📞

Tin thế giới 9/3: Tổng thống Mỹ Joe Biden bị kiện; Mỹ sẵn sàng ‘đối đầu’ với Trung Quốc ở Biển Đông; NATO ‘xách súng’ vào Donbass

Quang Đào 19:45 | 09/03/2021
TGVN. Tổng thống Mỹ Joe Biden bị kiện, NATO can thiệp vào Donbass, tình hình Myanmar, Biển Đông... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

12 bang nước Mỹ kiện Tổng thống Joe Biden

12 bang do đảng Cộng hòa đứng đầu đã kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden vì sắc lệnh hành pháp đầu tiên của ông nhằm vào thay đổi chính sách chống biến đổi khí hậu. Trong đơn, Tổng thống Joe Biden bị buộc tội vi phạm các điều khoản phân tách quyền lực trong Hiến pháp vì Quốc hội, chứ không phải Tổng thống mới có quyền điều chỉnh luật.

Đơn kiện, do Tổng chưởng lý bang Missouri đồng thời là đảng viên Cộng hòa Erich Schmitt đứng đầu, đưa ra vào hôm qua (8/3). Tổng chưởng lý các bang Arkansas, Arizona, Indiana, Kansas, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Utah cũng tham gia kiện. (USA Today)

Ông Biden chuẩn bị có bài phát biểu ‘giờ vàng’ đầu tiên

Ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu vào giờ cao điểm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống nhằm đánh dấu một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công nước này. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, bài phát biểu của ông Biden sẽ thảo luận về những hy sinh của người Mỹ trong năm vừa qua cũng như những tổn thất lớn mà cộng đồng, các gia đình trên toàn quốc phải gánh chịu.

Bài phát biểu đầu tiên vào giờ cao điểm của ông Biden diễn ra một năm sau ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự lây lan của virus corona là một đại dịch. Nó cũng diễn ra sau một năm kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu về virus corona từ phòng Bầu Dục sau khi ban đầu nhà lãnh đạo này cho rằng đó là một vấn đề nhỏ, sẽ tự biến mất.

Tổng thống Biden cũng sẽ dùng bài phát biểu để nhìn về phía trước, nêu bật vai trò của người Mỹ trong việc đánh bại virus và đưa đất nước trở lại bình thường, thư ký báo chí Nhà Trắng tiết lộ. (Reuters)

Đảng Cộng hòa tiếp tục dùng tên ông Trump để gây quỹ

Đảng Cộng hòa định tiếp tục sử dụng tên của cựu Tổng thống Donald Trump trong các quảng cáo gây quỹ cũng như những tài liệu khác, trái với ý nguyện của ông.

Một cố vấn của ông Trump cho biết hồi cuối tuần trước rằng, cựu Tổng thống rất nhạy cảm trong việc tên ông bị dùng cho các mục đích xây dựng thương hiệu. Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng tỏ ra khó chịu khi Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, Chiến dịch Quốc hội Đảng Cộng hòa quốc gia và Chiến dịch Thượng viện Đảng Cộng hòa quốc gia đã hỗ trợ cho các nghị sĩ từng đứng về phía đảng Dân chủ và bỏ phiếu luận tội ông về vụ tòa nhà Quốc hội bị tấn công.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa lập luận rằng, họ có mọi quyền đề cập tới các nhân vật công chúng trong các bài phát biểu chính trị cốt lõi của đảng, vốn được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 1. (Reuters)

Mỹ-Trung Quốc: Hải quân Mỹ sẵn sàng đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông

Hải quân Mỹ bày tỏ quan ngại về việc lực lượng quân sự trên biển của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên cho biết sẵn sàng thách thức hoạt động của Bắc Kinh khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, phát ngôn viên Hải quân Mỹ Courtney Hillson cho biết: "Toàn bộ sự phát triển của Hải quân Trung Quốc cả về số lượng và năng lực là điều đáng quan ngại".

Nhưng bất chấp mối đe dọa này, bà Courtney Hillson khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục quá cảnh các vùng biển tranh chấp và đẩy lùi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố dấu chân của họ ở Biển Đông và những nơi khác.

“Hải quân Mỹ tiếp tục các hoạt động hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và đối tác nhằm đối đầu với hành của Trung Quốc. Đồng thời, ngăn chặn và răn đe những nỗ lực của Trung Quốc nhằm từng bước ngăn cản một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", bà Courtney Hillson nhấn mạnh. (Newsweek)

NATO sẽ can thiệp vào xung đột vũ trang ở Donbass

Vài ngày trước, đại diện của lực lượng đặc biệt quân đội Anh đã được phát hiện trên lãnh thổ Donbass, ở một khoảng cách tương đối nhỏ so với biên giới của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng.

Sự xuất hiện của tàu Anh ở Donbass gắn liền với nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm can thiệp vào một cuộc xung đột vũ trang và liên minh này rõ ràng đã sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Theo dữ liệu chính thức, sự hiện diện của các quân nhân NATO ở Donbass chỉ bị giới hạn ở việc huấn luyện quân đội Ukraine, kiểm tra tình hình chiến tuyến ở Donbass và tiến hành các hoạt động do thám và giám sát.

Tuy nhiên, dường như Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang thực sự sẵn sàng tham gia vào cuộc xung đột vũ trang ở Donbass… Đặc biệt đáng chú ý là sự kiện quân Anh xuất hiện tại Donbas xảy ra sau khi tình hình khu vực bắt đầu leo thang. (Avia-pro)

NATO triển khai 54 hệ thống tên lửa gần Crimea

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa chiến thuật ở phía tây nam CrimeaTheo đó, những hệ thống tên lửa chiến thuật HIMARS của Mỹ đang bắt đầu được đặt trên lãnh thổ Romania.

Theo Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới, các thiết bị và vật liệu sẽ được chuyển đến địa điểm của tiểu đoàn tên lửa tác chiến-chiến thuật số 81 đóng tại Focsani, phía đông Romania, đây sẽ là đơn vị đầu tiên của Lực lượng vũ trang Romania áp dụng hệ thống này.

Các chuyên gia của Avia-pro không loại trừ rằng để đối phó với các hành động của Romania, Nga sẽ triển khai thêm các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander và Iskander-M trên lãnh thổ Crimea, khả năng của chúng rộng hơn nhiều, với tầm bắn của hệ thống tên lửa chiến thuật Nga đủ để tấn công vào Thủ đô Romania. (Avia-pro)

Tình hình Myanmar: Người biểu tình được thả tự do, có thêm thương vong

Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết 3 người đã thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương trong các cuộc biểu tình diễn ra tại quận Myitkyina và Phyar Pon trong ngày 8/3.

Cụ thể, các nhân chứng cho hay họ đang tham gia biểu tình trên đường phố Myitkyina thì bị cảnh sát bắn lựu đạn choáng và hơi cay. Sau đó họ nghe thấy tiếng súng phát ra từ các tòa nhà gần nơi diễn ra biểu tình và phát hiện hai người đàn ông nằm bất tỉnh trên mặt đất với vết thương ở đầu.

Hiện chưa rõ cảnh sát hay binh sĩ quân đội Myanmar nổ súng vào người dân. 2 người nằm bất tỉnh sau đó được xác định đã tử vong.

Ngày 9/3, các nhà hoạt động Myanmar cho biết hàng trăm thanh niên tham gia biểu tình ở một quận của thành phố Yangon đã được thả tự do sau khi bị lực lượng cảnh sát bắt giữ trước đó.

Động thái trên diễn ra sau khi các nước phương Tây và Liên hợp quốc đã kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar để họ được phép rời đi.

Cùng ngày, truyền thông Australia dẫn nguồn kênh truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV) cho hay, chính quyền quân sự nước này đã bắt giữ Giáo sư kinh tế người Australia Sean Turnell khi ông đang tìm cách chạy trốn khỏi Myanmar cùng những "bí mật nhà nước". Ông Turnell từng từng là cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi. (Reuters)

Australia cáo buộc Facebook trì hoãn đàm phán

Căng thẳng giữa Australia và Facebook, liên quan tới Bộ quy tắc đàm phán truyền thông tin tức, có khả năng bùng nổ trở lại sau khi một số nguồn tin địa phương tiết lộ mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang tỏ ra không hợp tác trong các cuộc đàm phán trả tiền cho các hãng tin nước này.

Theo đó, các hãng truyền thông lớn của Australia, như Nine Entertainment Co, News Corp, Guardian Australia và đài truyền hình quốc gia ABC, mới đây nhất cho biết tiến trình đàm phán giữa hai bên hiện chậm chạp hơn.

Báo Australian Financial đưa tin Facebook dường như đang rời khỏi bàn đàm phán. Trong khi đó, một nguồn tin khác đã phủ nhận điều này và cho biết Facebook vẫn hợp tác tham gia. Tuy nhiên, nguồn tin này thừa nhận vẫn còn tồn tại một số bất đồng trong các cuộc đàm phán. Đó không phải là về vấn đề chi phí mà Facebook phải trả cho các hãng tin, mà là điều khoản chấm dứt hợp đồng và thời hạn thông báo trước giữa hai bên.

Khác với các công ty truyền thông lớn, một số hãng tin nhỏ của Australia, như Crikey và The Saturday Paper, hiện đã hoàn tất ký kết bản ghi nhớ với Facebook, nhưng việc ký kết các hợp đồng chính thức vẫn chưa được thực hiện. (Australian Financial)

Một thị trưởng của Philippines bị cảnh sát ‘bắn nhầm’

Cảnh sát đã vô tình bắn tử vong một thị trưởng ở thành phố Catbalogan (miền Trung Philippines) và 2 phụ tá của ông này, chính quyền địa phương cho biết hôm 9/3.

Theo Tướng Ronaldo de Jesus, một chỉ huy cảnh sát địa phương cho biết, cảnh sát thành phố Catbalogan đang đi tuần tra định kì, thì bất ngờ bị các phụ tá an ninh của thị trưởng – ông Ronaldo Aquino – nổ súng bắn. Lúc này, cảnh sát đang lái xe đi phía sau xe của thị trưởng.

Cảnh sát lập tức bắn trả, khiến ông Aquino và 2 phụ tá (trong đó có một cảnh sát hộ tống) tử vong. Ngược lại, các phụ tá của thị trưởng cũng đã khiến 2 cảnh sát tử vong. (AP)

Yemen - Qatar khôi phục quan hệ ngoại giao

Ngày 8/3, chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen tuyên bố nước này khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar, sau 4 năm chính quyền Doha bị liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và một số quốc gia Arab khác tẩy chay. (Reuters)