Dự luật 'siêu bom tấn' của Mỹ thổi bùng căng thẳng giữa cường quốc thế giới này với gã khổng lồ công nghệ châu Á Trung Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: America daily) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ-Trung Quốc: 'Bom tấn' khiến Trung Quốc nổi giận, nói Mỹ chơi trò tâm lý chiến
Ngày 8/6, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một gói dự luậtnhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này với Trung Quốc trên mọi mặt trận, cả công nghệ, thương mại, thậm chí ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức hối thúc Mỹ chấm dứt việc xúc tiến dự luật trên, cũng như ngừng đề cập Trung Quốc là một mối đe dọa, cho rằng Washington không nên cư xử với Bắc Kinh như một kẻ thù tưởng tượng.
Bộ này nói rằng, kẻ thù lớn nhất của Mỹ chính là nước này, đồng thời hối thúc Washington có thái độ đúng đắn, tránh gây tổn hại tới toàn bộ quan hệ Mỹ-Trung và hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng
Trước đó, Quốc hội Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối và phẫn nộ với dự luật trên, cho rằng, nó thể hiện tâm lý chiến, bôi nhọ các chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh, đồng thời can thiệp các vấn đề nội bộ nước này. (Reuters)
Ukraine-Trung Quốc: Kiev sẵn sàng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Bắc Kinh
Ngày 8/6, trong thư chúc mừng gửi tới diễn đàn cấp cao Ukraine-Trung Quốc được tổ chức tại thủ đô Kiev, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nêu rõ, quốc gia Đông Âu này sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc lên một tầm cao mới.
Trong bức thư trên, Thủ tướng Shmyhal đã đánh giá cao những thành tựu to lớn của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây và chỉ ra rằng, Bắc Kinh là bạn tốt và đối tác chiến lược của Ukraine. (THX)
Ukraine tổ chức tập trận gần khu vực biên giới với Crimea
Trên mạng xã hội Facebook, Bộ chỉ huy liên hợp các Lực lượng vũ trang Ukraine ra thông cáo báo chí cho biết, quân đội nước này đã tiến hành tập trận tại một bãi tập gần biên giới với vùng lãnh thổ Crimea.
Các binh sĩ đã thực hiện các bài huấn luyện về cài đặt mìn chống tăng và ngụy trang các đường ranh giới, trong đó lực lượng đặc công đã sử dụng máy bay thả mìn để cài mìn chống tăng trên đất liền hoặc sâu dưới lòng đất. (Sputnik)
Nga-Mỹ: Nga chờ Mỹ phản ứng về đề xuất an ninh mạng
Ngày 9/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, nước này hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiết lộ phản ứng với đề xuất của Moscow về an ninh mạng trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới ở Geneva, Thụy Sỹ.
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng khẳng định, đối thoại an ninh mạng Nga-Mỹ bị đóng băng không phải là lỗi của Moscow. (Sputnik)
Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ nói dự án đã đi quá xa để có thể ngăn chặn
Ngày 8/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bảo vệ quyết định miễn trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG phụ trách dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và Giám đốc điều hành của công ty này.
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, dự án đường ống dẫn dầu này đang được triển khai ở giai đoạn "quá xa" để Washington có thể ngăn chặn và chính quyền hiện nay có cơ hội để làm điều gì đó tích cực hơn so với chính quyền tiền nhiệm.
Ngoại trưởng Blinken cho hay, Mỹ đang hợp tác với Đức nhằm giảm thiểu mọi tác động của việc hoàn tất dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Reuters)
Bộ tứ-Trung Quốc: Trung Quốc nổi nóng vì tuyên bố của hai thành viên Bộ tứ
Ngày 9/6, các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước Nhật Bản và Australia đã tham gia đối thoại 2+2 theo hình thức trực tuyến.
Sau cuộc đối thoại, hai bên nhất trí hối thúc một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan tới Đài Loan cũng như bày tỏ về tình hình Tân Cương, Hong Kong của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc động thái của hai nước thành viên nhóm Bộ tứ (Quad) trên.
Liên quan Bộ tứ, ngày 8/6, Điều phối viên về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden Kurt Campbell cho biết, Mỹ có kế hoạchtổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm dưới hình thức gặp mặt trực tiếp ở Washington vào mùa Thu tới. (Kyodo)
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU tập trung vào 4 lĩnh vực chính
Ngày 9/6, phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha Ana Paula Zacarias cho biết, Hội nghị Thượng thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ sắp tới được cho là sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực, trong đó có đại dịch Covid-19 và năng lượng xanh, đồng thời hứa hẹn trở thành một cột mốc mới trong việc củng cố hợp tác.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, EU hy vọng Hội nghị Thượng định này, dự kiến diễn ra vào ngày 15/6, sẽ giúp kết thúc nhanh chóng tranh chấp thương mại song phương và thúc đẩy liên minh xuyên Đại Tây Dương giải quyết những thách thức thương mại toàn cầu.
Theo dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho Hội nghị trên, các nhà lãnh đạo của EU và Mỹ sẽ cam kết dỡ bỏ thuế thép trước ngày 1/12/2021 và tránh bất kỳ tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương nào nữa. (Sputnik, Reuters, AFP)
Tình hình Belarus: Tổng thống Czech ủng hộ phe đối lập Belarus
Ngày 8/6, Tổng thống Czech Milos Zeman, nhân vật có lập trường thân Nga, đã lên tiếng ủng hộ cá nhân với lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya trong cuộc đấu tranh với Tổng thống Alexander Lukashenko.
Liên quan tình hình ở Bedlarus, cùng ngày, Tổng thống Lukashenko đã ký ban hành luật biểu tình cứng rắn hơn, trong bối cảnh diễn ra cuộc truy quét hợp pháp chưa từng có đối với những người chỉ trích chính phủ và xã hội dân sự ở Belarus sau nhiều cuộc biểu tình lớn hậu bầu cử do phe đối lập của bà Tikhanovskaya phát động.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn lệnh trừng phạt Belarus thêm 1 năm, kéo dài đến ngày 16/6/2026. (AFP, Sputnik)
Mỹ-Cuba: Mỹ tiếp tục điều tra các vụ tấn công liên quan tới 'hội chứng Havana'
Ngày 8/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo tiến hành một cuộc đánh giá với quy mô toàn chính phủ để điều tra thủ phạm và nguyên nhân gây ra các vụ tấn công bằng sóng âm nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba.
Các vụ tấn công này gây ra các bệnh thần kinh khác nhau được gọi là "hội chứng Havana".
Ngoại trưởng Blinken khẳng định, Hội đồng An ninh quốc gia đang dẫn đầu cuộc đánh giá trên, đồng thời cho biết, nếu Mỹ nghi ngờ một tổ chức thuộc nhà nước nào, bao gồm cả Nga hoặc các nước khác, có liên quan đến các vụ tấn công này, Washington sẽ đưa ra để xem xét. (Reuters)
Azerbaijan-Armenia: Azerbaijan tuyên bố bắt giữ quân nhân Armenia
Ngày 8/6, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo đã bắt giữ một quân nhân Armenia, được cho là thành viên một nhóm phá hoại xâm nhập lãnh thổ nước này ở Lachin, biên giới giữa hai nước, để đặt mìn.
Trang web của bộ trên cho biết, các thành viên khác trong nhóm xâm nhập đã rút khỏi lãnh thổ Azerbaijan. (Anadolu)
Tiêm kích Bulgaria mất tích trên Biển Đen, Mỹ đình chỉ tập trận
Sáng 9/6, chính phủ Bulgaria thông báo, một máy bay tiêm kích MiG-29 của nước này đã mất liên lạc vô tuyến và biến mất khỏi màn hình radar trong cuộc tập trận giữa nước này với Mỹ ở Biển Đen.
Hiện hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành liên quan máy bay này, trong khi Mỹ đã đình chỉ cuộc tập trận chung mang tên “Shabla 2021” giữa hai nước sau vụ việc.
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Bulgaria, cuộc tập trận "Shabla 21" khai mạc từ ngày 7/6 và dự kiến kết thúc vào ngày 11/6, với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân Bulgaria và Mỹ. (RFERL)