📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 10/12: Khai mạc Hội nghị ADMM-14; Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất khối

Huyền Trâm 09:30 | 10/12/2020
TGVN. Khai mạc Hội nghị ADMM-14; Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất khối… là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 10/12.
Toàn cảnh hội nghị ADMM-14. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14

Ngày 9/12, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) được Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng các nước ASEAN tại Việt Nam. Dự Hội nghị tại điểm cầu các nước có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn.

Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN đối với Việt Nam kể từ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đến nay.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, đại dịch do Covid-19 gây ra đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân trên khắp thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực và cả thế giới, thậm chí có nguy cơ làm biến đổi địa chính trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN phải chịu đựng liên tiếp những đợt thiên tai, bão lụt, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của, để lại hậu quả kinh tế - xã hội lâu dài. Hòa bình, ổn định của khu vực lại càng mong manh hơn trước nguy cơ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ASEAN đã thể hiện tinh thần “gắn kết” và “chủ động thích ứng” theo đúng chủ đề Năm ASEAN 2020. Mặc dù nhiều hoạt động bị hoãn hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, nhưng các nước ASEAN lại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống Covid-19 với kết quả cụ thể là một loạt các sáng kiến như Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tổng thể phục hồi ASEAN hậu Covid-19 đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Trong lĩnh vực quốc phòng, mặc dù Bộ Quốc phòng và Quân đội đều là lực lượng nòng cốt trong nỗ lực chung của Chính phủ mỗi nước trong phòng, chống dịch Covid-19, ASEAN vẫn duy trì được đà hợp tác quốc phòng thông qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số phục vụ thông tin liên lạc và thực hiện các cuộc họp trực tuyến.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, trên cơ sở Tuyên bố của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng trong phòng, chống dịch bệnh, các nước ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác phòng, chống Covid-19 thông qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế, hợp tác kiểm soát di chuyển xuyên biên giới, hợp tác phát triển bộ xét nghiệm, vaccine.… và tổ chức thành công Diễn tập xử lý tình huống trực tuyến về phòng, chống Covid-19 của lực lượng Quân y ASEAN.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau xem xét, thông qua một loạt các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN, Kế hoạch hoạt động 3 năm của ADMM giai đoạn 2020-2022, đặc biệt là Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 10/12 và một số nội dung liên quan.

(QĐND)

Đại sứ Vũ Quang Minh chủ trì cuộc họp ARMAC 14. (Nguồn: TTXVN)

Ban chỉ đạo ARMAC 14 đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam

Ngày 9/12, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh với vai trò là Chủ tịch luân phiên đã chủ trì Cuộc họp thứ 14 Ban chỉ đạo Trung tâm hành động bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC) tại trụ sở của ARMAC ở thủ đô Phnom Penh.

Cuộc họp được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của các thành viên trong Ban chỉ đạo ARMAC và đại diện các nước thuộc ASEAN. Cuộc họp đã tập trung xem xét và thông qua Báo cáo tóm tắt về Cuộc họp thứ 13 Ban chỉ đạo ARMAC và những vấn đề phát sinh từ Cuộc họp thứ 13 cho tới nay; thảo luận về việc tổ chức ra mắt Nhóm những người bạn của ARMAC (FOA), một sáng kiến quan trọng của Việt Nam được ARMAC hoan nghênh; xác định thời gian và địa điểm tổ chức Cuộc họp thứ 15 Ban chỉ đạo ARMAC.

Cùng ngày, lễ bàn giao chức Chủ tịch Ban chỉ đạo ARMAC từ Việt Nam cho Brunei năm 2021 đã diễn ra. Theo cơ chế ARMAC, các bên nhất trí lựa chọn Việt Nam và Campuchia là Phó Chủ tịch Ban chỉ đạo ARMAC năm 2021.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao vai trò Chủ tịch luân phiên Ban chỉ đạo ARMAC của Đại sứ Vũ Quang Minh, đặc biệt với sáng kiến Những người bạn của ARMAC (FOA) nhằm nâng cao vai trò và hình ảnh của ARMAC cũng như vận động sự ủng hộ rộng rãi từ các đối tác công-tư cho hoạt động của ARMAC; chào mừng và cam kết hợp tác chặt chẽ với Giám đốc Điều hành mới của ARMAC trong việc thúc đẩy hoạt động của ARMAC.

Về cơ chế FOA của ARMAC, tính đến nay, đã có hơn 30 thành viên gồm Đại sứ quán các nước tại Campuchia, các cơ quan tổ chức, lĩnh vực tư nhân và các trường đại học đồng ý gia nhập FOA của ARMAC, tuy nhiên lễ ra mắt FOA của ARMAC đã tạm thời bị hoãn do tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

(ĐSQ Việt Nam tại Campuchia)

COVAX đặt mục tiêu đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: AFP)

ASEAN và EU trao đổi các chính sách về tiếp cận vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả

Ngày 8/12, ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đã trao đổi các thực tiễn tốt nhất về chính sách và các cơ hội hợp tác về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong thông cáo, Phái đoàn EU tại ASEAN cho rằng với tư cách là hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, ASEAN và EU có chung lợi ích trong việc theo đuổi cách tiếp cận đa phương nhằm tiếp cận vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả, với giá cả phải chăng, công bằng và bình đẳng.

Thông cáo cho biết Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần thứ 23 diễn ra vào ngày 1/12 vừa qua đã khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và việc cung ứng vaccine Covid-19 như một loại hàng hóa công cộng toàn cầu.

EU đã đóng góp 500 triệu Euro (hơn 605 triệu USD) viện trợ không hoàn lại và các khoản vay được đảm bảo cho Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX). COVAX đặt mục tiêu đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng, miễn phí và công bằng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tính đến nay, cơ chế này đã thu hút sự tham gia của 189 nền kinh tế.

Hợp tác song phương về vaccine được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ rộng rãi của EU dành cho Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá 800 triệu Euro nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 trong khu vực. Tuần trước, EU đã công bố chương trình hỗ trợ mới mang tên “Chuẩn bị và ứng phó với đại dịch y tế ở Đông Nam Á” trị giá 20 triệu Euro.

Cuộc đối thoại trực tuyến ngày 8/12 đã cung cấp nền tảng cho các nhà thực thi chính sách hàng đầu của ASEAN và EU, cũng như các chuyên gia y tế nhằm trao đổi về các chiến lược và khía cạnh thực tế của việc cấp phép, sản xuất và phân phối vaccine.

(WAH)

Cập nhật tình hình Covid-19

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.870 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 29.540 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 8/12. (Nguồn: TTXVN)

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công nước này với 959 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 5 ca tử vong mới vì Covid-19.

Tại Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.427 ca bệnh mới và 23 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 29.542 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 206 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.280.896 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.107.025 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Chỉ có LàoBrunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 9/12.

(TTXVN)