📞

Tin thế giới 9/9: Anh bắt đầu quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II, Nga cân nhắc cấp thị thực tại một phần Ukraine, Trung-Ấn rút quân ở Đông Ladakh

Minh Vương 20:08 | 09/09/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự lễ tang Nữ hoàng Anh, Thủ tướng Ba Lan thăm Ukraine, Mỹ-Indonesia tập trận… là tin thế giới nổi bật ngày 9/9.
Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình rút một phần lực lượng khỏi Đông Ladakh. (Nguồn: National Herald India)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế đáng chú ngày 9/9.

Anh

* Vương quốc Anh bắt đầu quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II: Ngày 9/9, chính phủ Anh đã công bố “tài liệu hướng dẫn quốc tang”, qua đó chính thức bắt đầu thời gian quốc tang tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tài liệu trên hướng dẫn về cách treo cờ rủ, thông tin đi lại, hoạt động kinh doanh và dịch vụ công cộng khác. Thời gian quốc tang sẽ kéo dài tới cuối ngày diễn ra lễ tang cấp nhà nước.

Đồng thời, chính quyền Anh khẳng định không bắt buộc phải hủy hoặc hoãn các sự kiện hay lịch thi đấu thể thao, hay đóng cửa các khu giải trí trong thời gian quốc tang. Quyết định cuối cùng sẽ do các doanh nghiệp, nhà tổ chức lựa chọn. (Reuters)

* Tổng thống Nga sẽ không dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II: Ngày 9/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch tham dự lễ tang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Trả lời họp báo hàng ngày, ông Peskov nhấn mạnh dù người Nga “dành sự tôn trọng lớn lao” cho Nữ hoàng Elizabeth II vì “sự uyên bác và uy quyền của bà”, song ông Putin sẽ “không cân nhắc” tới dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, một người có ý thức trách nhiệm “cao cả” và nhân tố quan trọng thúc đẩy hòa giải quan hệ Anh-Đức sau Thế chiến II. (AFP/Reuters)

Nga-Ukraine

* Nga để cập khả năng cấp thị thực cho người dân Ukraine: Ngày 9/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết nước này đang cân nhắc ban hành chính sách thị thực với Ukraine, song cho tới nay chưa có quyết định nào được đưa ra.

Ông cho biết Nga “không muốn gây khó khăn cho cuộc sống của người dân Ukraine - những người muốn rời khỏi đất nước hoặc rời khỏi khu vực chiến sự để tới Nga”. Theo ông, quá trình xin thị thực với họ sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Moscow không có đại sứ quán tại Kiev.

Ngoài ra, ông Rudenko cho hay hiện chưa có kế hoạch xúc tiến cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia. (Sputnik)

* Mỹ: Thành công của Ukraine tại Kherson, Kharkov “đáng khích lệ”: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 9/9 nhận định, các lực lượng vũ trang Ukraine đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch quân sự ở khu vực Kharkov và Kherson.

Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Czech Jana Cernochova tại Prague (Czech), ông Austin bày tỏ: “Chúng ta đang chứng kiến thành công ở Kherson và Kharkov, thành quả này rất đáng khích lệ”.

Trước đó, một tướng Ukraine tuyên bố nước này đã tái chiếm hơn 700 km2 lãnh thổ tại Kharkov và miền Nam. Theo vị tướng nêu trên, lực lượng Ukraine đã tiến xa 50 km khỏi phòng tuyến của Nga và giành lại hơn 20 ngôi làng. (Interfax/Reuters)

* Thủ tướng Ba Lan thăm Ukraine: Ngày 9/9, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Polsat (Ba Lan), người phát ngôn Ba Lan Piotr Muller thông báo, Thủ tướng nước này Mateusz Morawiecki đang trên đường tới Kiev và “sẽ có một loạt cuộc gặp. Những chủ đề quan trọng mà chúng tôi sẽ thảo luận liên quan đến tình hình địa chính trị, cũng như thị trường năng lượng, an ninh năng lượng và quân sự”.

Warsaw nhấn mạnh chuyến thăm Kiev của ông Morawiecki, tương tự các chuyến thăm trước đây của các quan chức Ba Lan đến Ukraine, luôn phát đi “tín hiệu chính trị tới Điện Kremlin, và tín hiệu này cũng sẽ được gửi đi trong hôm nay”. (Sputnik)

Châu Âu

* Mỹ kêu gọi châu Âu độc lập khỏi năng lượng Nga: Ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố xung đột tại Ukraine trao cho châu Âu cơ hội chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Phát biểu khi trên đường đến Brussels để họp cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, ông nêu rõ: Việc Nga chấm dứt hoạt động của Dòng chảy phương Bắc là bằng chứng cho thấy việc đưa châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga mang tính chiến lược quan trọng, bởi (Tổng thống Nga Vladimir) Putin đã chứng tỏ ông ta sẽ sử dụng nó (năng lượng) làm vũ khí và sẽ không lập tức dừng lại”. (AFP)

* Nga cảnh báo hậu quả nếu phương Tây áp giá trần năng lượng: Ngày 9/9, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nhận định kế hoạch của phương Tây nhằm áp giá trần đối với mặt hàng dầu mỏ và khí đốt từ Nga sẽ thất bại, và giá cả sẽ tăng vọt vượt xa mức giá trần mà họ tự đặt ra.

Trên Telegram, ông Volodin viết: “Cái mà quan chức các quốc gia thành viên G7 gọi là giá ‘trần’ sẽ trở thành giá sàn. Thị trường toàn cầu không giới hạn ở 7 quốc gia đó. Mức giá cận biên do phương Tây công bố sẽ trở thành ngưỡng thấp hơn”.

Ông Volodin cho rằng các nước liên quan đều nhận ra sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời khẳng định những nỗ lực thay thế dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga đã thất bại và họ không thể mua nhiên liệu từ Nga với “giá rẻ hơn mức giá thông thường”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/9 đã đe dọa cắt đứt nguồn cung năng lượng nếu phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. (Reuters)

Đông Nam Á

* Quân đội Indonesia, Mỹ diễn tập chung: Ngày 9/9, Quân đội quốc gia Indonesia (TNI) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) đã tổ chức cuộc diễn tập chung mang tên Gema Bhakti 2022 tại Kuningan, Jakarta.

Mục đích của Gema Bhakti là thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa TNI và USINDOPACOM, đặc biệt trong lập kế hoạch chiến dịch nhằm ứng phó với các khủng hoảng khu vực, cũng như tăng cường khả năng tương tác và chuyên nghiệp.

Cuộc diễn tập chung lần thứ 10 này diễn ra từ ngày 9-16/9, với sự tham gia của 110 sĩ quan của TNI và USINDOPACOM. (Reuters)

Nam Á

* Trung Quốc và Ấn Độ đồng loạt rút quân khỏi Đông Ladakh: Ngày 9/9, quân đội Trung Quốc xác nhận binh lính nước này và Ấn Độ đã bắt đầu tiến trình rút khỏi Điểm tuần tra 15 (PP-15) ở khu vực Gogra-Hotsprings thuộc Đông Ladakh một cách “đồng bộ và có kế hoạch”. Động thái này đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hơn 2 năm qua ở Đông Ladakh.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo nêu rõ: “Ngày 8/9/2022, theo đồng thuận đạt được tại Vòng 16 đàm phán cấp Tư lệnh quân đoàn Trung Quốc - Ấn Độ, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Jianan Daban đã bắt đầu rút quân một cách đồng bộ và có kế hoạch. Phía Trung Quốc nhấn mạnh đây là hoạt động có lợi cho hòa bình và yên ổn ở các khu vực biên giới.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo tiến trình rút quân của hai nước dọc khu vực biên giới tranh chấp trên sẽ được hoàn tất muộn nhất vào ngày 12/9 tới.

Theo hãng tin PTI (Ấn Độ), các nguồn tin chính thức cho biết rằng hoạt động rút quân khỏi PP-15 bắt đầu diễn ra vào sáng 8/9 (theo giờ địa phương) và các chỉ huy địa phương của cả hai bên đang tìm kiếm phương thức cho những biện pháp tiếp theo.

Động thái trên diễn ra một tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan. Dự kiến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia sự kiện này. (PTI)