📞

Tin thế giới ngày 14/9: Ông Trump 'ấm ức'; Tổng thống Belarus đến Nga; Triều Tiên sẽ gửi 'cành olive' cho tân Thủ tướng Nhật Bản?

Hoàng Hà 19:45 | 14/09/2020
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, tình hình Belarus, Thủ tướng Nhật Bản, vụ chính trị gia đối lập Nga bị hôn mê và căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trên biển Địa Trung Hải là một số sự kiện thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump 'ấm ức' vì không được đưa tin 'đề cử giải Nobel Hòa bình'

Ngày 13/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, gần đây, ông đã hai lần được đề cử nhận giải thưởng này vì những nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột Arab-Israel và Serbia - Kosovo, tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Nhưng các hãng truyền thông chuyên đưa tin giả đã không đưa tin này".

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng, người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Barack Obama không xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.

Phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở bang Nevada, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Các vị vẫn nhớ chuyện Tổng thống vĩ đại của chúng ta, phải không? Ông Barack Hussein Obama - ông ấy đã nhận giải thưởng ngay lập tức (sau khi nhậm chức). Người ta hỏi ông ấy: 'Vì sao ngài được nhận giải thưởng này?' Và ông ấy không thể giải thích được, các vị còn nhớ chứ?... Và sau đó ông Joe Biden nói: 'Thế còn tôi thì sao?' Họ trả lời: 'Ông ta là ai thế nhỉ, lạ thật, ông ta đã làm được gì?'"

Năm 2009, ông Obama đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình 'vì những nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh ngoại giao quốc tế'. (Sputnik)

Ông Trump muốn tranh cử Tổng thống 'nhiệm kỳ thứ 3'

Trong cuộc vận động tranh cử ở Minden, Nevada vào cuối tuần qua, ông Trump tin rằng, ông sẽ thắng cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới, đồng thời bày tỏ mong muốn có thể ra tranh cử nhiệm kỳ 3 vào năm 2024: "Và sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục thương lượng, đúng không? Vì chúng ta xứng đáng có thêm 4 năm nữa".

Theo Forbes, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nói về việc ông xứng đáng được làm Tổng thống trên 2 nhiệm kỳ. Hồi tháng 8, ông cũng từng có thông điệp tương tự tại cuộc vận động tranh cử ở Wisconsin.

Cựu luật sư của ông Trump Michael Cohen cho rằng, những bình luận của Tổng thống Mỹ có thể không được xem là lời nói đùa, mà thể hiện rằng ông Trump dường như nghĩ tới việc “thay đổi Hiến pháp”, do văn bản này quy định một cá nhân chỉ có thể làm Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2018, ông Trump từng trả lời Fox News rằng ông sẽ “không tìm cách thay đổi Hiến pháp” để giúp ông lãnh đạo Mỹ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ.

Theo thống kê của RealClearPolitics, các khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang nhỉnh hơn ông Trump 7,5% trên toàn quốc. (Forbes, Business Insider)

Tình hình Belarus

Gần 800 người bị bắt giữ vì biểu tình, Tổng thống Belarus bắt đầu công du Nga

Ngày 14/9, Bộ Nội vụ Belarus cho biết, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 774 người tham gia biểu tình chống chính phủ trên khắp cả nước, trong đó có 500 người tại thủ đô Minsk trong ngày 13/9.

Trước đó, truyền thông cho hay, đã có ít nhất 100.000 tham gia biểu tình tại Minsk để phản đối nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko trong bối cảnh ông bay sang Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Các cuộc biểu tình đã bước sang tuần thứ 5 kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/8 với kết quả công bố cho thấy chiến thắng thuộc về ông Lukashenko.

Trong bối cảnh đó, sáng 14/9, dữ liệu theo dõi hàng không cho thấy, máy bay chở Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã hạ cánh tại thành phố Sochi, miền Nam nước Nga. Dự kiến, Tổng thống Lukashenko sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã nhất trí tổ chức cuộc thảo luận khẩn về tình hình nhân quyền ở Belarus theo đề nghị của Đức với 25 nước thành viên của hội đồng bỏ phiếu ủng hộ, 2 thành viên bỏ phiếu chống và 20 thành viên vắng mặt.

Trong khi đó, Đại sứ Belarus Yury Ambrazevich đã phản đối động thái trên khi cho rằng, đây là một phần trong chiến dịch chính trị rộng lớn do EU tổ chức nhằm hỗ trợ các lực lượng chính trị ở Belarus thất bại trong cuộc bầu cử ngày 9/8. Theo quan chức này, EU đang tạo ra các điều kiện để truy trì tình trạng đối đầu chính trị trong xã hội của Belarus. (Reuters)

Nhật Bản

LDP chọn xong Chủ tịch, Triều Tiên có thể trao 'cành olive' như quà tặng nhậm chức Thủ tướng?

Ngày 14/9, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chọn xong người đứng đầu, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga. Với vị trí Chủ tịch LDP, ông Suga dường như đã nắm chắc ghế Thủ tướng Nhật Bản cho đến hết nhiệm kỳ đang dang dở của ông Abe Shinzo vào tháng 9/2021.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho hoạt động giao thương của Bình Nhưỡng với đồng minh kinh tế lớn của nước này là Trung Quốc và tình trạng ngập lụt diện rộng do các cơn bão lớn đã phá hủy lĩnh vực nông nghiệp, ông Kim Jong-un có thể trao một "cành olive" cho tân Thủ tướng Nhật Bản để nhận được viện trợ nhằm tái thiết nền kinh tế trì trệ.

Khi Thủ tướng đương nhiệm Abe Shinzo không giải quyết được vấn đề Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980 thì người kế nhiệm tiềm năng của ông, tân Chủ tịch LDP Suga, có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán theo một cách tốt hơn người tiền nhiệm đã làm.

Giáo sư danh dự Young-Key Kim-Renaud tại trường Đại học George Washington nhận định: "Ông Suga dường như muốn tiếp tục những nỗ lực chính trị của ông Abe song cũng cần chứng minh những kỹ năng chính trị và ngoại giao cá nhân để tự tạo dấu ấn là một lãnh đạo mới, sáng tạo".

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho hay: "Triều Tiên dường như hy vọng Nhật Bản sẽ thay đổi thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng sau khi có Thủ tướng mới".

Còn Giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc ở Washington Troy Stangarone cho hay, nếu Bình Nhưỡng cho thấy thiện chí thảo luận vấn đề bắt cóc, ông Suga được cho sẽ "có hành động" để giải quyết vấn đề này.

Ông Stangarone giải thích thêm: "Dưới các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc hiện nay, Nhật Bản sẽ có thể viện trợ nhân đạo và nếu đạt được tiến triển thật sự, nó có thể giúp mở ra thêm một cánh cửa để giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên", song cũng cảnh báo: "Nếu Tokyo hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng trong khi thiếu sự hợp tác với Washington và Seoul, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng từ 2 nước này". (Kyodo)

Vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê

Đức đưa thêm thông tin về 'vụ đầu độc Navalny'

Ngày 14/9, Chính phủ Đức cho biết, thêm 2 phòng thí nghiệm độc lập đã xác nhận rằng chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

Người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert nêu rõ, hai cơ sở thí nghiệm đặc biệt ở Thụy Điển và Pháp đã xác nhận kết quả sơ bộ từ Đức, đồng thời tuyên bố: "Một lần nữa kêu gọi Nga tự giải thích về vấn đề này. Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác châu Âu về các bước tiếp theo".

Trong khi đó, Moscow tiếp tục kêu gọi chính quyền Đức chia sẻ dữ liệu về tình hình của chính trị gia đối lập Navalny. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, Berlin đã từ chối cung cấp bất cứ tài liệu nào về vụ này và tuyên bố đây là "bí mật nhà nước".

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, theo kết quả bầu cử địa phương ban đầu, Andrei Fateev and Ksenia Fadeeva - hai đồng minh của nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, đã giành được ghế trong nghị viện địa phương tại thành phố Tomsk, Siberia, nơi mà ông Navalny được cho là đã bị đầu độc tháng trước.

Hai người này đứng đầu tại hai đơn vị bầu cử, trong khi đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền dẫn đầu cuộc bỏ phiếu trên toàn Tomsk với 24,46% số phiếu bầu. (Reuters, Sputnik)

Thổ Nhĩ Kỳ-EU

Không loại trừ khả năng EU áp trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng đàm phán

Ngày 14/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, nước này không loại trừ khả năng EU sẽ áp đặt trừng phạt liên quan tới tranh chấp của Ankara với Athens về chủ quyền lãnh hải ở Đông Địa Trung Hải.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTK, ông Cavusoglu khẳng định, Ankara không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt của EU và cho biết sẵn sàng đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết, tuy nhiên nói thêm, nước này sẽ không "từ bỏ quyết tâm về chủ quyền của mình" và tàu nghiên cứu địa chấn Oruc Reis sẽ sớm nối lại hoạt động sau khi cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/9.

Trong khi đó, cùng ngày, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng, một giải pháp hòa bình có thể đạt được, "Hy Lạp và các nước EU không nên bỏ lỡ cơ hội ngoại giao và cần có các bước đi có đi có lại".

Trước đó, EU tuyên bố hoàn toàn ủng hộ các thành viên của khối là Hy Lạp và Cypurs trong cuộc tranh chấp này, đồng thời nhấn mạnh đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt tiềm tàng nếu đối thoại không được khởi động. (Reuters)