Ba tên lửa Nga được nhìn thấy vào lúc bình minh ở Kharkov ngày 9/3. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine chỉ trích đợt không kích mới của Nga: Sáng ngày 9/3, Nga được cho là đã triển khai đợt tấn công tên lửa mới vào một số khu vực của Ukraine, bao gồm cảng Odessa bên bờ biển Đen và Kharkov, gây mất điện ở một số nơi.
Viết trên Telegram, Thống đốc vùng Odessa Maksym Marchenko cho biết tên lửa đã đánh trúng một cơ sở năng lượng và gây ra tình trạng mất điện ở thành phố. Các khu dân cư cũng bị tấn công nhưng không có thương vong. Thống đốc vùng Kharkov Oleh Synehubov cũng cho biết thành phố và khu vực này đã hứng chịu 15 cuộc không kích, nhắm vào các mục tiêu bao gồm cả cơ sở hạ tầng. Các đợt không kích khác cũng đã diễn ra ở Dnipro và các khu vực khác trong cả nước.
Trong phát biểu trực tuyến cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Nga “bắn 81 tên lửa” trong “chiến thuật khủng bố người dân”. Trước đó, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny cho biết phòng không nước này đã bắn hạ hơn 30 tên lửa trong số các tên lửa nêu trên của Nga. (AFP/Reuters)
* Đức cảnh báo sự suy giảm ủng hộ Ukraine: Phát biểu ngày 9/3, Phó Chủ tịch Quốc hội nước này Katrin Göring-Eckardt cho rằng các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng lặp đi lặp lại của Nga có thể khiến người Đức dần mệt mỏi và suy giảm ủng hộ Ukraine. Theo bà, nếu Kiev không còn khả năng tự vệ, đây sẽ là một “vấn đề lớn” với an ninh của châu Âu và Berlin cần phải tiếp tục ủng hộ nước này hơn.
Trong khi đó, chính trị gia phụ trách đối ngoại của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Norbert Röttgen cho rằng việc Ukraine thiếu đạn dược là thất bại của các đối tác của nước này. Theo ông, họ “có thể thấy trước điều đó” nhưng lại “không phản ứng gì”. Chính trị gia này kêu gọi cần cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách tăng cường tất cả các nguồn cung cấp vũ khí cho Kiev. (Reuters)
* Ukraine sẽ không dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga: Trả lời phỏng vấn CNN (Mỹ) ngày 9/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi không quan tâm đến lãnh thổ của Nga”. Ông cũng nhận định: “Tôi nghĩ hiện nay chúng tôi không có bất kỳ cơ sở nào để đối thoại với Tổng thống Nga (Vladimir Putin). Chúng tôi không có lòng tin vào người này, ông ta không giữ lời hứa”. Đồng thời, nhà lãnh đạo này cảnh báo xung đột tiếp diễn có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng giải pháp ngoại giao chỉ khả thi nếu Nga rút quân. (Sputnik)
* Ba Lan gửi thêm Leopard tới Ukraine; Thụy Sĩ, Slovakia sẽ theo chân? Ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo nước này đã bàn giao cho Ukraine thêm 10 xe tăng Leopard 2A4 như đã cam kết, trong khi các đồng minh khác sẽ cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev trong thời gian ngắn. Quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi đang nói về một tiểu đoàn xe tăng hạng nặng, trong đó Ba Lan đã cung cấp phần đóng góp của mình, còn đối với trường hợp của các đồng minh khác, họ sẽ sớm chuyển giao khí tài này cho Ukraine”.
Trước đó một ngày, với số phiếu ủng hộ sít sao 98 phiếu thuận, 96 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Hạ viện Thụy Sĩ đã thông qua quyết định cho phép chuyển giao vũ khí nước này sản xuất sang Ukraine, nhưng với điều kiện nghiêm ngặt. Theo đó, chính phủ có thể dỡ bỏ điều khoản cấm các quốc gia tái xuất vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất cho lực lượng Ukraine, nhưng chỉ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tuyên bố hành vi của Nga tại Ukraine là bất hợp pháp. Dù vậy, kịch bản này rất khó xảy ra khi Nga vẫn nắm quyền phủ quyết trong nhóm này.
Đồng thời, quyết định trên của Hạ viện vẫn cần được Hội đồng Các bang (Thượng viện) thông qua. Sau đó, nước này có thể phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý căn cứ theo hệ thống dân chủ trực tiếp, và tiến trình này sẽ mất nhiều tháng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho rằng sớm quyết định việc triển khai máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine. Viết trên Facebook, ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đã đến lúc đưa ra quyết định. Người dân thiệt mạng ở Ukraine, chúng tôi thực sự có thể giúp họ, không có chỗ để nói chuyện chính trị ở đây”. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cũng cho biết trong hội nghị EU ngày 8/3, ông đã đối thoại với người đồng cấp Ba Lan và Warsaw thông báo sẽ nhất trí về tiến độ chung nhằm chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine. (Reuters/AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Nga hành động ồ ạt; Còi báo không kích réo khắp cả nước, thủ đô Kiev bị cắt điện khẩn cấp |
Mỹ-Trung
* Trung Quốc phản bác cáo buộc của Mỹ liên quan chuỗi cung ứng: Trả lời họp báo thường kỳ ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định nước này không có ý định thách thức, đe dọa hay làm suy yếu Mỹ hoặc các nước khác, mà sự phát triển của Trung Quốc là giúp người dân sống cuộc đời hạnh phúc. Bà cho hay: “Chúng tôi nghĩ rằng Mỹ, với tư cách là siêu cường quân sự duy nhất và là quốc gia được trang bị vũ khí tận răng, nên suy ngẫm về những gì họ có thể và nên làm trước khi chỉ trích các quốc gia khác”. Quan chức ngoại giao này cũng tuyên bố “Mỹ cần thỏa hiệp với Trung Quốc” để bình thường hóa quan hệ, vì sự tốt đẹp hơn cho cả hai nước và toàn thế giới.
Trước đó, Mỹ đã công bố báo cáo cho rằng Trung Quốc lợi dụng thế thống trị chuỗi cung ứng để buộc doanh nghiệp nước ngoài và các nước phải chuyển giao công nghệ cùng quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản đối, xem đây là “sự vu khống” và “nhầm lẫn trắng đen”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Lo lắng về TikTok, Nhà Trắng hành động, thúc đẩy Quốc hội Mỹ 'xuống tay' |
Đông Nam Á
* Cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin bị bắt giữ: Ngày 9/3, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) thông báo đã bắt giữ cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin vào 13h cùng ngày. Trước đó, ông đã bị triệu tập tới trụ sở cơ quan nêu trên do cáo buộc lợi dụng chương trình Jana Wibawa, sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn chống dịch Covid-19 khi ông là thủ tướng thứ tám của Malaysia. Theo MACC, Văn phòng Tổng chưởng lý nước này đã đồng ý cho phép cơ quan này buộc tội ông Muhyiddin tại Tòa án Kuala Lumpur ngày 10/3.
Thông báo nêu rõ, ông Muhyiddin, hiện đang là Chủ tịch đảng Đoàn kết dân tộc Mã Lai bản địa (Bersatu), sẽ phải đối mặt với cáo buộc theo Mục 23 của Đạo luật MACC 2009 và Mục 4(1)(b) của Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2001. Người bị kết án theo Mục 23 của Đạo luật MACC có thể bị phạt tới 20 năm tù và phạt tiền không dưới năm lần giá trị hối lộ hoặc khoản tiền 10.000 RM (2.210 USD) tùy theo mức nào cao hơn. Trong khi đó, mức phạt dành cho tội danh rửa tiền được định khung theo Mục 4(1)(a) của Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố tối đa là 5 triệu RM (hơn 1,1 triệu USD) hoặc phạt tù lên đến 5 năm hoặc cả hai trong trường hợp bị kết án.
Ông Muhyiddin là lãnh đạo Bersatu mới nhất bị bắt vì Jana Wibawa. Trong tháng Hai, hai lãnh đạo khác của đảng này là ông Wan Saiful Wan Jan, nghị sĩ khu vực Tasek Gelugor , trưởng bộ phận truyền thông của Bersatu, cùng ông Adam Radlan Adam Muhammad, Phó Chủ tịch đảng bộ Segambut của Bersatu, đã bị buộc tội về hành vi đưa và nhận hối lộ trong dự án liên quan đến Jana Wibawa. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines-Malaysia khẳng định cần duy trì hòa bình ở Biển Đông, nêu rõ lập trường trong khuôn khổ ASEAN |
Nam Á
* Ấn Độ nêu quan điểm về tình hình ở Afghanistan: Ngày 9/3, trong cuộc họp của HĐBA LHQ về Afghanistan, bà Ruchira Kamboj, đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ, kêu gọi Afghanistan hành động chống buôn bán ma túy. Bà Kamboj cũng nhấn mạnh rằng tình hình nhân đạo của Afghanistan hiện này là “vô cùng đau buồn”, đồng thời cho biết Ấn Độ đã gửi một số chuyến hàng hỗ trợ nhân đạo tới Afghanistan gồm 40.000 tấn lúa mì, 65 tấn viện trợ y tế và 28 tấn vật liệu cứu trợ khác. Theo bà, New Delhi cũng đã gửi 5.000 đơn vị văn phòng phẩm và quần áo mùa đông cho học sinh tiểu học của Trường Habiba ở Kabul.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Ấn Độ còn bày tỏ lo ngại về một số động thái rõ ràng nhằm loại trừ phụ nữ khỏi cuộc sống công cộng ở Afghanistan. New Delhi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ cùng người thiểu số vào kế hoạch tương lai của Taliban và bảo đảm các quyền của họ được tôn trọng đầy đủ. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Afghanistan: Taliban đòi tiền Mỹ, tìm đến các công ty Nga, Iran bàn chuyện hợp tác |
Đông Bắc Á
* Đảo Đài Loan cho phép nối lại nhiều chuyến bay thẳng tới Trung Quốc: Ngày 9/3, các quan chức Đài Loan (Trung Quốc) thông báo sẽ cho phép nối lại nhiều chuyến bay thẳng hơn tới Trung Quốc đại lục, vốn bị tạm dừng do đại dịch Covid-19. Theo Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan, thêm 10 thành phố sẽ được phép nối lại các chuyến bay thường xuyên, bao gồm Thâm Quyến, Quảng Châu và Nam Kinh. Các chuyến bay thuê bao có thể bay tới 13 thành phố khác.
Người phát ngôn Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan Chang Chih-hung nhấn mạnh ban đầu Bắc Kinh đã đề xuất 26 thành phố, song phía Đài Bắc vẫn đang cân nhắc thêm. Việc lựa chọn 10 thành phố trên cũng dựa vào thực tế số lượng doanh nhân của vùng lãnh thổ này. Quan chức của đảo Đài Loan cũng nhấn mạnh việc nối lại các đường bay thẳng đã “thể hiện thiện chí chân thành nhất”.
Sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, hiện Đài Loan (Trung Quốc) mới chỉ cho phép chuyến bay thẳng tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Hạ Môn. Tuy nhiên, Trung Quốc thúc giục Đài Loan sớm nối lại các chuyến bay, và cảnh báo vùng lãnh thổ này chớ nên lợi dụng đại dịch để làm cái cớ trì hoãn thêm. (Reuters)
* Triều Tiên phóng tên lửa trước thềm tập trận chung Mỹ - Hàn: Chiều 9/3, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đã phát hiện vụ phóng từ thành phố cảng Nampo, miền Tây Triều Tiên vào lúc 18h20. Hiện chưa có thông tin chi tiết. Trong thông cáo báo chí, JCS nêu rõ trong khi tăng cường theo dõi, quân đội Hàn Quốc sẽ sẵn sàng ứng phó cùng sự phối hợp của Mỹ. Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành tập trận Lá chắn Tự do (Freedom Shield) ngày 13-23/3. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành song song với diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh (Warrior Shield). (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Eswatini thăm Đài Loan (Trung Quốc) |
Châu Âu
* EU hoan nghênh Gruzia hủy bỏ dự luật về các thực thể nước ngoài: Ngày 9/3, viết trên Twitter, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Gruzia nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh thông báo của đảng cầm quyền Gruzia rút lại dự thảo luật về ‘ảnh hưởng nước ngoài’. Chúng tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị Gruzia tiếp tục các cải cách thân EU một cách toàn diện và mang tính xây dựng, phù hợp với 12 ưu tiên để Gruzia có tư cách ứng cử viên gia nhập EU”.
Trước đó, đảng cầm quyền Gruzia đã đề xuất một dư luật về yêu cầu bất kỳ tổ chức nào nhận hơn 20% vốn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký là “thực thể nước ngoài”. Ngày 8/3, phe đối lập đã tổ chức một cuộc tuần hành quy mô lớn ở thủ đô Tbilisi, ra điều kiện cho chính phủ trong vòng một tiếng đồng hồ phải rút lại dự luật này và trả tự do cho những người tuần hành bị bắt giữ. Một ngày sau, đảng cầm quyền của Gruzia thông báo đã hủy bỏ dự luật tranh cãi này. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Vấn đề gia nhập EU: Quan chức EU nói ‘quả bóng hiện đang nằm ở phía tòa án Gruzia’ |
Trung Đông-Châu Phi
* Nga, Saudi Arabia nhất trí tăng cường phối hợp trong OPEC+: Ngày 9/3, phát biểu trong họp báo chung với người đồng cấp Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi tái khẳng định sự sẵn sàng của cả hai bên nhằm tiếp tục phối hợp hành động trong khuôn khổ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Tất cả các quốc gia tham gia tổ chức này thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm đảm bảo sự cân bằng và ổn định hợp lý trong thị trường năng lượng toàn cầu”.
Ông nhấn mạnh Moscow và Riyadh khẳng định việc thực hiện nhất quán các cam kết trong OPEC+. Theo nhà ngoại giao này, Saudi Arabia và các nước khác đã tạo điều kiện cho việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine. (Sputnik/Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Israel: Ngày 9/3, một phóng viên tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết máy bay của ông đã hạ cánh xuống Sân bay Ben Gurion Dự kiến, ông Austin sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel tại một địa điểm gần đó. Trước đó, chuyến thăm của ông Austin từng phải dời lại do làn sóng phản đối gia tăng liên quan kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ sở tại. (Reuters)
| Tình hình Ukraine: NATO cảnh báo ngày Bakhmut 'thất thủ'; tốc độ 'đốt đạn' khủng khiếp, Kiev hối thúc EU ra tay Ngày 8/3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo, thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine ... |
| Ukraine trần tình về thông tin mới quanh vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc Ngày 8/3, Ukraine khẳng định, nước này không có bất cứ liên quan gì với vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc ... |
| Cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn, Philippines giải thích thế nào? Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã giải thích về quyết định của nước này cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn ... |
| Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ vẫn không đủ ‘phương thuốc’ cho toàn cầu Giữa ma trận khó khăn của nền kinh tế thế giới, người ta đã từng kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của Trung Quốc, ... |
| Căng thẳng Israel-Palestine: Ngọn lửa âm ỉ Những tuần qua, tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine do Israel kiểm soát đang nóng nhất nhiều năm trở lại đây, với những ... |