📞

Tin thế giới ngày 1/7: 'Giọt nước tràn ly' khiến Triều Tiên nổi giận, Nga cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ, Hong Kong ngày đầu áp dụng luật an ninh

Hoàng Hà 19:45 | 01/07/2020
TGVN. Căng thẳng Triều Tiên-Hàn Quốc, vấn đề Hong Kong, Mỹ-Iran và đề xuất Mỹ mua S-400 của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bán đảo Triều Tiên

'Lộ' nguyên nhân Triều Tiên nổi giận với Hàn Quốc

Theo Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora, những truyền đơn chống phá Bình nhưỡng được rải tại biên giới liên Triều ngày 31/5 gây “phẫn nộ nghiêm trọng” bới “những tờ rơi này có nội dung tuyên truyền dơ bẩn, xúc phạm, nhằm vào phu nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên”.

Ông Matsegora, một trong những đại sứ Nga công tác lâu nhất tại Bình Nhưỡng, cho biết, các bức ảnh của đệ nhất phu nhân Triều Tiên đã bị chỉnh sửa một cách “tệ hại” và là “giọt nước tràn ly” khiến Triều Tiên giận dữ, liên tục lên tiếng gay gắt chỉ trích, đỉnh điểm là vụ Bình Nhưỡng cho nổ tung văn phòng liên lạc chung tại biên giới và dọa sử dụng các biện pháp quân sự. Tuy nhiên, vụ việc có vẻ đã dịu lại trong những ngày gần đây,

Đại sứ Nga cũng bác bỏ đồn đoán rằng bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đang được đào tạo để trở thành lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên: “Mặc dù có kinh nghiệm về chính trị và chính sách đối ngoại, nhưng bà Kim còn khá trẻ”.

Liên quan đến quan hệ Mỹ-Triều, một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ngày 1/7, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, một cuộc gặp thượng đỉnh khác giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ giúp khôi phục lại các cuộc đàm phán bị đình trệ về các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và hai nhà lãnh đạo nên gặp nhau một lần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. (TASS, Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Nga-Mỹ-Thổ

Nga cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ

Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune đã đề xuất thay đổi luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2021 nhằm cho phép Washington có thể mua tổ hợp S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ bằng ngân sách mua sắm tên lửa của lục quân Mỹ.

Đề xuất của ông Thune được xem là nhằm giải quyết thế bế tắc giữa 2 đồng minh NATO Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara kiên quyết mua S-400, cho rằng mình có quyền làm như vậy với tư cách của một quốc gia độc lập vì mục đích phòng vệ, trong khi Washington đã nhiều lần kêu gọi quốc gia này từ bỏ S-400, thậm chí đề nghị “phá hủy” tổ hợp này.

Phản ứng với đề xuất của ông Thune, thư ký báo chí của đảng cầm quyền AKP Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik nói rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Ankara có thể tái xuất khẩu S-400 sang Mỹ, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là "người dùng cuối" của hệ thống phòng không và vì vậy, không có bất cứ cơ sở nào để nước này bán lại hệ thống vũ khí.

Trong khi đó, Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không thể chuyển giao hay tái xuất khẩu S-400 tới một nước thứ 3 mà không có sự đồng ý của Moscow: “Để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, bên mua vũ khí Nga phải cung cấp tờ khai người dùng cuối cho chúng tôi. Đó là lý do vì sao khách hàng không thể chuyển giao hay tái xuất khẩu những khí tài đó tới một nước khác nếu thiếu giấy tờ chính thức từ Nga”. (TASS)

Bạn có thể quan tâm:

Vấn đề Hong Kong

Cảnh sát Hong Kong thực hiện vụ bắt giữ đầu tiên theo luật an ninh mới

Ngày 1/7, cảnh sát đặc khu hành chính Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông cầm lá cờ ủng hộ độc lập. Đây là vụ bắt giữ đầu tiên theo luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Bắc Kinh vừa áp đặt. Cảnh sát Hong Kong cũng đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán những người biểu tình phản đối luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, Đức và 26 quốc gia đã lên tiếng về luật an ninh mới này, nhấn mạnh Trung Quốc phải cân nhắc lại điều "làm suy yếu" sự tự do của đặc khu này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng ngày cũng cảnh báo, tình hình ở Hong Kong sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu: "Những gì đang xảy ra (tại Hong Kong) là hết sức đáng lo ngại vì chúng tôi cho rằng quyền tự trị của Hong Kong từng bước bị xói mòn. Rốt cuộc, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ bị ảnh hưởng".

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Bắc Kinh sẽ không cho phép nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ, nhấn mạnh các nước nên nhìn vào tình hình tại đặc khu hành chính này một cách khách quan. (Reuters, AFP)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ-Iran

Mỹ thúc giục HĐBA gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, Tehran 'lật' cờ

Ngày 30/6, tại cuộc họp trực tuyến trước HĐBA, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gia hạn lệnh cấp vận vũ khí đối với Iran nếu không sẽ khiến khu vực Trung Đông giàu tiềm năng dầu mỏ rơi vào bất ổn.

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Iran sẽ làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực Trung Đông và là mối nguy hại cho chính Nga và Trung Quốc, vốn là các quốc gia phụ thuộc vào giá cả năng lượng ổn định trên toàn cầu.

Nga và Trung Quốc hiện là 2 ủy viên thường trực HĐBA có quan điểm phản đối việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Trong khi đó, Mỹ đe dọa sẽ áp lại toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran không thực hiện được.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho hay, việc duy trì thỏa thuận hạt nhân phụ thuộc vào sự chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

Theo Ngoại trưởng Iran: "Lịch trình dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí theo Nghị quyết 2231 là một phần không thể tách rời của thỏa thuận từng mất nhiều công sức mới đạt được", ám chỉ nghị quyết năm 2015 hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Ông Zarif cho biết thêm, "bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi lịch trình đã được thống nhất đều đồng nghĩa với việc phá hoại Nghị quyết 2231 và tính toàn vẹn của nó". (Anadolu, Aljazeera)