Vấn đề Biển Đông
Trung Quốc phóng 2 tên lửa ra Biển Đông
SCMP dẫn nguồn thạo tin quân đội Trung Quốc cho hay, vụ phóng diễn ra sáng 26/8. Một tên lửa đạn đạo DF-26B đã được phóng từ tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc. Một tên lửa đạn đạo DF-21D phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở phía Đông nước này. Cả hai đều phóng vào khu vực Trung Quốc đã lập vùng cấm bay trên Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc nói rằng, tên lửa phiên bản DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới. Cả hai mẫu tên lửa này có thể tạo ra mối đe dọa với tàu sân bay, nên chúng được coi là "sát thủ tàu sân bay".
Động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi nước này cáo buộc một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay trong khi Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật ở vùng biển Bột Hải phía Bắc nước này.
Một số hãng truyền thông địa phương thậm chí nói rằng, Trung Quốc đã phóng tổng cộng 4 tên lửa để "phát đi cảnh báo đến Mỹ". Tháng 7/2019, Trung Quốc từng thực hiện vụ phóng tên lửa tương tự ở Biển Đông. (SCMP)
Thế giới phản đối Trung Quốc phóng tên lửa
Trước tình hình đó, ngày 27/8, Phó đô đốc, Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ Scott D. Conn cho biết, ông đã nắm được các thông tin trên. Phó đô đốc Mỹ nói rằng, lực lượng nước này sẽ tiếp tục theo dõi các cuộc diễn tập trong khu vực, bao gồm các cuộc tập trận của Trung Quốc trên các vùng biển, cũng như vụ nghi phóng tên lửa. “Lực lượng hải quân của chúng tôi sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa tới các đồng minh và đối tác trong khu vực”, ông Conn cho biết.
Ông Conn cho hay, Mỹ có sự hiện diện đông đảo ở khu vực: “Hải quân Mỹ có 38 tàu đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Và chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động trên vùng trời và vùng biển, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép để thể hiện cam kết của Mỹ với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi”. (Bloomberg)
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản đang theo dõi các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông “với sự quan ngại”. Ông Suga nhấn mạnh, Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ông đồng thời nêu rõ “các vấn đề về Biển Đông có liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một vấn đề quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”.
Nhận định về vụ phóng tên lửa hôm qua, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng, đây là một bước đi có tính toán của Bắc Kinh nhằm phô diễn sức mạnh với dư luận trong nước mà không phải với Mỹ. “Bắc Kinh thận trọng triển khai hành động này trong giới hạn”, ông Poling nói. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc tập trận dồn dập, quốc tế 'đồng thanh' phản đối yêu sách phi pháp |
Mỹ-Trung
Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Trong chuyến thăm Hawaii ngày 26/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định Mỹ có trách nhiệm lãnh đạo ở Thái Bình Dương, ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và sẽ không nhượng bộ với bất cứ quốc gia nào, dù chỉ là một tấc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh đang muốn phô diễn sức mạnh ra toàn thế giới.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để đưa Bắc Kinh trở lại quỹ đạo phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. (Reuters)
Mỹ nghi ngờ nhà ngoại giao Trung Quốc hỗ trợ thu thập thông tin tình báo
Khi chính phủ Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Texas vào tháng 7, họ cũng đồng thời yêu cầu Bắc Kinh loại bỏ toàn bộ các nhà nghiên cứu nghi có liên quan tới quân đội Trung Quốc ra khỏi Mỹ.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi họ phát hiện ra một chiến dịch tình báo nhằm thu thập các nghiên cứu khoa học từ các trường đại học Mỹ nghi do các nhà ngoại giao Trung Quốc tài trợ. Các tài liệu từ phía tòa án cho thấy nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực như y sinh học và trí tuệ nhân tạo bị nghi ngờ đã cố tình che giấu việc họ vẫn đang phục vụ cho quân đội Trung Quốc.
Washington cho rằng, cơ sở ngoại giao ở Houston dường như đóng vai trò giúp Bắc Kinh thực hiện tham vọng về quân sự và kỹ thuật của quốc gia Đông Á theo những cách gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ.
Trung Quốc sau đó đã bác bỏ các cáo buộc liên quan tới đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, các nhân viên của họ “chưa bao giờ thực hiện các hoạt động không phù hợp với chức vụ”. (Fox News)
Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng thuốc
Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu dược phẩm và chất tiền chế nếu Mỹ ngăn Bắc Kinh tiếp cận nguồn cung chip máy tính, cố vấn kinh tế cấp cao của Chính phủ Trung Quốc Li Daokui nói.
Mỹ phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu dược phẩm từ Trung Quốc - vấn đề đã bộc lộ rõ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề này sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới bằng các biện pháp như chuyển các nhà máy sản xuất những sản phẩm dược quan trọng từ Trung Quốc về Mỹ, tạo việc làm và giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài như Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh hiện chưa dùng đến "lá bài" xuất khẩu dược phẩm để gây sức ép lên Mỹ, tuy nhiên, Trung Quốc có thể hạn chế Mỹ tiếp cận các dược phẩm nếu Washington ngăn Bắc Kinh tiếp cận các sản phẩm bán dẫn.
Cụ thể, phát biểu với truyền thông địa phương ngày 26/8, ông Li nói: “Với vitamin và kháng sinh, hơn 90% nguyên liệu thô của Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ không đủ khả năng sản xuất chúng trong ngắn hạn. Tất nhiên, chúng ta sẽ không làm điều này trước, nhưng nếu Mỹ không chơi đẹp, chúng ta đã có biện pháp đáp trả”. (SCMP)
Mỹ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc hỗ trợ xây đảo nhân tạo ở Biển Đông
Bộ Thương mại Mỹ hôm nay 26/8 thông báo trừng phạt 24 công ty đóng vai trò "trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông".
“Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước khác, chính quyền Trung Quốc vẫn nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, cho phép Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn bị phản đối tại Biển Đông, nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Mỹ trong khu vực”, thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ.
Trong một tuyên bố riêng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay thông báo Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.
Đáp lại, ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thật bất công khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của nước này liên quan tới hoạt động xây dựng trên Biển Đông vì những hoạt động đó diễn ra trên "lãnh thổ của Trung Quốc". (Sputnik/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Lệnh cấm WeChat và TikTok: Nguồn cơn 'chọc giận' dư luận Trung Quốc |
Tình hình Belarus
Nga sẵn sàng công bố bằng chứng nước ngoài can dự nội bộ Belarus
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1 của Nga ngày 26/8, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga có đủ bằng chứng để thấy được các nước Baltic, một số nước trong Liên minh châu Âu và thậm chí là trong NATO đang làm gì. Những hành động đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền như Belarus. Lập trường của Mỹ cũng cho thấy điều đó.
Trước đó, tại cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Beegan hôm 25/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh rằng, một số nước tỏ ra khó chịu vì sự ổn định ở Belarus.
Ngoại trưởng Nga cảnh báo Mỹ và EU về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đồng minh Belarus và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện Belarus: Trong xung, ngoài khắc |
Mỹ-Nga
Va chạm quân sự Mỹ-Nga ở Syria
Ngày 25/8, 4 quân nhân Mỹ được báo cáo là đã bị thương trong một sự cố va chạm liên quan đến lực lượng Nga tại Đông Bắc Syria.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Ullyot nói rằng: “Một chiếc ô tô của Nga đã đâm vào một xe bọc thép của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Đông Bắc Syria, khiến những người trên xe bị thương”.
Để tránh xung đột, chiếc xe bọc thép của Mỹ đã rời khỏi hiện trường. Washington cho rằng, "những hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp như vậy" đi ngược lại thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về ngăn chặn xung đột.
Thế nhưng, theo Sputnik, tuyên bố của phía Mỹ khác với những đoạn phim ghi lại hiện trường. Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov nói rằng, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trước khi xảy ra va chạm đã được cảnh báo trước về việc đoàn xe Nga sẽ đi qua.
Mặc dù vậy, phía Nga cho rằng, quân đội Mỹ đã vi phạm các thỏa thuận hiện có bằng cách cố gắng chặn đường tuần tra của lực lượng Nga. Để phản ứng lại, lực lượng quân cảnh của quân đội Nga đã thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn vụ việc và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê: Ngoại trưởng Pháp hoang mang, Đức hối thúc Moscow hợp tác |
Đại dịch Covid-19
Hoạt chất chiết xuất từ tinh dầu khuynh diệp có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2
Các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ quốc phòng Anh (DSTL) đã phát hiện ra chất Citriodiol, một hoạt chất có trong những loại thuốc diệt côn trùng như Mosi-guard, có các đặc tính kháng virus nếu được trộn cùng virus ở trạng thái lỏng và trên một bề mặt thí nghiệm.
Nghiên cứu có đoạn nêu rõ "khi trộn virus tồn tại trong một môi trường lỏng với thuốc diệt côn trùng Mosi-guard hoặc một số thành phần của loại thuốc này, mật độ virus SARS-CoV-2 sẽ giảm". Nếu Mosi-guard được trộn ở nồng độ cao, mật độ virus sẽ giảm đáng kể, tới mức không thể tái tạo.
Dù nghiên cứu trên chưa trải qua giai đoạn đánh giá đối chiếu với các cơ quan nghiên cứu khác, nhưng Bộ Quốc phòng Anh cho biết, kết quả nghiên cứu này sẽ được sử dụng "làm cơ sở cho các cơ quan khoa học khác đang nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và các giải pháp ngăn chặn virus này". DSTL hy vọng các kết của nghiên cứu này sẽ được mở đường cho các tổ chức khác thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, cũng như xác nhận những kết quả của nghiên cứu này. (Sky News)
| Binh biến tại Mali: Điều dai dẳng kiếm tìm TGVN. Chưa có gì cho thấy thay đổi đến từ cuộc đảo chính sẽ mang lại điều mà người dân Mali mong muốn: Hòa bình ... |
| Dịch Covid-19: Những loài động vật nào dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất? TGVN. Không chỉ con người đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 hoàn ... |
| Nền kinh tế 'trọng thương' vì Covid-19, các nước 'hối hả' bơm tiền cứu trợ TGVN. Đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu vô cùng lớn khiến nhiều nước phải bơm tiền để giảm bớt tổn thương, ... |