📞

Tin thế giới ngày 10/8: Mỹ tăng quân sát biên giới Nga, lộ 'mê cung dưới lòng đất' sau vụ nổ ở Beirut. Trung Quốc chúc mừng ông Lukashenko tái đắc cử

Hoàng Hà 19:45 | 10/08/2020
TGVN. Mỹ đưa quân đến sát biên giới Nga, tình hình Belarus, vụ nổ ở Beirut, quan hệ Mỹ-Trung, vùng Vịnh, Địa Trung Hải... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Nga-Mỹ

Mỹ nói gì về việc việc đưa quân đến sát biên giới Nga?

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn của Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tái triển khai thêm binh sĩ ở phía đông, gần biên giới với Nga hơn”, đồng thời nói thêm, việc dịch chuyển này hợp logic vì biên giới đã dịch chuyển khi liên minh lớn mạnh hơn.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Washington sẽ giảm lực lượng tại Đức từ 36.000 xuống còn 24.000, trong đó, 6.400 lính sẽ quay trở lại Mỹ và 5.600 sẽ được tái triển khai sang các nước châu Âu khác.

Việc triển khai binh lính hướng về phía đông được giải thích là để "kiềm chế Nga" và bảo vệ các đồng minh của Mỹ.

Trước đó, Mỹ cũng lên kế hoạch gia tăng số lượng binh lính được triển khai thường trực tại Ba Lan, nơi được dự kiến sẽ là bàn đạp cho các nỗ lực quân sự của Mỹ và NATO nhằm vào Nga.

Hiện có hơn 4.000 lính Mỹ tại Ba Lan và dự kiến sẽ có thường trực ít nhất 5.500 quân. Theo tuyên bố của các quan chức Ba Lan và Mỹ, con số này có thể còn gia tăng trong tương lai gần.

Nhận xét về chiến lược của Lầu Năm Góc, trang Southfront cho rằng: "Nhiều khả năng các hoạt động này là nỗ lực châm ngòi xung đột ở Ukraine nhằm phá hoại các giải pháp hòa bình và gây bất ổn biên giới Nga trước cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2021. Leo thang xung đột ở Ukraine và việc Mỹ hậu thuẫn sẽ có khả năng dẫn Kiev đến việc một lần nữa sử dụng vũ lực ở miền Đông nằm loại bỏ các lực lượng ly khai". (RT)

Belarus

Tổng thống Lukashenko tái đắc cử, Nga, Trung Quốc lập tức chúc mừng

Ngày 10/8, Ủy ban Bầu cử Trung ương của Belarus trích dẫn các kết quả sơ bộ cho biết, Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko đã tái đắc cử với 80% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hôm 9/8.

Cũng theo Ủy ban trên, chính trị gia đối lập Svetlana Tikhanouskaya - cựu giáo viên tiếng Anh, nhân vật đã nổi lên là đối thủ chính của ông Lukashenko - chỉ giành được 9,9% số phiếu bầu.

Bà Tikhanouskaya tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử, đồng thời nhấn mạnh, bà tự cho mình là người thắng cử chứ không phải ông Lukashenko và cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống lần này đã bị gian lận nghiêm trọng.

Các trợ lý của bà Tikhanouskaya nói rằng, đảng đối lập muốn kiểm lại phiếu tại các điểm bỏ phiếu nghi có vấn đề và tổ chức thảo luận với chính quyền về cách thức mang lại sự chuyển giao quyền lực hòa bình.

Sau khi có kết quả sơ bộ, hãng tin nhà nước Belta đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng: “Thay mặt Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi tin chắc dưới sự lãnh đạo của Ngài, Belarus nhất định sẽ đạt được những thành công rực rỡ mới trong công cuộc xây dựng nhà nước”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi điện chúc mừng: "Tôi hy vọng các hoạt động nhà nước của Ngài sẽ đóng góp vào sự phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Belarus cùng có lợi trên mọi lĩnh vực, làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong khuôn khổ Liên minh quốc gia, xây dựng các tiến trình hội nhập thông qua Liên minh Kinh tế Á - Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập, cũng như quan hệ quân sự - chính trị trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Điều này chắc chắn đáp ứng lợi ích cơ bản của hai dân tộc anh em Nga và Belarus". (Reuters, Sputnik)

Nổ ở Beirut

Phát hiện dấu vết hầm ngầm tại tâm nổ cảng Beirut, Iran nói 'không nên chính trị hóa'

Theo Sky News Australia, các điều tra viên về vụ nổ khủng khiếp tại cảng Beirut hôm 4/8 đã phát hiện ra các dấu vết có thể là một loạt các hầm ngầm khi các công nhân đào bới đống đổ nát từ một silo (khu vực chứa ngũ cốc) ở cảng Beirut để tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Tờ Sputnik của Nga mô tả đây là "mê cung dưới lòng đất".

Các đội cứu hộ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với quân đội Lebanon hiện vẫn đang tìm kiếm những người sống sót.

Trong khi đó, kêu gọi các nước nên kiềm chế chính trị hóa vụ nổ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói: "Vụ nổ không nên bị lợi dụng như là một cái cớ vì mục đích chính trị... Nguyên nhân của vụ nổ nên được điều tra cẩn thận. Nếu Mỹ thực lòng muốn cung cấp các khoản viện trợ cho Lebanon. Họ nên dỡ bỏ trừng phạt".

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng khiến hơn 150 người tử vong và gần 6.000 người bị thương. (Sputnik, Reuters)

Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố trừng phạt một loạt quan chức của Mỹ

Ngày 10/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức của Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Bộ này cũng cho biết, Trung Quốc quyết định áp đặt trừng phạt đối với các quan chức của Mỹ gồm hai Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz và Marco Rubio cũng như nhiều chính trị gia khác của Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/8.

Trước đó, ngày 7/8, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng nhiều quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục khác. (Reuters)

Vùng Vịnh

Các nước vùng Vịnh muốn gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tập hợp 6 nước thành viên (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia) đã gửi thư kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) gia hạn lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Iran, sắp hết hạn vào ngày 18/10 tới, một động thái được Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong tuyên bố ngày 9/8, Văn phòng thư ký của GCC cho rằng, việc Iran tiếp tục can thiệp vào các quốc gia láng giềng khiến LHQ cần thiết phải gia hạn lệnh cấm.

Tuyên bố của Tổng thư ký GCC Nayef Falah Mubarak al-Hajraf nêu rõ: "Không hề thích hợp khi dỡ bỏ các hạn chế đối với nguồn cung vũ khí đến và đi từ Iran cho đến khi Iran từ bỏ các hoạt động gây bất ổn trong khu vực và ngừng cung cấp cho khủng bố và các tổ chức giáo phái có vũ trang".

Phản ứng lại động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã bác bỏ lời kêu gọi "phi thực tế" của GCC, cho rằng: "GCC hiện quá kém cỏi và những chính sách phi thực tế thể hiện rõ sự vô dụng của họ. Hội đồng này, bị ảnh hưởng bởi các chính sách sai lầm và phá hoại cũng như cách hành xử của một số nước thành viên, đã biến thành cái loa phóng thanh cho các bên chống Iran ở trong và ngoài khu vực". (Reuters)

Địa Trung Hải

Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu nghiên cứu đến Đông Địa Trung Hải, nguy cơ căng thẳng lại leo thang

Ngày 10/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều một tàu nghiên cứu đến Đông Địa Trung Hải, động thái có khả năng làm leo thang căng thẳng với nước láng giềng Hy Lạp.

Trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho hay, tàu nghiên cứu địa chấn Oruc Reis đã "tới điểm đến, nơi sẽ thực hiện các hoạt động... Nỗ lực của chúng tôi ở Địa Trung Hải và Biển Đen cho sự độc lập năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp tục, không bị gián đoạn".

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát thông điệp trên NAVTEX (hệ thống thông tin hàng hải quốc tế) tuyên bố tàu này sẽ thực hiện các hoạt động ở khu vực nêu trên trong khoảng thời gian từ ngày 10/8-23/8.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu Oruc Reis để tìm kiếm hydrocarbon ở khu vực ngoài khơi hòn đảo Meis (Hy Lạp gọi là Kastellorizo) đã chọc giận Athens.

Trước đó, ngày 9/8, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại hoạt động thăm dò dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải là "cực kỳ đáng lo ngại", sau khi Hy Lạp và Ai Cập thỏa thuận xác định vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực này.

Ông Borrell cho rằng, các tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, Brussels đã cam kết giúp giải quyết các tranh chấp và bất đồng như vậy trong lĩnh vực có lợi ích an ninh quan trọng này. (AFP)