📞

Tin thế giới 8/9: Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới Ukraine, Nga-Trung tăng hợp tác, thêm nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc)

Minh Quân 22:01 | 08/09/2022
Moscow nhận định về vai trò của Washington ở Ukraine, sức khỏe Nữ hoàng Anh, nghị sỹ Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc) …là một số tin thế giới đáng chú ý ngày 8/9.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bất ngờ tới Kiev hội đàm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật ngày 8/9.

Nga-Ukraine

* Tình báo Nga nhận định về vai trò Mỹ tại Ukraine: Ngày 8/9, trong cuộc gặp với Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cho rằng Mỹ sẽ kéo dài xunt độ tại Ukraine bằng mọi cách, bất chấp tổn thất ở châu Âu.

Ông nói: “Các sự kiện trong những tuần gần đây cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine bằng mọi cách, bất kể tổn thất to lớn của các lực lượng vũ trang Ukraine, hay viễn cảnh các nước châu Âu trở nên nghèo nàn". (Sputnik)

* Mỹ công bố viện trợ ‘khủng’ cho Ukraine: Ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố gói viện trợ quân sự quy mô hơn 2 tỷ USD cho Ukraine và các quốc gia châu Âu khác nhằm đối phó đe dọa từ Nga.

Theo đó, Washington sẽ cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quân sự dài hạn cho Kiev và 18 quốc gia láng giềng, trong đó có các nước NATO và các đối tác an ninh khu vực, vốn “chịu nguy cơ cao nhất trước hành động gây hấn trong tương lai từ Nga”.

Gói viện trợ trên nằm trong chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF). Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố gói viện trợ trực tiếp dành cho Ukraine trị giá 675 triệu USD trong khuôn khổ FMF.

Như vậy, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 15,2 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Các quan chức Mỹ nhận định các cam kết mới này chứng tỏ sự ủng hộ vững vàng của Washington đối với Kiev trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. (AFP/AP)

* Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới Ukraine: Ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev nhằm chứng tỏ sự ủng hộ của chính quyền Washington với phía Kiev.

Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ hai của ông Antony Blinken kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 vừa qua. (AFP/ Sputnik)

* Na Uy viện trợ hàng trăm tên lửa Hellfire tới Ukraine: Ngày 8/9, Na Uy cho biết nước này sẽ “tặng nhiều tên lửa Hellfire cho Ukraine. Khoản viện trợ này bao gồm khoảng 160 tên lửa, bệ phóng và thiết bị dẫn đường. Ukraine cũng sẽ nhận được thiết bị nhìn ban đêm được lấy từ kho của lực lượng vũ trang Na Uy”. (Sputnik)

Châu Âu

* Bác sĩ “quan ngại” về sức khỏe Nữ hoàng Anh Elizabeth II: Ngày 8/9, Điện Buckingham cho biết các bác sĩ “quan ngại” về sức khỏe của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và đề xuất bà nên được theo dõi y tế. Tuy nhiên, Reuters bác bỏ tin đồn cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II bị ngã.

Điện Buckingham cho biết gia đình Hoàng gia đã được thông báo về vụ việc và ngay sau đó, Thái tử Charles và Hoàng tử Williams đã tới cung điện Balmoral, Scotland, nơi Nữ hoàng Elizabeth II đang nghỉ ngơi.

Viết trên Twitter, tân Thủ tướng Anh Liz Truss, người vừa được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm ngày 6/9, cho biết “cả đất nước lo lắng” về thông tin này và khẳng định tất cả người dân Anh đều đang nghĩ về bà.

Trước đó, ngày 7/9, Nữ hoàng Elizabeth II hủy cuộc họp với Hội đồng Cơ mật theo khuyến cáo của bác sĩ. (AFP/AP/Reuters)

* Vài nước châu Âu "rục rịch" cấm thị thực công dân Nga: Ngày 8/9, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu tuyên bố lệnh cấm công dân Nga nhập cảnh Estonia sẽ có hiệu lực ngày 19/9 tới.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Reinsalu nêu rõ: “Ý chí chính trị của Estonia là kể từ đêm 19/9, lệnh cấm nhập cảnh vào Estonia đối với công dân Nga sẽ có hiệu lực. Quyết định này áp dụng cho những người Nga có thị thực được cấp tại Estonia, cũng như thị thực được cấp tại các nước thành viên EU khác.”

Cùng ngày, chính phủ Ba Lan tuyên bố Warsaw đã gia nhập các nước Baltic theo lập trường chung về hạn chế thị thực công dân Nga. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cho biết ba nước Baltic đạt thỏa thuận hạn chế nhập cảnh công dân Nga đến từ Nga và Belarus. (Sputnik/Reuters)

* Hungary bi quan về các biện pháp trừng phạt Nga: Thông tấn MTI (Hungary) dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng tới nay phương Tây đã áp đặt 11.000 biện pháp trừng phạt với Nga, song đều không thành công.

Do đó, châu Âu cần thay đổi chính sách trừng phạt, bằng không tình hình sẽ vô cùng khó khăn, khiến cuộc sống của người dân ở châu Âu sẽ ngày càng đắt đỏ và tình hình năng lượng sẽ ngày càng phức tạp.

Theo Thủ tướng Hungary, cần “đấu tranh chống lại những kẻ quan liêu tham gia các trò chơi địa chính trị” và thuyết phục họ không từ bỏ các nguồn năng lượng khác nhau. (Sputnik)

Đông Bắc Á

* Đoàn nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc): Gặp người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn ngày 8/9, Hạ nghị sĩ Mỹ Stephanie Murphy tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với Đài Bắc.

Hạ nghị sĩ Mỹ Scott Franklin nhấn mạnh quan hệ không chỉ bao gồm an ninh, mà còn có công nghệ và hiện đại hóa: “Lĩnh vực chất bán dẫn của Đài Loan có vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Bà Murphy, người đang dẫn đầu phái đoàn 7 người, coi chuyến thăm này “là biểu tượng của cam kết vững chắc của Quốc hội Mỹ đối với Đài Loan”. Theo bà Murphy, quan hệ ngày càng phát triển cũng tạo thêm cơ hội “cho hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực thương mại, an ninh và trao đổi văn hóa”. (Taiwan News)

* Trung Quốc, Nga thảo luận về mở rộng hợp tác kinh tế song phương: Đại diện Nga-Trung Quốc đã thảo luận về mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 7 ở Vladivostok (Nga).

Theo đó, Diễn đàn kinh doanh “Hợp tác Nga-Trung trong thời đại mới” đã được tổ chức vào 2 ngày 7-8/9, phát biểu qua video, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho biết hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước đang rất bền chặt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 12 năm liên tiếp.

Về phần mình, Đại diện thương mại của Nga tại Trung Quốc Alexey Dakhnovsky cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác về thương mại điện tử, vận tải và hậu cần, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới hai nước. (Tân Hoa xã)

* Nhật Bản, Ấn Độ sớm tập trận máy bay chiến đấu lần đầu tiên: Ngày 8/9, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí hai bên sẽ sớm tập trận máy bay chiến đấu lần đầu tiên nhằm duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong tuyên bố chung sau khi hai bên tiến hành Đối thoại 2+2 tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada cùng những người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Rajnath Singh nhấn mạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực “cần dựa trên pháp quyền và không bị cưỡng ép”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh tuyên bố sẽ tăng cường phạm vi và tính chất phức tạp của các cuộc tập trận song phương với Nhật Bản. (Kyodo/Reuters)