📞

Tin thế giới 9/9: Nga đánh giá thế nào về khủng bố? Thế giới lo ngại tình hình Afghanistan; Động thái lần đầu tiên xuất hiện ở Triều Tiên

Quang Đào 19:36 | 09/09/2021
Nga đánh giá về chủ nghĩa khủng bố; tình hình Afghanistan; Triều Tiên lần đầu tổ chức duyệt binh không có tên lửa... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Triều Tiên đã tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm quốc khánh vào nửa đêm 8/9, rạng sáng ngày 9/9.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tình hình Afghanistan

Nga không vội công nhận Taliban

Ngày 9/9, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga không vội công nhận chính phủ Afghanistan do phong trào Taliban bổ nhiệm. Nga hiện vẫn coi Taliban là phong trào khủng bố.

"Nga không vội vàng công nhận điều đó. Cũng giống như phần lớn các quốc gia trên thế giới, chúng tôi muốn theo dõi chặt chẽ các bước mà chính quyền mới sẽ thực hiện... Các bước cụ thể sau đó sẽ là quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ”, ông Peskov nói. (TASS)

Taliban cấm mọi hình thức biểu tình không phép

Ngày 8/9, Taliban ra thông báo cấm tổ chức mọi hoạt động biểu tình ở thủ đô Kabul và các tỉnh khác ở Afghanistan nếu không được chính quyền mới của nước này cho phép.

Theo thông báo của Taliban, không ai được xuống đường biểu tình mà không được phép của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ nước này. Những người tham gia hoạt động biểu tình không phép sẽ phải "gánh chịu hậu quả".

Chính quyền Taliban ở Afghanistan đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi các lực lượng của Taliban đã phải nổ súng chỉ thiên để giải tán hàng chục người đang biểu tình ở Kabul phản đối sự can dự của Pakistan vào các vấn đề của Afghanistan.

Trước đó, ngày 6/9, người phát ngôn của lực lượng Taliban, Zabihullah Mujahid đã kêu gọi người dân không tổ chức các cuộc biểu tình. (Reuters)

Lực lượng kháng chiến Afghanistan sẽ tuyên bố chính phủ song song với Taliban

Một ngày sau khi Taliban công bố nội các mới của mình, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) cho biết sẽ tuyên bố chính phủ song song sau khi tham khảo ý kiến của các chính trị gia.

Lực lượng kháng chiến cho biết, chế độ chính phủ bất hợp pháp của Taliban là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thù địch của nhóm này với người dân Afghanistan và là mối đe dọa đối với sự ổn định, an ninh của Afghanistan, khu vực và thế giới.

Lực lượng kháng chiến cũng kêu gọi một số cơ quan như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc… không hợp tác với Taliban. (Khaama)

Thế giới lo ngại phong trào khủng bố sẽ khôi phục tại Afghanistan

Ngày 9/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo al-Qaeda có thể dùng Afghanistan làm nơi để khôi phục tổ chức này sau khi Mỹ rút quân.

“Chúng tôi vẫn đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra, và liệu al-Qaeda có khả năng khôi phục ở Afghanistan hay không. Theo tôi, bản chất của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là luôn cố gắng tìm kiếm không gian để phát triển và khôi phục, dù ở Afghanistan, Somalia hay bất kỳ nơi nào khác", ông Austin cho biết.

Trong khi đó, ngày 8/9, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã có cuộc gặp tại New Delhi.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, tại cuộc gặp, cả Ấn Độ và Nga đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến ở Afghanistan.

“Đã có sự thống nhất quan điểm giữa 2 bên về sự hiện diện của các nhóm khủng bố quốc tế ở Afghanistan và mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố đối với Trung Á và Ấn Độ”, quan chức này cho biết.

Ấn Độ lo ngại rằng các nhóm chiến binh hoạt động từ Pakistan cũng có thể sử dụng lãnh thổ Afghanistan để dàn dựng các cuộc tấn công. Còn Nga lo ngại bất ổn ở Afghanistan có thể tràn sang Trung Á.

Cùng ngày, Trung Quốc cùng các nước láng giềng bị chiến tranh tàn phá như Pakistan, Iran, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan đã tổ chức một cuộc thảo luận.

Tại sự kiện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với tất cả các nhóm khủng bố và cho biết Trung Quốc sẽ làm việc với các nước trong khu vực để theo dõi, truy quét các nhóm khủng bố “đã phân tán và xâm nhập vào các nước láng giềng của Afghanistan”. (AP/AFP/THX)

Nga đánh giá mối đe dọa khủng bố đã thay đổi kể từ sau sự kiện 11/9

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov ngày 9/9 nhận định, kể từ ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9 cách đây 20 năm, mối đe dọa khủng bố đã thay đổi đáng kể, xuất hiện những thách thức mới không thể coi thường được đối với các nước trên thế giới.

Cụ thể, ông Syromolotov lưu ý các tổ chức khủng bố đã ra sức tuyển mộ thành viên trong các nhà tù, sử dụng các công nghệ hiện đại để truyền bá các tư tưởng cực đoan, nhận được những nguồn tài chính mới. Ngoài ra các tổ chức khủng bố cũng có thể sử dụng máy bay không người lái để tiến hành các cuộc tấn công.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh thế giới đã có những hợp tác về chống khủng bố theo song phương và tại các diễn đàn quốc tế, trong đó Moscow luôn thể hiện vai trò tích cực. (TASS)

Tổng thống Putintruy tặng Đại tướng Zinichev danh hiệu Anh hùng nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga cho Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Yevgeny Zinichev, Điện Kremlin cho biết.

Trong thông điệp đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Putin mô tả Bộ trưởng Zinichev là một “người bạn đáng tin cậy và trung thành” và là “chuyên gia có cấp bậc cao nhất”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Yevgeny Zinichev, đồng thời cho biết ông đã nhiều lần làm việc với Tướng Zinichev.

“Ông ấy đã cống hiến hết sức mình để cải thiện công việc của Bộ và giữ gìn những truyền thống vẻ vang của Bộ Tình trạng khẩn cấp”, ông Lavrov nói. (Sputnik)

Ukraine định hợp pháp hóa Bitcoin?

Quốc hội Ukraine đã thông qua luật hợp pháp hóa và điều chỉnh tiền điện tử. Dự luật về tiền điện tử đã được khởi động vào năm 2020 và hiện đang được chuyển đến bàn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Dự luật mới đưa ra các biện pháp bảo vệ nhất định chống lại gian lận đối với những người sở hữu Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, và đây cũng là lần đầu tiên tại Quốc hội của Ukraine, các nhà lập pháp bắt tay vào việc xác định thuật ngữ cốt lõi trong thế giới tiền điện tử.

Nếu có chữ ký của tổng thống, tài sản tiền điện tử, ví kỹ thuật số và khóa riêng tư là những điều khoản sẽ được đưa vào trong luật pháp Ukraine.

Theo Kyiv Post, các nhà chức trách vẫn có xu hướng phản đối khi nói đến tiền điện tử và coi đó là "lừa đảo", đánh giá các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử "thường tịch thu thiết bị đắt tiền mà không có bất kỳ căn cứ nào”.

Nhà Trắng đề nghị một số quan chức thời cựu Tổng thống Trump từ chức

Ngày 8/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị 11 quan chức được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào hội đồng cố vấn các học viện quân sự cân nhắc đệ đơn từ chức, nếu không họ sẽ bị sa thải.

Theo đó, cựu Tổng thống Trump đã bổ nhiệm những quan chức này vào hội đồng cố vấn tại Học viện Hải quân, Học viện Không quân và Học viện Quân sự West Point. Trong nhóm này có các nhân vật như cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống-bà Kellyanne Conway và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Mục tiêu của Tổng thống Biden chính là mục tiêu của mọi tổng thống - đảm bảo có ứng viên và những người phục vụ trong các hội đồng này đủ điều kiện cũng như phù hợp với các giá trị”. (CNN)

Triều Tiên lần đầu duyệt binh không có tên lửa

Triều Tiên đã tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm quốc khánh vào nửa đêm 8/9, rạng sáng 9/9. Hàng chục nghìn người đã tập trung tại quảng trường Kim Nhật Thành để tham dự lễ kỷ niệm.

Lễ duyệt binh năm nay có rất nhiều điểm khác biệt. Người ta không thấy sự xuất hiện của các loại vũ khí hạng nặng như những lần duyệt binh trước đó. Bình Nhưỡng thường sử dụng sự kiện này để phô diễn khí tài quân sự mới.

Loại vũ khí lớn nhất trong lễ duyệt binh là hệ thống rocket được kéo bằng máy kéo.

Những chiếc xe cứu hỏa đã lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh. Một số nhà phân tích cho rằng sự xuất hiện của chúng báo hiệu những thay đổi trong chính sách của Triều Tiên, theo hướng ôn hòa hơn. (KCNA)

Nguy cơ chính quyền Bắc Ireland sụp đổ do bất đồng về Brexit

Ngày 9/9, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng thân Anh lớn nhất của Bắc Ireland - đã đe dọa rút khỏi chính phủ chia sẻ quyền lực của vùng lãnh thổ này, trừ khi có những thay đổi lớn trong thời gian tới liên quan các điều khoản trong thỏa thuận Brexit giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU).

Trong bài phát biểu tại Belfast, lãnh đạo DUP Jeffrey Donaldson đã yêu cầu dỡ bỏ hầu hết các rào cản thương mại mới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh, đồng thời cam kết ngăn các biện pháp mới sẽ được thực hiện tại các cảng của vùng lãnh thổ này.

Ông nói: “Trong những tuần tới sẽ rõ liệu có cơ sở để Hội đồng lập pháp và cơ quan hành pháp (của Bắc Ireland) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hiện tại này hay không, hay liệu có cần phải tổ chức một cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp để làm mới sứ mệnh của chúng tôi hay không”. (Reuters)