Tình hình Belarus
EU xem xét tăng cường trừng phạt Belarus
Ủy viên phụ trách Công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết, các nhà lãnh đạo EU có kế hoạch tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Belarus trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp bàn về cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu với đài phát thanh Europe 1, ông Breton nhấn mạnh: "Rõ ràng là kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Belarus không phù hợp với nguyện vọng của người dân, có những vụ bạo lực không thể chấp nhận và pháp quyền không được tôn trọng. Các biện pháp trừng phạt đã được xem xét và chắc chắn sẽ được tăng cường trong chiều nay (19/8)".
Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU không công nhận cái mà bà gọi là cuộc bầu cử tổng thống không trung thực và kêu gọi các quốc gia châu Âu tôn trọng sự lựa chọn của người dân Belarus.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Belarus cho hay, Ngoại trưởng nước này Vladimir Makei đã điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này và nhất trí rằng, các cường quốc bên ngoài không nên cố gắng can thiệp vào Belarus. (Reuters, AFP)
Binh biến ở Mali
Tổng thống bị quân đội bắt giữ, tuyên bố từ chức, Trung Quốc lên tiếng
Sáng 19/8, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat xác nhận, các binh sĩ nổi dậy ở Mali đã bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse và hàng loạt quan chức cấp cao của nước này ở Thủ đô Bamako từ ngày 18/8.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, ông Keita và ông Cisse bị bao vây bởi các binh sĩ nổi dậy có vũ trang và bị đưa đến trại quân sự Kati cách Thủ đô Bamako khoảng 15km.
Ngay sau thông tin này xuất hiện, truyền hình Nhà nước Mali bất ngờ đăng tải đoạn video ghi hình Tổng thống Boubacar Keita tuyên bố từ chức: "Vào thời điểm này, tôi muốn cảm ơn người dân Mali đã ủng hộ tôi những ngày qua, cũng như tình cảm nồng ấm của họ".
Nhà lãnh đạo 75 tuổi cho biết, Chính phủ và quốc hội Mali sẽ bị giải tán: "Nếu hôm nay, một số thành phần trong lực lượng vũ trang của chúng ta quyết định rằng, sự can thiệp là cần thiết, tôi thực sự có lựa chọn sao? Tôi không muốn máu phải đổ".
Liên hợp quốc, AU và Liên minh châu Âu cũng như nhiều quốc gia đã lên tiếng lên án vụ đảo chính này.
Chiều 19/8, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nêu rõ, Bắc Kinh phản đối sự thay đổi chế độ bằng vũ lực ở Mali. (Reuters)
Bầu cử Mỹ 2020
Cựu Đệ nhất phu nhân Obama khai màn 'drama' với Tổng thống Trump
Trong bài phát biểu được ghi hình trước, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, đưa ra những chỉ trích sắc bén nhằm vào ông Trump, trong đó nhấn mạnh: "Bất kỳ khi nào chúng ta nhìn vào Nhà Trắng để tìm kiếm sự lãnh đạo, an ủi hay dấu hiệu nào đó của sự vững vàng, những gì chúng ta chứng kiến lại là tình trạng hỗn loạn, chia rẽ và hoàn toàn thiếu đi lòng cảm thông".
Bà Michelle thậm chí nói rằng, Tổng thống Donald Trump là "Tổng thống sai lầm của nước Mỹ".
Đáp trả chỉ trích này, ông Trump đã cùng lúc công kích cả vợ chồng người tiền nhiệm và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trên tài khoản Twitter: "Ai đó hãy giải thích cho @MichelleObama rằng, Donald J. Trump sẽ không ở đây, trong Nhà Trắng đẹp đẽ này, nếu không phải vì những việc mà chồng bà ấy, ông Barack Obama, đã làm".
Ông Trump cũng chỉ trích chính quyền của ông Obama và “Phó tướng” Joe Biden là chính quyền “tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ”. Trong khi đó, ông ca ngợi những thành quả mà chính quyền của ông đã làm được.
“Chính quyền của tôi và tôi đã xây dựng một nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử, cứu sống hàng triệu sinh mạng và hiện giờ tôi thậm chí đang xây dựng một nền kinh tế vĩ đại hơn trước. Việc làm đang được tạo ra, Nasdaq (chỉ số chứng khoán Mỹ) hiện cao kỷ lục, nhiều điều tốt đẹp khác cũng đang đến. Hãy ngồi yên mà xem”, ông Trump viết. (AFP)
Cựu Tổng thống Clinton: Phòng Bầu dục của ông Trump “trở thành tâm bão”
Ngày 18/8, phát biểu trong đêm thứ 2 của Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có những phát biểu chỉ trích Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Theo ông Clinton: “Trong những thời điểm như thế này, phòng Bầu Dục lẽ ra phải là trung tâm chỉ huy. Thay vào đó, nó lại trở thành tâm bão. Chỉ có sự hỗn loạn. Chỉ có một thứ không bao giờ thay đổi là quyết tâm của ông Trump trong việc chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi”.
Ông Clinton nói rằng, Mỹ là nước công nghiệp duy nhất có tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp 3 trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông cho rằng, tính cách của ông Trump dường như không hợp với việc chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu như dịch bệnh. (Politico)
Triều Tiên
Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên họp, vấn đề "quan trọng" nào sẽ được bàn?
Ngày 19/8, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên mà theo hãng Thông tấn Nhà nước (KCNA), sẽ “thảo luận và quyết định một vấn đề quan trọng trong phát triển cách mạng Triều Tiên, cũng như gia tăng hiệu quả chiến đấu của đảng”. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua, Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên nhóm họp.
Theo hãng tin Bloomberg, sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đối mặt với khó khăn trên nhiều “mặt trận”, cả ở trong và ngoài nước về kinh tế, đàm phán hạt nhân, trong khi Mỹ-Hàn tuần này đã khởi động các cuộc tập trận quân sự chung khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên.
“Việc đảng Lao động Triều Tiên tổ chức liên tiếp các cuộc họp bất thường trong những tháng gần đây, thậm chí việc Triều Tiên không có nhiều động thái trên mặt trận đối ngoại như các vụ thử vũ khí, cho thấy các biện pháp cách ly và đại dịch toàn cầu đã có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế và mức sống của người dân”, ông Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên của chính quyền Mỹ, nhận định.
Các cuộc họp quan trọng của đảng Lao động Triều Tiên thường dẫn đến sự thay đổi trong bộ máy nhân sự chủ chốt. Giới phân tích cho rằng, cuộc họp lần này có thể trao thêm quyền lực cho bà Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong-un, đồng thời xử lý những cán bộ không làm tốt công tác chống dịch hoặc phát triển kinh tế.
Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul và từng làm cố vấn cho chính quyền Hàn Quốc trong nhiều năm qua, nhận định: “Ông Kim có thể sẽ cải tổ bộ máy để đẩy mạnh việc khắc phục những thiệt hại gây ra bởi lũ lụt và dịch Covid-19 gần đây trước ngày 10/10. Cuộc họp có thể sẽ nhấn mạnh những vấn đề liên quan tới chính trị nội bộ, đặc biệt là kinh tế". (Bloomberg)
Ecuador: Tàu cá Trung Quốc 'giở trò' ở gần quần đảo Galapagos
Ngày 18/8, Ecuador cho biết, 149 tàu cá Trung Quốc, chiếm gần 50% tàu cá nước này đang ở gần quần đảo Galapagos, đã tắt hệ thống theo dõi, khiến họ không thể định vị được những tàu này.
Đội tàu thuyền này, chủ yếu là của Trung Quốc, đã tăng từ 260 lên đến 325 kể từ giữa tháng 7, ở gần vùng đặc quyền kinh tế của Galapagos, nơi đời sống thiên nhiên được bảo vệ. Tuy nhiên, ông Jarrin cho biết, các tàu này vẫn ở vùng biển quốc tế và cho đến nay "không có tàu đánh bắt cá nào đi vào vùng đặc quyền kinh tế" của quần đảo này.
Quần đảo Galapagos nằm Ecuador 620 dặm về phía Tây, có một hệ sinh thái phong phú với số loài động vật đa dạng lớn nhất hành tinh. (AFP)
Covid-19
WHO tuyên bố đừng nên "mơ" đến miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Tại một cuộc họp báo ngày 18/8, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan đã bác bỏ chiến lược gây tranh cãi về miễn dịch cộng đồng với Covid-19 không cần vaccine: " Thế giới còn ở rất xa mức miễn dịch cộng đồng cần thiết để ngăn đại dịch này lây lan. Đây không phải giải pháp mà chúng ta nên cân nhắc".
Anh là một trong những quốc gia theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng ở giai đoạn đầu bùng phát Covid-19 khiến Chính phủ nước này vấp phải chỉ trích. Trong khi đó, Thụy Điển được cho là tiếp tục theo đuổi chiến lược gây tranh cãi này và không áp dụng biện pháp phong tỏa đất nước như hầu khắp các nước trên thế giới. Theo các chuyên gia, nếu không có vaccine, hàng nghìn người có thể tử vong do Covid-19 nếu một đất nước tìm cách theo đuổi miễn dịch cộng đồng.
Mặt khác, cố vấn của Tổng giám đốc WHO Bruce Aylward, nhấn mạnh, việc tiêm chủng cũng phải phủ ít nhất 50% dân số thế giới mới có hiệu quả ngăn đại dịch Covid-19.
Nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 và Nga trở thành nước đầu tiên phê chuẩn vaccine. Tuy vậy, các thăm dò dư luận cho thấy, người dân ở nhiều nước vẫn tỏ ra e ngại với vaccine ngừa Covid-19 của Nga do lo ngại về tính an toàn, hiệu quả của các vaccine này, do thời gian nghiên cứu và phát triển thần tốc. (Straits Times, AP)