Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chiến vận động tranh cử. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga dự báo Tổng thống Zelensky sắp mất chức: Phát biểu với báo giới ngày 1/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã đề cập về tính chính danh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Peskov viện dẫn quy định của Hiến pháp Ukraine khẳng định ngày 21/5 sẽ là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Zelensky.
Trước đó, hôm 28/3, khi được hỏi về khả năng Nga công nhận tính chính danh của ông Zelensky sau ngày 21/5, người phát ngôn Điện Kremlin úp mở: “Rất có thể chúng tôi (Nga) sẽ không phải công nhận gì cả”, ám chỉ khả năng chính trị gia Ukraine sẽ không tiếp tục tại vị.
Theo Hiến pháp Ukraine, bầu cử tổng thống lẽ ra phải được tổ chức vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 3. Song cuộc bầu cử năm nay đã không diễn ra vì tình hình xung đột. (Reuters)
Tin liên quan |
Bầu cử Mỹ 2024: Nỗ lực vượt mặt Tổng thống Biden, sự kiện của ông Trump sắp 'cháy vé', hé lộ các 'ông trùm' hậu thuẫn |
*Ukraine bác yêu cầu của Nga về giao nộp các cá nhân khủng bố: Cơ quan An ninh (SBU) của Ukraine ngày 31/3 bác bỏ yêu cầu "vô nghĩa" của Nga về việc giao nộp các cá nhân mà Moscow cáo buộc có liên quan đến khủng bố, đồng thời nhấn mạnh Nga đã "quên" rằng lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin chính là đối tượng của lệnh bắt giữ quốc tế.
SBU lưu ý: “Những tuyên bố về chủ nghĩa khủng bố nghe có vẻ đặc biệt đến từ chính quốc gia này… Vì vậy, bất kỳ lời nào từ Bộ Ngoại giao Nga đều vô nghĩa”. (AFP)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Mỹ-Nhật sắp đạt thỏa thuận quan trọng về quân sự: Nhật báo Nikkei ngày 1/4 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sắp đạt được thoả thuận về việc cho phép các tàu quân sự lớn của Mỹ được sửa chữa tại Nhật Bản.
Theo Nikkei, thỏa thuận trên sẽ tăng cường khả năng cơ động của các lực lượng Mỹ ở khu vực Đông Á. Tổng thống Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Kishida trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Mỹ vào ngày 10/4.
Trước đó, hồi tháng 1, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel tiết lộ Washington và Tokyo đang tìm cách đạt được thỏa thuận cho phép các nhà máy đóng tàu của Nhật Bản thường xuyên đại tu và bảo trì các tàu chiến của Hải quân Mỹ để có thể lưu lại vùng biển châu Á và sẵn sàng ứng phó mọi cuộc xung đột tiềm tàng. (Reuters)
*Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chiến lược với Indonesia: Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/4 dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia từ góc độ chiến lược và lâu dài, cũng như bày tỏ thiện chí sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với quốc gia Đông Nam Á.
Phát biểu trong cuộc hội đàm với Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ, thúc đẩy các dự án hành lang kinh tế hội nhập khu vực của hai nước và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên biển. (THX)
*Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đạt mức kỷ lục: Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 1/4 thông báo xuất khẩu quốc phòng của nước này đã tăng lên mức kỷ lục khi vượt mốc 2,5 tỷ USD trong lịch sử kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập.
Những mặt hàng đóng góp chính cho danh muc xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ gồm: đồ bảo hộ cá nhân, phương tiện tuần tra ngoài khơi, trực thăng ALH, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, hệ thống điện tử hàng không SU, hệ thống giám sát ven biển, các linh kiện cơ khí kỹ thuật hạng nhẹ…
Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ trải rộng trên 84 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới như: Italy, Maldives, Sri Lanka, Nga, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ba Lan, Philippines, Saudi Arabia, Ai Cập, Israel, Tây Ban Nha, Chile…(Firstpost)
*Tàu chiến Trung Quốc lại xuất hiện tại căn cứ hải quân Campuchia: Trang mạng Nikkei Asia ngày 1/4 cho biết, Hải quân Trung Quốc tiếp tục tiếp cận căn cứ hải quân Ream của Campuchia, với ít nhất 2 tàu gần đây đã được xác nhận là hiện diện tại cơ sở này.
Hình ảnh mà Nikkei Asia thu được cho thấy một tàu được xác định là tàu hộ tống Văn Sơn (Wenshan), treo cờ Trung Quốc và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Căn cứ Ream, có vị trí chiến lược gần lối vào Vịnh Thái Lan, đã được Hải quân Campuchia sử dụng để tiếp cận Biển Đông và các địa điểm khác.
Vẫn có nhiều đồn đoán cho rằng Campuchia đã cấp cho Hải quân Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ này để sử dụng cho mục đích quân sự, để đổi lấy việc hỗ trợ cải tạo. Phnom Penh phủ nhận điều này, nói rằng hiến pháp Campuchia không cho phép lực lượng nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ nước này. (Nikkei Asia)
Châu Âu
*Nga siết chặt quản lý người di cư: Bộ Nội vụ Nga ngày 1/4 đã hoàn tất soạn thảo dự luật siết chặt kiểm soát người di cư. Dự luật được gấp rút hoàn thành sau vụ xả súng đẫm máu tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva hôm 22/3 và nghi phạm là người nhập cư.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga Irina Volk, dự luật mới sẽ sử dụng phương pháp nhận dạng cá nhân theo hình thức sinh trắc học trong thủ tục nhập cảnh Nga. Thời gian lưu trú của người nước ngoài tại Nga giảm xuống còn 90 ngày trong vòng 1 năm (hiện đang là trong vòng nửa năm)…
Hiện có khoảng 6,5 triệu công dân nước ngoài ở Nga vào năm 2024, trong đó chủ yếu là những người lao động đến từ các nước Trung Á, châu Á. Số lao động nhập cư thường tăng lên vào mùa Hè. (TASS)
*Nga bác tin được Iran báo trước vụ tấn công Crocus: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/4 khẳng định ông không nhận được bất kỳ thông tin cảnh báo nào từ phía Tehran liên quan “hoạt động khủng bố” ở Nga trước vụ tấn công Nhà hát Crocus City Hall tối 22/3 vừa qua.
Trước đó cùng ngày, 3 nguồn thạo tin tiết lộ Iran đã cảnh báo Nga về nguy cơ xảy ra “chiến dịch khủng bố” quy mô lớn trước khi xảy ra vụ Nhà hát Crocus City Hall.
Một trong những nguồn tin cũng xác nhận với Reuters: “Tehran đã chia sẻ thông tin với Moscow về một cuộc tấn công lớn có thể xảy ra bên trong nước Nga, thông tin này thu được trong quá trình thẩm vấn các đối tượng bị bắt liên quan đến đánh bom ở Iran”. (Reuters)
*Nổ lớn tại quán cà phê ở Voronezh của Nga: Các hãng thông tấn Nga dẫn thông tin từ cảnh sát địa phương xác nhận ngày 1/4 một vụ nổ lớn đã "xé toạc" quán cà phê mang phong cách Trung Á có tên là "Eastern Tea House" trên phố Lenin ở Voronezh của Nga, khiến các cửa sổ vỡ tan.
Hiện chưa có thông tin về thương vong trong vụ nổ. Cảnh sát cho biết đang tiến hành điều tra vụ việc. Quán cà phê bị tấn công vào đầu giờ khi không có người trong khuôn viên.
Theo RIA, tháng trước, một vụ nổ bí ẩn khác xảy ra ở St Petersburg vào ngày 2/3, khiến hai tòa nhà bị hư hại và người dân ở St Petersburg phải sơ tán. Không có thương vong trong vụ việc này, mặc dù người dân cho biết họ nghe thấy những âm thanh lạ, sau đó là một vụ nổ và hỏa hoạn. Nguyên nhân có thể do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. (The Jerusalem Post)
Trung Đông – Châu Phi
*Quân đội Israel rút khỏi Bệnh viện Al-Shifa: Cơ quan Y tế Gaza ngày 1/4 cho biết quân đội Israel đã rút xe tăng và phương tiện ra khỏi khu tổ hợp Bệnh viện Al-Shifa sau vài ngày phát động một chiến dịch lớn tại đây.
Thông báo của Cơ quan Y tế Gaza cho biết, "Quân đội Israel đã rút khỏi khu tổ hợp Bệnh viện Al-Shifa sau khi phóng hỏa các tòa nhà và khiến cơ sở này hoàn toàn ngừng hoạt động. Quy mô tàn phá bên trong tổ hợp là rất lớn”.
Trong khi đó, quân đội Israel chưa xác nhận thông tin rút quân.
Quân đội Israel bắt đầu tấn công Bệnh viện Al-Shifa từ ngày 18/3 và mô tả đây là chiến dịch “chính xác” nhắm vào các chiến binh Hamas hoạt động tại đây. Đáp lại, Hamas đã phủ nhận cáo buộc hoạt động tại Bệnh viện Al-Shifa và các cơ sở y tế khác ở Gaza. (Al Jazeera)
*Israel bắt giữ em gái của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh: Cảnh sát Israel ngày 1/4 cho biết đã bắt giữ Sabah Abdel Salam Haniyeh, em gái của thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas - Ismail Haniyeh, trong một cuộc điều tra ở miền Nam Israel.
Theo người phát ngôn của cảnh sát Israel, Sabah Abdel Salam Haniyeh bị tình nghi có liên hệ với những thành viên Hamas, kích động và hỗ trợ các hành động khủng bố ở Israel.
Cảnh sát Israel thông báo đã tìm thấy trong nhà của người phụ nữ 57 tuổi này các tài liệu, điện thoại và những bằng chứng cho thấy Sabah Abdel Salam Haniyeh thực hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng chống lại Nhà nước Israel.
Ông Ismail Haniyeh, sống ở Doha, là người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Hamas. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Venezuela cảnh báo nguy cơ bạo lực trước bầu cử: Ngày 31/3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez cảnh báo các nỗ lực ám sát bạo lực Venezuela sẽ gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 28/7.
Lời cảnh báo trên được ông Lopez đưa ra sau khi Mario Ivan Carratu Molina, một nhân vật đối lập của Venezuela, tiết lộ về một "phong trào tự do" nhằm đảo ngược quá trình bầu cử của Venezuela. Bộ trưởng Lopez mô tả kế hoạch này là "một nỗ lực tuyệt vọng khác chống lại Venezuela" và kêu gọi các lực lượng vũ trang tiếp tục trung thành.
Ngày 28/7, người dân Venezuela sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo cho nhiệm kỳ 2025-2031. (THX)
*Cựu Tổng thống Donald Trump nỗ lực gây quỹ, sắp có thêm 33 triệu USD: Trong khi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tuyên truyền đầy tự hào về số tiền “kỷ lục” 25 triệu USD đã gây quỹ được trong sự kiện vận động tài trợ diễn ra vào tối 28/3 vừa qua tại thành phố New York, đội ngũ tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu “rò rỉ” kế hoạch tổ chức một cuộc vận động tranh cử với mức gây quỹ dự kiến cho đến thời điểm hiện nay là 33 triệu USD.
Truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn giấu tên trong đội ngũ cố vấn của cựu Tổng thống Trump cho biết ông Trump sẽ có buổi tiếp xúc với các nhà tài trợ tiềm năng vào ngày 6/4 tại câu lạc bộ Mar-a-Lago, bang Florida.
Truyền thông Mỹ nhận định nếu tổ chức thành công sự kiện trên, số tiền tài trợ 33 triệu USD sẽ giúp giảm tải phần nào gánh nặng tài chính cho phe ông Trump trong bối cảnh cựu Tổng thống Trump phải đối mặt với các khoản tiền nộp phạt với tổng giá trị lên đến hơn 460 triệu USD. (NYT)
| Nhà ngoại giao Nga nói quan hệ Moscow-NATO tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh, cảnh báo chớ phạm 'điều cấm kỵ' Mới đây, ông Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về an ninh và kiểm soát vũ khí, đã ... |
| Vụ tấn công khủng bố ở Moscow sẽ thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine như thế nào? Vụ khủng bố đẫm máu ở Moscow hôm 22/3 có thể tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nga, tạo ra bước ngoặt ... |
| Mỹ, Nhật Bản, Philippines sẽ tuần tra chung bất chấp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông Một quan chức Mỹ cho biết hải quân nước này cùng với Nhật Bản và Philippines sẽ triển khai các cuộc tuần tra hải quân ... |
| Chiến sự ở Dải Gaza: 3 nhân vật cấp cao của Hamas thiệt mạng, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục viện trợ nhân đạo, Mỹ gửi vũ khí cho Israel Ngày 30/3, Quân đội Israel (IDF) cho biết, 3 nhân vật cấp cao của Hamas đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh trực diện với ... |
| Xung đột ở Dải Gaza: Israel tấn công sân bệnh viện, WHO thông báo 22 người thương vong Ngày 31/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cuộc tấn công của Quân đội Israel vào ... |