Ông Trump thông báo tạm ngừng trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. (Nguồn: News18) |
Tổng thống Trump tạm ngừng trừng phạt quan chức Trung Quốc
Theo một cuộc trả lời phỏng vấn được công bố hôm 21/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nhằm bảo vệ quá trình đàm phán thương mại giữa nước này với Trung Quốc, ông đã quyết định tạm ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc vì bắt giam những người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Khi được mạng tin Axios hỏi lý do, ông chủ Nhà Trắng nêu rõ: "Đúng, chúng tôi đang ở giữa của một thỏa thuận thương mại quan trọng. Và tôi đã tạo ra một thỏa thuận lớn, có tiềm năng trị giá 250 tỉ USD. Khi đang đàm phán và bất ngờ bổ sung thêm các lệnh trừng phạt, đó là cách mà Mỹ từng làm nhiều lần. Nhưng giờ đây, tôi áp đặt thuế lên Trung Quốc, điều vốn tồi tệ hơn bất cứ lệnh trừng phạt nào mà bạn có thể nghĩ đến".
(Axios)
Đọc thêm về quan hệ Mỹ-Trung:
Nga-Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về kiểm soát vũ khí
Các cuộc hội đàm về vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ đã bắt đầu ở Thủ đô Vienna của Áo vào ngày 22/6. Theo Reuters, các phái viên của cả hai nước khá thận trọng khi đưa ra những bình luận trước cuộc hội đàm.
Không có nhiều thông tin chính thức được tiết lộ về nội dung đàm phán song phái viên của Mỹ thông báo, nội dung sẽ liên quan tới các vũ khí hạt nhân, ám chỉ cuộc đàm phán sẽ bao gồm giải pháp thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START).
Khi được báo giới hỏi ông mong đợi điều gì từ cuộc đàm phán, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea chỉ nói "hãy chờ xem" và từ chối bình luận thêm.
Trong khi đó, về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, cũng đưa ra câu trả lời thận trọng khi được phóng viên hỏi. Quan chức này nêu rõ: "Hãy cùng chờ xem. Chúng tôi luôn tràn đầy hy vọng".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ông Billingslea sẽ ở Vienna để tham gia đàm phán vào ngày 22-23/7.
(Reuters)
Đọc thêm về quan hệ Nga-Mỹ:
Làn sóng Covid-19 thứ 2
Ngày 22/6, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) xác nhận, nước này đã rơi vào làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 và kêu gọi nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
KCDC cho biết, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, gồm 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 12.438 người. Số ca nhiễm mới trong ngày 22/6 đánh dấu mức thấp nhất trong gần 1 tháng chủ yếu do xét nghiệm ít hơn trong dịp cuối tuần. Trước đó, ngày 20 và 21/6 nước này lần lượt ghi nhận thêm 67 và 48 ca nhiễm mới trong ngày.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở bang Victoria, bang đông dân thứ hai tại quốc gia châu Đại Dương này, trong 2 ngày qua, hầu hết là lây nhiễm trong cộng đồng từ các cuộc họp mặt, cho thấy lý do vì sao người dân Australia không thể tự mãn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, các ổ dịch cục bộ là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các hạn chế xã hội đang được gỡ bỏ trên khắp đất nước, nhưng sự gia tăng các ca mắc Covid-19 ở Victoria là một lời cảnh tỉnh đối với người dân.
Giới chức y tế Australia đã ra khuyến cáo người dân không nên đến và đi ra khỏi 6 khu vực ở thành phố Melbourne, nơi đã xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 mới tại một số gia đình trong tuần qua.
(Yonhap, Abc.net)
Đọc thêm về dịch Covid-19:
Căng thẳng Hàn-Triều
Ngày 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói rằng, việc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều hồi tuần trước không vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự mới nhất giữa hai miền Triều Tiên.
Trước đó, bà Kim Yo-jong, người em gái quyền lực của Chủ tịch Kim Jong-un, đã đe dọa sẽ hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận để phản đối việc các nhà hoạt động và những người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc phát tán truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Trong khi đó, cùng ngày, giới chức quân sự cho biết, Triều Tiên đang lắp lại loa phóng thanh tuyên truyền ở các khu vực dọc biên giới liên Triều sau khi dỡ bỏ chúng theo thỏa thuận thượng đỉnh năm 2018 với Hàn Quốc.
(Yonhap)
Đọc thêm về bán đảo Triều Tiên:
Ấn Độ-Trung Quốc sắp đàm phán ngoại giao
Ngày 21/6, trang mạng India Today đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đối đầu tại thung lũng Galwan phía Đông Ladakh gần Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước.
Các cuộc đàm phán dự kiến được tổ chức vào tuần này trong bối cảnh hôm 15/6 quân đội hai nước đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ sau sự cố trên New Delhi và Bắc Kinh đã tổ chức nhiều vòng đàm phán quân sự để ngăn chặn các sự cố tương tự.
Trước đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm hôm 16/6 để trao đổi tình hình.
Từ tháng 5 trở lại đây, tình hình biên giới Ấn Độ-Trung Quốc trở nên căng thẳng khiến hai quốc gia đông dân nhất thế giới này có động thái đưa thêm quân đến các khu vực tranh chấp ở biên giới. Đỉnh điểm là cuộc đối đầu đẫm máu khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không xác nhận số thương vong, tuy nhiên, theo truyền thông, có thể lên đến 43 người.
(India Today)
Đọc thêm về căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc: