📞

Tin thế giới ngày 2/9: LHQ quan ngại về Triều Tiên, Pháp xử vụ Charlie Hebdo, Libya là tâm điểm của EU

Minh Quân 19:45 | 02/09/2020
TGVN. LHQ quan ngại về Triều Tiên, Pháp xét xử vụ Charlie Hebdo, Tunisia có chính phủ mới là một số thông tin đáng chú ý trên thế giới ngày 2/9.
Tin thế giới ngày 2/9: LHQ quan ngại về Triều Tiên, Pháp xử vụ Charlie Hebdo, Tunisia có chính phủ mới.

Thái Lan

Bộ trưởng Tài chính từ chức, Thủ tướng nói không ảnh hưởng nền kinh tế

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/9 nói rằng việc tân Bộ trưởng Tài chính Predee Daochai từ chức sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế, đồng thời xác nhận ông Predee từ chức là do vấn đề sức khỏe.

Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Prayut cho biết, chức vụ bộ trưởng tài chính sẽ không bị để trống và các dự án sẽ không bị bỏ qua. Theo ông Prayut, Thứ trưởng Tài chính có thể gánh trách nhiệm và chính bản thân ông với tư cách là người phụ trách kinh tế có thể để mắt đến mọi thứ. Thủ tướng Thái Lan cũng khẳng định sẽ đưa một người phù hợp vào đảm nhiệm chức vụ này.

Ông Predee nộp đơn từ chức Bộ trưởng Tài chính hôm 1/9 và việc này đã được công bố trên Công báo Hoàng gia cùng ngày.

Trước đó, trả lời phỏng vấn với Bangkok Biznews, ông Predee bác bỏ việc có những mâu thuẫn với Thứ trưởng Tài chính Santi Promphat, nói rằng họ có thể làm việc cùng nhau bất chấp việc có cách tiếp cận và quan điểm khác nhau về việc quản lý.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo liên minh cầm quyền ở Thái Lan, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, nói rằng đảng này sẽ để Thủ tướng Prayut quyết định về việc bổ nhiệm bộ trưởng tài chính mới. (Bangkok Post)

Liên hợp quốc “rất quan ngại” về các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 2/9, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết việc Triều Tiên tiếp tục vận hành một số cơ sở hạt nhân với các hoạt động của nước này đã "gây ra mối quan ngại sâu sắc".

Báo cáo thường niên của IAEA gửi giới truyền thông nêu rõ: "Việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) tiếp tục chương trình hạt nhân là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ và điều này vô cùng đáng tiếc".

Trong một tin liên quan, nhân Ngày Quốc tế về Người mất tích, Văn phòng Cơ quan Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) tại Seoul đã kêu gọi Triều Tiên làm rõ số phận của 316 người mất tích, trong đó có cả công dân Hàn Quốc và Nhật Bản.

OHCHR đưa ra lời kêu gọi trên trong một dòng tweet đăng ngày 30/8, trong đó lưu ý vụ 11 hành khách và thành viên phi hành đoàn từ Hàn Quốc bị mất tích khi Triều Tiên cướp máy bay của hãng hàng không Korean Air năm 1969 và vụ 12 công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

OHCHR viết: “Nhân Ngày Quốc tế Người mất tích, chúng ta hãy tưởng nhớ tất cả những người đã biến mất ở DPRK. Nhóm Công tác của LHQ về những vụ mất tích không mong muốn đã thông báo cho Triều Tiên về 316 trường hợp nêu trên và yêu cầu nước này cung cấp thông tin để làm rõ số phận và nơi ở của họ”.

Hôm 31/8 vừa qua, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền Triều Tiên Tomas Ojea Quintana cũng hối thúc Bình Nhưỡng chấm dứt hành vi “ép buộc biến mất”. (AFP/Yonhap)

Pháp bắt đầu xét xử vụ tấn công khủng bố Charlie Hebdo

Ngày 2/9, Pháp đã khai mạc phiên tòa xét xử 14 người bị cáo buộc giúp đỡ các tay súng thánh chiến tấn công vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái hồi năm 2015 - 5 năm kể từ ngày xảy ra các vụ khủng bố làm chấn động nước Pháp.

Theo cáo trạng của tòa án, các cuộc tấn công mở màn vào ngày 7/1/2015, kéo theo hàng loạt cuộc tấn công thánh chiến trên toàn lãnh thổ Pháp, trong đó có những vụ sát hại theo kiểu "sói đơn độc" của những người bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cướp đi sinh mạng hơn 250 người.

Việc xét xử các nghi phạm được tiến hành tại một tòa án đặc biệt ở Paris và quá trình lắng nghe lời khai, đánh giá của 150 nhân chứng và chuyên gia trong thời gian dự kiến kéo dài 2,5 tháng sẽ nhắc lại một trong những chương đau thương nhất trong lịch sử hiện đại của nước Pháp. (AFP)

Giáo hoàng Francis cảnh báo Lebanon đối mặt "mối nguy hiểm cực độ" sau vụ nổ

Giáo hoàng Francis ngày 2/9 cảnh báo rằng Lebanon đã đối mặt với "mối nguy hiểm cực độ đe dọa sự tồn vong thực sự của nước này" sau vụ nổ kinh hoàng hồi tháng trước tại cảng Beirut.

Trong cuộc gặp công chúng đầu tiên trong 6 tháng qua với số lượng người tham dự hạn chế do dịch bệnh Covid-19, Giáo hoàng Francis nói: "Lebanon không thể bị bỏ rơi đến cô độc như vậy".

Hôm 4/8, tại cảng biển Beirut liên tiếp xảy ra hai vụ nổ lớn làm rung chuyển khắp thủ đô của Lebanon, làm khoảng 190 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại và tổn thất kinh tế do vụ nổ kinh hoàng tại Lebanon vào đầu tháng này lên tới 8,1 tỷ USD và quốc gia này sẽ cần tới hàng trăm triệu USD tiền viện trợ để có thể phục hồi. (AFP)

Thủ tướng Libya cam kết thực thi lệnh ngừng bắn mới

Ngày 1/9, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận Fayez Serraj nhấn mạnh cam kết về một lệnh ngừng bắn ở nước này trong khuôn khổ cuộc gặp với Đại diện Cấp cao về Chính sách và An ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell.

Theo thông cáo từ Văn phòng Thông tin của Thủ tướng, GNA cam kết thực hiện những điều đã công bố và các điểm thoả thuận trong hai tuyên bố có nhiều nội dung được Quân đội Quốc gia miền Đông (LNA) quan tâm như giải giáp thành phố Sirte và quận Jufra, mở cửa trở lại các điểm khai thác dầu mỏ. Thủ tướng Serraj cũng cảnh báo đáp trả mọi cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng thân cận GNA xung quanh thành phố Sirte, đồng thời khẳng định những hành động như vậy có thể cản trở bất kỳ nỗ lực ngừng bắn nào.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU nhấn mạnh "Libya vẫn là ưu tiên hàng đầu" của EU và Brussels "hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mới đây và tiếp tục ủng hộ đối thoại cũng như một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột (ở Libya)".

Trong khuôn khổ cuộc gặp nói trên, Thủ tướng Serraj và ông Borrell còn thảo luận về hoạt động của châu Âu nhằm chống buôn lậu vũ khí đến Libya và nhập cư bất hợp pháp. Theo đó, EU sẽ hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển Libya trong vài tháng tới.

Cùng ngày, Thủ tướng Serraj cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio tại thủ đô Tripoli. Hai bên nhấn mạnh cần khởi động tiến trình chính trị ở Libya, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ thực thi lệnh ngừng bắn cũng như thúc đẩy các giải pháp chính trị, quân sự và kinh tế tại quốc gia Bắc Phi này.

Các quan chức Libya và Italy cũng đề cập nhu cầu cấp bách phải mở lại các mỏ dầu, cảng dầu cũng như nối lại ngay lập tức hoạt động xuất khẩu nguồn nhiên liệu này của Libya.

Cũng trong ngày 1/9, phát biểu tại buổi làm việc với người đồng cấp Libya Salah al-Namroush tại Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Libya trong đào tạo và tư vấn quân sự.

Bộ trưởng Ankar đã nhắc lại quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với GNA, khẳng định Ankara ủng hộ sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libya. (Reuters)

Quốc hội Tunisia thông qua chính phủ mới

Với 134 phiếu thuận và 67 phiếu chống, ngày 2/9, Quốc hội Tunisia đã thông qua chính phủ kỹ trị với hy vọng chấm dứt nhiều tháng bất ổn chính trị để quốc gia Bắc Phi này có thể tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội đang ngày càng trầm trọng.

Cuộc tranh luận đã diễn ra từ ngày 1/9. Phát biểu tại Quốc hội trước phiên tranh luận, Thủ tướng được chỉ định của Tunisia Hichem Mechichi cho biết việc thành lập chính phủ diễn ra trong bối cảnh chính trường Tunisia chìm trong bất ổn và sự kiên nhẫn của người dân đã chạm đến giới hạn.

Cũng theo ông Mechichi, chính phủ mới sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, chấm dứt việc thất thoát tài chính công, khởi động đàm phán với các bên cho vay và bắt đầu chương trình cải cách. (Reuters)