Đại diện các quốc gia tham gia đàm phán tìm tiếng nói chung về sáng kiến hòa bình của Ukraine ở Davos, Thụy Sỹ ngày 14/1/2024. (Nguồn: Twitter) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Cháy tàu du lịch chở gần 100 người trên Vịnh Thái Lan: Ngày 4/4, gần 100 người đã được sơ tán an toàn sau khi một tàu chở khách nghỉ qua đêm bốc cháy ở vùng biển miền Nam Thái Lan.
Truyền thông địa phương đưa tin, hỏa hoạn bùng phát khoảng 6h40, cách đảo du lịch nổi tiếng Koh Tao ở Vịnh Thái Lan khoảng 2 km. Tàu chở khoảng 90 hành khách và 8 thủy thủ bốc cháy khi đang di chuyển từ tỉnh Surat Thani đến hòn đảo du lịch.
Các tàu lân cận đã nhanh chóng đến hiện trường hỗ trợ sơ tán các hành khách và thủy thủ đoàn. Cục trưởng Cục Hàng hải Thái Lan Kritpetch Chaichuay cho biết toàn bộ số người trên tàu được sơ tán an toàn. Ngọn lửa bùng phát từ phòng động cơ đến nay đã được kiểm soát. Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân vụ việc. (Bangkok Post)
Tin liên quan |
Tổng thống Iran họp cùng các lãnh đạo Houthi, Hezbollah, Hamas; một phong trào ở Bờ Tây phản đối Tehran |
*Trung Quốc công bố nội dung điện đàm Tập Cận Bình - Biden: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 3/4 đã trả lời các câu hỏi của báo giới về cuộc điện đàm hôm 2/4 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden.
Theo ông Uông Văn Bân, nguyên nhân sâu xa của vấn đề Bãi Cỏ Mây là do Philippines đã nhiều lần đi ngược lại lời nói của chính mình và cố gắng xây dựng các tiền đồn lâu dài hòng chiếm giữ vĩnh viễn bãi cạn vốn thuộc về Trung Quốc. Theo ông Bân, Mỹ không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông và không nên can thiệp vào các vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines.
Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Bân dự báo tình hình có thể xấu đi và tiếp tục kéo dài, cần nhiều nỗ lực giảm leo thang để chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Ông lưu ý Trung Quốc không tìm kiếm lợi ích từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về vấn đề Bán đảo Triều Tiên. (THX)
*Mỹ-Nhật-Philippines tăng cường phối hợp trong vấn đề Biển Đông: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell ngày 3/4 tuyên bố hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tuần tới giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ góp phần tăng cường công tác phối hợp trong các vấn đề liên quan Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra tại sự kiện do Trung tâm An ninh Mới tổ chức ở Washington, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines gần Bãi Cỏ Mây trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Washington vào ngày 11/4 tới để thảo luận về các mối quan hệ kinh tế và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó, ngày 10/4, Tổng thống Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Kishida. (Reuters)
*Mỹ sắp triển khai tên lửa tầm trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Trả lời phỏng vấn báo Yomiuri ở Tokyo, Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết Mỹ “có kế hoạch trong tương lai gần hợp tác với các đồng minh và đối tác để triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực”. Theo ông Flynn, liên quan đến những tên lửa đang được hiện đại hóa của Trung Quốc, “việc tìm ra biện pháp đối phó là một vai trò hết sức quan trọng đối với Lực lượng Lục quân Mỹ”.
Quan chức Mỹ không nêu tên những loại tên lửa sẽ triển khai, nhưng tờ báo suy đoán rằng chúng phải cỡ Tomahawk, tổ hợp tên lửa Typhoon của Mỹ sử dụng tên lửa phòng không SM6. Năm ngoái, Tướng Flynn cũng đã công bố kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Yomiuri/Sputnik)
*Tổng thống đắc cử Indonesia thăm Malaysia: Ngày 4/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã gặp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto và thảo luận về việc tăng cường quan hệ song phương.
Trước đó, ông Prabowo, hiện đang là Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamed Khaled Nordin. Hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng.
Ông Prabowo tới Malaysia ngày 3/4 trong khuôn khổ chuyến thăm đặc biệt kéo dài 1 ngày, tới quốc gia láng giềng sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. Trước khi đến Malaysia, ông Prabowo cũng đã đến Trung Quốc và Nhật Bản. (Bernama)
Châu Âu
*Nga, Pháp thảo luận về vụ khủng bố ở Moscow: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu ngày 3/4 đã điện đàm kể từ tháng 10/2022 để thảo luận về vụ tấn công ở Moscow do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra hôm 22/3, cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Pháp, trong cuộc điện đàm, ông Lecornu khẳng định Paris luôn sẵn sàng đối mặt với “chủ nghĩa khủng bố” và “tăng cường trao đổi nhằm mục đích chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả nhất có thể. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu dài và mạnh mẽ khi cần thiết nhằm mang lại hòa bình và an ninh cho châu Âu”. (AFP)
*Pháp, Anh bí mật chuẩn bị đưa quân tới Ukraine: Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Luttwak đăng trên cổng thông tin Internet UnHerd cho rằng, NATO sẽ phải gửi quân tới Ukraine nếu không muốn thừa nhận một "thất bại thảm hại".
Theo chuyên gia này, Anh, Pháp cũng như các nước Bắc Âu đang bí mật chuẩn bị gửi quân tới Ukraine, vì Kiev không có đủ nhân lực quân sự. Theo ông Luttwak, quân NATO không nhất thiết phải tham gia chiến đấu mà họ chỉ cần đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện và sửa chữa thiết bị, để các đồng nghiệp Ukraine rảnh tay và tập trung vào làm nhiệm vụ chiến đấu. Ông lưu ý: "Ngay cả khi ngoại giao can thiệp thành công... sức mạnh quân sự của Nga sẽ quay trở lại Trung Âu". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Điện đàm sang Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp 'nói đỡ' cho Ukraine, tuyên bố thẳng sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev |
*Latvia nhận định về kế hoạch lập quỹ 100 tỷ USD mua vũ khí cho Ukraine: Ngày 4/4, Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins tuyên bố các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh giá tích cực đề xuất thành lập quỹ trị giá 100 tỷ USD nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine trong 5 năm tới.
Phát biểu khi tới dự hội nghị ngoại trưởng NATO tại Brussels, nhà ngoại giao Latvia nói: "Các chi tiết vẫn chưa được quyết định, nhưng nhìn chung thái độ đối với các bước đi theo hướng này là tích cực".
Trước đó, tờ New York Times đưa tin một số quốc gia thành viên NATO tỏ ra hoài nghi đề xuất lập quỹ 100 tỷ USD để chi trả cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong 5 năm. Theo ấn phẩm này, "một số đồng minh đã đặt câu hỏi làm thế nào NATO có thể huy động được 100 tỷ USD nếu tổ chức này không có đòn bẩy để huy động tiền của các quốc gia thành viên". Dự kiến, Tổng thư ký LHQ Stoltenberg sẽ nêu đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ vào tháng 7 tới. (AFP)
*Mỹ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO: Ngày 4/4, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Ukraine sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì các nước thành viên của liên minh vẫn dành sự sự ủng hộ "vững chắc" cho Kiev.
Phát biểu với báo giới tại Brussels, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Mục đích của chúng tôi tại hội nghị thượng đỉnh là giúp xây dựng cầu nối cho tư cách thành viên đó".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay các đồng minh NATO đã đồng ý xác định và tìm kiếm các hệ thống phòng không trong kho vũ khí của họ để gửi cho Ukraine. Ông nói: “Các đồng minh sẽ thực hiện việc phân bổ hoặc tìm kiếm - xác định các hệ thống phòng không bổ sung để đưa chúng đến Ukraine, giúp bảo vệ bầu trời của chúng ta”. (Reuters)
*Nga tuyên bố "sẵn sàng cho mọi thứ": Phát biểu ngày 4/4 nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố phương Tây đã có cơ hội để tự mình chứng kiến rằng Nga đã chuẩn bị cho bất cứ sự biến động nào và an ninh quốc gia của Nga là vững chắc.
Bà Zakharova bày tỏ tin tưởng rằng sự thất bại trong các kế hoạch của NATO ở Ukraine hiện đang đẩy Liên minh Bắc Đại Tây Dương hướng đến những hành động có thể có tác động hủy hoại đối với an ninh toàn cầu.
Theo bà Zakharova, trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Moskva đã thực hiện các bước để giảm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh NATO khác. Bà Zakharova tuyên bố: "Ukraine, quốc gia đang cố tình trở thành nước 'chống Nga', đã được giao vai trò chính trong việc kiềm chế Nga". (TASS)
*Nga phạt tù một người đàn ông làm gián điệp cho Đức: Một tòa án Nga ngày 4/4 xác nhận một người đàn ông nước này đang tìm cách chuyển các bí mật cho chính phủ Đức nhằm đổi lấy sự giúp đỡ để đến Đức.
Tòa án Omsk cho biết cư dân 46 tuổi của vùng Omsk thuộc Siberia đã thu thập thông tin quân sự bí mật và "cố gắng thiết lập liên lạc" với một quan chức Đức. Theo truyền thông địa phương, các cơ quan an ninh đã bắt giữ người đàn ông này hồi tháng 6/2023 và phát hiện ông ta có một chiếc USB chứa tọa độ của các đơn vị quân đội Nga.
Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) hồi tháng 2 cũng đã bắt giữ một phụ nữ Nga gốc Mỹ vì tội danh phản quốc sau khi người này bị cáo buộc gây quỹ tài trợ cho quân đội Ukraine. Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine hai năm trước, chính quyền đã kết tội phản quốc đối với hàng chục người bị cáo buộc giúp đỡ Kiev và phương Tây. (Sputnik News)
Châu Phi – Trung Đông
*Tấn công khủng bố tại Iran khiến 5 nhân viên an ninh thiệt mạng: Truyền hình nhà nước Iran đưa tin ít nhất 5 nhân viên an ninh đã thiệt mạng và 10 người bị thương khi các tay súng thuộc nhóm Jaish al-Adl đã thực hiện 2 vụ tấn công khủng bố vào trụ sở Vệ binh Cách mạng Iran ở thị trấn Chabahar và Rask, thuộc tỉnh Sistan-Baluchestan, ở Đông Nam nước này vào ngày 4/4. .
15 tay súng đã bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và các đối tượng tấn công.
Jaish al-Adl, một nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni cực đoan, đang đòi các quyền lớn hơn và điều kiện sống tốt hơn cho người dân tộc thiểu số Baluchis, nơi hiện có đa số là người Hồi giáo dòng Shi'ite.
Nhóm này đã thừa nhận tiến hành một số vụ tấn công trong những năm gần đây nhằm vào lực lượng an ninh Iran ở tỉnh phía Đông Nam nước này. Tháng 12/2023, nhóm vũ trang trên cũng tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Rask, làm 11 nhân viên an ninh thiệt mạng và nhiều người bị thương. (Al Jazeera)
*Nga ủng hộ kết nạp Palestine vào Liên hợp quốc: Phó đại diện Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polianski trên kênh Telegram tuyên bố ủng hộ việc kết nạp Palestine vào LHQ.
Ông Polianski cho rằng việc này lẽ ra phải tiến hành từ lâu. Ông cũng nhắc lại khi Palestine đệ đơn gia nhập lần đầu vào năm 2011 Mỹ đã không ủng hộ, giờ đây ông cho rằng cần theo dõi phản ứng của Washington liên quan đến nguy cơ xóa sổ dải Gaza.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng cần thi hành quyết định thành lập nhà nước Palestine của HĐBA LHQ ngay lập tức, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay tại Trung Đông đang khiến vấn đề thành lập nhà nước Palestine trở nên "gay gắt" hơn bao giờ hết.(Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Paraguay đóng cửa một loạt sứ quán: Ngoại trưởng Paraguay Rubén Ramírez Lezcano ngày 3/4 cho biết chính phủ nước này đã quyết định đóng cửa các đại sứ quán tại 5 quốc gia không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Asunción, gồm Ai Cập, Canada, Bồ Đào Nha, Australia và Thụy Sĩ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, ông Ramírez Lezcano nhấn mạnh quyết định đóng cửa đại sứ quán tại 5 quốc gia trên dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế, đồng thời khẳng định biện pháp này sẽ giúp Paraguay tiết kiệm ngân sách quốc gia dành cho việc duy trì các cơ quan đại diện tại nước ngoài.
Theo Bộ Ngoại giao Paraguay, việc đóng cửa 5 cơ quan đại diện ngoại giao nói trên sẽ giúp Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này tiết kiệm được khoảng 8 triệu USD tiền ngân ngân sách mỗi năm.(AFP)
*Tội phạm có vũ trang tấn công Thư viện Quốc gia Haiti, phát hủy tài liệu quý 200 năm tuổi: Tổng Giám đốc Thư viện Quốc gia Haiti Dangelo Néard xác nhận băng nhóm tội phạm có vũ trang đã tấn công cơ sở nằm ở trung tâm thủ đô này trong ngày 3/4, phá hủy nhiều tài liệu quý hiếm hơn 200 năm tuổi và có tầm quan trọng về mặt di sản.
Cùng ngày, Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS) đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước trong khu vực hỗ trợ lực lượng an ninh Haiti khôi phục trật tự. Hội đồng Thường trực OAS đã nhóm họp tại Washington sau khi nổ ra làn sóng bạo lực mới với nhiều vụ đụng độ dữ dội giữa Cảnh sát Quốc gia Haiti và các băng nhóm vũ trang xung quanh Cung điện Quốc gia ở thủ đô Port-au-Prince.
Tình hình tại quốc gia Caribe “xấu đi hoàn toàn” khi các băng nhóm có vũ trang chiếm đóng gần như toàn bộ lãnh thổ. (AFP)
*Canada: Thu hồi gần 600 ô tô bị đánh cắp: Ngày 3/4, đại diện của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) cùng cảnh sát tỉnh bang Ontario và Quebec đã ra thông báo về những bước tiến đáng kể đã đạt được trong việc ngăn chặn nạn đánh cắp ô tô.
Gần 600 xe bị đánh cắp đã được thu hồi ở thành phố Montréal thuộc tỉnh bang Quebec sau một hoạt động chung giữa lực lượng cảnh sát và CBSA. Kể từ tháng 12/2023, CBSA và lực lượng cảnh sát đã kiểm tra 390 container vận chuyển.
Chính phủ Canada cho biết khoảng 90.000 ô tô bị đánh cắp mỗi năm ở Canada. Vào năm 2023, cảnh sát Montréal ước tính có hơn 11.000 xe được thông báo bị đánh cắp ở khu vực này, tăng mạnh so với 9.000 xe ghi nhận năm 2022. Số vụ trộm xe đã tăng đều kể từ năm 2019. (Reuters)
| Cố vấn cấp cao tử vong ở Syria, Iran tố Israel, cảnh báo 'trả giá' Reuters dẫn tin từ các nguồn an ninh và truyền thông của nhà nước Iran cho biết, một cố vấn cấp cao của Lực lượng ... |
| Vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria: Giọt nước có tràn ly? Israel đã tăng cường chiến dịch quân sự chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực sau vụ tấn công của ... |
| Nguy cơ Nga chọc thủng 'lá chắn' phòng thủ của Ukraine, Tổng thống Zelensky hạ tuổi nhập ngũ Theo các sĩ quan cấp cao Ukraine, bức tranh quân sự rất ảm đạm và các tướng Nga có thể đạt được thành công ở ... |
| Tin thế giới 3/4: Mỹ nói gì với Nga trước thảm họa tấn công khủng bố? Ông Hun Sen làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia, động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua. |
| Ngoại trưởng Mỹ công du châu Âu: Nỗ lực gắn kết đồng minh Tới Pháp và Bỉ từ ngày 1-5/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken muốn gia cố sự can dự của các đồng minh châu Âu trong ... |