Mỹ-Trung
Trung Quốc nói máy bay trinh sát Mỹ xâm nhập vùng cấm bay
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, “ngày 25/8 máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay thuộc khu vực chỉ huy tác chiến phía Bắc của quân đội Trung Quốc, nơi đang bắn đạn thật”.
Tuyên bố nhấn mạnh, hành động của phía Mỹ đã tạo ra trở ngại nghiêm trọng cho cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Trung Quốc, vi phạm quy tắc ứng xử giữa Mỹ và Trung Quốc về đảm bảo an ninh trên không và trên biển, cũng như các chuẩn mực hành vi được quốc tế chấp nhận.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lưu ý rằng, hành động của Mỹ có thể dễ dàng dẫn đến hiểu lầm và thậm chí dẫn đến sự cố trên biển hoặc trên không. “Đây là hành động khiêu khích thuần túy. Phía Trung Quốc phản đối và đã gửi công hàm tới phía Mỹ.”
Trước đó, cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc thông báo Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Bắc của Quân đội Nhân dân Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực Bột Hải và Hoàng Hải ngày 25-29/8.
Mỹ chưa bình luận về thông tin trên. (Sputnik/Tân Hoa xã)
Mỹ-Trung hướng tới nối lại đàm phán thương mại
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sáng 25/8 đã rà soát tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 qua điện đàm. Thông tin này làm dịu bớt lo ngại quan hệ đang xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận đình chiến thương mại này.
Cuộc đàm phán qua điện thoại diễn ra giữa trưởng đoàn Trung Quốc là Phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Cả hai bên dường như quyết tâm trấn an dư luận và các thị trường rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn đi đúng hướng.
Cuộc đàm phán ngày 25/8 đánh dấu thời điểm hiếm hoi Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng xuống dốc vì vấn đề đại dịch Covid-19, Đặc khu hành chính Hong Kong, nhân quyền… Tuyên bố giữa hai bên đánh dấu cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên từ khi hai bên ký thỏa thuận giai đoạn một hồi tháng 1, cho thấy thương mại là lĩnh vực duy nhất còn lại mà hai nước có thể đối thoại với tinh thần xây dựng. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
'Đòn gió' của ông Trump với Trung Quốc |
Mỹ-Nga
Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga
Sau nhiều ngày lặng yên quan sát, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 25/8 đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các báo cáo y tế sơ bộ cho thấy, chính trị gia đối lập nổi tiếng của Nga đã bị đầu độc và ủng hộ một cuộc điều tra “nếu báo cáo chứng minh là chính xác”.
“Nước Mỹ quan ngại sâu sắc trước các kết luận sơ bộ từ các chuyên gia y tế Đức rằng nhà hoạt động đối lập người Nga Aleksey Navalny đã bị đầu độc. Nếu các báo cáo chứng minh là chính xác, Mỹ ủng hộ lời kêu gọi của EU về một cuộc điều tra toàn diện và sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực đó”, ông Mike Pompeo nói.
Ngày 25/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về tình trạng của ông Navalny trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Moscow, theo phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê: Moscow nêu quan điểm chính thức, Hạ viện phát lệnh điều tra, Mỹ lên tiếng |
Mỹ-Iran
Mỹ thất bại trong việc thuyết phục siết cấm vận Iran
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bác yêu cầu của Mỹ tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt lên Iran. Đại sứ Indonesia tại LHQ, nước giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 8 nêu rõ: “Chỉ có một thành viên ủng hộ đề xuất của Mỹ, trong khi đa số các thành viên khác có quan điểm phản đối. Không có sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an. Vì vậy, sẽ không có thêm hành động nào đối với yêu cầu của Mỹ”.
Cụ thể, 13 thành viên HĐBA phản đối đề xuất này của Mỹ, chỉ có Cộng hòa Dominica là nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ Mỹ.
Đại sứ của Mỹ tại LHQ, bà Kelly Craft đáp trả rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không ngại là phe thiểu số trong vấn đề này. “Tôi chỉ tiếc là các thành viên khác trong HĐBA đã đi sai hướng và giờ đây đang đứng cùng những kẻ khủng bố”, bà Craft tuyên bố.
Ngay sau cuộc họp của Hội đồng bảo an, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, nhưng với điều kiện Mỹ phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới. Tổng thống Rouhani nêu rõ, Mỹ cần tham gia trở lại thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu muốn một thỏa thuận với Iran. Ông đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran đã “thất bại hoàn toàn”. (Reuters/AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga: Mỹ không có tư cách để khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ với Iran |
Vấn đề Biển Đông
Australia thu hồi sách giáo khoa có ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc
Một sách giáo khoa được sử dụng tại một số trường học ở bang Victoria chứa đựng các thông tin tuyên truyền của Trung Quốc và một bản đồ “đường lưỡi bò” gây tranh cãi, mà Bắc Kinh dùng để đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, đi ngược với chính sách của Chính phủ Australia. Do đó, cuốn sách này đã bị nhà xuất bản Cengage thu hồi.
Mặc dù không được giới chức giáo dục Victoria liệt kê là tài liệu quy định để tham gia khóa học, cuốn sách vẫn đang được sử dụng tại ít nhất 11 trường học ở bang này, trong đó có các trường tư danh tiếng. Nhà xuất bản xác nhận 633 cuốn sách đã được bán tại Australia và 100 cuốn bên ngoài nước này.
Nhưng cơ quan quản lý chương trình giáo dục Victoria nhấn mạnh rằng cơ quan này chưa từng ủng hộ cuốn sách, trong khi hãng xuất bản Cengage khẳng định việc đưa bản đồ vào cuốn sách là do “sơ suất biên tập”. “Chúng tôi xin lỗi độc giả về sự bất cẩn này”, Nhà xuất bản Cengage viết. “Chúng tôi phải đề nghị thu hồi tại kho và đã chỉ định một đồng nghiệp biên tập xem xét tiêu đề và các vấn đề của cuốn sách”.
Cengage cho biết, Hãng này hi vọng sẽ thu hồi khoảng 750 cuốn sách tại Australia và Singapore. (Guardian)
Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc tập trận dồn dập, quốc tế 'đồng thanh' phản đối yêu sách phi pháp |
Covid-19
Hàn Quốc phát hiện thêm một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2
Ngày 26/8, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã phát hiện thêm một chủng đột biến mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại virus SARS-CoV-2 thành 7 chủng, gồm S, V, L, G, GH, GR và chủng còn lại phù hợp với một axit amin. Trong đó, chủng GH - phổ biến nhất ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông, lần đầu tiên được phát hiện ở Hàn Quốc vào tháng 4/2020.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong số 685 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được theo dõi, có 169 trường hợp nhiễm chủng GH trong tháng 5, trong khi tháng 6 có 223 trường hợp, tháng 7 có 47 trường hợp và tháng 8 có 85 trường hợp. Như vậy, chủng GH ghi nhận ở 77,4% trong số 685 bệnh nhân. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác. (Yonhap)
Tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 đang chậm lại
Hãng tin AFP dẫn số liệu công bố ngày 25/8 của WHO cho biết, tuần trước, thế giới ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mắc mới Covid-19 và 39.000 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc mới đã giảm 5% và số ca tử vong giảm 12% so với tuần trước đó. Mặc dù vậy, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 24 triệu ca mắc trong đó hơn 800.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái.
Trừ Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải, tất cả các khu vực còn lại trên thế giới đều có số ca mắc mới và số ca tử vong mới trong tuần vừa qua giảm so với trước đó. Châu Mỹ hiện vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm một nửa số ca mắc mới và 62% số ca tử vong trong tuần trước. Tuy nhiên, tốc độ lây lan Covid-19 ở khu vực này cũng chậm lại, với số ca mắc mới giảm 11%, số ca tử vong mới giảm 17% so với tuần trước đó.
Trái với diễn biến tích cực này, WHO cảnh báo tình trạng gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Caribe được cho là do mở cửa du lịch. (AFP)
| Dịch Covid-19: Những loài động vật nào dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất? TGVN. Không chỉ con người đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 hoàn ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (20-26/8): Dấu ấn nhiệm kỳ của Tổng thống Trump bị gọi là 'xấu xí', Mỹ-Trung tung hỏa mù về thỏa thuận thương mại TGVN. Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump bị gọi là 'xấu xí'; Nhật Bản, Ấn Độ và Australia bàn ... |
| Nga sắp vượt Trung Quốc trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới TGVN. Nga dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới vào năm 2029, đạt mức ... |