn tập chống tàu ngầm ở Thái Bình Dương: Bộ phận báo chí Hạm đội Thái Bình Dương thông báo tàu chiến của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các nội dung chống tàu ngầm trong chương trình tuần tra chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hạm đội cho biết thêm, nhóm chiến thuật từ phía Nga bao gồm các tàu chống ngầm cỡ lớn "Đô đốc Panteleev" và "Đô đốc Tributs" của Hạm đội Thái Bình Dương. Tham gia tuần tra phía Hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục Tây Ninh và Vô Tích, khinh hạm Lâm Nghi và tàu tiếp tế Thái Hồ.
Tàu chiến của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc bắt đầu tuần tra chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Phương Bắc/Tương tác năm 2024. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra dự kiến sẽ tổ chức một số đợt huấn luyện và diễn tập chiến đấu, trong đó có các bài tập phòng thủ chống tàu ngầm và cứu hộ trên biển.(Sputnik)
*Malaysia tăng cường hiện diện hải quân tại Biển Đông: Malaysia đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng ở Biển Đông với việc xây dựng căn cứ hải quân mới trên đảo Borneo, nhằm đối phó với những động thái quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Căn cứ hải quân tại Bintulu, bang Sarawak, dự kiến hoạt động vào năm 2030, nằm cách bãi cạn Luconia (Beting Patinggi Ali theo cách gọi của Malaysia) chỉ 148 km. Đây là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cực Nam của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang, giới chuyên gia Mỹ kêu gọi Malaysia áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngay cả khi quan hệ thương mại với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng. (SCMP)
*Myanmar cử đại diện tham dự hội nghị ASEAN tại Lào: Ngày 8/10, một nguồn tin ngoại giao cho biết lần đầu tiên trong vòng 3 năm, Myanmar sẽ cử một đại diện tới tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tuần này, trong bối cảnh chính quyền quân sự cầm quyền đấu tranh để dập tắt một cuộc nội chiến.
Xung đột ở Myanmar sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp tại Lào vào ngày 9/10, mặc dù hơn 3 năm nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của ASEAN về cuộc khủng hoảng vào tháng 4/2021, nhưng khối này đã từ chối mời ông đến các cuộc họp thường kỳ kể từ đó. (AFP)
*Triều Tiên "đóng sập cánh cửa thống nhất" với Hàn Quốc: Ngày 7/10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dường như đã tổ chức một cuộc họp quốc hội quan trọng theo đúng lịch trình ngày 7/10 để sửa đổi hiến pháp, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi loại bỏ các điều khoản liên quan đến thống nhất và làm rõ ranh giới lãnh thổ của đất nước.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên có thể sẽ loại bỏ các điều khoản về thống nhất, dân tộc và chủng tộc chung, đồng thời luật hóa cam kết chiếm đóng lãnh thổ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Triều Tiên cũng có thể hủy bỏ các thỏa thuận liên Triều trong lĩnh vực chính trị và quân sự, bao gồm Thỏa thuận cơ bản liên Triều năm 1991.
Cuộc họp này diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố không còn theo đuổi hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc tại cuộc họp đảng cuối năm ngoái. Đây là lần thứ 11 Triều Tiên sửa đổi hiến pháp kể từ khi ban hành hiến pháp xã hội chủ nghĩa năm 1972. (Yonhap)
Châu Âu
*EU yêu cầu Serbia khẩn cấp hành động trước "mối đe dọa" từ truyền thông Nga: Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi Serbia phải có biện pháp khẩn cấp để chống lại sự “thao túng và can thiệp” của truyền thông Nga sau khi báo cáo của Phóng viên không biên giới (RSF) nêu bật vấn đề này.
Phát biểu với AFP, người phát ngôn của EU về các vấn đề đối ngoại, ông Peter Stano ngày 8/10 nêu rõ: "Liên minh châu Âu đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga, bao gồm cả RT, có chương trình phát sóng trong và ngoài EU đã bị đình chỉ".
Ông Stano nhấn mạnh rằng việc Serbia không tham gia vào các lệnh trừng phạt đối với Nga và tiếp tục cho phép truyền thông Nga hoạt động là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình gia nhập EU của nước này. (AFP)
*Báo Anh: Ukraine thảo luận khả năng nhượng một phần lãnh thổ cho Nga: Thời báo Financia Times (FT) của Anh tiết lộ rằng các quan chức ở Kiev đang thảo luận về khả năng nhượng một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga.
Theo báo trên, tâm trạng ở Washington, một số nước phương Tây và ngay cả Ukraine đã thay đổi. FT cho hay: “Cơ hội tốt nhất cho tương lai là một giải pháp thương lượng để cứu phần lớn đất nước”. Một số đồng minh phương Tây của Ukraine, những nước trước đây khẳng định cần đánh bại Nga, đang “xem xét lại mục tiêu của mình” trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày càng xấu đi.
Theo FT, các cuộc thảo luận đang được tiến hành kín để đạt được một thỏa thuận theo đó Moscow kiểm soát trên thực tế đối với khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine. (AFP)
*Nga truy nã quốc tế hai nhà báo Italy: Ngày 7/10, tòa án quận Leninsky thuộc tỉnh Kursk của Nga đã ra lệnh bắt giữ vắng mặt hai nhà báo người Italy là Simone Traini và Stefania Battistini. Quyết định này được đưa ra theo đề nghị của Cơ quan biên phòng thuộc Cơ quan an ninh liên bang (FSB) Nga.
Theo cáo buộc, Traini và Battistini đã xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Nga từ Ukraine để thực hiện phóng sự về vụ tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk ngày 6/8. Hai nhà báo này được cho là đã đi cùng lực lượng vũ trang Ukraine đến quận Sudzhansky của tỉnh Kursk, nơi xảy ra cuộc tấn công bằng xe tăng, pháo binh và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Hiện Traini và Battistini đã bị đưa vào danh sách truy nã liên bang và quốc tế. Họ bị buộc tội vắng mặt theo Điều 322 của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội xâm nhập trái phép biên giới. Nếu bị bắt trên lãnh thổ Nga hoặc bị dẫn độ, họ sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm. (Reuters)
*EU đặt ra khuôn khổ trừng phạt mới chống Nga: Hội đồng châu Âu ngày 8/10 cho biết đã phê chuẩn lần cuối đối với khung trừng phạt mới chống Nga vì các hành động bị cáo buộc là "gây bất ổn ở nước ngoài".
Trong tuyên bố, Hội đồng châu Âu xác nhận "đã thiết lập một khuôn khổ mới cho các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với các hành động gây bất ổn ở nước ngoài của Nga.
Khung mới này sẽ cho phép EU nhắm mục tiêu vào các cá nhân và thực thể tham gia vào các hành động và chính sách của chính phủ Liên bang Nga làm suy yếu các giá trị cơ bản của EU và các quốc gia thành viên, an ninh, độc lập và toàn vẹn của EU cũng như các tổ chức quốc tế và các nước thứ 3". (AP)
*Lực lượng Nga tiến vào thành phố tiền tuyến Toretsk của Ukraine: Tối 7/10, quân đội Ukraine thông báo các lực lượng Nga đã tiến vào các vùng ngoại ô của thành phố tiền tuyến Toretsk, miền Đông nước này, chưa đầy một tuần sau khi thị trấn pháo đài Vuhledar gần đó sụp đổ.
Nga, hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, đã tiến về phía Toretsk kể từ tháng 8, chiếm từng ngôi làng với sự hỗ trợ của bộ binh nhờ việc sử dụng ngày càng nhiều bom dẫn đường có sức hủy diệt cao. Với việc Ukraine hiện đang mất dần lãnh thổ, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ra lệnh cho giới chóp bu làm "mọi điều có thể" để giảm thiểu sự tiến công của Moscow dọc tiền tuyến này.
Đối với Ukraine, Toretsk đã là thành phố tiền tuyến trong 10 năm nay do gần với vùng lãnh thổ của Ukraine bị lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm giữ vào năm 2014. Kể từ đó, thành phố này đã trở thành cứ điểm phòng thủ của Kiev. (Reuters)
*Ukraine cắt đứt huyết mạch khí đốt Nga-châu Âu: thuận vận chuyển khí đốt với Nga khi hết hạn vào cuối năm 2024. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovakia Robert Fico, và có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng khẳng định lập trường này, trong khi Ngoại trưởng Dmitry Kuleba nhấn mạnh Kiev sẽ không đề nghị Moscow gia hạn hợp đồng. Điều này diễn ra bất chấp việc hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine vẫn là tuyến đường quan trọng để cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. (AFP)
*Khả năng Triều Tiên gửi quân tới Ukraine hỗ trợ Nga: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Yun ngày 8/10 cho rằng Triều Tiên có khả năng sẽ triển khai các thành viên của lực lượng vũ trang chính quy tới Ukraine để hỗ trợ Nga, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Bình Nhưỡng và Moscow.
Đánh giá này được đưa ra khi Triều Tiên tìm cách củng cố mối quan hệ với Nga, được nêu bật trong một thỏa thuận song phương bao gồm điều khoản phòng thủ chung, được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tại các cuộc hội đàm hồi tháng 6.
Ông Kim Yong Yun lưu ý: "Vì Nga và Triều Tiên đã ký một hiệp ước chung giống như một liên minh quân sự, nên khả năng triển khai như vậy là rất có thể". Tuần trước, tờ Kyiv Post trích dẫn các nguồn tin tình báo cho hay 6 sĩ quan Triều Tiên đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào ngày 3/10. (Yonhap)
Trung Đông – châu Phi
*Hezbollah khẳng định năng lực của nhóm vẫn toàn vẹn: Phát biểu trên truyền hình, Phó thủ lĩnh Hezbollah Sheikh Naim Qassem ngày 8/10 tuyên bố năng lực của nhóm vẫn toàn vẹn bất chấp những đòn tấn công “như vũ bão” của Israel trong những tuần gần đây.
Ông Qassem phát biểu: “Hàng trăm quả rocket và hàng chục máy bay không người lái (phóng đi mỗi ngày), một số lượng lớn các khu định cư và thành phố của Israel đã bị hỏa lực rocket bắn phá... Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng năng lực của chúng tôi vẫn ổn".
Đồng thời, đại diện của Hezbollah khẳng định đội ngũ lãnh đạo cấp cao của nhóm vẫn đang chỉ đạo cuộc chiến chống lại Israel và các chỉ huy bị Israel sát hại đã được thay thế bằng những người mới. Hiện tại, tất cả các vị trí của Hezbollah đã được lấp đầy và lực lượng này sẽ chỉ định một lãnh đạo mới thay thế ông Hassan Nasrallah, người bị Israel sát hại ngày 27/9. (Al Jazeera)
*Iran đe dọa đáp trả mạnh mẽ Israel: Phát biểu trên truyền hình ngày 8/10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định nước này sẽ đáp trả mạnh hơn nếu Israel tấn công trả đũa vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Araghchi khẳng định Iran không muốn một cuộc chiến tranh ở khu vực. Phát biểu của ông Araghchi đưa ra trong bối cảnh Israel đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp trả đũa sau khi Iran bắn gần 200 tên lửa đạn đạo vào quốc gia này hôm 1/10.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/10 cho biết Israel vẫn chưa lựa chọn cách thức tấn công trả đũa Iran. Ông Biden phản đối việc Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân cũng như dầu mỏ của Iran. Trong khi đó, giới chức quân sự Israel khẳng định họ đã có sẵn các phương án đáp trả. (Arab News)
*Israel mở rộng chiến dịch trên bộ tại Lebanon: Quân đội Israel ngày 8/10 cho biết Sư đoàn 146 của họ đã bắt đầu các hoạt động giới hạn, cục bộ và có mục tiêu nhằm vào các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của Hezbollah một ngày trước đó ở phía Tây Nam Lebanon.
Trước đó, quân đội Israel cũng đưa ra cảnh báo bằng tiếng Arập cho những người đi biển và người sử dụng thuyền tránh xa một khu vực ven biển Lebanon, thông báo họ sẽ sớm bắt đầu các hoạt động chống lại Hezbollah từ biển.
Quân đội Israel mô tả chiến dịch mặt đất của họ ở Lebanon là cục bộ và hạn chế, nhưng quy mô của chiến dịch đã tăng dần kể từ tuần trước.Lực lượng Phòng vệ Israel(IDF) tuyên bố mục tiêu của họ là quét sạch các khu vực biên giới nơi các chiến binh Hezbollah ẩn náu, không có kế hoạch tiến sâu vào Lebanon. (Reuters)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Nổ bom ở Colombia, 9 bính sĩ bị thương nặng: Chín binh sĩ Colombia đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng chất nổ ở khu đô thị Santa Rosa del Sur, thuộc tỉnh Bolívar, trên bờ biển Caribe của Colombia ngày 7/10 (giờ địa phương).
Vụ nổ bom xảy ra khi lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Colombia đang tiến hành loạt hoạt động quân sự chống lại các nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực này.
Santa Rosa del Sur là khu vực thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và Clan de Golfo (Gia tộc vùng Vịnh - băng nhóm buôn ma túy khét tiếng nhất ở Colombia). Đây là khu vực khai thác mỏ đồng thời là hành lang dẫn tới Venezuela và thường được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm buôn lậu ma túy. (AFP)
*Cuba đề nghị tham gia BRICS với tư cách quốc gia đối tác: Vụ trưởng Vụ các vấn đề song phương của Bộ Ngoại giao Cuba Carlos Pereira cho biết trong thông điệp gửi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, Chính phủ Cuba chính thức đề nghị tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) với tư cách là quốc gia đối tác, vì Moscow hiện là chủ tịch luân phiên của BRICS.
Trên mạng xã hội, ông Pereira nhấn mạnh: "Cuba đã chính thức yêu cầu được tham gia BRICS với tư cách là 'quốc gia đối tác' trong thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện là Chủ tịch luân phiên của nhóm nước đang tăng cường vị thế của mình là một nhân tố chủ chốt trong nền địa chính trị toàn cầu và niềm hy vọng của Nam bán cầu".
Đại sứ Nga tại Cuba Victor Coronelli trước đó nói rằng Moscow mong đợi đón phái đoàn Cuba tới dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan - Tổng thống nước này Miguel Diaz-Canel đã nhận được lời mời tương ứng từ nhà lãnh đạo Nga Putin. (Sputniknews)
*Tình báo Mỹ nhận định Nga muốn ông Trump đắc cử tổng thống: Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Nga muốn ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trumptrở thành tổng thống mới của Mỹ, trong khi Iran muốn thấy bà Kamala Harris chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới.
Trong một cuộc họp báo với phóng viên nước ngoài, phát ngôn viên Văn phóng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nhấn mạnh: "Cộng đồng tình báo tiếp tục đánh giá rằng Nga thích cựu tổng thống (Donald Trump) và Iran thích phó tổng thống (Kamala Harris). Chúng tôi cũng tiếp tục đánh giá rằng Trung Quốc không tìm cách tác động đến cuộc bầu cử tổng thống".
Trước đó, các nhà lãnh đạo Nga từng phát biểu rằng Moscow không phân biệt giữa các ứng cử viên và người dân Mỹ phải tự lựa chọn tổng thống cho mình. (TASS)